Mẹ không nên cho bé bú bình nằm vì tiềm ẩn nguy cơ không tốt như: Sặc sữa, trào ngược dạ dày, rối loạn giấc ngủ, sâu răng,… Tại sao lại thế? Cùng Góc của mẹ tìm hiểu tường tận trong bài viết sau nhé!
Mục lục
1. Không nên cho bé bú bình nằm
Chăm sóc bé trong những năm tháng đầu đời rất vất vả, vì vậy mà đôi lúc mẹ muốn “lười 1 chút”, cho con vừa nằm vừa bú bình để ngả lưng một chút. Tuy nhiên cách làm này có thể gây 1 số vấn đề không tốt cho bé như:
1.1. Bú nằm khiến bé dễ bị sặc sữa
Khi bé vừa nằm vừa bú, bẽ sẽ có xu hướng dốc bình khiến dòng sữa trong bình chảy nhanh hơn tốc độ bú của bé. Bé sẽ không nuốt sữa kịp dẫn đến sặc sữa, nôn, trớ,..
1.2. Bú bình nằm khiến bé dễ bị nghẹt thở, khó thở
Với các bé sơ sinh, mẹ thường sử dụng núm ti có lỗ cắt hình tròn vì bé chưa tự mút được. Với thiết kế này, sữa vẫn có thể tự chảy vào miệng bé ngay cả khi bé ngủ gật quên mút.
Trong khi đó, tư thế bú nằm khiến bé tưởng mẹ đang cho bé đi ngủ và ngủ luôn trong lúc bú. Lúc này, sữa vẫn tiếp tục chảy và ứ đọng ở miệng bé. Nếu bé hít thở nhanh có thể hít sữa lên mũi, tràn sữa vào khí quản, phế quản gây nghẹt thở, khó thở, sặc sữa,… Tình trạng này rất nguy hiểm nếu mẹ không kịp thời phát hiện.
Tình trạng bé ngủ gật trong khi bú gặp nhiều nhất vào buổi đêm, khi mẹ và bé đều thức giấc giữa đêm, chưa tỉnh ngủ hoàn toàn. Mẹ đặc biệt chú ý nhé!
1.3. Bé dễ bị sâu răng hơn
Qua chia sẻ ở phần trên, mẹ đã biết bú bình nằm khiến bé dễ ngủ hơn, thường ngủ ngay sau khi bú hoặc trong lúc bú. Thông thường, sau khi bé bú xong, mẹ cần vệ sinh răng, nướu, miệng cho bé để loại bỏ cặn sữa, phòng tránh các bệnh về răng miệng, đặc biệt là sâu răng. Tuy nhiên, nhiều mẹ sợ việc vệ sinh răng miệng sẽ đánh thức bé dậy nên đợi sau khi bé ngủ dậy mới vệ sinh, hoặc bỏ qua việc này luôn, khiến bé dễ bị sâu răng hơn bình thường.
1.4. Bé bú bình nằm có thể tiềm ẩn nguy cơ viêm tai giữa
Khi bé bú nằm, sữa có thể bị tràn ra và chảy thẳng vào tai vì cấu tạo tai, mũi, họng thông nhau. Nếu không được vệ sinh sạch sẽ, sữa để lâu sẽ tạo môi trường để vi khuẩn phát triển gây viêm tai giữa.
1.5. Bé có thể bị rối loạn giấc ngủ
Bé bú bình nằm rất dễ ngủ trong lúc bú hoặc ngay sau khi bú. Dần dần, điều này khiến bé hình thành “phản xạ có điều kiện”, cứ ngậm bình bú là ngủ hoặc bé phải ngậm bình bú mới có thể ngủ được, nếu không sẽ cáu gắt khó chịu.
Nghe có vẻ vô hại nhưng không phải thế đâu mẹ ơi! Mỗi lần bé thức giấc giữa chừng, mẹ muốn dỗ bé ngủ bắt buộc phải cho bé ti bình, nếu không bé sẽ cáu gắt do ngủ không đủ giấc. Giờ ngủ của bé cũng vì thế mà thay đổi, không theo “thời gian biểu” mà mẹ đã đặt ra.
