Mẹ bỉm mới có bé, chưa có kinh nghiệm thường rất đắn đo về việc nêm gia vị vào thức ăn cho con. Mẹ lầm tưởng là không được nêm gia vị cho bé nhưng thực ra chỉ là không nên cho con ăn sớm thôi ạ. Tham khảo bài viết ngay để biết tại sao không nêm gia vị cho trẻ sớm và cách thêm gia vị đúng chuẩn, giúp món ăn thêm thơm ngon và dậy vị mẹ nhé.
Mục lục
1. 5 lý do mẹ không nên nêm gia vị sớm cho bé
Gia vị khiến món ăn thêm màu sắc và dậy hương vị, kích thích giác quan giúp con ăn giỏi hơn. Tuy nhiên, việc nêm gia vị cho bé sơ sinh khi chưa được 1 tuổi là không cần thiết mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho bé đó mẹ.
1- Gây biếng ăn, rối loạn vị giác ở bé
Bé mới tập ăn dặm đối với các loại thực phẩm đều rất bỡ ngỡ, chưa phân biệt được sự khác nhau. Giai đoạn này là bước đệm để tạo nhận thức cho bé về màu sắc, hương vị và hình dáng của mọi loại thực phẩm. Nếu mẹ nêm gia vị sớm, bé sẽ không thể phân biệt được mùi vị này là của thức ăn hay là gia vị, dẫn tới cảm nhận sai lệch vị của thức ăn, kéo dài sẽ gây ra tình trạng rối loạn vị giác và biếng ăn ở bé đó ạ.
2- Nguy cơ bé mắc bệnh tim mạch
Hầu hết các loại gia vị đều có chứa một lượng muối nhất định, ăn nhiều sẽ làm bé khát và uống nước liên tục, tạo ra áp lực nước cao. Lượng nước này sẽ di chuyển vào trong lòng mạch làm thể tích máu gia tăng, trái tim bé phải làm việc hết hiệu suất để vận chuyển lượng máu này đi đến các bộ phận trên cơ thể. Tim còn non nớt mà lại hoạt động quá sức dễ khiến con mệt mỏi, tệ hơn là dẫn đến hiện tượng suy tim, cực nguy hiểm đó mẹ.
3- Suy giảm chức năng gan và thận của bé
Không chỉ tim mà gan và thận của bé dưới 1 tuổi vẫn chưa hoàn thiện, hệ tiêu hóa của con chỉ tiêu hóa được những thực phẩm tự nhiên, các hợp chất đơn giản. Gia vị lại là kết cấu phức tạp giữa các chất, dễ gây khó tiêu và nếu nạp thường xuyên, gan và thận bé sẽ phải làm việc quá sức để tiêu hóa lượng gia vị đó. Tình trạng này kéo dài làm suy giảm chức năng gan và thận. Vì vậy, tránh nêm gia vị cho bé cưng quá sớm mẹ nhé.
4- Dễ gây bệnh dạ dày cho bé
Thành phần chính tạo nên muối và các loại gia vị khác như hạt nêm, bột canh, nước mắm là natri. Nghiên cứu của Susan Thapa vào năm 2019 cho kết quả rằng, chế độ ăn nhiều muối khiến bé dễ bị ung thư dạ dày do natri gây loét, viêm niêm mạc dạ dày. Bé sơ sinh ăn nhiều gia vị mỗi ngày cũng tạo điều kiện cho vi khuẩn Helicobacter Pylori (HP) phát triển, chúng tấn công hệ tiêu hóa của bé và làm tăng khả năng mắc bệnh ung thư dạ dày cao hơn gấp 2 lần.
