Mẹ NA hỏi:
“Em chào hội mẹ bỉm ạ! Em đang lo lắng quá. Chuyện là bé nhà em được 17 tháng và đang trong thời kỳ mọc răng sữa rồi. Vài tuần gần đây em để ý thấy 2 răng cửa của bé hơi đưa ra trông như bị hô. Nhà em thì không ai hô cả. Cô giáo ở lớp bé có trao đổi với em rằng răng bé bị như vậy là do bé bú bình bị hô. Ở lớp bé nhà em cũng có vài bé tương tự. Mà khổ nỗi bé nhà em bú bình hoàn toàn. Mỗi ngày khoảng 6 bình sữa, mỗi lần 150ml, chỉ khoảng 5-7 phút là hết sạch bình sữa rồi ạ!
Em không biết thông tin từ cô giáo thực hư thế nào nhưng nghe vậy cũng hoang mang lắm ạ. Em có nên cho bé bú bình tiếp không các mẹ nhỉ?”
Câu chuyện này không chỉ của riêng mẹ NA, việc có nên cho bé bú bình thường xuyên thực sự là vấn đề được rất nhiều mẹ quan tâm? Có thật là bú bình khiến bé bị hô hay không? Mẹ cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
Mục lục
1. Bé bị hô có phải do bú bình?
Có rất nhiều nguyên nhân khiến bé sơ sinh dễ bị hô như bé thường xuyên đẩy lưỡi vào răng, mút tay, ngậm ti giả nhiều, hoặc nghiến răng khi ngủ,…. Bú bình là một trong những nguyên nhân gây ra hiện tượng này, cụ thể là do mẹ chọn núm vú không phù hợp với kích thước miệng của bé.
Theo nhận định của chuyên gia: Bé sẽ dễ bị hô nếu mẹ cho bé dùng một núm bình không phù hợp. Chất liệu núm giả ở bình quá cứng, quá mềm hoặc tia sữa ở bình hẹp đều khiến bé phải dùng một lực thật mạnh để mút sữa. Liên tục như vậy trong khoảng 5-15 phút mỗi cữ bú, núm giả ở bình sẽ tạo lực ép lớn lên hàm, làm cho răng và xương hàm của con phát triển lệch lạc. Hậu quả là ảnh hưởng đến cấu tạo của hàm trên và hàm dưới, bé có khả năng cao bị hô.
Tuy nhiên, nếu mẹ để ý căn chỉnh lực mút sữa và chọn cho bé một bình sữa có núm ti đàn hồi tốt, với tia sữa đủ mạnh với lực mút của con để con không phải dùng quá nhiều lực mút sữa, thì nguy cơ bị hô của con sẽ giảm xuống đó mẹ! Ví dụ, nếu mẹ cảm thấy mặt con đỏ bừng khi phải lên gân để hút sữa trong bình thì mẹ hãy thay một núm vú có kích thước tia sữa lớn hơn để lượng sữa ra nhiều và nhanh hơn, phù hợp với mong muốn của bé mẹ nhé!
Bên cạnh nguyên nhân do núm vú giả không phù hợp, việc mẹ cho bé bú bình quá sớm cũng có thể khiến bé bị hô. xương hàm của bé chưa cứng cáp hẳn, nếu phải bú bình, bé sẽ phải dùng một lúc mút mạnh hơn khi ti mẹ.
Hiệp hội Sức khoẻ bà mẹ trẻ em Hoa Kỳ khuyên rằng, nếu trong trường hợp bất đắc dĩ mẹ không về sữa hoặc bé không thể bú mẹ, mẹ hãy bắt đầu cho bé bú bình sau khi bé được 1 tháng tuổi. Lúc này xương hàm của bé đã ổn định hơn một chút, ít bị ảnh hưởng bởi núm bình hơn, khả năng bé bị hô sẽ giảm đi.
