Ngay từ khi bé yêu còn nhỏ, bố mẹ nên chủ động dạy trẻ kỹ năng bảo vệ bản thân để bé tự do khám phá bên ngoài, kết thêm nhiều bạn mới và “ăn mau chóng lớn”. Đừng quá bao bọc bé yêu mẹ ơi, con đủ lớn để tự bảo vệ chính mình và điều mẹ cần làm là dạy bé các kỹ năng cần thiết. Cùng Góc của mẹ khám phá 8 kỹ năng quan trọng bé nào cũng cần biết và có phương hướng dạy bé đúng cách, mang lại hiệu quả tốt nhất mẹ nhé!
Mục lục
1. Kỹ năng tự bảo vệ bản thân là gì mẹ nhỉ?
Dạy trẻ kỹ năng tự bảo vệ bản thân là mở rộng những hiểu biết của trẻ về những sự việc xung quanh mình và chỉ cách để bé bảo vệ mình an toàn. Trẻ có kỹ năng bảo vệ bản thân giúp bé tránh xa những mối nguy hiểm khi khám phá thế giới bên ngoài.
Giai đoạn từ 4 đến 12 tuổi con dễ gặp phải nhiều mối nguy hiểm nhất. Bởi ở giai đoạn này, con thích tự khám phá mọi thứ. Nhưng lại chưa có những kỹ năng cơ bản để tìm hiểu thế giới.
2. Tại sao nên dạy trẻ kỹ năng tự bảo vệ bản thân từ sớm?
Báo cáo về tình trạng các hành vi xâm hại trẻ em đã chỉ ra rất nhiều vụ trẻ em do thiếu kỹ năng, không được sự quan tâm của bố mẹ đã tạo ra cơ hội cho kẻ xấu thực hiện hành vi của mình. Trong năm 2021, Tổng đài 111 (tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em) đã nhận hơn 600.000 cuộc gọi đến, tăng hơn 10% so với năm 2020. Những tình trạng đáng báo động như bạo lực trẻ em, xâm hại chiếm phần lớn và ngày càng nghiêm trọng, gây bức xúc xã hội. Bộ Công an cũng cho hay, trong năm 2021 đã có 1914 vụ xâm hại trẻ em diễn ra trên toàn quốc, thể hiện mức độ nguy cấp của vấn đề này.
Đáng chú ý, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2022, cả nước đã có tới 147 trẻ em bị xâm hại tình dục, bắt cóc và bỏ rơi (tăng đến 5% so với quý I năm liền kề). Tổng đài 111 tiếp nhận hơn 202 nghìn cuộc gọi, tăng 45% so với số liệu cùng kỳ năm ngoái. (Theo thống kê của Cục Trẻ em)
Từ thực trạng trên cho thấy, bảo vệ trẻ em là việc làm bức thiết, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, gia đình và toàn xã hội. Quan trọng hơn, mỗi bố mẹ nên giáo dục kỹ năng tự bảo vệ bản thân từ nhỏ để xây dựng cho trẻ một môi trường an toàn, lành mạnh, con thỏa sức sáng tạo và tự do phát triển.
3. 7 kỹ năng tự bảo vệ bản thân mà bé cần biết
Thời điểm thích hợp nhất để mẹ dạy bé các kỹ năng sống cần thiết đó là lúc bé cưng 2 – 10 tuổi. Lúc này, bé tìm tòi và hay thắc mắc, rất vui thích khi được mẹ chỉ cho thứ gì đó mới. Như vậy, con sẽ học một cách tự nhiên chứ không bị bó buộc, hiệu quả tiếp thu sẽ tốt nhất. Cụ thể, mẹ hãy dạy bé 7 kỹ năng thiết yếu sau đây.
