Bé ti sữa xong vẫn còn dư khá nhiều, mẹ muốn tìm cách trữ để bé măm tiếp, đỡ lãng phí. Nhưng mẹ lo sợ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của bé nên cẩn thận, muốn tìm hiểu kỹ xem sữa mẹ bé bú không hết để được bao lâu. Để tiện nhất cho mẹ, Góc của mẹ tổng hợp chi tiết thông tin khoa học về chủ đề này trong bài viết dưới đây, mẹ theo dõi nhé!
Mục lục
1. Sữa mẹ cho bé bú không hết để được bao lâu mẹ nhỉ?
Theo Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), sữa mẹ (dù mới hút hoặc đã rã đông) thì sau khi bé ti chỉ nên sử dụng trong vòng 2 giờ thôi ạ.
Để giải đáp thắc mắc của mẹ về vị trí lưu trữ và nhiệt độ bảo quản sữa, mẹ theo dõi ngay bảng dưới đây nhé.
Trong 7 ngày đầu tiên, trẻ sơ sinh cần bú từ 5 – 35ml, khoảng 8 – 12 cữ/ ngày (trung bình cứ cách 2 tiếng 1 cữ sữa). Do vậy, nếu bé sơ sinh trong ngày 7 ngày đầu tiên bú còn dư lại, mẹ vẫn có thể cho con măm tiếp.
Khi bé lớn dần, mỗi ngày bé chỉ ti 6 – 7 cữ, các cữ cách xa nhau hơn (khoảng 3 – 5 giờ),mẹ không được sử dụng sữa thừa từ cữ bú trước để cho ti nữa. Bởi hàm lượng dinh dưỡng trong sữa mẹ rất cao, đặc biệt là đạm (dễ hấp thụ) và các axit amin, đây là điều kiện thuận lợi cho đám vi khuẩn sinh sôi. Nếu mẹ để sữa quá lâu, các cữ cách nhau hơn 3 giờ thì sữa không còn đảm bảo chất lượng, vi khuẩn xâm nhập, bé măm dễ bị nhiễm khuẩn đường tiêu hóa đó ạ.
2. 3 tác hại nếu mẹ cho bé ti sữa thừa để quá 2 tiếng
Mẹ cần đặc biệt chú ý đến sữa mẹ bé bú không hết để được bao lâu để tránh gặp những tác hại không mong muốn ạ. Mẹ bỉm thường truyền tai nhau không nên đổ bỏ phần sữa dư bé ti không hết, đặc biệt là bé sơ sinh từ 0 – 6 tháng. Bởi các bà, các mẹ xưa kiêng kỵ việc đổ sữa làm cho bé biếng ăn, con hay trở giấc, ngủ không sâu khóc dạ đề,… Hơn nữa bé ti không hết, bỏ sữa đi mẹ cứ tiếc ngẩn ngơ mãi thôi.
Nhưng mẹ ơi, mẹ thường xuyên cho bé măm măm sữa thừa để quá 2 tiếng không tốt chút nào đâu ạ. Con dễ bị nôn trớ, bụng ì ạch, tiêu chảy, sữa bị hư có vị lạ còn khiến bé sợ sữa, lười ti…
2.1. Bé bị nôn trớ ngay khi uống
Thấy bé ti sữa ít, sữa thừa nhiều nên mẹ rất lo lắng, sợ con không đủ chất. Mẹ để sữa ti không hết cho bé măm tiếp với mong muốn nạp thêm nhiều dinh dưỡng giúp con khỏe mạnh nhưng không chú ý đến thời gian bảo quản.
Có đôi lần mẹ vô tình cho bé măm măm sữa để thừa quá 2 tiếng, do sữa bị hỏng, dạ dày của con không kịp thích ứng nên rất khó chịu, sữa trào ngược lên trên khiến bé thường bị nôn và trớ sữa ngay sau khi uống đó ạ.
Khi bé bị trớ, mẹ cần chú ý vệ sinh ngay để tránh đám vi khuẩn có cơ hội “lây lan” và cho bé nghỉ ngơi nhiều giúp con cảm thấy dễ chịu hơn. Mẹ quan sát nếu thấy tình trạng của bé ổn định thì có thể măm măm cữ sữa tiếp theo bình thường.
Trong trường hợp tình trạng nôn ói kéo dài, bé quấy khóc và tỏ ra khó chịu, mẹ cần nhanh chóng đưa bé đến các cơ sở y tế để thăm khám kịp thời, tránh chủ quan gây ảnh hưởng đến sức khỏe của con yêu.
