Bé bú bình phát ra tiếng kêu “tặc tặc” giống tiếng tặc lưỡi thì không nguy hiểm. Nhưng nếu bé thường xuyên phát ra tiếng kêu “khò khè” thì mẹ cần chú ý vì có thể bé đang mắc các bệnh về đường hô hấp đó ạ! Tại sao lại thế? Mẹ cùng theo dõi bài viết nhé!
Mục lục
1. Vì sao bé bú bình phát ra tiếng kêu tạch tạch?
Bé thường dùng lưỡi để bám vào núm ti khi bú bình. Tuy nhiên có một vài lý do khiến núm ti tuột ra trong quá trình bú, bé phải dùng lưỡi để đẩy núm ti bám trở lại. Hành động này tạo ra tiếng kêu “tặc tặc” giống tiếng tặc lưỡi.
Khi bú bé phát ra tiếng kêu tặc tặc có thể do núm ti bị tuột (Nguồn: chicagomceels)
Đâu là nguyên nhân khiến núm ti bị tuột ra, mẹ đọc tiếp phần dưới đây nhé!
1.1. Bé bú sai khớp ngậm
Bé bú bình phát ra tiếng kêu “tặc tặc”, “chặc chặc” hoặc “tắc tắc” mà các mẹ thường nghe thấy là do bé bị sai khớp ngậm hoặc nằm không đúng tư thế, khớp ngậm dễ bị tuột khiến bé phải đá lưỡi để bám lại khớp ngậm.
Để hạn chế tình trạng này, mẹ chờ bé há miệng đủ rộng rồi mới đưa núm ti vào để bé ngậm đúng khớp ngậm. Nếu thấy môi bé ngậm kín núm ti, môi được mở ra ngoài, không bị vặn hay mím vào phía trong là bé đã ngậm đúng khớp ngậm rồi đó ạ!
Ngoài ra, mỗi khi thay đổi tư thế bú của bé cần chú ý thay đổi cả cách cầm bình sữa, tránh việc khớp ngậm bị tuột.
1.2. Sữa trong bình xuống quá nhanh
Sữa trong bình xuống nhanh khiến bé không nuốt kịp và có xu hướng dùng lưỡi đẩy bình ra, khiến khớp ngậm bị tuột khỏi vị trí ban đầu. Như đã đề cập ở trên, điều này khiến bé phát ra tiếng kêu “tặc tặc”.
Có 2 nguyên nhân khiến sữa xuống nhanh:
- Để bình sữa quá dốc khiến sữa chảy nhanh hơn tốc độ bú của bé.
- Thiết kế núm ti không phù hợp: Thiết kế lỗ cắt núm ti hình tròn khiến bé không tự kiểm soát được dòng chảy của sữa, sữa có thể tự chảy xuống mà không cần lực ti của bé. Trong trường hợp size lỗ sữa to hơn so với tốc độ bú của bé (do mẹ chọn sai hoặc bé đã cắn khiến núm ti rách ra và to hơn) sẽ khiến sữa xuống nhanh làm bé không nuốt kịp.
Mẹo nhỏ: Để chọn núm ti phù hợp, mẹ để ý mỗi thương hiệu lại có 1 bảng kích thước khác nhau. Có thương hiệu phân chia kích thước theo ký hiệu S,M,L cũng có thương hiệu đánh số 1,2,3 tương ứng với kích thước dòng chảy tăng dần, tuỳ vào tháng tuổi của bé. Ngoài ra, mẹ ưu tiên chọn thiết kế lỗ sữa hình chữ thập – sữa chỉ chảy khi có lực hút của bé – để bé có thể tự kiểm soát dòng chảy sữa phù hợp với mình mẹ nhé!
1.3. Bé bị dính thắng lưỡi
Tiếng kêu “tặc tặc” phát ra trong lúc bú cũng có thể do bé bị dính thắng lưỡi. Đây là tình trạng bé có một sợi dây mỏng, dính từ lưỡi xuống dưới đáy họng. Điều này cản trở ít nhiều đến việc nâng lưỡi lên của bé, nhất là bé bú, cần dùng lưỡi rất nhiều. Vì vậy, bé sẽ không thoải mái, dễ bị tụt khớp ngậm và phải dùng lưỡi để bám lại núm ti của bình.