1.6. Bé có thể bị trào ngược dạ dày thực quản
Cơ thắt tâm vị của bé yếu khiến bé dễ bị nôn trớ, trào ngược sau khi ăn, đặc biệt là khi nằm. Theo số liệu từ thống kê của Bệnh viện Nhi Trung ương có khoảng hơn 50% trẻ khỏe mạnh có tiền sử trào ngược dạ dày thực quản trong 3 tháng đầu đời mà căn nguyên chủ yếu đến từ việc bú nằm.
2. Các tư thế bú bình mẹ nên áp dụng cho bé
Việc cho bé bú đúng tư thế, đúng cách vừa giúp bé yêu bú sữa dễ dàng hơn, vừa hạn chế được những rủi ro không đáng có kể trên. Dưới đây là những tư thế bú bình khoa học, an toàn cho bé mà mẹ nên áp dụng!
2.1. Bế bé một bên và cho bú bình
Đây là tư thế bú bình đơn giản và được nhiều mẹ áp dụng nhất. Cách này vừa giúp bé cảm nhận được hơi ấm của mẹ, vừa dễ dàng “giao tiếp” với mẹ qua ánh mắt.
Cách thực hiện như sau:
- Tay phải: Mẹ vòng tay ra sau lưng bé để đỡ đầu và lưng bé, tạo 1 góc 30 độ so với mặt phẳng.
- Tay trái: Cầm bình sữa, để bình nghiêng không dốc thẳng (như hình minh họa)
Lưu ý: Có thể đổi tay nếu mẹ thuận tay trái nhé!
2.2. Để bé bú ở tư thế ngồi tựa vào lòng mẹ
Bú bình nằm tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho bé thì việc để bé bú ở tư thế ngồi tự vào lòng mẹ sẽ rất tốt cho các bé gặp vấn đề về đường tiêu hóa, hạn chế được tối đa tình trạng nôn trớ sữa.
Cách thực hiện như sau:
- Mẹ để bé ngồi tựa vào lòng mình, phần đầu bé tựa vào ngực mẹ hoặc vai mẹ.
- 1 tay mẹ vòng ra phía trước để ôm nhẹ nhàng bụng của bé, đỡ bé không bị ngã về phía trước
- 1 tay mẹ cầm bình sữa chếch lên 1 chút (không dốc ngược) và cho bé ti
2.3. Cho bé bú bình ở tư thế ngồi tựa lên đùi
Cách làm này giúp mẹ và bé giao tiếp với nhau được nhiều hơn. Tuy nhiên, nếu bé hiếu động, cọ quậy nhiều thì tư thế này dễ gây 1 số “tai nạn” như: Bé vung tay làm đổ bình sữa, mẹ tuột tay làm rơi bình sữa,…
Cách thực hiện như sau:
- Mẹ ngồi trên mặt phẳng, tựa lưng và co hai chân.
- Đặt bé nằm trên chân (lưng bé nằm trên đùi, bụng và mặt hướng về phía mẹ).
- 1 tay mẹ đỡ đầu bé, tay còn lại cầm bình cho bé bú.
3. 4 câu hỏi thường gặp khi cho bé bú bình
4 vấn đề dưới đây rất hay gặp khi bé bú bình, lưu lại để kịp thời xử lý nếu con gặp phải mẹ nhé!
3.1. Bé bú bình hay bị sặc phải làm sao?
Khi bé bị sặc sữa, mẹ cần lấy bình sữa ra khỏi miệng bé, cho bé từ từ ngồi dậy, sau đó thông đường thở cho bé bằng cách:
- Dùng miệng làm thông đường thở: Mẹ nhanh chóng dùng miệng hút hết sữa ra khỏi miệng bé càng nhanh càng tốt, miệng sau đó đến mũi.
- Vỗ lưng, ấn ngực: Một tay đỡ ngực, một tay vỗ mạnh 5 cái vào lưng nhằm tăng áp lực trong lồng ngực để sữa trào ra ngoài. Nếu bé vẫn khó thở, mẹ đặt con nằm ngửa, dùng ngón trỏ và ngón cái ấn một lực vừa đủ xuống nửa dưới của xương ức của bé, lặp lại cho đến khi bé thở được.