2. Các nguyên nhân khác dẫn đến bé sơ sinh bị hô
Như đã phân tích phía trên, khi xương hàm hoặc răng của bé bị tác động bởi một thói quen xấu nào đó, bé sẽ dễ bị hô hơn. Những thói quen thường gặp dưới đây chính là nguyên nhân khiến bé có khả năng bị hô cao:
- Ngậm núm ti giả quá nhiều: Khi ngậm ti giả mọi lúc mọi nơi, bé sẽ hình thành thói quen nhai, hay mút ti giả. Khi ngậm ti, bé vô thức dùng lực mút nhiều, việc này diễn ra thường xuyên sẽ ảnh hưởng đến cấu trúc xương hàm của bé, dẫn tới bị hô.
- Ngậm tay: Cũng tương tự như ngậm núm ti giả. Bé ngậm tay, mút tay khi muốn ngậm, nghiến thứ gì đó trong miệng cho khỏi ngứa lợi giai đoạn mọc răng. Tay bé không có cấu trúc mềm và đàn hồi như ti mẹ, do đó sẽ ảnh hưởng đến phần lợi (phần ôm sát chân răng khi bé mọc răng). Thói quen này ảnh hưởng đến cấu trúc vòm miệng, răng bé khi mọc sẽ không thể cắn khít được, dẫn tới hô (hàm trên bị chìa ra) hoặc móm (hàm dưới bị tụt vào trong).
- Thói quen đẩy lưỡi của bé: Đẩy lưỡi nhìn chung không gây ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển của bé và là hiện tượng thường gặp ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên việc đẩy lưỡi nhiều, liên tục sẽ tác động một cách âm thầm tới răng, lợi của bé gây ra những ảnh hưởng không tốt tới thẩm mỹ răng miệng. Đẩy lưỡi có 2 nguyên nhân chính: Do rối loạn thần kinh cơ và do thói quen mút tay, bú bình ngậm ti giả. Về hậu quả, đẩy lưỡi dẫn tới khớp cắn hở, hô cả hai hàm.
- Cho bé ti bình quá sớm: Do mút núm vú giả tạo lực ép vào hàm làm cho răng và xương hàm của bé phát triển lệch lạc, khi bé còn quá nhỏ (dưới 1 tháng) các cơ quan, bộ phận của bé đều chưa phát triển hoàn hảo, dễ bị tác động. Hậu quả sẽ ảnh hưởng đến cấu tạo của hàm trên và hàm dưới, bé sẽ bị hô.
- Thở bằng miệng: Thói quen này thường gặp ở những bé gặp khó khăn trong hô hấp như ngạt mũi, viêm mũi dị ứng. Khi thở bằng miệng, làn hơi ra vào trong khoang miệng sẽ tác động đến cấu trúc lợi. Thêm nữa, khi bé nằm ngửa mà miệng mở nhiều thì hàm trên sẽ luôn trong trạng thái “hếch lên”. Từ đó làm cho răng hàm trên phát triển về phía trước, khớp cắn sâu và hở, làm răng cửa không cắn khít được vào hàm dưới mà sẽ có xu hướng hô dần ra.
3. Cách phòng tránh tình trạng bé bú bình bị hô
Để hạn chế được tối đa tình trạng bé bú bình bị hô, mẹ cẩn thận chọn lọc kỹ lưỡng núm giả ở bình sữa cho bé, đồng thời luyện cho bé bỏ những thói quen xấu như ngậm, mút tay, đá lưỡi và thở bằng miệng.
3.1. Chọn núm ti phù hợp
Như ở trên đã nhắc tới, việc mẹ chọn bình sữa có núm giả chưa phù hợp có thể khiến bé gặp khó khăn trong việc mút sữa, tệ hơn là khiến bé dần bị hô. Vì vậy, việc mẹ chọn được một bình sữa có núm giả phù hợp với con là rất quan trọng. Một núm giả như thế nào sẽ không làm ảnh hưởng đến cấu trúc xương hàm của bé? Mẹ cùng tìm hiểu rõ hơn dưới đây:
Về chất liệu: Hai chất liệu phổ biến được sử dụng để sản xuất núm vú cho bé là cao su và silicone.
- Chất liệu cao su: Ưu điểm của chất liệu này là sự đàn hồi, mềm mại. Loại núm này mang đến cho bé cảm giác gần gũi vì giống như ti mẹ. Tuy nhiên cao su có nhược điểm là dễ bám mùi và khó vệ sinh.