3.1. Kỹ năng bảo vệ bản thân trước người lạ
Trẻ con rất dễ đi theo người lạ nếu được cho món đồ bé thích. Vì thế, mẹ hãy dặn bé tuyệt đối không được đi theo bất kì người lạ nào, cho dù người đó có dụ dỗ và cho bé kẹo bánh. Mẹ nên lặp đi lặp lại lời dặn này mỗi ngày dẫn bé đến trường. Thêm vào đó, mẹ nên kiểm tra bé bằng việc cho bé một viên kẹo và hỏi bé có đi không. Hay cho bé một tình huống là có một người lạ đến và sẽ dẫn bé đến chỗ mẹ để xem con đã biết cách chưa, từ đó điều chỉnh cho phù hợp. Nếu chỉ bảo một lần, con còn nhỏ sẽ không nhớ được ngay đâu ạ.
Nếu bố mẹ cần đón trẻ ở trường mẫu giáo,… hãy dặn trẻ ở trong khuôn viên trường chờ bố mẹ. Mẹ cũng nên chỉ cho bé những người bé có thể nhờ giúp đỡ như chú bảo vệ, chú công an,.. để bé biết.
3.2. Nói sớm về các bộ phận trên cơ thể
Mẹ nên tập bé gọi tên các bộ phận cơ thể và nói về chúng từ rất sớm. Ít nhất dạy con những từ ngữ và tầm quan trọng của các bộ phận đặc biệt. Cần ưu tiên điều này khi bắt đầu việc dạy trẻ kỹ năng bảo vệ bản thân.
Việc giáo dục sinh lý trẻ chưa được các mẹ Việt quan tâm lắm như phương Tây. Tuy nhiên, việc tiếp cận với thế giới qua phim ảnh, thiết bị,… có thể sẽ đưa đến trẻ những kiến thức không tốt. Vì vậy, tốt hơn mẹ nên cho trẻ biết từ đầu và định hướng cho trẻ.
3.3. Dạy trẻ bảo vệ các bộ phận riêng tư
Nói với con về một vài bộ phận trên cơ thể không được để người khác nhìn thấy. Và ngoại trừ bố mẹ khi giúp trẻ tắm rửa hay bác sĩ khi thăm khám cho trẻ, còn lại không ai được tùy tiện chạm vào cơ thể, đặc biệt là những vùng nhạy cảm..
Mẹ hãy lồng ghép cách dạy trẻ trong các hoạt động hàng ngày khi dạy trẻ kỹ năng tự bảo vệ bản thân. Ví dụ như nói bé biết về các bộ phận cơ thể khi cho bé tắm. Hãy dạy trẻ không ai được chạm vào vùng kín của con và không ai được yêu cầu con chạm vào vùng kín của người khác. Cha mẹ thường sẽ quên phần thứ hai của câu này. Lạm dụng tình dục thường bắt đầu bằng việc thủ phạm yêu cầu đứa trẻ chạm vào họ hoặc người khác.
3.4. Kiến thức an toàn giao thông
Tại Việt Nam, tai nạn giao thông là nguyên nhân lớn nhất gây tử vong cho trẻ em từ 5 tuổi trở lên (chiếm đến 56%). Trong đó, có 36% trẻ gặp tai nạn do đi bộ một mình, 20% do đi xe đạp hoặc ngồi trên mô tô, xe máy (Theo Bộ Y tế). Chính vì thế, kiến thức an toàn giao thông là một kỹ năng quan trọng cấp thiết mẹ cần dạy cho bé.
Đầu tiên, mẹ cần nhẹ nhàng giải thích cho bé yêu hiểu vì sao cần tuân thủ luật giao thông và quan sát xung quanh thật kỹ mỗi khi qua đường. Khi nắm rõ nguyên nhân, bé mới sẵn lòng học và tiếp thu. Cụ thể:
- Dạy bé kỹ năng đi bộ qua đường: Mẹ chỉ bé đi vào vỉa hè, chỉ qua đường khi đèn xanh, không được nghe nhạc, đọc truyện hoặc nô đùa khi đang đi trên đường. Nếu đường quá đông xe cộ, bé có thể nhờ người lớn giúp đỡ để sang đường an toàn.
- Dạy bé chạy xe đạp đúng cách: Khi đi xe đạp, bé cần đi bên phải đường và dừng lại khi đèn đỏ. Nếu đường quá gồ ghề, nhiều xe cộ, con nên xuống xe và dắt bộ qua để tránh bị đụng xe.
