Bé thức khuya, ngủ hay giật mình nửa đêm, khó ngủ hay quấy khóc vào ban đêm,… khiến mẹ lo lắng. Mẹ mong muốn tìm được mẹo cho bé ngủ đêm ngon giấc hiệu quả? Thấu hiểu những trăn trở đó, Góc của mẹ gợi ý 11 mẹo cho con ngủ đêm ngoan dễ áp dụng được chia sẻ từ các chuyên gia hàng đầu Hoa Kỳ. Theo dõi và áp dụng ngay thôi mẹ ơi!
Mục lục
1. 11 mẹo cho bé ngủ ngon giấc suốt cả đêm
Theo Tiến sĩ Sumit Bhargava, Giám đốc Trung tâm Giấc ngủ Sức khỏe Trẻ em Stanford nhận định: “Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng đối với mỗi người, và đặc biệt đối với những bé dưới 4 tuổi bởi đây là giai đoạn bé phát triển toàn diện về cả trí tuệ và thể chất. Thời điểm tiết hormone tăng trưởng mạnh nhất của bé là ngay sau khi bé bắt đầu giấc ngủ sâu”.
Vì vậy, giấc ngủ quyết định đến sự phát triển về nhận thức và thể chất của bé. Khi bé ngủ không đủ, chất lượng giấc ngủ kém, mẹ có thể dễ dàng nhận ra nhờ những biểu hiện dưới đây:
- Bé khó ngủ về đêm: Bé trằn trọc không ngủ được, rất khó dỗ bé ngủ
- Giấc ngủ bị gián đoạn: Bé giật mình tỉnh giấc, trở mình, quấy khóc nửa đêm
- Bé ngủ nhiều vào ban ngày và tỉnh táo vào đêm do rối loạn nhịp sinh học
Làm thế nào để con ngủ ngon giấc? Cùng tham khảo những mẹo cho bé ngủ đêm ngon giấc mà chuyên gia Adam Seligman – Trợ lý bác sĩ tại Trung tâm Giấc ngủ Sức khỏe Trẻ em Stanford mẹ nhé!
1.1. Tập thói quen trước khi đi ngủ cho bé
Mẹo cho bé ngủ đêm ngon giấc đầu tiên đó là tập thói quen trước khi ngủ cho bé. Làm những việc giống nhau cùng một thời điểm trước giờ đi ngủ của bé, lâu dần sẽ hình thành phản xạ có điều kiện cho bé. Việc này không chỉ giúp ích sự phát triển giấc ngủ mà còn hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển về trí tuệ và thể chất của bé.
Trước khi đi ngủ khoảng 30 phút, mẹ có thể hát, kể chuyện, đọc sách, xem tranh vẽ, nghe nhạc,… cho bé.
Với những bé lớn (khoảng từ 3 tuổi), mẹ hãy “tham khảo” ý kiến của con về việc thực hiện kế hoạch này như thế nào, chẳng hạn như bé muốn nghe kể chuyện gì? Bé muốn đọc bao nhiêu cuốn truyện trước khi đi ngủ. Như vậy mẹ biết con thích gì, bé cũng hứng thú và “hợp tác” với mẹ hơn. Đây cũng là một mẹo nhỏ giúp bé ngủ ngon vào ban đêm mà rất ít mẹ để ý tới
1.2. Dành nhiều thời gian ở bên con trước khi ngủ
Bé có cảm giác bất an, lo lắng nếu bố mẹ không ở cạnh khi ngủ. Trò chuyện, vui chơi cùng bé trước giờ ngủ sẽ giúp bé an tâm ngủ, tình cảm của mẹ và bé cũng khăng khít hơn nhiều đó ạ!
Trước khi bé ngủ 30 phút, mẹ hỏi về ngày hôm nay của con ra sao, kể những câu chuyện ý nghĩa cho bé. Với bé dưới 3 tháng tuổi, mẹ dành 10 đến 15 phút để giao tiếp với bé bằng mắt, ôm, hôn bé, hoặc hát, nói bé nghe những lời âu yếm, bé sẽ cảm nhận được tình yêu của mẹ nhiều hơn đó.