2.2. Bé bị rối loạn tiêu hóa – tiêu chảy
Bé cưng của mẹ vừa chào đời, mẹ luôn muốn chăm chút từng li từng tí để con yêu được khỏe mạnh và khôn lớn mỗi ngày. Thế nhưng mẹ chưa có nhiều kinh nghiệm, không biết sữa mẹ bé bú không hết không nên để qua 2 tiếng, nếu không sẽ gây ảnh hưởng đến sức đề kháng, bé dễ bị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy đó ạ.
Theo khuyến cáo của Tiến sĩ Mona Amin (bác sĩ nhi khoa nổi tiếng), hệ tiêu hóa của bé sơ sinh vẫn còn non nớt nên dễ bị nhiễm khuẩn hơn. Sữa mẹ để lâu quá 2 tiếng thường chứa rất nhiều vi khuẩn có hại. Mẹ cho bé măm măm khiến đám vi khuẩn “xấu xí” có cơ hội xâm nhập vào đường ruột và gây ra triệu chứng khó tiêu, đầy bụng, nhiễm khuẩn và rối loạn đường tiêu hóa, thậm chí là tiêu chảy khiến con mất nước.
Khi bé bị tiêu chảy, mẹ không nên cắt cữ sữa trong ngày mà vẫn duy trì như bình thường bởi sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng duy nhất của trẻ sơ sinh. Nếu không ti đủ lượng đủ cữ, con có thể thiếu hụt dinh dưỡng, tình trạng mất nước và tiêu chảy càng tăng nặng. Bên cạnh đó, mẹ cần cho bé uống thêm nhiều nước để bù lại lượng nước đã mất, vệ sinh tay chân, miệng để đám vi khuẩn không có cơ hội lăm le tiếp cận con yêu nữa. Nếu tình trạng tiêu chảy vẫn không thuyên giảm sau 1 – 2 ngày, mẹ nên gặp bác sĩ để được tư vấn phù hợp.
Mẹ để ý nếu thấy bé bị tiêu chảy kéo dài, lúc nào cũng bồn chồn, bỏ ti sữa, quấy khóc không ngừng thì nên cho thăm khám bác sĩ ngay kẻo ảnh hưởng đến sức khỏe của bé nhé.
2.3. Bé sợ sữa – lười ti sữa
Sữa mẹ nguyên chất thường có màu trắng ngà, bề mặt có nổi lớp váng vàng óng, mùi thơm dịu, vị ngậy ngậy và ngọt mát, bé thích mê. Nhưng sữa mẹ bị hỏng do bảo quản sai cách (để lâu quá 2 giờ, rã đông rồi lại trữ đông tiếp…) thường có mùi chua, không được thơm, đôi lúc còn hơi tanh, vị lờ lợ rất khó ti.
Mẹ cho bé ti sữa hỏng nhiều lần khiến bé hình thành phản xạ có điều kiện, do vị sữa lạ, không thơm không ngon, cứ thấy sữa là con sợ, không chịu hợp tác. Bé lười ti sữa, cữ nào cũng măm có chút ít, mẹ cứ ép mãi có thể khiến con dễ bị sặc, trớ, tạo thói quen măm măm không tốt, sau này càng khó tập ăn dặm nữa.
Nhưng nếu mẹ không ép bé ti thì con đói bụng dễ cáu gắt, la hét và quấy khóc mãi, chưa kể con không đủ dinh dưỡng, thiếu chất này hụt chất kia, con cứ còi dí, chậm lớn, mẹ xót lắm ạ. Bởi vậy mẹ cần chú ý về chất lượng và vị sữa khi cho bé tập ti, sữa mẹ (dù mới hút hoặc đã rã đông) thì sau khi bé ti chỉ nên sử dụng trong vòng 2 giờ thôi nhé.
3. 4 mẹo giúp mẹ hạn chế lượng sữa bị bỏ phí sau mỗi cữ sữa
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng “vàng” cho bé yêu trong những năm tháng đầu đời, bé ti không hết cứ bỏ đi thì phí lắm ạ. Mách mẹ ngay 4 mẹo giúp hạn chế lượng sữa bị bỏ phí sau mỗi cữ, mẹ lưu lại ngay nhé!
3.1. Chuẩn bị đúng lượng sữa theo cữ sữa của con
Ở từng giai đoạn phát triển, nhu cầu sữa của bé là khác nhau. Mẹ cần căn chỉnh dựa trên các yếu tố như độ tuổi, cân nặng và nhu cầu của con để chuẩn bị lượng sữa phù hợp, đủ ti mỗi cữ để tránh bị thừa, bỏ đi rất lãng phí.
Mẹ xem ngày bảng thông tin chuẩn dưới đây để chuẩn bị đúng lượng sữa theo cữ cho bé yêu nhé.
Nếu mẹ vẫn còn lăn tăn, chưa biết cách tính lượng sữa phù hợp, giúp con yêu hấp thụ đủ dinh dưỡng, xem ngay bài viết: Lượng sữa cho trẻ sơ sinh bao nhiêu là đủ? Tùy ngày, tháng tuổi & cân nặng bé nhé.
