Trầm cảm sau sinh là nỗi băn khoăn của mẹ. Trầm cảm sau sinh có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, tâm lý của mẹ, thậm chí dẫn đến hậu quả đáng tiếc.
Mục lục
1. Trầm cảm sau sinh là gì?
Bệnh trầm cảm sau khi sinh là căn bệnh tâm lý thường gặp, xảy ra ở khoảng 10 – 20% phụ nữ sau khi sinh nở. Bệnh lý này biểu hiện ở cảm xúc chán nản, mệt mỏi và những suy nghĩ tiêu cực về bản thân. Trầm cảm sau sinh có thể ở dạng nhẹ. vừa và nặng, có thể diễn ra trong thời gian ngắn hoặc kéo dài. Bệnh này có thể điều trị nếu phát hiện sớm, bằng phương pháp tư vấn tâm lý hoặc thuốc.
2. Dấu hiệu trầm cảm sau sinh:
Theo hellobacsi.com triệu chứng trầm cảm sau sinh có thể được biểu hiện thành 3 cấp độ chính:
2.1. Hội chứng buồn chán sau sinh (baby blues)
Đây là cấp độ nhẹ nhất của chứng bệnh này. Các triệu chứng của baby blues chỉ kéo dài vài ngày đến 2 tuần sau khi sinh, bao gồm:
- Tâm trạng lâng lâng
- Lo âu
- Buồn bã
- Khó chịu
- Cảm giác choáng váng
- Khóc
- Giảm tập trung
- Vấn đề về khẩu vị
- Khó ngủ
2.2. Trầm cảm sau sinh:
Hội chứng baby blues nếu không được điều trị tốt có thể diễn tiến thành bệnh trầm cảm sau sinh. Biểu hiện trầm cảm sau sinh có nhiều điểm tương đồng với hội chứng baby blues nhưng nghiêm trọng và kéo dài hơn (vài tuần đầu sau sinh – 6 tháng). Ở giai đoạn này, mẹ có thể bị ảnh hưởng khả năng chăm sóc con và xử lý công việc hàng ngày.
Các triệu chứng trầm cảm sau sinh bao gồm:
- Trầm cảm hoặc tâm trạng lâng lâng nghiêm trọng
- Khó kết nối với con của bạn
- Tách biệt với gia đình và bạn bè
- Mất khẩu vị và rối loạn ăn uống
- Khó ngủ
- Khóc nhiều
- Mệt mỏi quá mức, mất năng lượng
- Giảm hứng thú với những hoạt động từng rất thích
- Khó chịu và giận dữ quá mức
- Giảm khả năng suy nghĩ, tập trung hoặc đưa ra quyết định
- Lo lắng nghiêm trọng và thường sợ hãi
- Tự làm đau bản thân hoặc con
- Tìm cách tự tử
2.3. Rối loạn tâm thần sau sinh
Rối loạn tâm thần là giai đoạn cuối cùng của căn bệnh này, bao gồm các dấu hiệu, triệu chứng nghiêm trọng và kéo dài hơn:
- Nhầm lẫn và mất phương hướng
- Suy nghĩ ám ảnh về việc sinh con
- Ảo giác và ảo tưởng
- Rối loạn giấc ngủ
- Rối loạn nhân cách
- Tự làm đau bản thân hoặc con
Rối loạn tâm thần gây ra nhiều hậu quả tiêu cực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và cuộc sống của mẹ. Rối loạn tâm thần cần được chữa trị ngay lập tức.
3. Nguyên nhân bệnh trầm cảm sau sinh
Tương tự với các căn bệnh tâm lý khác, trầm cảm sau sinh có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, yếu tố như hormone thay đổi đột ngột, tiền sử trầm cảm, chưa kịp thích nghi với cuộc sống sau sinh, cơ thể chưa hồi phục, trong thời gian mang thai trải qua nhiều sự kiện căng thẳng, dồn dập,… trong đó sự sụt giảm và bất ổn của hormone được xem là yếu tố chủ yếu.