Khi nói chuyện với bé, mẹ nhớ nói điều tích cực, hấp dẫn khéo léo lồng ghép nhiều bài học thú vị, đừng quên khen ngợi bé nhiều hơn mẹ nha! Bạn có thể kết hợp mẹo cho bé ngủ đêm ngon giấc này với kể chuyện ở trên để bé luôn hào hứng muốn đi ngủ.
Xem thêm: 6 cách dỗ trẻ sơ sinh ngủ cực đơn giản và hiệu quả cho mẹ
1.3. Tập cho bé ngủ đúng giờ
Ngủ đúng giờ là một thói quen tốt cho giấc ngủ của bé, giúp cơ thể bé bài tiết đầy đủ các hormon tăng trưởng. Việc ngủ ngày quá nhiều, ngủ tốt muộn khiến bé ngủ không sâu giấc, bé khó vào giấc ngủ, ảnh hưởng đến việc tiết hormon của bé.
Mẹ nên luyện cho bé thói quen ngủ trước 9:00 tối đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày.
Lưu ý: Bé cần ngủ đủ từ 10 – 12 giờ mỗi đêm, nếu bé phải dậy sớm đi học, mẹ để con ngủ sớm hơn một chút để đảm bảo con ngủ đủ giấc nhé.
1.4. Không cho bé xem điện thoại và các thiết bị điện tử khác
Ánh sáng từ màn hình điện thoại hay các thiết bị điện tử ức chế tổng hợp hormon gây buồn ngủ là melatonin và serotonin, làm giảm cảm giác buồn ngủ của bé.
Do vậy, mẹ nên tắt hết các thiết bị điện tử và không cho bé sử dụng điện thoại trước giờ ngủ của bé 1 – 2 giờ. Vào ban ngày, thay vì để bé sử dụng điện thoại, tivi, mẹ khuyến khích bé hoạt động vui chơi nhẹ nhàng để bé có thể phát triển toàn diện, tránh phụ thuộc vào thiết bị điện tử mẹ nhé!
1.5. Thưởng cho bé khi bé ngủ ngon
Khi bé thấy mình được khen thậm chí là được tặng quà, bé sẽ muốn lặp lại hành vi đó, lâu dần sẽ hình thành thói quen cho bé. Mỗi khi ngủ ngoan, mẹ hãy khen ngợi bé hoặc thưởng cho bé những món quà dễ thương như 1 món đồ chơi, một món ăn yêu thích của bé, một cuốn truyện hoặc một buổi đi chơi, dần dần bé sẽ “yêu” luôn việc ngủ và ngủ rất ngoan đó.
Lưu ý: Tặng thưởng sẽ khích lệ bé duy trì thói quen tốt, nhưng mẹ không nên quá lạm dụng chúng. Thỉnh thoảng, mẹ tạo đôi chút bất ngờ đặc biệt cho bé thôi chứ đừng ngày nào cũng tặng thưởng khiến bé mất ý thức tự giác và chỉ thực hiện khi nhận được quà mẹ nhé.
Xem thêm: Mách mẹ 2 cách quấn khăn cho bé ngủ ngon siêu đơn giản
1.6. “Vệ sinh giấc ngủ” – Tạo môi trường ngủ thoải mái cho bé
Tâm trí của bé càng thư giãn thì bé càng dễ dàng chìm vào giấc ngủ nhanh chóng. “Vệ sinh giấc ngủ” để tạo môi trường ngủ tốt nhất cũng là một cách khiến bé cảm thấy thoải mái, thư giãn và giúp bé thuận lợi đi vào giấc ngủ.
3 lưu ý cho mẹ:
- Phòng ngủ của bé: mẹ nên thu dọn đồ chơi của bé trước khi bé đi ngủ để giữ phòng bé luôn gọn gàng, sạch sẽ. Đồng thời giữ không khí trong phòng bé thoáng mát vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông và tránh để gió thổi trực tiếp vào bé.
- Nhiệt độ phòng: Thường trong khoảng 18 – 25 độ C, không quá lạnh và cũng không quá nóng.
- Đồ ngủ của bé: Mẹ nên chọn những bộ đồ ngủ có chất liệu cotton mềm, rộng, thoáng mát, ưu tiên chọn áo dài tay và quần dài để tránh bé bị cảm lạnh.
Mẹo nhỏ cho mẹ: Trang trí không gian ngủ theo sở thích của bé sẽ tạo sự gắn kết giữa bé và phòng ngủ hơn, bé hợp tác hơn trong việc đi ngủ.