- Chất liệu silicone: Chất liệu này tuy không mềm bằng cao su nhưng không có mùi và độ bền cao hơn.
Dựa vào đặc điểm và tính chất của hai loại chất liệu phía trên, mẹ nên chọn loại núm cao su đàn hồi tốt khi cho bé sơ sinh tới khoảng 6 tháng tuổi bởi độ đàn hồi của núm cao su tốt hơn, có cảm giác giống ti mẹ. Vì thể bé không mất nhiều lực để mút sữa, gây những tác động xấu tới xương, cơ hàm,…như đã nhắc tới phía trên.
Từ 6 tháng tuổi trở lên, khi xương hàm và lợi của bé đã cứng cáp hơn đồng thời bé bắt đầu có những dấu hiệu mọc răng như ngứa lợi, nhai cắn núm vú, hay đẩy lưỡi vào lợi. Lúc này, mẹ chuyển núm giả sang chất liệu silicon để hạn chế rách khi bé nhai, cắn mẹ nhé!
Về hình dáng:
Núm vú có cổ rộng thường khiến bé thích thú hơn, vì bé dễ ngậm đúng khớp ngậm. Phần cổ núm vú rộng tạo cảm giác gần giống với ti mẹ, giúp bé làm quen nhanh hơn và không phải thay đổi lực bú quá nhiều khi chuyển từ bú mẹ sang bú bình. Điều này cũng làm giảm ảnh hưởng của việc bú bình tới răng lợi của bé đó mẹ.
Về dòng chảy:
Dòng chảy của bình sữa phụ thuộc vào kích thước lỗ sữa. Kích thước S,M,L hoặc 1,2,3,4 của tia sữa ở núm giả tương đương với mức chảy từ ít tới nhiều của sữa.
Mẹ dựa vào sức bú của con để cân nhắc chọn kích thước phù hợp nhất. Mẹ để ý khi con bú bình, nếu con dùng bình bú một cách dễ dàng, thoải mái mà không phải lên gân để mút tức là mẹ đang cho bé dùng núm bình phù hợp. Trong trường hợp bé có lực bú khỏe, mà mẹ chọn cho bé size S hoặc số 1 (sữa không tiết ra đủ nhanh và nhiều so với sức của bé), bé sẽ phải vất vả bú mạnh hơn để phù hợp với nhu cầu. Lâu dần, xương hàm, răng miệng của con sẽ bị ảnh hưởng, và hiện tượng con sẽ bị hô răng cũng sẽ xảy ra.
3.2. Không lạm dụng núm ti giả
Phó khoa Răng Hàm Mặt bệnh viện Nhi Đồng 1 thành phố Hồ Chí Minh, Thạc sĩ – Bác sĩ Nguyễn Quốc Dũng khuyên các mẹ đừng để bé ngậm vú giả ngay sau khi chào đời. Như vậy, lợi bé sẽ bị ảnh hưởng do ngậm núm vú cứng (dù làm bằng chất liệu nào thì cũng không thể mềm mại như vú mẹ).
Mẹ chỉ dùng ti giả để dỗ bé nếu bé quấy khóc quá, chứ đừng để bé ngậm như một thói quen. Đặc biệt, nếu bé ngậm ti giả quá 6 giờ liên tục, ngậm cả lúc ngủ thì nguy cơ hô răng sẽ càng cao hơn. Mẹ tưởng tượng, khi bé mút ti giả, là đang hút rất nhiều không khí vào miệng. Áp lực từ không khí trong miệng bé tác động lên xương hàm, lợi và răng sữa của con, sẽ làm hai hàm của con phát triển lệch lạc, làm con bị hô.
3.3. Không cho bé ngậm/mút tay quá mức
Hạn chế được việc ngậm, mút tay của bé không những làm giảm khả năng bị hô, móm mà còn ngăn được các vấn đề về răng miệng như hôi miệng, viêm lợi, sâu răng,…ở bé. Mẹ có thể luyện cho bé từ bỏ thói quen này bằng cách:
- Đối với các bé chỉ ăn sữa mẹ, mẹ chú ý cho bé bú sữa mẹ đầy đủ (6-9 cữ bú/ngày, 150-220ml sữa/cữ) bởi vì một trong những lí do khiến bé hay mút tay là đói.