4. Cách chữa trầm cảm sau sinh:
Chứng bệnh tâm lý này có thể chữa thông qua trị liệu tâm lý hoặc bằng thuốc cùng với sự hỗ trợ, quan tâm của người thân, bạn bè.
4.1. Tâm lý trị liệu:
Tâm lý trị liệu là phương pháp thường được khuyến khích bởi các bác sĩ, chuyên gia. Đây là phương pháp khá an toàn, gần như không có tác dụng phụ, đồng thời còn có thể tác động tích cực trở lại đến tư duy, suy nghĩ, hành động của người bệnh. Nếu trầm cảm ở mức độ nhẹ thì chỉ cần tư vấn tâm lý thông thường cũng có thể khỏi bệnh. Ở trường hợp nặng hơn thì vẫn cần kết hợp giữa điều trị bằng thuốc và tư vấn tâm lý.
Khi áp dụng tâm lý trị liệu, mẹ nhớ lưu ý lựa chọn những phòng khám uy tín để đảm bảo được điều trị đúng cách. Ngoài ra, cũng có thể tự chữa chứng trầm cảm sau sinh bằng thiền định, thở dưỡng sinh, yoga hay nghe nhạc thư giãn, đi dạo, trò chuyện cùng bạn bè, người thân… Những phương pháp có thể cải thiện cảm xúc, tâm lý và hành động mà không nhất thiết phải đến phòng khám.
4.2. Điều trị bằng thuốc:
Nếu tâm lý trị liệu không phát huy hiệu quả hoặc hiệu quả yếu thì điều trị bằng thuốc là phương pháp thường được áp dụng để ổn định thần kinh. Theo benhvienthucuc.webflow.io, Sertraline, Amitriptylin, Clomipramin, Imipramin,… là những loại thuốc phổ biến để chữa trị căn bệnh này.
Điều trị bằng thuốc cần thời gian thẩm thấu. Thuốc có thể cần từ 4 – 6 tuần mới phát huy tác dụng.
Điều trị bằng thuốc có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn như chóng mặt, buồn nôn, táo bón, gây buồn ngủ…, thậm chí ảnh hưởng đến bé thông qua tuyến sữa. Bởi vậy, phương pháp này không được áp dụng tùy tiện mà phải dựa trên sự tư vấn của các chuyên gia, bác sĩ để hạn chế hết mức có thể những ảnh hưởng tiêu cực lên mẹ và bé.
5. Phòng tránh:
Cách tốt nhất để chữa trị chứng bệnh tâm lý này là phòng tránh ngay từ đầu. Để giảm thiểu nguy cơ mắc phải, mẹ nên chuẩn bị từ sớm những kiến thức, kỹ năng về sinh nở, về quá trình làm cha mẹ. Mẹ có thể tham gia những lớp học tiền sản để sớm định hình và làm quen với cuộc sống sau sinh.
Bên cạnh đó, trước và trong quá trình mang thai, mẹ nên đi thăm khám định kì để đảm bảo bé phát triển tốt. Mẹ cũng nên có chế độ nghỉ ngơi, ăn uống khoa học, hạn chế làm việc, học tập quá sức, đặc biệt khi đang mang thai để đảm bảo sức khỏe, tâm lý.
Mẹ có thể tìm hiểu thêm về cách chuẩn bị tâm lý trước khi mang thai tại: GÓC CỦA MẸ – TÂM LÝ TRƯỚC KHI MANG THAI: MẸ VUI BÉ KHỎE
Trên đây là một số lưu ý của Góc của mẹ về chứng bệnh trầm cảm sau sinh. Mẹ nhớ theo dõi những bài viết trên Góc của mẹ của Góc của mẹ để tìm hiểu thêm những bài viết về cách chăm sóc sức khỏe sau sinh nhé. Chúc mẹ và bé luông khỏe mạnh!