Ngoài ra khi vắt và trữ sữa trong túi, mẹ vắt vừa đủ lượng sữa trong mỗi cữ ti (phù hợp với nhu cầu của con yêu vào từng thời điểm) vào 1 túi. Mỗi lần bé măm măm, mẹ chỉ cần giã đông (hâm sữa) và cho bé ti ngay, không cần đong đếm hay lo sữa bé ti thừa, trữ đông lại không đảm bảo chất lượng rồi.
Chẳng hạn, bé yêu của bé bước sang tháng thứ 2 đã nặng 4kg rồi, mỗi ngày con cần măm măm 600ml sữa (công thức tính lượng sữa bằng 150ml nhân với số cân nặng hiện tại). Theo bảng lượng sữa chuẩn 12 tháng tuổi của bé ở trên, trẻ sơ sinh ở tháng thứ 2 cần nạp từ 5 – 7 cữ sữa mỗi ngày, như vậy mỗi cữ khoảng 85ml đó ạ.
Vậy mẹ chỉ cần chuẩn bị sẵn túi trữ đông sữa cỡ 85 – 90ml, sau đó vắt đúng đủ lượng sữa trên và trữ đông cả túi. Cứ đến cữ măm của con, mẹ rã đông (hâm) cả túi sữa đã trữ sẵn là được, chẳng lo bé ti bị dư hay thiếu, cực tiện luôn ạ.
3.2. Mẹ ti sữa thừa của con
Mẹ đã chuẩn bị đủ lượng sữa mỗi cữ cho bé măm măm rồi nhưng có những hôm con lười ti, ti không hết mà các cữ cách xa nhau nên mẹ chẳng biết phải làm sao. Sữa mẹ thơm ngon, mẹ cố gắng ăn uống đủ chất (protein, chất xơ, vitamin, canxi…) và lành mạnh (thực phẩm, rau củ sạch chuẩn organic) mỗi ngày để sữa thật đậm đặc, ngọt mát, sánh mịn, giàu dinh dưỡng nhất, mỗi giọt sữa đều vô cùng quý giá, nếu đổ bỏ đi thì uổng lắm.
Mách nhỏ cho mẹ cách “xử lý” sữa thừa của con tránh lãng phí nè, sữa mẹ cho bé ti thừa vẫn còn ấm, mẹ uống thay bé luôn cũng rất bổ dưỡng đó ạ. Sữa mẹ có vị ngọt mát, thơm, ngậy, cực sánh và béo béo, uống giống vị sữa hạt hạnh nhân, dễ uống lắm ạ.
Hơn nữa, sữa rất giàu dinh dưỡng, giúp mẹ bổ sung thêm thêm Protein, Globulin miễn dịch giúp nâng cao sức đề kháng, chống lại đám vi khuẩn, virus gây bệnh giúp mẹ luôn khỏe mạnh, chẳng lo ốm vặt, có thêm sức khỏe để chăm em bé tốt hơn.
Trong sữa mẹ còn có hàm lượng chất béo tốt, vitamin khoáng chất tự nhiên như sắt, canxi và selen, vitamin E (cấp ẩm, làm mịn da) giúp nuôi dưỡng làn da mẹ luôn sáng khỏe, căng mướt như da em bé. Mẹ sau sinh da bị thâm, sạm, nám, khô và thiếu sức sống có thể tìm đến sữa mẹ để làm đẹp. Ngoài ti sữa thừa của con, mẹ có thể sử dụng để làm mặt nạ dưỡng da (trộn cùng bột nghệ, dầu dừa, trà xanh…) nhé.
3.3. Mẹ chuẩn bị các món ăn ngon miệng cho bé từ sữa mẹ
Bước sang tháng tuổi thứ 6, bé yêu của mẹ đã sẵn sàng học ăn dặm rồi. Bên cạnh việc ti sữa mẹ, mẹ bổ sung thêm 1 – 2 bữa ăn dặm mỗi ngày để con làm quen dần nhé. Thời gian đầu do bé mới tập ăn dặm nên mẹ chưa căn chỉnh được lượng sữa, nhu cầu ti của con giảm đi, con ti sữa không hết, thường dư lại nhiều. Để tránh lãng phí, mẹ có thể chuẩn bị một vài món ăn dặm ngon miệng từ sữa mẹ cho bé, vừa thơm ngon lại bổ dưỡng.
Bé ti thừa không hết, mẹ dùng sữa mẹ để chế biến các món ăn dặm đảm bảo mềm tan, thơm ngậy, vị sữa quen thuộc nên con học dễ học ăn dặm hơn, mẹ nhàn tênh luôn ạ. Chưa kể, sữa mẹ còn có Globulin miễn dịch tự nhiên giúp con tiêu hóa khỏe, chẳng lo lạ bụng, ì ạch khiến con khó chịu cả ngày dài.