- Bé ngồi trên xe ô tô: mẹ khuyên bé không thò đầu hoặc tay chân ra ngoài và chỉ bước xuống khi xe đã dừng hẳn mẹ nhé!
3.5. Kỹ năng tìm kiếm sự giúp đỡ
Trong mọi hoàn cảnh nguy hiểm, con cần biết cách kêu gọi sự giúp đỡ từ những người xung quanh. Giao tiếp chính là một trong những kỹ năng sống cho bé vô cùng quan trọng mẹ nhé! Hãy dặn trẻ la hớn hoặc khóc lớn khi bị người không quen dẫn đi.
Cùng với đó, mẹ cũng chỉ con những người tốt mà con có thể nhờ giúp. Bằng cách giới thiệu và chỉ con về hình ảnh chú công an trên đường về nhà mỗi ngày, chú bảo vệ,…
3.6. Kỹ năng bảo vệ bản thân khi gặp hỏa hoạn
Hỏa hoạn là trường hợp không ai mong muốn, thế nhưng nếu lỡ gặp cháy, bé cần biết nên làm gì để giảm thiểu thương tổn xuống mức thấp nhất. Để bé tiếp thu dễ dàng, mẹ hãy hãy tạo các tình huống giả định tại nhà và chỉ bé thật kỹ các hành động cần thực hiện khi phát hiện có đám cháy.
Theo Edgar Dale (nhà giáo dục nổi tiếng người Mỹ): Trẻ hiểu được 10% những gì trẻ nghe; 40% những gì nhìn thấy; 60% những gì trẻ nhắc lại (nói) và khoảng 90% những gì trẻ nói và làm. Do vậy, tình huống giả định có thể coi là cách tốt nhất để trẻ có thể hiểu được những tình huống có thể xảy ra trong thế giới muôn màu cũng như cách xử lý thông minh nhất. Mẹ đừng ngại thực hiện các tình huống để con làm quen và ghi nhớ giỏi hơn nhé.
3.7. Dạy trẻ kỹ năng bảo vệ bản thân khi bị lạc
Với nhu cầu vui chơi giải trí hiện nay, có rất nhiều trường hợp trẻ bị lạc xảy ra nơi công cộng. Đặc biệt là ở Trung tâm thương mại, công viên,.. . Vậy nên, bố mẹ nên giúp con có những kiến thức ứng xử cần thiết khi bị lạc. Ví dụ như: Con nên gọi sự trợ giúp của ai? Nếu gặp người lạ muốn đưa con về con nên làm gì? Cha mẹ nên dạy con ghi nhớ tên tuổi, số điện thoại của bố mẹ, địa chỉ nhà để trẻ có thể báo cho bộ phận quản lý nơi đó.
Tuy nhiên khi trẻ đang hoảng sợ có thể sẽ quên những thông tin này. Vì thế tốt hơn hết nên cho trẻ mang theo mảnh giấy ghi thông tin liên lạc của bố mẹ trong trường hợp khẩn cấp.
4. Mách mẹ cách dạy trẻ kỹ năng tự bảo vệ bản thân bằng tư duy liên hệ
Ở giai đoạn 2 – 10 tuổi, bé rất nóng lòng muốn thể hiện mình. Tư duy của bé cũng bắt đầu phát triển mạnh hơn giai đoạn trước. Nếu được cha mẹ thường xuyên rèn luyện, trẻ sẽ biết cách hành động đúng trong các tình huống của cuộc sống và hạn chế nguy cơ xấu từ bên ngoài. Vì thế, mẹ đừng bỏ qua thời cơ “vàng” này để dạy bé tự bảo vệ bản thân bằng tư duy liên hệ nhé!
Cụ thể, mẹ nên dạy bé cách học 1 biết 10, chứ đừng gò bó theo lối rập khuôn. Bố mẹ có thể tập con cách suy nghĩ về nguyên nhân – kết quả bằng cách luôn đặt ra những câu hỏi, hỏi ngược lại những câu hỏi của bé. Xếp hình và nhập vai cũng là một biện pháp hay để rèn luyện khả năng tư duy nhiều mặt cho bé yêu. Nhờ thế mà khi phát sinh vấn đề tương tự trước đó, bé sẽ tự biết nên làm gì mà không cần mẹ phải chỉ lại.
