Bé 2 tuổi chậm nói do nhiều nguyên nhân khác nhau. Ngoài ảnh hưởng của các vấn đề não bộ và cơ quan phát âm, thì nguyên nhân đến từ môi trường xung quanh cũng có tác động đáng kể. Mẹ cần làm gì để con phát triển bình thường? Đọc ngay bài viết dưới đây mẹ nhé!
Mục lục
1. Quá trình phát triển ngôn ngữ bình thường ở bé 2 tuổi
Bé 2 tuổi chậm nói có sự phát triển về ngôn ngữ bất bình thường so với các bé khác. Thông thường, bé 2 tuổi có vốn từ vựng khoảng 50 đến 100 từ. Vào thời điểm này, bé đã biết sử dụng những câu ngắn gồm 2-3 từ để nói chuyện. Ngoài ra, bé cũng biết cách dùng những từ chỉ bản thân như “con” hay “em” để giao tiếp. Với những bé có khả năng ngôn ngữ tốt hơn, bé trả lời được các câu hỏi đơn giản. Ví dụ như: cái gì, ở đâu, có hay không,…
Xem thêm:
Trẻ chậm nói: Dấu hiệu nhận biết và cách khắc phục hiệu quả nhất
Chỉ mẹ nguyên nhân trẻ 3 tuổi chậm nói
2. Biểu hiện của bé 2 tuổi chậm nói
Bé 2 tuổi chậm nói không có nghĩa là bé kém phát triển hoàn toàn về mặt ngôn ngữ. Khả năng ngôn ngữ của bé vẫn phát triển theo đúng trình tự bình thường, nhưng với một tốc độ chậm hơn so với mặt bằng chung. Các biểu hiện cho thấy bé 2 tuổi chậm nói bao gồm:
- Bé chưa nói được tổng cộng khoảng 15 từ.
- Bé không tự nghĩ và nói ra, chỉ có thể nhại lại lời người khác nói.
- Những câu ngắn gồm 2 từ bé cũng không thể nói. Ví dụ: “mẹ bế”, “uống nữa”,… Hoặc bé nói được nhưng không thành thục, dễ quên, nói vấp.
- Bé không muốn giao tiếp bằng lời nói, hoặc không thể giao tiếp (ngoại trừ những trường hợp khẩn cấp như khi bé bị đau, bé sợ,…).
- Bé có dấu hiệu không hiểu được các chỉ dẫn phức tạp hơn từ người lớn như: “Lấy giày của con đi”, “Con muốn ăn không?”, “Mẹ đâu rồi?”,…
- Nhiều bé thích chơi với búp bê và thường nói chuyện với búp bê. Bé 2 tuổi chậm nói thường không thể hiện điều này.
- Bé không biết cách hoặc không có khả năng bắt chước lời nói, hành động của ông bà, bố mẹ.
- Khi xem sách/truyện, bé không biết chỉ vào một bức tranh bất kỳ mà bố mẹ đang gợi ý.
- Bé không thể nối hai từ lại với nhau để tạo thành một câu ngắn.
Theo nhiều nghiên cứu, cứ 5 bé thì sẽ có 1 bé ở độ tuổi này bị chậm nói. Sau đó, phần lớn các bé sẽ bắt kịp tiến độ khi lớn lên. Do đó, bố mẹ không nên quá lo lắng khi bé 2 tuổi chậm nói mà nên theo dõi sát sao và tìm hiểu kỹ nguyên nhân để giúp đỡ con trong vấn đề này nhé.
3. Nguyên nhân bé 2 tuổi chậm nói
3.1. 30% nguyên nhân thực thể
Nguyên nhân đầu tiên khiến bé 2 tuổi chậm nói là khi bé có các vấn đề về cơ quan phát âm (tai, mũi, họng) hay các vấn đề bẩm sinh ảnh hưởng đến não bộ như:
- Cơ quan phát âm bị dị tật, viêm thanh quản.