Ngoài các mẹo trên, mẹ cũng có thể tham khảo các mẹo cho bé ngủ đêm ngon giấc đơn giản, hiệu quả mà nhiều mẹ đã áp dụng thành công.
1.7. Massage cho bé trước khi đi ngủ
Massage không chỉ giúp bé thư giãn mà còn hỗ trợ hệ thống tuần hoàn, hô hấp, thần kinh, tiêu hóa của bé hoạt động tốt. Khi mẹ massage cho bé, cơ thể bé tiết ra hormon Dopamin khiến bé dễ dàng đi vào giấc ngủ, giảm hiện tượng chảy nước miếng khi ngủ.
Mẹ nên massage cho bé trước giờ đi ngủ của bé từ 30 – 1 giờ:
- Bước 1 – Massage mặt: Vuốt ve nhẹ nhàng khuôn mặt bé từ trán sang hai bên thái dương, từ mũi sang tai và từ vùng má xuống cằm. Dùng ngón tay vuốt nhẹ từ lông mày đi vòng qua thái dương thành một vòng tròn và xoa nhẹ hai ráy tai và quanh lỗ tai bé
- Bước 2 – Massage bụng: Nhẹ nhàng xoa vùng bụng của bé thành các đường tròn quanh rốn theo chiều kim đồng hồ
- Bước 3 – Massage tay và chân: Dùng ngón tay xoa và ấn nhẹ vào lòng bàn tay đồng thời nắn xoay nhẹ nhàng các ngón tay của bé. Nắn bóp nhẹ nhàng chân bé và vuốt ve lòng bàn chân, dùng ngón tay cái xoa mắt cá chân bé theo chiều kim đồng hồ
- Bước 4 – Massage lưng: Cẩn thận đặt bé nằm sấp và vuốt dọc theo sống lưng đến mông, từ đốt sống lưng vuốt xuôi sang hai bên hông.
Lưu ý nhỏ cho mẹ: Mẹ có thể sử dụng dầu massage giúp làm mềm và cung cấp độ ẩm cho da bé. Nếu sử dụng dầu, mẹ dùng một chiếc khăn mềm để đặt bé, tránh dầu dính vào ga giường nhé.
Để massage cho bé ngủ ngon đạt hiệu quả tối ưu nhất, mẹ cần chú ý một số điểm sau:
- Thời gian mỗi lần massage khoảng 5 – 10 phút, một ngày chỉ nên massage cho bé 1 – 2 lần
- Trò chuyện với bé, bé sẽ cảm nhận tình yêu của mẹ sâu sắc hơn, tăng gắn kết giữa hai mẹ con
1.8. Không cho bé ngủ trong lúc bú
Theo Ths. Nguyễn Thành Nam – Phó trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai chia sẻ: Không nên cho bé ngủ trong lúc bú bởi nó tồn tại rất nhiều rủi ro cho bé như sặc sữa, trào ngược dạ dày, tắc nghẽn đường hô hấp và có thể dẫn đến tử vong nếu không phát hiện kịp thời. Không những thế thói quen bú khi ngủ khiến giấc ngủ của bé không ổn định, bé rất dễ thức dậy vào nửa đêm và lại đòi bú mẹ. Điều này khiến cả mẹ lẫn bé đều mệt mỏi.
Muốn thay đổi thói quen xấu này của bé, mẹ nên cẩn thận quan sát các khung giờ bé có biểu hiện buồn ngủ (gật gù, mắt lim dim, ngáp..) và cho bé ăn xa khung giờ này.
1.9. Tập thói quen ngủ trưa tốt cho bé
Một số mẹ nghĩ nguyên nhân bé khó ngủ vào buổi đêm là do bé ngủ trưa nhiều, tự ý cắt giấc ngủ trưa. Điều này khiến con mệt mỏi hơn đó mẹ. Ngoài ngủ tối, giấc ngủ trưa cũng đóng một vai trò vô cùng quan trọng, giúp bé cải thiện tâm trạng, tinh thần và sức khỏe.
Theo T. Berry Brazelton – Bác sĩ nhi khoa cho rằng: Khi bé được 18 tháng, thời gian ngủ trưa thường từ giữa trưa đến 2 giờ chiều, không nên để bé ngủ quá 3 giờ, nếu không bé sẽ khó đi ngủ vào ban đêm.