5- Mẹ khó tập cho bé thói quen ăn uống khoa học
Không chỉ khi còn nhỏ mà lúc con lớn lên, mẹ vẫn nên tập cho con thói quen ăn uống lành mạnh, hạn chế đồ ăn mặn. Nếu còn nhỏ mà mẹ cho bé làm quen gia vị sớm, con sẽ quen và lúc nào cũng chỉ thích ăn mặn, món ăn không thêm gia vị là không chịu ăn. Cứ duy trì như thế sẽ thành một thói quen xấu, mẹ khó để tập cho bé ăn uống điều độ, tăng nguy cơ mắc bệnh đó ạ.
Mẹ đừng nêm gia vị sớm và đợi tới thời điểm thích hợp mới cho con làm quen với gia vị. Lưu lại thông tin chi tiết về thời điểm cho con làm quen với gia vị dưới đây mẹ nhé:
2. Thời điểm thích hợp để bé làm quen với gia vị
Theo Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ, mẹ chỉ nên thêm gia vị khi bé được 1 tuổi trở lên, nhưng nêm với số lượng rất ít. Cụ thể:
Gia vị | Trẻ từ 1 – 3 tuổi | Trẻ trên 3 tuổi |
Muối | 1/2 muỗng cà phê | Ăn theo khẩu vị gia đình |
Hạt nêm | 1/2 muỗng cà phê | Ăn theo khẩu vị gia đình |
Tiêu | 1/4 muỗng cà phê | Ăn theo khẩu vị gia đình |
Ớt | 1/4 muỗng cà phê | Ăn theo khẩu vị gia đình |
Rau thơm | 1 muỗng cà phê | Ăn theo khẩu vị gia đình |
Hành, tỏi | 1/2 muỗng cà phê hành
1/2 muỗng cà phê tỏi |
Ăn theo khẩu vị gia đình |
Nước mắm | 1 muỗng cà phê | Ăn theo khẩu vị gia đình |
Mật ong | 1 muỗng cà phê | Ăn theo khẩu vị gia đình |
Dầu ăn | 3 – 5 muỗng cà phê | Ăn theo khẩu vị gia đình |
Bảng hàm lượng gia vị cho bé yêu từ 1 tuổi trở lên
Mẹ tham khảo bài viết Gia vị cho bé 1 tuổi để biết tại sao nên thêm những gia vị này cho bé với hàm lượng như thế và cách nêm gia vị chuẩn khoa học, giúp tăng độ ngon miệng khi măm măm cho bé yêu nhé.
Mẹo nhỏ cho mẹ: Bé đang trong thời gian ăn dặm, bé dưới 1 tuổi không nên ăn gia vị nhưng nếu bé gặp tình trạng biếng ăn, mẹ muốn tăng thêm hương vị cho món ăn để kích thích vị giác, tạo cảm giác thèm ăn ở bé, mẹ có thể chọn các loại gia vị thuần thiên nhiên như vani, húng quế, thì là, kinh giới, vỏ chanh, gừng, quế, bạc hà,…. Gia vị tự nhiên ít chứa tạp chất, “lành tính” và không làm mất mùi vị vốn có của món ăn, mẹ khỏi lo ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con nữa rồi.
3. 5 điều mẹ cần tránh khi nêm gia vị cho bé
Đến độ tuổi thích hợp, mẹ thêm gia vị vào thức ăn để bé làm quen với nhiều mùi vị và ăn giỏi hơn. Tuy nhiên, mẹ cần thận trọng khi nêm gia vị cho bé và tránh các sai lầm dưới đây để không gây hại đến con yêu, mẹ nhé.
1- Cho quá nhiều gia vị trong cùng một món
Bé mới tập ăn dặm chưa thể nắm bắt được hết các mùi vị của thức ăn, hầu hết đều là lần đầu con tiếp xúc nên vẫn còn bỡ ngỡ. Nếu mẹ cho quá nhiều gia vị trong cùng một món, con sẽ không cảm nhận được hương vị chính của món ăn, không phân biệt được từng loại gia vị, dễ dẫn đến tình trạng rối loạn vị giác và biếng ăn, sợ ăn đó ạ. Mẹ chỉ nên nêm tối đa 1 loại gia vị trong một món ăn để giúp con nhận biết mùi vị tốt hơn.
