Hiện tượng chuyển dạ bao gồm các triệu chứng dự báo, quá trình chuyển dạ và kết thúc là sự ra đời của em bé, chính thức kết thúc thai kì của mẹ. Mẹ đã biết gì về hiện tượng này? Cùng lưu ý những điều dưới đây nhé!
Mục lục
1. Hiện tượng chuyển dạ như thế nào?
Chuyển dạ khởi phát và cơ thể báo trước cho mẹ bởi một số dấu hiệu thường gặp. Mẹ có thể thấy âm đạo ra dịch nhầy hồng hoặc ra nước nếu ối rỉ hoặc đã vỡ. Tình trạng đau bụng tăng dần xuất hiện từng cơn. Nhiều mẹ còn cảm thấy bụng mình thấp xuống, hẫng bụng. Mẹ cần chú ý đến những dấu hiệu này để đến cơ sở y tế theo dõi chuyển dạ.
Quá trình chuyển dạ bắt đầu, cổ tử cung của mẹ dần ngắn lại, mở ra. Song song đó các cơn đau bụng do cơn co tử cung gây ra thúc đẩy thai xuống thấp. Khi cổ tử cung mở hết 10cm thai bắt đầu quá trình lọt khỏi tử cung mẹ. Kết thúc hiện tượng chuyển dạ, thai và bánh rau dây rốn hoàn toàn sổ ra ngoài.
Một số những lưu ý hàng đầu về chuyển dạ
2. Ảnh hưởng của hiện tượng chuyển dạ lên thai nhi
Trong chuyển dạ thai chịu những yếu tố ảnh hưởng khác nhau như cơn co tử cung, động lực cơ học tác động lên thai và dây rốn và thay đổi chuyển hoá của mẹ.
2.1. Cơn co tử cung
Cơn co tử cung trong chuyển dạ có thể đạt tới 100-120mmHg. Tuy nhiên đối với thai bình thường, cơn co tử cung bình thường trong chuyển dạ không ảnh hưởng đến thai. Những bất thường của cơn co tử cung như quá dày hoặc quá dài có thể đe doạ một thai bình thường. Mặt khác nếu bánh rau của thai bị suy hay kém tưới máu, trao đổi oxy giảm, thai có thể suy dù cơn co bình thường. Hoặc khi thai yếu, kém phát triển, dẫn đến giảm dự trữ đường máu của thai, thai có thể kém chịu đựng hơn với cơn co tử cung.
Chính do những nguyên nhân trên, việc được theo dõi chuyển dạ tại cơ sở y tế là rất cần thiết. Cơn co tử cung được theo dõi trên monitoring sản khoa. Nếu cơn co được nhận định bất thường, hoặc tim thai có nhịp độ bất thường, các y bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định phù hợp cho mẹ nhằm đưa cơn co về mức phù hợp.
2.2. Lực cơ học
Lực cơ học đến từ áp lực thành tử cung. Trường hợp màng ối vẫn còn, thai và dây rốn không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi lực cơ học. Sau khi ối vỡ, áp lực chèn ép vào đầu thai nhi tăng gấp 2-3 lần, dây rốn có thể bị ép giữa tử cung và thai nhi. Điều này làm giảm lưu lượng dòng máu trao đổi giữa mẹ và thai nhi. Do đó khi phát hiện vỡ ối mẹ cần nhanh chóng đến bệnh viện để theo dõi chuyển dạ.
2.3. Ảnh hưởng chuyển hoá mẹ lên thai
Có rất nhiều quá trình chuyển hoá ở mẹ thay đổi để thích nghi với hiện tượng chuyển dạ. Mọi thay đổi này có ảnh hưởng đến thai nhi. Cơ thể em bé có cơ chế riêng đáp ứng lại với những thay đổi đó.
Một số hiện tượng có thể kể đến là việc mẹ thở nhanh, gắng sức và nỗ lực rặn trong chuyển dạ làm thay đổi các chỉ số nồng độ oxy và cacbonic bão hoà trong máu mẹ, dẫn đến ảnh hưởng cho thai. Thai nhi và những cơn co tử cung mạnh cũng có thể đè lên tĩnh mạch chủ dưới làm giảm dung lượng máu đến thai. Lo lắng và đau có thể khiến cơ thể mẹ tăng tiết cortisol và catecholamine làm co mạch tử cung, qua đó tăng tình trạng thiếu máu và rối loạn chuyển hoá ở mẹ.
Chỉ khi cơ thể mẹ và bé được khoẻ mạnh mới có thể chịu đựng và đáp ứng tốt với những ảnh hưởng trên. Thai kì khoẻ mạnh là chìa khoá cho mọi hiện tượng sinh lý mẹ – bé.
3. Khi có hiện tượng sắp chuyển dạ, mẹ nên làm gì?
3.1. Khi mẹ đang theo dõi ở cơ sở y tế
Nếu đã có mặt ở bệnh viện hay trạm xá, phòng khám sản khoa, mẹ nên ngay lập tức báo cho bác sĩ – y tá để được khám ngay. Nhịp tim thai và cơn co tử cung được theo dõi trên monitor sản khoa. Tiến triển của hiện tượng chuyển dạ được đánh giá qua sự xoá – mở cổ tử cung. Đây chính là câu trả lời của câu hỏi “mở bao nhiêu cm rồi?” mà có thể mẹ đã từng nghe. Khi thai chuẩn bị sổ, các bác sĩ và nữ hộ sinh sẽ phối hợp đỡ bé lọt lòng. Mọi biện pháp y tế phù hợp nhất được thực hiện để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé.
3.2. Khi mẹ đang ở ngoài cơ sở y tế
Mẹ cần bình tĩnh với những dấu hiệu chuyển dạ vừa mới xuất hiện. Hãy ngay lập tức liên lạc với người thân và phương tiện đưa mẹ đến cơ sở y tế sớm nhất. Khi mẹ thấy có nước ra ở âm đạo, đây là dấu hiệu rỉ ối hoặc vỡ ối. Khi đó chuyển dạ có thể khởi phát nhanh, đột ngột hơn bình thường, các cơn đau có thể dồn dập hơn. Mẹ nhanh chóng đeo băng vệ sinh cỡ lớn và đến ngay cơ sở y tế.
Mẹ hãy luôn chuẩn bị sẵn sàng cho hiện tượng chuyển dạ nhất là ở 3 tháng cuối thai kì. Một số giấy tờ tuỳ thân, đồ đạc của mẹ và bé khi nhập viện là rất cần thiết. Tâm lý bình tĩnh và sức khoẻ ổn định của mẹ và bé vô cùng quan trọng đối với quá trình chuyển dạ. Mẹ đừng bỏ qua bất kì lưu ý nào về chuyển dạ nhé!
Có thể nói, hiện tượng chuyển dạ là giai đoạn chìa khoá giữa sự ra đời của bé và điểm kết thúc thai kì của mẹ. Hi vọng một số kinh nghiệm và lưu ý cơ bản trên đây có thể giúp mẹ chuẩn bị tốt nhất cho hành trình vượt cạn.
Nguồn tham khảo:
https://youmed.vn/tin-tuc/qua-trinh-chuyen-da-va-sinh-no-dien-ra-nhu-the-nao/