5. 3 lưu ý quan trọng mẹ cần nắm khi dạy bé kỹ năng tự bảo vệ bản thân
Dạy trẻ kỹ năng bảo vệ mình là một hành trình dài, không thể bắt con nắm được hết trong ngày một ngày hai đâu ạ. Vì thế, mẹ nắm rõ 3 lưu ý quan trọng này để việc học trở nên vui vẻ, gắn kết tình yêu thương giữa mẹ và bé càng vững chắc hơn!
5.1. Thường xuyên trò chuyện cùng trẻ
Nói chuyện là cách đơn giản để gắn kết tình cảm bố mẹ và con cái, là cách dạy con tự tin hơn đó. Bố mẹ cũng hiểu về cách nhìn nhận vấn đề của con mình. Từ đó, đưa ra được những cách dạy, phương pháp phù hợp với trẻ.
Nói chuyện với con hàng ngày sẽ tạo cơ hội cho trẻ chia sẻ những chuyện bé gặp được hôm nay. Đây là thông tin tốt để bố mẹ biết xung quanh bé đang có các đối tượng nào. Và khi phát hiện trẻ gặp vấn đề gì, bố mẹ có thể giải quyết ngay.
Hãy tạo niềm tin ở con một cách tự nhiên. Bố mẹ nên lồng các buổi nói chuyện vs bé khi đang gập quần áo, đang tắm,… Bố mẹ cũng nên dành một khoảng thời gian dẫn trẻ đi dạo và trò chuyện cùng trẻ.
5.2. Không quát mắng
Khi trẻ mắc lỗi, cha mẹ thường không đủ bình tĩnh để giải thích cho con những nguyên nhân dẫn đến vấn đề mà lớn tiếng, quát mắng khiến con tủi thân và bật khóc. Nhưng không nên đâu mẹ ơi, con mặc dù còn nhỏ nhưng đã có suy nghĩ của bản thân rồi, nghe mẹ quát mắng dễ làm con lầm tưởng mẹ không yêu thương con, ghét bỏ con đó ạ.
Thay vào đó, trong mọi vấn đề, mẹ nên đặt bản thân vào vị trí của bé trước tiên để hiểu rõ cảm xúc cũng như suy nghĩ của con, rồi từ đó hướng dẫn con cách xử lý thích hợp. Con sẽ dễ chấp nhận và nhìn ra được vấn đề mình đang mắc phải. Từ đó bé chủ động học tập và sửa chữa lỗi lầm mà không đợi ai phải nhắc.
5.3. Cho bé vừa học vừa chơi
Mặc dù yêu thích tìm tòi, khám phá nhưng bé cưng cũng mau chán lắm đó mẹ. Vừa học vừa chơi sẽ là phương pháp tối ưu nhất để mẹ dạy bé kỹ năng bảo vệ chính mình. Con sẽ thấy thích thú và vui cười, đầu óc thoải mái, kiến thức cũng nhờ thế mà đi vào não bé nhanh hơn. Dành thời gian chơi đùa, học tập cùng bé còn giúp gắn kết tình cảm gia đình, khỏi phải gặp cảnh mỗi người ôm một chiếc điện thoại thông minh rồi lạnh nhạt với người thân yêu mẹ ơi!
Xem thêm: 9 cách dạy trẻ tư duy logic mẹ có thể áp dụng tại đây.
Nguồn: Fight Child Abuse (Youtube)
Hiện nay, có rất nhiều các lớp, chương trình ngoại khóa dạy phát triển kĩ năng ở trẻ. Tuy nhiên, dù dạy trẻ kỹ năng bảo vệ bản thân tại trung tâm hay ở nhà, thì bố mẹ vẫn phải là người đồng hành cùng trẻ. Kỹ năng tự bảo vệ bản thân sẽ giúp bé tránh xa các sự cố không mong muốn và tạo cơ hội cho con được phát triển trong môi trường an toàn và lành mạnh hơn.
Xem thêm các bài viết về bé: