Mẹ có biết một trong những cách tránh thai tự nhiên được nhiều mẹ bỉm sữa áp dụng đó là cho con bú sữa hoàn toàn không? Đây là một biện pháp đơn giản và không gây hại sức khỏe cho mẹ và bé. Tuy nhiên, biện pháp này chỉ hiệu quả 99%. Không thể loại trừ khả năng mẹ có bầu khi đang cho con bú. Đa phần các trường hợp mẹ có bầu khi đang cho con bú là ngoài ý muốn. Nếu mẹ không được chăm sóc cẩn thận, rất có thể sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của thai nhi, em bé và cả mẹ nữa. Mẹ hãy theo dõi bài viết sau đây để tìm hiểu kĩ càng hơn nhé!
Tìm hiểu thêm: Ra máu khi mang thai – nguy hiểm hay không?
Mục lục
1. Vì sao mẹ vẫn có bầu khi đang cho con bú?
Biện pháp tránh thai an toàn là cho con bú không phải có tác dụng 100%. Sự thật là mẹ vẫn có thể có bầu ngay khi mới sinh xong và khi đang cho con bú. Khi cho con bú, cơ thể mẹ tiết ra chất prolactin có tác dụng làm chậm chu kì kinh nguyệt. Kinh nguyệt sẽ trở lại chậm hơn nếu mẹ cho con bú hoàn toàn. Thông thường, chu kì sẽ trở lại sau 6 tuần nếu mẹ không cho con bú và sau 24 tuần nếu mẹ cho con bú. Tuy nhiên, tính thất thường của thời điểm rụng trứng là không thay đổi. Sự chủ quan của các cặp vợ chồng trong sinh hoạt có thể dẫn đến mẹ mang thai lúc nào không biết.
2. Dấu hiệu mẹ có bầu khi đang cho con bú
Sau sinh nở, có nhiều cặp vợ chồng rất nhanh trở lại cuộc sống sinh hoạt phòng the bình thường sau một thời gian dài mang thai. Nếu không áp dụng các biện pháp tránh thai cẩn thận, khả năng mẹ có bầu khi đang cho con bú là khá cao. Nếu thấy những dấu hiệu dưới đây, có thể mẹ bỉm đã mang bầu lần nữa.
- Bé đột ngột mất hứng thú với sữa mẹ: do nội tiết tố thay đổi. Từ đó sẽ ảnh hưởng tới chất lượng và mùi vị sữa. Vì vậy có thể dẫn tới tình trạng bé bỏ bú, bú ít, tiêu chảy.
- Giảm lượng sữa: nếu bé vẫn còn đói sau khi bú thì khả năng cao lượng sữa của mẹ đã giảm. Thông thường sau 2 tháng đầu mang thai, lượng sữa mẹ sẽ giảm đi rõ rệt.
- Ngực đau, mẫn cảm: đây là dấu hiệu mang thai phổ biến với đa số chị em phụ nữ. Với những mẹ đang cho con bú, cảm giác này sẽ đau hơn so với những trường hợp mang thai thông thường. Núm vú của mẹ tăng độ mẫn cảm, bầu ngực có thể đau nhức. Khi cho con bú, mẹ sẽ có cảm giác khó chịu.
- Mệt mỏi: đối với mẹ bỉm sữa mang thai, cảm giác mệt mỏi, kiệt sức sẽ rõ ràng hơn. Đó là do mẹ đang trong quá trình hồi phục sức khỏe sau sinh, vừa phải chăm sóc bé lại vừa phải nuôi dưỡng thai nhi.
- Ốm nghén: đây là dấu hiệu đáng tin cậy nhất. Mẹ có thể bị choáng váng, buồn nôn, đau đầu, xây xẩm mặt mày. Các triệu chứng của ốm nghén đối với mẹ cũng tới sớm hơn và khiến mẹ vất vả hơn.