3.2. Làm thế nào để hạn chế tối đa tình trạng bé bị sặc sữa?
- Cho bé bú đúng tư thế: Tư thế chuẩn được nhiều mẹ áp dụng nhất là bế bé cao đầu, ở tư thế thoải mái, không nên để bé gập cổ hoặc ngửa cổ. Gập cổ khiến bé bú khó khăn hơn còn ngửa cổ làm bé dễ bị sặc sữa lên mũi đặc biệt là khi cho bé bú bình nằm.
- Không để bé vừa ngủ vừa bú: Khi bé đang bú sữa mà ngủ quên, mẹ nhẹ nhàng rút bình sữa và núm ti ra khỏi miệng bé nhé. Vì nếu sữa vẫn đổ xuống miệng mà bé không bú nữa khiến miệng tích sữa và bị sặc. Tốt nhất, mẹ nên chọn lỗ cắt núm ti (lỗ chảy sữa) có thiết kế hình chữ thập – sữa chỉ chảy xuống khi có lực bú của bé – để yên tâm nhất. Mẹo nhỏ: Nếu ngậm núm ti là một cách giúp bé ngủ ngon hơn, mẹ sắm ngay cho bé một chiếc ti ngậm nhé!.
- Chọn núm ti có ống chống sặc: Một số thương hiệu uy tín đã thiết kế thêm phần ống chống sặc và đầy hơi ở núm ti. Thiết kế này giúp đưa khí thừa từ núm ti xuống dưới đáy bình, bé nuốt phải ít khí thừa hơn, từ đó hạn chế sặc sữa.
3.3. Làm thế nào khi bé bú bình hay nhai?
Có 3 lý do chính dẫn đến việc bé bú bình hay nhai. Với mỗi nguyên nhân có cách xử trí khác nhau:
- Bé mới chuyển từ bú mẹ sang bú bình: Do bé chưa quen với việc bú bình nên cần khoảng 3-4 ngày đầu để bé làm quen. Sau thời gian đó bé vẫn nhai khi bú bình thì có thể do chất liệu núm ti không phù hợp rồi. Bé rất kén chọn núm vú, nhất là khi mới chuyển từ bú mẹ sang bú bình. Lúc này, mẹ cần chọn núm ti thay thế với chất liệu hoặc kích thước khác để phù hợp với bé.
- Bé đang quá đói hoặc đang no: Quá đói khiến bé hơi “vội vã” một chút khi măm sữa, dễ dẫn đến tình trạng sặc sữa hoặc nghẹn, còn khi quá no bé sẽ từ chối bú. Hiểu nhu cầu của con và phân bổ thời gian hợp lý giữa các bữa để không gặp tình trạng này mẹ nhé!
- Bé trong thời kỳ mọc răng: Lúc này bé sẽ ngứa lợi, có xu hướng cắn núm ti (núm ti cọ sát vào lợi) để “giải quyết” cơn ngứa của bé. Mẹ có thể massage vùng mọc răng để bé bớt ngứa, hạn chế việc bé nhai, cắn khi bú bình.
3.4. Bé bú bình phát ra tiếng kêu có sao không?
Bé bú bình phát ra tiếng kêu có thể có hoặc không nguy hiểm tùy theo biểu hiện của bé.
- Nếu bé phát ra tiếng kêu “tặc tặc”: Khi bú mà mẹ nghe thấy tiếng “tặc tặc” giống tiếng đá lưỡi thì không nguy hiểm, nguyên nhân có thể do bé ngậm sai khớp ngậm.
- Nếu bé bú bình phát ra tiếng kêu khò khè: Đây có thể là dấu hiệu bé gặp những bệnh lý liên quan đến hoạt động của các cơ quan khác trong cơ thể không thể chủ quan. Những bệnh lý phổ biến:
- Bệnh liên quan đến đường hô hấp như viêm phế quản, hen suyễn
- Trào ngược dạ dày
- Viêm thanh quản, amidan
- Bệnh lý về tim bẩm sinh
Để tìm hiểu rõ hơn, mẹ tham khảo: Bé bú bình phát ra tiếng kêu tặc tặc, khò khè có sao không?
Như vậy, bú bình nằm không tốt cho sức khỏe của bé. Mẹ lưu ý thực hành theo 3 tư thế bú bình chuẩn khoa học ở trên để bé được phát triển tốt nhất. Nếu còn băn khoăn, mẹ hãy để lại bình luận ở bên dưới để hỗ trợ nhanh chóng mẹ nhé.