Mẹ có biết Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố tiêu chảy là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến tử vong ở trẻ em, nhất là ở những nước đang phát triển như Việt Nam. Trung bình 1 năm, trẻ em dưới 2 tuổi có thể bị tới 2 – 3 đợt tiêu chảy. Chính vì vậy mà các bậc cha mẹ không bao giờ được phép chủ quan, lơ là khi con có vấn đề về sức khỏe. Bệnh tiêu chảy có thể dẫn đến rất nhiều những hệ lụy ảnh hưởng tới sự phát triển của con. Trẻ 1 tuổi bị tiêu chảy cũng là tình trạng nguy hiểm mà mẹ cần chú ý. Mẹ hãy theo dõi bài viết sau đây để biết cách xử trí khi con bị tiêu chảy nhé!
Tham khảo: Các Mẹ lo lắng về Thực đơn cho bé bị tiêu chảy?
Mục lục
1. Nguyên nhân dẫn đến bé 1 tuổi bị tiêu chảy
Về cơ bản, nguyên nhân thường thấy nhất để bé 1 tuổi bị tiêu chảy đó chính là nhiễm trùng đường ruột. Điều này là do bé bị nhiễm vi khuẩn, virus, ký sinh trùng thâm nhập vào trong đường ruột của mình. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có thể là do:
- Con ăn phải thức ăn ôi thiu, thức ăn không được bảo quản tốt để ruồi nhặng bám vào.
- Con không rửa tay trước khi ăn, hay dùng tay bốc thức ăn trực tiếp.
- Dụng cụ ăn uống, sinh hoạt của con không được vệ sinh sạch sẽ: bát, thìa, đũa, bình bú, đồ chơi, khăn, quần áo…
- Không đảm bảo vệ sinh cho con.
Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân khác dẫn đến trẻ 1 tuổi bị tiêu chảy. Con có thể mắc hội chứng ruột bị kích thích, bệnh Crohn, bệnh Celiac, hay bị dị ứng với thực phẩm (như bơ lạc). Bên cạnh đó dùng kháng sinh kéo dài cũng có thể khiến con bị tiêu chảy. Một nguyên nhân nữa đó chính là chế độ ăn uống chưa hợp lý, các chất trong thức ăn có tương tác xấu với nhau hoặc con ăn quá nhiều những thức ăn lạ lẫm trong thời kỳ ăn dặm. Bé cũng có thể bị thiếu men vi sinh đường ruột gây nên rối loạn tiêu hóa, từ đó dẫn đến tiêu chảy.
2. Triệu chứng khi trẻ 1 tuổi bị tiêu chảy
Bé 1 tuổi có sức khỏe hệ đường ruột khá ổn định và khỏe mạnh, vì vậy tần suất đi ngoài trong 1 ngày không bé nào giống bé nào. Tuy nhiên, dấu hiệu dễ nhận thấy để biết bé 1 tuổi bị tiêu chảy đó là bé đi đại tiện nhiều hơn bình thường. Thông thường bé đi đại tiện 3 ngày 1 lần có thể bị tiêu chảy. Ngoài ra mẹ cần xác định con có bị tiêu chảy hay không dựa vào tính chất phân của bé. Phân của bé bị tiêu chảy thường lỏng, nát, nhiều nước, dạng lổn nhổn hoặc nước có màu lạ như xanh hoặc vàng, có mùi tanh, có bọt, có thể có máu.
Một số dấu hiệu khác của triệu chứng tiêu chảy ở bé đó là:
- Bé có dấu hiệu bỏ bú, chán ăn, không chịu ăn.
- Bé bị nôn trớ một vài lần hoặc thường xuyên.
- Có triệu chứng sốt đi kèm.
- Con quấy khóc không chịu ngừng.
- Mất nước do đi ngoài nhiều, sút cân.
Khi bị tiêu chảy, bé rất dễ bị mất nước. Mẹ cần biết những dấu hiệu mất nước như sau:
- Môi khô
- Nhanh khát nước
- Độ co giãn da kém
- Lượng nước tiểu giảm
- Khóc không ra nước mắt
- Da nhăn nheo
- Mắt trũng sâu
- Thóp lõm
3. Làm gì khi bé bị tiêu chảy?
Việc đầu tiên mẹ cần làm khi con bị tiêu chảy đó là bù nước và điện giải cho con. Bé 1 tuổi bị tiêu chảy rất nhanh mất nước, và nếu không kịp thời bổ sung sẽ gây ra những hậu quả khó lường. Cách tốt nhất là mẹ cho con uống Oresol để bù nước nha mẹ. Mẹ nên cho con uống thay nước lọc luôn để con được bổ sung đủ cả nước và điện giải. Bên cạnh đó mẹ cũng cần tăng cữ bú và lượng bú cho bé nữa. Ngoài ra, mẹ cần lưu ý, Oresol không phải là thuốc chữa tiêu chảy. Nó chỉ dùng để bù nước cho con thôi.
Mẹ có thể cho bé uống thuốc để điều trị tiêu chảy, tuy nhiên cần có sự tư vấn từ bác sĩ. Không cho bé uống thuốc lung tung, không đúng liều lượng. Ngoài ra mẹ không được cho bé uống Aspirin.
Nếu bé có đi kèm những dấu hiệu như sốt cao, ngủ li bì, khát nước liên tục, quấy khóc không ngừng, thóp lõm thì mẹ nên nhanh chóng đưa con tới bác sĩ để được xử lý kịp thời.
4. Trẻ 1 tuổi bị tiêu chảy nên ăn gì?
Khi bé 1 tuổi bị tiêu chảy, mẹ nên thay đổi chế độ ăn cho bé để cầm tiêu chảy cho con. Sau đây Góc của mẹ sẽ giúp mẹ trả lời câu hỏi trẻ 1 tuổi bị tiêu chảy nên ăn gì để cầm tiêu chảy:
- Cho bé uống Oresol thay nước lọc để bù nước và điện giải.
- Tăng lượng bú và cữ bú cho bé.
- Đồ ăn dặm cần được chế biến sạch sẽ và chín hoàn toàn, không cho bé ăn đồ ôi thiu hay đồ thừa.
- Không cho bé uống nước trái cây và những đồ uống có đường.
- Hạn chế ăn nhiều chất béo vì sẽ khiến bé khó hấp thụ.
- Đồ ăn của bé nên ở dạng lỏng mịn để dễ tiêu hóa.
- Mẹ có thể cho bé uống nước gạo lứt rang, trà vỏ cam, nước hồng xiêm, súp cà rốt hoặc nước búp ổi non có tác dụng rất tốt để cầm tiêu chảy cho bé.
Trẻ 1 tuổi bị tiêu chảy không phải tình trạng hiếm gặp, tuy nhiên mẹ không nên coi thường. Mẹ cần bổ sung kiến thức để biết cách xử lý tình trạng này một cách tốt nhất. Chúc mẹ và bé luôn khỏe mạnh và hạnh phúc!