Mẹ biết những gì về chăm sóc sức khoẻ sau sinh? Làm thế nào khi cơ thể mẹ đang yếu ớt, mệt mỏi? Có cách nào để nhanh chóng vượt qua khoảng thời gian sau sinh này? Cùng Góc của mẹ giải đáp và hiểu rõ hơn về chăm sóc sức khoẻ sau sinh, mẹ nhé.
Mục lục
1.Sản dịch sau sinh
Sau khi sinh, tử cung sẽ co dần về vị trí và kích thước ban đầu. Đồng thời những chất dịch lỏng trong tử cung – sản dịch sẽ chảy ra ngoài theo đường âm đạo. Sản dịch thường là phần còn lại của nước ối, dịch từ vết thương ở cổ tử cung, ẩm đạo lúc sinh nở tạo ra. Mẹ nhớ dùng băng vệ sinh sau sinh để thấm hút được lượng sản dịch này.
Ngoài ra, nếu mẹ thấy sản dịch có mùi hôi, đau vùng bụng hoặc sốt nhẹ thì có thể mẹ bị bế sản dịch sau sinh. Nguyên nhân có thể do còn sót nhau, tử cung co hồi chậm hoặc ít vận động sau sinh. Do đó, nếu thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, mẹ hãy đến bệnh viện để thăm khám ngay nhé.
Để phòng ngừa bế sản dịch, mẹ nhớ vệ sinh hợp lý và đúng cách. Vận động nhẹ nhàng, tránh nằm nhiều, giúp đẩy sản dịch ra nhanh. Cho bé bú càng sớm càng tốt. Bởi cho bé bú giúp kích thích tử cung co bóp để đẩy sản dịch ra ngoài.
2.Chăm sóc sức khoẻ sau sinh – chăm sóc vùng kín
Những mẹ sinh thường có thể bị rạch hoặc cắt tầng sinh môn trong khi sinh. Sau đó, bác sĩ sẽ khâu lại và những vết khâu này có thể gây khó chịu cho mẹ. Ngay cả khi không có vết khâu, khu vực xung quanh âm đạo cũng có thể sưng hoặc bầm tím. Vì vậy, để giúp vùng kín nhanh lành và giảm bớt sự khó chịu này, mẹ có thể:
- Vệ sinh sạch sẽ với dung dịch vệ sinh
- Tránh thụt rửa, dùng sản phẩm vệ sinh có thành phần không an toàn
- Trong vài ngày đầu, mẹ có thể dùng túi đá để chườm, giúp giảm sưng
- Tập đi lại hàng ngày để máu lưu thông tốt hơn
- Thực hiện bài tập Kegel giúp tăng lưu lượng máu, từ đó tăng tốc độ chữa lành vùng kín
3.Căng tức ngực
Sau khi sinh, một số mẹ có sữa về nhiều, trong khi bé ti không hết. Từ đó có thể khiến mẹ cảm thấy ngực căng tức, khó chịu. Mẹ có thể tham khảo bài viết này để giảm tình trạng căng tức ở ngực trong thời kỳ cho bé bú nhé.
4.Mất nước
Các mẹ đừng ngạc nhiên nếu đổ nhiều mồ hôi trong vài ngày, đặc biệt vào ban đêm. Mẹ cũng có thể đi tiểu thường xuyên trong những ngày này. Lượng máu tăng lên trong thai kỳ khiến cơ thể phải điều chỉnh lại, loại bỏ lượng chất lỏng dư thừa để mọi thứ trở lại bình thường.
5.Thời gian đi vệ sinh
Lần đầu đi vệ sinh sau khi sinh có thể không dễ dàng với nhiều mẹ. Ruột và dạ dày của mẹ đã quen với trọng lượng nặng của tử cung. Sau khi sinh xong, cơ thể cần thời gian để dần thích nghi. Vì vậy, mẹ hãy bổ sung đủ nước, ăn nhiều trái cây, rau, ngũ cốc để phòng ngừa táo bón nhé.
6.Tử cung co lại
Mất 38 tuần để tử cung phát triển thành kích thước lớn như một quả dưa hấu. Trong khi đó chỉ trong 6 tuần, nó sẽ trở về kích thước ban đầu, ví như quả lê. Khi tử cung co lại có thể tạo ra những cơn co thắt nhé. Sự thay đổi và phục hồi này có thể khiến nhiều mẹ thấy hơi khó chịu.
7.Cảm xúc mong manh, nhạy cảm
Mẹ sẽ trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc, đặc biệt sau khi sinh. Những cảm xúc này gồm cả cảm xúc tiêu cực lẫn tích cực. Để tránh trầm cảm sau sinh, mẹ cần hiểu và biết cách giải toả những cảm xúc tiêu cực. Chẳng hạn tâm sự với chồng/ người thân hoặc viết ra những cảm xúc tiêu cực đó.
Bên cạnh đó, mẹ hãy yêu cầu sự giúp đỡ từ người khác nhé. Sau sinh cơ thể mẹ vẫn yếu nên đừng tự làm việc gì một mình nếu mẹ không thể tự làm được.
8.Tắm với thảo dược
Tắm với thảo dược (vỏ cam, quýt, bưởi,…) cũng tăng tốc độ chữa lành cho cơ thể. Mẹ có thể chuẩn bị những thứ này trước khi sinh, phơi khô rồi cho sẵn vào túi hoặc mua sẵn. Mẹ nhớ kiểm tra nguồn gốc trước khi mua nhé.
9.Giảm cân
Đối với hầu hết phụ nữ, quá trình làm săn chắc cơ bụng và giảm cân khi mang thai cần có thời gian. Trong những tuần đầu sau sinh, mẹ hãy tập trung vào việc giữ gìn sức khỏe hơn là giảm cân. Ăn thức ăn bổ dưỡng, nghỉ ngơi đầy đủ và dần dần tập thể dục. Mẹ có thể bắt đầu bằng việc đi bộ nhẹ nhàng.
10.Gọi cho bác sĩ nếu cần
Khi gặp những dấu hiệu sau, mẹ hãy gọi điện cho bác sĩ và đến bệnh viện để thăm khám nhé:
- Đau bụng dữ dội, sốt
- Gặp vấn đề khi đi vệ sinh
- Vết khâu trở nên cực kỳ đau
- Dịch âm đạo đột nhiên đỏ hơn, nhiều hơn, mùi khó chịu, có những cục máu đông lớn
- Sốt hoặc có triệu chứng giống cúm
- Chóng mắt hoặc ngất xỉu ngay cả khi mẹ đã nghỉ ngơi