2- Thêm gia vị vào sữa công thức cho bé uống
Mẹ bỉm chưa có kinh nghiệm nghe cô dì, chị em “mách” thêm gia vị vào sữa công thức rồi cho bé uống, hương vị mới lạ sẽ kích thích con ti sữa giỏi hơn. Tuy nhiên, điều này không đúng đâu mẹ ơi. Sữa công thức chỉ hơi béo và có vị ngọt đặc trưng, nên thêm gia vị vào bé sẽ nhận ra ngay.
Gia vị cũng dễ làm mất đi hương vị vốn có của sữa do các phản ứng hóa học giữa natri và các chất trong sữa. Làm như vậy không giúp con ti giỏi mà nhiều hơn là khiến con rối loạn vị giác, sữa có vị lạ, con không chịu uống sữa, “mất nhiều hơn được” đó ạ.
3- Nêm gia vị cho bé theo khẩu vị của mẹ
Mẹ cũng thường nếm thử thức ăn theo khẩu vị của mẹ, thấy vừa ăn là cho con măm măm thôi. Thế nhưng, vừa ăn của mẹ là rất mặn đối với bé cưng đó ạ. Nghiên cứu mới nhất của trung tâm Monell Chemical Senses cho biết, số lượng chồi vị giác của bé nhiều hơn rất nhiều so với bố mẹ.
Nếu bố mẹ có 5000 chồi thì bé cưng sẽ có đến 10000 chồi vị giác, cảm nhận về sự mặn, ngọt, chua, cay của con nhanh nhạy hơn hẳn đó ạ. Mẹ không dùng lưỡi để nếm gia vị cho con mà nên nêm theo chỉ dẫn của bác sĩ dinh dưỡng mẹ nhé.
4- Cho bé dùng chung gia vị với người lớn
Đa phần gia vị cho người lớn thường chứa các hợp chất phức tạp mà bé con chưa thể tiêu hóa được, chẳng hạn như dầu ăn người lớn có chứa nhiều mỡ động vật dễ gây khó tiêu cho bé. Mẹ không cho bé dùng chung gia vị với bố mẹ mà nên tách biệt ra, cho con sử dụng gia vị dành riêng cho bé sơ sinh để đảm bảo sức khỏe nhé. Đến khi bé cưng được 3 tuổi, hệ tiêu hóa hoàn chỉnh rồi, mẹ cho bé ăn chung gia vị với bố mẹ để tiện lợi và tiết kiệm hơn.
5- Không để ý dấu hiệu dị ứng của con
Theo Trung tâm Khoa học Sức khỏe Đại học bang Louisiana, có tới 14 trong số 10.000 người bị dị ứng gia vị với các triệu chứng như tiêu chảy, buồn nôn, đau bụng, đầy hơi, nổi mề đay, sưng môi, phát ban và thở khò khè,… Triệu chứng có thể rõ rệt nhưng đôi khi chỉ kéo dài vài phút, mẹ dễ bỏ qua. Do đó, khi tập cho con làm quen với gia vị, mẹ cần quan sát con thật kỹ và nếu phát hiện con có dấu hiệu này, mẹ ngưng gia vị ngay lập tức và cho con thăm khám bác sĩ để tìm ra nguyên nhân, giảm thiểu tác hại xấu đến sức khỏe của con mẹ nhé.
Như vậy mẹ đã hiểu tại sao không nêm gia vị cho trẻ sớm rồi mẹ nhỉ. Mẹ đừng quá hấp tấp, thấy con chán ăn là vội nêm gia vị, dễ làm con bị ngợp đó ạ. Đợi đến khi con được trên 1 tuổi mẹ mới bắt đầu nêm gia vị vào thức ăn để có hiệu quả tốt nhất nhé. Nếu vẫn còn băn khoăn, mẹ để lại bình luận ngay bên dưới để Góc của mẹ giải đáp cho mẹ kịp thời!