- Thính lực của bé bị tổn thương (viêm tai giữa, rách màng nhĩ,…).
- Vòm miệng của bé bất thường: dính thắng lưỡi hoặc hàm ếch. Dây hãm ngắn cũng là nguyên nhân khiến bé khó cử động hàm để nói.
- Não bị tác động thông qua các bệnh lý như chấn thương sọ não, viêm não,… Não bị tổn thương dẫn đến tình trạng rối loạn chức năng ngôn ngữ.
- Khuyết tật trí tuệ, bệnh khó học, hội chứng tự kỷ cũng khiến não bé bị rối loạn chức năng, dẫn đến việc xử lý ngôn ngữ khó khăn hơn nhiều lần.
Để nhận biết được các nguyên nhân này, mẹ tự mình quan sát các biểu hiện bất thường tại các cơ quan đã được liệt kê bên trên. Đây đều là những vùng có ảnh hưởng đến khả năng nói của bé. Ngoài ra, mẹ cần theo dõi sát sao hơn khi bé đã từng bị các bệnh lý khiến não tổn thương (viêm não, chấn thương sọ não, khuyết tật trí tuệ, tự kỷ,…).
3.2. 70% nguyên nhân tâm lý
Có tới 70% nguyên nhân khiến bé 2 tuổi chậm nói là do tâm lý. Điều này cho thấy môi trường và lối sinh hoạt xung quanh bé có sự ảnh hưởng đến sự phát triển ngôn ngữ của bé như thế nào. Các nguyên nhân này có thể kể đến như sau:
- Do bận bịu nên bố mẹ hay người thân ít tương tác, không trò chuyện với bé.
- Bé ít được tiếp xúc với ngôn ngữ thông qua các cuộc trò chuyện hàng ngày, khiến cho khả năng nghe và nói bị ảnh hưởng do bé thiếu cơ hội để bắt chước.
- Thiết bị điện tử cũng là nguyên nhân quan trọng khiến bé 2 tuổi chậm nói. Mẹ nên tránh cho bé tiếp xúc với điện thoại, máy tính bảng hay TV quá nhiều, bởi thói quen này không kích thích các giác quan ngôn ngữ của bé.
- Đôi khi, mẹ quá hiểu bé đang cần gì mà đáp ứng ngay cũng gây phản ứng ngược. Bé không được trao cơ hội bày tỏ và diễn đạt khiến phản xạ ngôn ngữ trở nên chậm chạp.
4. Phương pháp can thiệp khi bé 2 tuổi chậm nói
4.1. Nguyên nhân thực thể: trường hợp cần sự thăm khám của bác sĩ
Khi bé 2 tuổi chậm nói thể hiện qua các biểu hiện rõ ràng, bác sĩ sẽ quan sát và kiểm tra cấu trúc và cách vòm miệng vận động. Nếu có các dấu hiệu bất thường ở vòm miệng như: sứt môi, chẻ vòm, lưỡi gà ngắn, móm, căng cơ, cơ hàm yếu, lệch khớp, dính thắng lưỡi, khó vận động môi lưỡi,…, nhiều khả năng đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc bé chậm nói. Với nguyên nhân này, bác sĩ sẽ chỉ định tiểu phẫu hoặc phẫu thuật để điều chỉnh các cơ quan bị bất thường.
Ngoài ra, bé có thính lực kém cũng dẫn đến khả năng nghe kém, từ đó kỹ năng nói cũng phát triển kém hơn. Bé 2 tuổi chậm nói phải làm sao khi có thính lực kém? Phương pháp tốt nhất lúc này là sử dụng máy trợ thính cho bé.
Mẹ có thể thấy việc đưa bé đến thăm khám tại các bệnh viện là điều rất quan trọng. Trong và sau quá trình điều trị, mẹ hãy tích cực luyện nói cùng bé tại nhà để hiệu quả điều trị được đảm bảo tốt nhất. Mẹ tham khảo thêm các cách luyện phản xạ ngôn ngữ cho bé ở phần dưới nhé!
4.2. Nguyên nhân tâm lý: Chỉ bố mẹ là người giúp con khắc phục nhanh nhất
Bé 2 tuổi chậm nói phải làm gì nếu nguyên nhân đến từ yếu tố tâm lý? Trong trường hợp này, chỉ bố mẹ mới là người có khả năng giúp con tốt nhất. Là người thân gần gũi với bé, bố mẹ hãy áp dụng những phương pháp sau đây nhé:
- Thường xuyên chơi đùa kết hợp trò chuyện với bé. Các cuộc hội thoại ngắn và đơn giản trong những thời điểm này giúp bé hình thành nên phản xạ ngôn ngữ theo thời gian. Ví dụ, bố mẹ khơi gợi cho bé tập nói thông qua những câu hỏi đơn giản như: Con ăn bánh không? Con chơi gì đấy? Bố đâu rồi?
- Bố mẹ cũng có thể chọn cách kể chuyện hay hát cho bé mỗi ngày. Hãy chọn những bài hát đơn giản, giai điệu dễ nhớ. Tương tự với các câu chuyện bố mẹ kể cho bé. Bởi mục đích là giúp bé ghi nhớ từ ngữ và bắt chước theo lời nói.
- Dạy bé gọi tên những đồ vật xung quanh: cái bàn, cái ghế, ô tô,… Bố mẹ chỉ vào những đồ vật này và liên tục gọi tên chúng để bé nhận biết và bắt chước việc bố mẹ gọi tên.
- Hạn chế tối đa sự tiếp xúc của bé với các thiết bị điện tử (tốt nhất nên dưới 1 giờ mỗi ngày). Đặc biệt, nếu bé sử dụng các thiết bị này, bố mẹ hãy dành thời gian ở bên con để trò chuyện và hỏi bé về những nội dung mà bé đang chơi.
- Thường xuyên đặt các câu hỏi đơn giản cho bé nhằm khơi gợi và kích thích khả năng suy nghĩ cũng như hồi đáp lại thông qua lời nói. Ví dụ: Kia là con gì? Đây là cái gì? Áo của con màu gì?
- Cho bé tiếp xúc với nhiều người hơn cũng là một cách tốt để giúp bé 2 tuổi chậm nói. Mẹ đưa bé đến lớp mẫu giáo sẽ giúp bé hòa nhập với môi trường bên ngoài – nơi ngôn ngữ thường xuyên được sử dụng thông qua các cuộc trò chuyện khác nhau.
5. Bài test giúp mẹ xác định rõ vấn đề ở bé 2 tuổi bị chậm nói
Bé 2 tuổi bị chậm nói phải làm sao để khắc phục nếu bé mắc hội chứng tự kỷ? Trước tiên, để xác định có đúng bé đang có dấu hiệu tự kỷ dẫn đến chậm nói hay không, mẹ hãy tiến hành bài test mang tên MCHAT-23. Đây là bài test với 23 câu hỏi đang được sử dụng rộng rãi hiện nay, giúp mẹ đánh giá Bé có đang mắc chứng tự kỷ hay không.
Xem thêm:
Trẻ 18 tháng chưa biết nói có làm sao không?
[Giải đáp] Trẻ mấy tháng biết nói? Khi nào bé được xem là chậm nói?