1.10. Sử dụng núm vú giả
Nếu bé cần phải ti mẹ hoặc ti bình mới ngủ được thì mẹ hãy thử sử dụng núm vú giả nhé! Không chỉ có tác dụng trấn an bé, nghiên cứu cho thấy sử dụng núm vú giả trong khi ngủ giúp giảm nguy cơ SIDS – Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh.
1.11. Cho bé ngủ cùng phòng với mẹ nhưng không chung giường
James McKenna – Trưởng phòng nghiên cứu hành vi và giấc ngủ của bé thuộc trường Đại học Notre Dame đưa ra quan điểm: Việc cho bé ngủ cùng ba mẹ là cách để chăm sóc con khi bé còn quá nhỏ. Tuy nhiên, có rất nhiều rủi ro khi cho bé ngủ chung giường với mẹ như: Bố mẹ nằm đè lên bé, chăn che kín người bé, diện tích giường nhỏ khiến bé bị ngã,…
Tốt nhất, mẹ mua cũi đặt trong phòng của mẹ và cho bé ngủ riêng mẹ nhé!
3. 8 Sai lầm ảnh hưởng xấu đến giấc ngủ của bé
Ngoài những mẹo cho bé ngủ đêm ngon giấc trên, có những thói quen tưởng như bình thường nhưng lại vô tình gây ảnh hưởng đến giấc ngủ của bé. Mẹ lưu lại để tránh 8 sai lầm dưới đây nhé.
- Cho bé ăn, uống quá no trước khi ngủ khiến thức ăn chưa kịp tiêu hóa, dạ dày lại tăng tiết dịch vị nhiều hơn gây ứ đọng, chướng bụng và trào ngược, bé cảm thấy khó chịu ngủ không ngon giấc.
- Để cho bé vận động quá nhiều trước khi đi ngủ làm tăng nhịp tim, tăng huyết áp, mỏi cơ khiến bé khó đi vào giấc ngủ.
- Lạm dụng võng, nôi điện sẽ khiến giấc ngủ của bé phụ thuộc vào những vật dụng này. Việc sử dụng các vật dụng hỗ trợ bé ngủ lâu dần hình thành thói quen không tốt, bé có thể sẽ quấy khóc không chịu ngủ nếu như không được sử dụng những vật dụng đó.
- Không thay tã cho bé trước khi ngủ, vùng mặc tã bị bẩn khiến bé bí bách, khó chịu, khó ngủ, dễ quấy khóc.
- Để phòng bé ngủ quá sáng: Bé giảm cảm giác buồn ngủ do ánh sáng từ các thiết bị điện tử làm cơ thể bé giảm sản xuất melatonin và serotonin – hormone gây buồn ngủ.
- Sử dụng thuốc an thần gây ngủ tùy tiện cho bé mà chưa tham khảo ý kiến bác sĩ gây ra những tác dụng không mong muốn cho bé
- Sử dụng loại tã thấm hút kém có thể khiến bé tỉnh giấc giữa đêm, quấy khóc khi tè vì cảm giác ẩm ướt, khó chịu.
- Không gian ngủ của bé bị ồn ào: Không gian nơi bé ngủ không yên tĩnh khiến bé dễ thức giấc quấy khóc về đêm.
Các vấn đề về giấc ngủ có thể ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện về tinh thần và thể chất của bé. Chỉ cần mẹ thiết lập thói quen ngủ khoa học, bé của mẹ sẽ ngủ ngon giấc cả đêm dài.
Mẹ lưu ý: Nếu bé nhà mình có biểu hiện khó ngủ, quấy khóc về đêm,… kéo dài hơn 2 – 4 tuần, mẹ nên đưa bé đi bác sĩ để được tư vấn và xử lý kịp thời mẹ nha!
Hy vọng với những mẹo cho bé ngủ đêm ngon giấc nhỏ trên có thể giúp mẹ an tâm và bé khỏe mạnh phát triển tốt hàng ngày. Trong quá trình áp dụng các mẹo cho bé ngủ đêm ngon giấc trên, mẹ có bất kỳ câu hỏi nào cần tư vấn giúp đỡ hãy để lại bình luận bên dưới nhé!.