- Mẹ tạo cho bé môi trường sống, nhịp sống an toàn, lành mạnh như ngủ đủ giấc, ăn đủ bữa, chơi và trò chuyện thường xuyên với bé để bé luôn trong trạng thái vui vẻ, thoải mái, hạn chế để bé khóc hay ở một mình quá lâu, bởi khi sợ hãi, tủi thân bé cũng vô thức đưa tay lên miệng ngậm, mút đó mẹ.
- Làm phân tâm bé mỗi khi bé định đưa tay lên mút bằng cách đưa ra trước mắt bé đồ chơi nhiều màu sắc hoặc có thể chuyển động. Bé sẽ hứng thú, cầm đồ chơi và quên đi việc mút tay.
3.4. Loại bỏ thói quen đẩy lưỡi của bé
Mẹ sử dụng 2 cách dưới đây để hạn chế thói quen đẩy lưỡi của bé mẹ nhé:
Cách 1: Cách này áp dụng cho các bé lớn khoảng 4-6 tuổi trở lên, và đã gặp tình trạng hô rồi. Mẹ sử dụng các khí cụ cho bé như EF Trainer để loại bỏ thói quen đẩy lưỡi, giúp bé dần cải thiện tình trạng hô. Đây là phương pháp điều trị chuyên khoa, cần sự chỉ định của nha sĩ.
Cách 2: Tạo thói quen luyện tập cơ hàm: đây là cách luyện lại các cơ hàm kết hợp thay đổi kiểu nuốt thức ăn dành cho các bé hô nhẹ (lứa tuổi từ 4 tuổi tới hết tiểu học). Bài tập này thường đem lại hiệu quả cao tuy nhiên cần có các khí cụ hỗ trợ trong miệng và được tiến hành, hỗ trợ, chỉ dẫn bởi bác sĩ.
Đối với những bé còn đang bú bình và mới xuất hiện thói quen này, mẹ cần hạn chế cho bé bú bình hay mút tay, vì bé hay đá lưỡi khi mút tay, bú bình, ngậm ti giả. Từ đó tránh hình thành thói quen xấu.
3.5. Loại bỏ thói quen thở bằng miệng của bé
Một vài mẹo hay mẹ có thể áp dụng để loại bỏ thói quen thở bằng miệng của bé:
- Khi bé khó thở, ngạt mũi, mẹ sử dụng nước muối sinh lý nhỏ mũi, hoặc thuốc xịt mũi để làm thông thoáng đường thở của bé. Đường thở mũi thông thoáng, bé sẽ không thở bằng miệng nữa.
- Đặt bé nằm ngửa và gối có độ dốc vừa phải để đường thở của bé thông thoáng, bé dễ dùng mũi để thở hơn.
- Loại bỏ các tác nhân gây dị ứng trong không khí ở nhà như bụi bặm, vi khuẩn bằng cách dọn dẹp nhà sạch sẽ, xịt khuẩn thường xuyên để đảm bảo không gian trong nhà luôn thoáng mát, sạch khuẩn Khi bé bị viêm mũi dị ứng, bé sẽ phải thở bằng miệng nhiều hơn.
- Nếu có thể, hãy lắp đặt một bộ lọc không khí trong nhà để không khí thoáng sạch, hạn chế các bệnh về hô hấp của bé khiến bé không phải thở bằng miệng mẹ nhé!
Bên cạnh những lợi ích mà việc bú bình đem lại cho cả mẹ và bé (bé có thể bú sữa mọi lúc, mẹ nhàn hơn), việc này cũng sẽ ảnh hưởng đến răng miệng của bé về sau nếu như mẹ cho bé bú bình quá sớm hoặc chọn núm ti bình không phù hợp cho bé. Trong trường hợp mẹ cho bé bú bình, mẹ cẩn thận lựa chọn núm vú theo những gợi ý trên bài viết để hạn chế tối đa nguy cơ bú bình bị hô miệng cho bé mẹ nhé!