Trong quá trình mang thai và sinh nở, chắc hẳn ai cũng mong muốn được “mẹ tròn con vuông”, mẹ và bé đều khỏe mạnh. Thế nhưng không phải ai cũng được thuận lợi trong sinh đẻ. Nhiều phụ nữ đã gặp biến chứng và tử vong do nhiều nguyên nhân khác nhau trong quá trình này. Một trong số những nguyên nhân đó là băng huyết sau sinh. Đây là nguyên nhân gây tử vong cao nhất ở các sản phụ trên thế giới. Nhiều mẹ bầu vô cùng lo lắng sẽ gặp phải tình trạng này. Hôm nay mẹ hãy cùng Góc của mẹ tìm hiểu về băng huyết sau sinh nhé!
Mục lục
1. Băng huyết sau sinh là gì?
Băng huyết sau sinh là hiện tượng chảy máu liên tục ở đường sinh dục của mẹ trong vòng 24h sau khi chuyển dạ. Mẹ mới sinh gặp phải hiện tượng này có thể mất từ 500ml máu trở đi hoặc hơn 1% lượng máu trong cơ thể. Việc mất quá nhiều máu có thể khiến mẹ bầu tử vong.
Theo số liệu thống kê được, có khoảng 529000 phụ nữ chết trong khi mang thai và sinh nở. Trong đó số người bị băng huyết sau sinh lên tới con số 100000 người. Tỉ lệ tử vong vì băng huyết sau sinh là 3 – 8% tại Việt Nam. Con số này chênh lệch rất lớn giữa các nước phát triển với các nước có mức sống thấp. Có tới 99% mẹ tử vong vì băng huyết sau sinh ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, trong khi ở các nước phát triển con số này chỉ dừng lại ở 1%. Điều này cho ta thấy việc trang bị đầy đủ kiến thức và kĩ năng với những người làm công tác chăm sóc sức khỏe sơ sinh là rất quan trọng.
2. Nguyên nhân gây băng huyết sau sinh
Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất của băng huyết sau sinh là đờ tử cung. Sau sinh, tử cung có nhiệm vụ co bóp và đẩy nhau thai ra ngoài. Cơn co thắt này giúp hạn chế chảy máu sau sinh. Vậy nên nếu tử cung của mẹ co bóp không đủ lực sẽ gây ra tình trạng chảy máu tự do dẫn tới mất máu. Đây là một tình trạng nguy hiểm bởi vì việc này hoàn toàn có thể khiến mẹ bầu tử vong. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng đờ tử cung, tiêu biểu như:
- Tử cung quá căng giãn: đa thai, đa ối, thai lớn.
- Cơ tử cung kiệt sức: do tình trạng chuyển dạ kéo dài hoặc chuyển dạ nhanh.
- Chất lượng tử cung kém: mẹ đã sinh nở nhiều lần, bị u xơ tử cung hoặc bị dị dạng tử cung.
- Mẹ bị nhiễm trùng ối, suy nhược, thiếu máu.
- Mẹ bị rối loạn đông máu.
- Mẹ từng có tiền sử băng huyết sau sinh, từng sảy thai hoặc nạo phá thai.
- Mẹ mang thai sau 35 tuổi.
- Mẹ bị béo phì.
Tuy nhiên, một số sản phụ mặc dù không gặp bất kì yếu tố nguy cơ nào kể trên cũng có thể bị băng huyết sau sinh. Các mẹ bầu trước khi mang thai cần tìm hiểu và cân nhắc kĩ lưỡng. Nên đi khám sức khỏe toàn diện trước khi mang thai để biết rõ tình trạng của bản thân và xin lời khuyên từ bác sĩ.
Ngoài đờ tử cung ra còn một số nguyên nhân khác gây nên tình trạng băng huyết sau sinh, ví dụ như: sót rau, lấy rau sai cách, dây rau ngắn, đỡ đẻ không đúng cách, thai lưu. Một điều nữa các mẹ nên biết đó là tỉ lệ người châu Á tử vong vì băng huyết sau sinh cao hơn người da trắng và da đen (cụ thể là người gốc Nam Á).
3. Dấu hiệu nhận biết
Trong vòng 24h sau sinh, mẹ và gia đình cần phải để ý những dấu hiệu bất thường để kịp thời báo với bác sĩ. Sau đây mà những dấu hiệu của băng huyết sau sinh có thể xảy ra:
- Chảy máu tự do từ đường sinh dục ngay sau sinh và sổ rau.
- Tụt huyết áp.
- Nhịp tim tăng hoặc không đều, da bị tái xanh, thai phụ khát nước.
- Sưng đau ở khu vực âm đạo do tụ máu.
- Vã mồ hôi bất thường, chân tay bị lạnh.
- Sốt.
- Đau bụng dưới.
4. Hậu quả và biến chứng
Biến chứng thường thấy nhất của tình trạng băng huyết sau sinh đó là nhiễm trùng hậu sản. Nhiễm trùng hậu sản có thể gây nên những biến chứng nguy hiểm khác cho mẹ như:
- Nhiễm khuẩn âm đạo, tâng sinh môn.
- Viêm niêm mạc tử cung.
- Viêm tử cung.
- Viêm phúc mạc.
- Nhiễm khuẩn huyết.
- Viêm tắc tĩnh mạch.
Ngoài ra, mẹ bị băng huyết sau sinh có thể có thể gặp một số vấn đề kéo dài như: thiếu máu, hội chứng Sheehan, cắt tử cung làm mất khả năng mang thai, suy thận, suy đa tạng.
5. Phòng tránh khả năng băng huyết sau sinh
- Mẹ nên khám thai định kì theo chỉ định của bác sĩ. Việc này có thể giúp phát hiện kịp thời các biểu hiện bất thường của mẹ và thai nhi để được xử trí đúng cách.
- Ăn uống theo chế độ dinh dưỡng hợp lí khi mang thai. Bổ sung sắt bằng cách ăn các thực phẩm chứa nhiều chất sắt. Nếu được bác sĩ chỉ định có thể uống thêm thuốc sắt. Như vậy mẹ có thể hạn chế khả năng phải truyền máu khi gặp phải băng huyết sau sinh.
- Giữ vùng kín sạch sẽ tránh nhiễm trùng.
- Mẹ bầu cần được nghỉ ngơi và chăm sóc cẩn thận, tâm trạng ổn định tránh lo âu, căng thẳng. Nếu sản dịch vẫn còn thì phải tuyệt đối kiêng quan hệ vợ chồng.
Băng huyết sau sinh luôn là một vấn đề mà chị em phụ nữ lo sợ khi mang thai và sinh nở. Nếu không được phát hiện và xử lí kịp thời có thể gây nhiều biến chứng sau này cho mẹ, thậm chí dẫn đến tử vong. Vì vậy các mẹ và gia đình cần có đủ kiến thức về tình trạng băng huyết sau sinh để có thể giảm thiểu nguy cơ gặp phải cho bà bầu. Góc của mẹ xin chúc mẹ có đủ sức khỏe để nuôi dưỡng bé thật tốt!
Tìm hiểu thêm: