Quá trình rụng trứng có liên quan mật thiết đến việc thụ thai và sinh con. Vì vậy, việc nắm rõ cách tính ngày rụng trứng sẽ hỗ trợ các mẹ rất nhiều trong việc này. Trường hợp các gia đình trẻ chưa sẵn sàng đón bé, đây là cách rất hiệu quả trong việc ngừa thai tự nhiên. Dù là với mục đích nào đi nữa, tìm hiểu về sức khỏe sinh sản vẫn vô cùng quan trọng. Do đó, bố mẹ nên dành chút thời gian để hiểu thêm về vấn đề này nhé!
Mục lục
1.Cách tính ngày rụng trứng và chu kỳ kinh nguyệt
Để hiểu rõ hơn về cách tính ngày rụng trứng, mình cần phải nắm về chu kỳ kinh nguyệt trước. Hai vấn đề này có một mối liên hệ không thể tách rời, bởi rụng trứng là một trong các giai đoạn của kinh nguyệt. Đây là một quá trình khá phức tạp, không ai giống ai và có thể thay đổi theo thời gian.
Chu kỳ kinh nguyệt của một người phụ nữ được chia thành bốn giai đoạn:
- Giai đoạn kinh nguyệt (hay chị em mình còn gọi là rớt dâu)
- Giai đoạn nang trứng
- Giai đoạn rụng trứng
- Giai đoạn hoàng thể
Toàn bộ quá trình này được kích hoạt bởi sự tăng giảm tự nhiên của các loại hormone sinh sản. Có thể điểm qua như: progesterone, estrogen, hormone kích thích nang trứng (FSH) và hormone luteinizing (LH). Sự thay đổi của các hormone này sẽ ảnh hưởng rất lớn, có thể khiến kỳ kinh dài hay ngắn hơn. Đa phần điều này xảy ra do các yếu tố như sức khỏe, chế độ ăn uống, stress hoặc bị bệnh.
Vì vậy, để tính được ngày rụng trứng, chúng mình phải nắm được chu kỳ kinh nguyệt tổng thể. Thông thường, mỗi giai đoạn trong chu kỳ sẽ dao động trên dưới 7 ngày. Vì vậy, giai đoạn rụng trứng sẽ rơi vào khoảng ngày thứ 14 nếu mình có chu kỳ kinh 28 ngày. Đây là cách khái quát cơ bản nhất để hiểu hơn về chu kỳ kinh và cách tính ngày rụng trứng.
Chị em mình có thể tìm hiểu thêm về các dấu hiệu của ngày rụng trứng ở đây nhé!
2.Các cách tính ngày rụng trứng phổ biến nhất hiện nay
2.1.Theo dõi chu kỳ kinh nguyệt để tính ngày rụng trứng
Một phương pháp khá đơn giản mà nhiều chị e hay sử dụng là cách tính ngày rụng trứng theo chu kỳ kinh nguyệt. Việc đầu tiên cần làm là mình phải có một cuốn lịch (lịch bàn hay điện thoại đều được nhé!). Sau đó đánh dấu ngày xuất hiện kinh nguyệt đầu tiên trong tháng là được.
Thông thường, nếu mình có chu kỳ kinh là 28 ngày, thì ngày rụng trứng là khoảng 14 ngày trước kỳ tiếp theo. Nếu chu kỳ là 30 ngày, thì ngày rụng trứng sẽ rơi vào ngày thứ 16. Đây là cách tính ngày rụng trứng khá đơn giản dành cho những chị em có kỳ kinh đều đặn.
2.2.Sử dụng que thử rụng trứng
Một cách tính ngày rụng trứng khác cũng được nhiều chị em sử dụng là dùng que thử. Những bộ que thử này có giá rất phải chăng và được bán rộng rãi tại các tiệm thuốc. Thay vì sử dụng cách tính ngày tương đối như trên, cách tính này có thể chính xác đến 97%.
Phương pháp này hoạt động bằng cách kiểm tra sự thay đổi nồng độ hormone LH ở nước tiểu. Thông thường, lượng hormone này sẽ tăng khoảng 36 giờ trước khi rụng trứng. Do đó, mình hoàn toàn có thể biết việc rụng trứng sắp diễn ra hay chưa để có kế hoạch giao hợp.
2.3.Theo dõi sự thay đổi của niêm mạc cổ tử cung
Theo các bác sĩ chuyên khoa, trong suốt giai đoạn rụng trứng, lượng chất nhầy cổ tử cung thường tăng lên. Về màu sắc của chất dịch cũng có nhiều thay đổi. Thường là sẽ có xu hướng rõ ràng và trơn hơn so với thông thường. Có thể hình dung giống như lòng trắng trứng gà vậy. Đây là một chuyển biến tự nhiên của cơ thể, tạo điều kiện tốt hơn cho tinh trùng gặp trứng.
2.4.Theo dõi nhiệt độ cơ thể
Thông thường nhiệt độ cơ thể sẽ có nhiều thay đổi trong quá trình rụng trứng. Để thực hiện cách tính ngày rụng trứng này, bạn cần có kẹp nhiệt độ và một biểu đồ nhỏ. Hằng ngày, hãy cố gắng kiểm tra nhiệt độ cơ thể vào một khung giờ nhất định. Sau đó ghi vào biểu đồ với trục tung là nhiệt độ và trục hoành là ngày. Đây là một quá trình theo dõi nhiều ngày nên mình cố gắng đừng bỏ sót ngày nào nhé!
Sau quá trình theo dõi, sẽ thấy biểu đồ nhiệt độ chia làm hai pha. Những ngày trước quá trình rụng trứng, thông thường nhiệt độ sẽ thấp hơn 37 độ C. Sau đó sẽ có một ngày giảm đột ngột, đó chính là ngày trước khi rụng trứng. Sau đó, nhiệt độ sẽ tăng cao vài ngày sau khi quá trình rụng trứng diễn ra.
Bổ sung thêm thông tin về sức khỏe tiền sinh sản cho chị em tham khảo ở đây nhé!
3.Ưu và nhược điểm của các cách tính ngày rụng trứng
3.1.Ưu điểm:
Ưu điểm lớn nhất của các cách tính ngày rụng trứng ở trên là sự tiết kiệm và tiện lợi. Chúng mình có thể dễ dàng kiểm tra mà không cần phải chuẩn bị gì nhiều. Những cách làm này cũng rất đơn giản, không cần sử dụng máy móc hay các loại thuốc hỗ trợ. Vì vậy, chị em có thể áp dụng lâu dài mà không lo ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản.
3.2.Nhược điểm:
Tất cả các phương pháp này đều phụ thuộc vào chu kỳ kinh nguyệt ở từng người. Với những chị em có chu kỳ kinh nguyệt đều, khả năng chính xác sẽ rất cao. Ngược lại, nhiều người có vòng kinh khá hỗn loạn thì tất nhiên những cách này đều khó dùng được.
Trong quá trình kiểm tra, kết quả còn phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố khách quan tác động. Chẳng hạn như sức khỏe, nhiệt độ cơ thể (nếu bị ốm chẳng hạn), thời gian kiểm tra, các bệnh lý khác… Những yếu tố này đều có thể khiến kết quả kiểm tra bị sai lệch.
Chính vì vậy, cách tốt nhất vẫn là nên đến khám tại các phòng khám chuyên khoa. Các bác sĩ có kinh nghiệm sẽ tư vấn và hướng dẫn cách tính chính xác nhất cho từng chị em mình.
Qua bài viết này, hy vọng rằng không chỉ các chị em mà cả cánh mày râu cũng sẽ hiểu hơn về quá trình rụng trứng. Từ đó sẽ lựa chọn ra cách tính ngày rụng trứng chính xác nhất, phù hợp với kế hoạch của mỗi nhà.