3. Những vấn đề thường gặp nếu mẹ có bầu khi đang cho con bú
3.1. Cai sữa cho bé
Có nhiều mẹ cho rằng nếu cho con bú khi đang mang thai sẽ khiến bé bị đau bụng, chậm phát triển… Một số lại nghĩ rằng lượng sữa tự nhiên sẽ mất đi. Tuy nhiên những điều này là không đúng. Sữa mẹ vẫn được tiết ra trong suốt thời gian mang thai. Mẹ hoàn toàn có thể cho bé bú trong khi có bầu. Việc này không gây ra vấn đề sức khỏe nào cho mẹ, bé và thai nhi.
Trong trường hợp mẹ muốn cai sữa cho con, cần cắt giảm một cách từ từ. Mẹ có thể làm thưa dần các cữ bú của bé để bé làm quen dần dần. Cách làm này cũng tránh sự thay đổi đột ngột của các hormone trong cơ thể mẹ.
3.2. Cho 2 bé bú song song
Khi mẹ mang thai đến tháng thứ 4 và 5, mẹ bắt đầu tiết ra sữa non. Đấy là loại sữa rất giàu dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh. Tuy nhiên có nhiều mẹ lo lắng về việc bé lớn sẽ uống cạn nguồn sữa non ấy. Nhưng mẹ hoàn toàn không nên lo lắng về điều này. Sữa non sẽ liên tục được tiết ra cho đến khi em bé chào đời. Một lưu ý nhỏ là trong những ngày đầu sau khi sinh bé thứ 2, mẹ nên hạn chế cho bé lớn bú mẹ. Dành sự ưu tiên hơn cho bé mới sinh có thể đảm bảo khả năng bé nhận được nguồn sữa non cần thiết.
Một vấn đề của mẹ có bầu khi đang cho con bú đó là xuất hiện xu hướng ghen tị của bé lớn. Bởi vì sự chào đời của bé sơ sinh có thể khiến con cảm thấy bị bỏ rơi, bị chiếm đoạt. Bé có thể tỏ ra giận dỗi, xa lạnh, thậm chí đành hanh với em mình. Mẹ hãy thật nhẹ nhàng và thuyết phục bé rằng cần phải chia sẻ với em nhỏ hơn. Hãy âu yếm và dịu dàng vì con còn quá nhỏ và nhạy cảm để hiểu hết được mọi thứ đang xảy ra xung quanh mình.
4. Một số lưu ý cho mẹ
4.1. Tăng cường bổ sung dinh dưỡng cho mẹ
Chế độ dinh dưỡng của mẹ có bầu khi đang cho con bú cần được chú ý nhiều hơn. Bất kể trong trường hợp nào, mẹ cần đảm bảo sức khỏe để có thể chăm sóc tốt cho cả 2 bé con của mình.
- Nếu mẹ tiếp tục cho con bú: áp lực dinh dưỡng tăng cao. Lúc này mẹ phải cũng cấp sữa cho bé lơn, lại vừa phải đảm bảo dưỡng chất cho thai nhi và bản thân.
- Nếu mẹ cho con cai sữa: việc bổ sung dinh dưỡng không nên bị lơ là. Mẹ vẫn đang trong giai đoạn hồi phục cơ thể. Mang thai 2 bé quá sát nhau có thể khiến mẹ giảm sức đề kháng, nếu không chú ý bổ sung dưỡng chất, thai nhi có thể bị suy dinh dưỡng.
Mẹ cần tăng chất lượng bữa ăn, có thể bổ sung dưỡng chất từ thuốc bổ. Mẹ nên được cung cấp các chất: DHA, EPA, sắt, canxi, acid folic, i ốt, magie, kẽm…
4.2. Trường hợp đặc biệt cần lưu ý
Mẹ nên cai sữa sớm cho bé lớn nếu ở trong những trường hợp như sau:
- Dọa sảy thai
- Ra máu
- Tiền sử sinh non
- Thai đôi
- Dạ con có biểu hiện co bóp
Việc mẹ có bầu khi đang cho con bú có thể khiến nhiều mẹ bối rối và lo lắng. Mong rằng bài viết này đã cũng cấp cho mẹ những thông tin hữu ích. Chúc mẹ và bé luôn mạnh khỏe và hạnh phúc!
Mẹ nên tham khảo: Bị tiêu chảy khi mang bầu? Mẹ cần nắm chắc cách xử lý!