Bé sơ sinh trong giai đoạn tập ăn dặm (6 – 12 tháng), hệ tiêu hoá còn non nớt, nhất là bé có cơ địa nhạy cảm, mẹ nên ưu tiên lựa chọn thực phẩm sạch (organic), lành tính, ít dị ứng, con tiêu hóa dễ để kết hợp với sữa mẹ để món ăn dặm tròn vị, trọn dinh dưỡng nhé.
Gợi ý cho mẹ một vài món ăn ngon miệng, dễ làm cho bé từ sữa mẹ như: bánh flan bơ mềm béo, bánh flan trứng gà tươi tan ngày ở đầu lưỡi, sữa mẹ nghiền chuối hoặc bơ, bí đỏ nghiền sữa, bánh ăn dặm từ sữa mẹ…
Mẹ xem ngay công thức và hướng dẫn chi tiết trong bài viết: Học ngay cách làm bánh flan bơ cho bé ăn dặm “mê tít” mẹ ơi! hoặc Thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng chuẩn Organic mẹ nên “nằm lòng” để học thêm cách chế biến nhiều món ăn dặm thơm ngon từ sữa mẹ bổ dưỡng nhé!
3.4. Bôi lên da bé để xử lý vết hăm
Làn da của bé sơ sinh vô cùng non nớt và nhạy cảm, chỉ một chút tác động nhỏ cũng khiến con bị mẩn ngứa, hăm tã khó chịu rồi. Ngoài việc chú ý vệ sinh thường xuyên, giữ cho vùng da quấn tã luôn được khô thoáng sạch sẽ hoặc thoa kem chống hăm (thành phần có chứa oxit kẽm), Góc của mẹ mách mẹ một mẹo cực hay giúp xử lý hăm tự nhiên lại tránh bị lãng phí sữa mẹ bị dư ngay đây.
Nguồn sữa mẹ ngọt mát không chỉ là nguồn dinh dưỡng dồi dào mà còn có những tác dụng “thần kỳ” trong những năm tháng đầu đời của bé yêu. Trong sữa mẹ có chứa Endorphin (một dạng chất giảm đau nội sinh tự nhiên), khi mẹ thoa lên da sẽ làm dịu vùng da bị hăm nhanh chóng, giảm cảm giác ngứa ngáy, nóng rát. Lúc này bé cảm thấy thoải mái hơn, không ngọ nguậy hay đưa tay lên gãi làm vết hăm tăng nặng, mẹ cũng yên tâm hơn rất nhiều.
Mỗi lần bé ti sữa không hết, mẹ tận dụng ngay để thoa hăm trị ngứa cho bé yêu, vừa đỡ lãng phí lại hiệu quả, sữa mẹ tự nhiên cũng rất lành tính và an toàn nữa ạ. Ngoài ra, trong sữa mẹ thuần tự nhiên còn chứa nhiều vitamin (K, B, D và E…) có khả năng thẩm thấu, nâng niu làn da non nớt của bé yêu luôn sáng mịn.
Cách trị hăm tã bằng sữa mẹ rất đơn giản, đầu tiên mẹ cần vệ sinh vùng da bị hăm của con yêu, có thể dùng hỗn hợp nước muối sinh lý. Tiếp theo, mẹ chuẩn bị gạc y tế (loại vô trùng, sợi gạch cotton mỏng mịn) và thấm sữa mẹ để chấm trực tiếp lên vết hăm của bé là được. Mẹ kiên trì bôi 3 – 5 lần mỗi ngày, khoảng 1 tuần sẽ thấy rõ hiệu quả, vết hăm giảm đi đáng kể, bé yêu không còn cảm thấy ngứa ngáy khó chịu nữa rồi.
Mẹ muốn hiểu rõ hơn về mẹo xử lý vết hăm bằng sữa mẹ thì ghé ngay bài viết: Nghiên cứu khoa học về cách trị hăm tã bằng sữa mẹ để có thêm nhiều thông tin thú vị và chi tiết nhất nhé!
Chắc hẳn qua bài viết này, mẹ đã trả lời được câu hỏi sữa mẹ bé bú không hết để được bao lâu rồi. Mẹ lưu ý chỉ bảo quản sữa bé đã ti trong tối đa 2 tiếng thôi nhé. Nếu hết cữ mà con chưa ti hết, mẹ nên uống sữa dư của con hoặc tận dụng để làm bánh, món ngọt cho cả nhà ăn cũng rất bổ dưỡng. Nếu vẫn còn điều băn khoăn, mẹ để lại bình luận bên dưới để được Góc của mẹ giải đáp nhanh chóng nhé!