Mang thai là một quá trình dài của mẹ khi nuôi trong mình một sinh linh bé nhỏ. Việc có thêm một em bé trong bụng dẫn đến cơ thể mẹ thay đổi rất nhiều từ lúc bắt đầu cho tới khi sinh xong vài tháng đến vài năm. Không chỉ những thay đổi trên cơ thể, nhiều mẹ còn gặp những hệ lụy về sức khỏe. Trong đó, bí tiểu sau sinh là một tình trạng rất nhiều mẹ gặp phải. Vậy thì mẹ biết gì về bí tiểu sau sinh? Hãy cùng Góc của mẹ tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!
Xem thêm: Đau bụng đẻ và tất tần tật các biện pháp giảm đau cho mẹ
Mục lục
1. Bí tiểu sau sinh là gì?
Đây là tình trạng rối loạn đường tiểu, mất khả năng làm rỗng bàng quang khi đầy. Có khoảng 13,5% mẹ sau sinh gặp phải tình trạng này. Đây là một biến chứng thường gặp, đặc biệt với mẹ khi sinh ngả âm đạo. Dấu hiệu bí tiểu sau sinh là mẹ mắc đi tiểu nhưng không thế đi được, có cầu bàng quang căng.tình trạng này tuy không nguy hiểm nhưng cũng ít nhiều ảnh hưởng tới mẹ về vận động và cảm giác.
Thông thường, khoảng 3 – 4 giờ sau sinh, mẹ có cảm giác mắc đi tiểu. Biểu hiện lâm sàng là mẹ không thể đi tiểu được. Khi thăm khám sẽ thấy bụng mềm, ấn vào khối cầu bàng quang thấy căng tức khó chịu. Sau khi được hướng dẫn đi tiểu ngồi theo tư thế tự nhiên, đắp ấm vùng dưới rốn nhưng kết quả vẫn không đi được, cẳm giác khó chịu ngày càng tăng. Mẹ có thể bị bí tiểu sau sinh mổ hoặc bí tiểu sau sinh thường do nhiều nguyên nhân khác nhau.
2. Nguyên nhân gây bí tiểu sau sinh
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng bí tiểu ở mẹ mới sinh. Sau đây là một số nguyên nhân thường gặp:
2.1. Nguyên nhân thông thường
- Do thuốc gây mê, gây tê: đối với mẹ sinh mổ cần phải gây tê tủy sống. Thuốc gây tê có thể khiến mẹ bị bí tiểu sau sinh mổ. Tuy nhiên khi thuốc hết tác dụng, mẹ có thể đi tiểu lại được bình thường.
- Bàng quang bị căng giãn: trong khi chuyển dạ, ngôi thai xuống thấp, đầu thai nhi đè vào cổ bàng quang hoặc niệu đạo. Việc này khiến ứ đọng nước tiểu, làm bàng quang căng giãn. Thai càng to thì độ căng giãn càng nhiều. Sau sinh, chức năng co bóp bàng quang yếu đi. Cổ bàng quang giãn nở không đủ để nước tiểu thoát ra ngoài.
- Tổn thương do thủ thuật mổ đẻ: trong quá trình mổ có thể có sai sót của bác sĩ. Mẹ có thể bị dập bàng quang, liệt bàng quang dẫn tới tình trạng bí tiểu.
- Tầng sinh môn bị ảnh hưởng: trong quá trình sinh, mẹ phải cắt khâu tầng sinh môn. Chỗ khâu bị sưng nề khiến phản xạ co bóp cơ ở đường tiểu hoạt động kém. Từ đó mẹ có thể bị bí tiểu sau sinh. Ngoài ra, việc đi tiểu có thể tác động vào vết thương gây nên tiểu đau, tiểu buốt.
2.2. Nguyên nhân bệnh lý
- Bệnh viêm niệu đạo: cơ thể mẹ suy yếu khiến cho vi khuẩn tấn công niệu đạo gây bệnh. Niệu đạo bị viêm sẽ cản trở dòng tiểu gây nên bí tiểu. Mẹ có thể bị đi tiểu nhiều lần, tiểu buốt, tiểu dắt, bí tiểu, nước tiểu đục có mủ hoặc máu, dịch tiết âm đạo có mùi hôi, đau khi quan hệ tình dục… Vi khuẩn ở viêm niệu đạo có thể lan rộng đến các vùng khác. Căn bệnh này có thể gây vô sinh, hiếm muộn.
- Bệnh viêm âm đạo: xảy ra khi mẹ sau sinh không chăm sóc sạch sẽ để vi khuẩn tấn công. Bệnh này cũng sẽ gây ra tình trạng bí tiểu và các biến chứng nguy hiểm khác.
3. Cách khắc phục bí tiểu sau sinh cho mẹ
3.1. Nguyên tắc điều trị
Khi điều trị bí tiểu sau sinh, mẹ cần tuân thủ một số nguyên tắc sau đây:
- Tạo lại phản xạ đi tiểu bằng cách tập đi tiểu.
- Chống nhiễm trùng bằng kháng sinh.
- Chống phù nề ép cổ bàng quang bằng kháng viêm.
- Hỗ trợ tăng trương lực bàng quang, giúp khả năng co bóp bàng quang trở lại bình thường.
3.2. Điều trị bí tiểu sau sinh
Việc đầu tiên mẹ cần làm đó chính là tập đi tiểu để lấy lại phản xạ.
- Chườm ấm bụng, rửa âm hộ bằng nước ấm.
- Uống nhiều nước, bổ sung dinh dưỡng đầy đủ.
- Đi tiểu theo tư thế ngồi tự nhiên, tránh nhịn tiểu.
- Tránh nhiễm trùng âm hộ.
Nếu tập đi tiểu rồi mà mẹ vẫn không đi tiều được thì cần tiến hành biện pháp thông tiểu. Việc này được thực hiện bằng cách đặt sonde tiểu và lưu trong 24 giờ.
- Đặt sonde tiểu và tháo kẹp mỗi 3 – 4 giờ/lần.
- Khi tháo kẹp, mẹ phải tập rặn tiểu qua sonde. Nếu mẹ tiểu được qua sonde thì mới được rút sonde.
- Dụng cụ thông tiểu phải tuyệt đối vô khuẩn để tránh nhiễm khuẩn. Kỹ thuật thực hiện phải đúng quy trình và an toàn tuyệt đối.
- Không lưu sonde tiểu qua 48 giờ.
3.3. Cách phòng tránh bí tiểu sau sinh
- Vận động sớm sau sinh.
- Uống nhiều nước.
- Không nên vì sợ đau mà nín tiểu.
- Vệ sinh âm hộ sạch sẽ.
- Luôn giữ khô âm hộ.
- Tránh nhiễm trùng vết khâu tầng sinh môn.
- Phục hồi sức khỏe sau sinh để tránh mắc các bệnh lý nguy hiểm khác.
Bí tiểu sau sinh tuy không gây nguy hiểm quá lớn đến mẹ nhưng gây khó chịu, căng tức. Vì vậy mẹ cần có các biện pháp để loại bỏ tình trạng này. Khi thấy dấu hiệu bất thường cần được tư vấn điều trị sớm, tránh những biến chứng khác. Chúc mẹ luôn mạnh khỏe và hạnh phúc!
Mẹ nên tham khảo: Gây tê màng cứng có nguy hiểm cho mẹ bầu?