Dấu hiệu mẹ nhận biết rõ nhất việc bé nhà mình bị dính thắng lưỡi là quan sát khi bé bú, sữa hay chảy ra ở mép miệng không. Khi bé bị dính thắng lưỡi, lưỡi nâng lên khó khăn nên không ngậm sát được ti bình, sữa dễ trào ra miệng vì những khoang hở được tạo ra do lưỡi không ôm sát.
Gặp tình trạng này, mẹ nên cắt dính thắng lưỡi sớm để bé có sự thoải mái khi bú bình hay ti mẹ.
2. Vì sao bé bú bình phát ra tiếng kêu khò khè?
Khi bé bú bình phát ra tiếng “khò khè”, mẹ không được chủ quan vì đây có thể dấu hiệu bệnh lý ở bé.
- Dấu hiệu liên quan đến bệnh lý đường hô hấp như viêm phế quản, hen suyễn…
- Trào ngược dạ dày khiến việc hô hấp của bé gặp nhiều khó khăn, xuất hiện những tiếng “khò khè”
- Mềm sụn thanh quản xảy ra, khi các mạch máu lớn chèn vùng thanh quản và làm cho bé bị khó thở. Bé bị viêm thanh quản cấp tính sẽ đi kèm những hiện tượng ho và khan tiếng
- Bé bị viêm amidan cấp tính cũng gây ra những tiếng “khò khè” đi kèm với đờm
- Bé bị tim và những dị tật về tim bẩm sinh
- Một vài lý do khác: Bé nằm gối quá cao, mặc đồ chật hoặc đắp nhiều lớp chăn, hoặc có vật cản đè kín mũi trong quá trình bú cũng khiến cho quá trình thở bị ảnh hưởng ít nhiều
Lúc này mẹ cần làm gì?
Với những trường hợp mẹ phát hiện ra tiếng khò khè và ngạt mũi vì cảm, ho, mẹ làm thông thoáng mũi bé bằng các bước sau:
- Vệ sinh mũi cho bé bằng nước muối sinh lý 1 lần/ngày vào buổi sáng, tránh để ứ đọng đờm trong khoang mũi. Mẹ ưu tiên chọn loại nước muối chuyên dụng cho trẻ sơ sinh để an toàn nhất
- Để bé nằm nghiêng, hoặc nghiêng đầu sang một bên với độ nghiêng vừa phải để nước nhỏ mũi có thể chảy từ từ vào khoang mũi bé
- Nhỏ 2-3 giọt nước muối sinh lý làm thông thoáng mũi cho bé
Nếu tình trạng này không thuyên giảm, mẹ nên cho bé tới cơ sở y tế uy tín để khám chữa, tuyệt đối không tự ý cho bé dùng thuốc nếu không có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Đặc biệt, mẹ cần cho bé đi khám ngay bé “khò khè” đi kèm cùng những triệu chứng nghiêm trọng hơn như sau:
- Lồng ngực đập mạnh, da tím tái, xanh xao
- Sốt và nôn trớ
- Hiện tượng “khò khè” kéo dài, bé dưới 3 tháng tuổi
- Bé có tiền sử bị hen suyễn
Bé bú bình phát ra tiếng kêu phát ra tiếng kêu lạ là chuyện rất thường gặp. Mặc dù đây không phải vấn đề quá nguy hiểm với đa số trường hợp, nhưng nếu tình trạng này kéo dài và đi kèm những triệu chứng khác, mẹ không nên chủ quan. Chủ động tìm hiểu kỹ nguyên nhân, xử lý, chăm sóc đúng cách để con luôn được an toàn mẹ nhé!
Nếu còn băn khoăn, mẹ hãy để lại bình luận ở bên dưới để được hỗ trợ mẹ nhé!
Xem thêm: Cách cho bé bú bình đúng cách không bị sặc, đầy hơi