1 | Bé có thích đung đưa, nhún nhảy Bén đầu gối của bố mẹ không? | Có | Không |
2 | Bé có thể hiện sự quan tâm đến các bé khác không? | Có | Không |
3 | Bé có thích leo trèo, ví dụ như leo cầu thang không? | Có | Không |
4 | Bé có hứng thú với trò chơi trốn tìm không? | Có | Không |
5 | Bé có bao giờ giả vờ không? Ví dụ: chơi đồ hàng, chơi với búp bê, giả nói chuyện điện thoại,… | Có | Không |
6 | Bé đã bao giờ dùng ngón trỏ của mình để chỉ, để yêu cầu đồ vật? | Có | Không |
7 | Bé có dùng ngón trỏ chỉ vào hay thể hiện sự quan tâm đến đồ vật không? | Có | Không |
8 | Bé có biết chơi đúng cách với các đồ chơi mà không cho vào miệng, nghịch ngợm hoặc thả xuống không? | Có | Không |
9 | Bé đã bao giờ mang đồ vật đi khoe với người khác chưa? | Có | Không |
10 | Bé đã bao giờ nhìn vào mắt của bố mẹ nhiều hơn 1-2 giây chưa? | Có | Không |
11 | Bé có bị quá nhạy cảm với tiếng động không? Ví dụ: bé bịt hai tai khi có tiếng động lớn hoặc tiếng ồn. | Có | Không |
12 | Bé có cười khi thấy mẹ hoặc khi mẹ cười không? | Có | Không |
13 | Bé có biết bắt chước mẹ không? Ví dụ: khi mẹ làm điệu bộ hài hước trên mặt thì bé có biết làm theo không? | Có | Không |
14 | Bé có phản ứng khi được gọi tên không? | Có | Không |
15 | Nếu mẹ chỉ vào một đồ vật bất kỳ trong phòng, bé có nhìn theo đồ vật đó không? | Có | Không |
16 | Bé có biết đi không? | Có | Không |
17 | Bé có cùng nhìn vào đồ vật bất kỳ mà mẹ đang nhìn không? | Có | Không |
18 | Bé có những cử động ngón tay bất thường ở gần mặt không? | Có | Không |
19 | Bé có cố gắng tạo cho mẹ sự chú ý khi bé làm một hành động gì đó không? | Có | Không |
20 | Mẹ đã bao giờ nghi ngờ bé bị khiếm thính chưa? | Có | Không |
21 | Bé có hiểu những gì bố mẹ đang nói không? | Có | Không |
22 | Đôi khi bé nhìn chằm chằm vô cảm hoặc đi thơ thẩn không có mục đích, điều này có đúng không? | Có | Không |
23 | Khi đối mặt với những điều lạ, bé có nhìn mặt của bố mẹ để xem phản ứng hay không? | Có | Không |
Bé có nguy cơ cao mắc hội chứng tự kỷ nếu bé có ít nhất 3/23 câu trả lời là “Không”. Đặc biệt, nếu các câu trả lời là “Không” ở các câu hỏi then chốt 2, 7, 9, 13, 14, 15 thì nguy cơ này càng cao. Ngược lại, câu trả lời là “Có” ở các câu hỏi 11, 18, 20, 22 lại ám chỉ nguy cơ bé bị tự kỷ. Lúc này, mẹ nên đưa bé tới bệnh viện để có thể được chẩn đoán liệu bé có thật sự bị tự kỷ hay không.
Như vậy, để xác định rõ nguyên nhân khiến bé 2 tuổi chậm nói, mẹ cần chú ý quan sát, theo dõi hành vi cũng như phản ứng của bé trong sinh hoạt hàng ngày. Với các trường hợp đặc biệt liên quan tới bệnh lý khiến bé chậm nói, mẹ cần đưa bé đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời. Nếu có băn khoăn gì, mẹ để lại bình luận phía dưới để được hỗ trợ nhanh nhất mẹ nhé!
Hãy luôn cập nhật thông tin mới nhất từ Góc của mẹ để nắm được những điều bổ ích cho mẹ và bé nha!
Nguồn tham khảo:
https://bookingcare.vn/cam-nang/bang-kiem-sang-loc-tu-ky-18–24-thang-tuoi-m-chat-23-p2070.html
https://trituetreem.vn/tre-cham-noi/nguyen-nhan/
https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/dau-hieu-dien-hinh-canh-bao-tre-cham-noi/
https://kidshealth.org/en/parents/not-talk.html