Một trong những tình trạng khá thường gặp hiện nay ở trẻ nhỏ đó là táo bón. Táo bón không quá xa lạ với các mẹ và bé, tuy nhiên mẹ không nên soi thường. Đây là triệu chứng khiến bé gặp khó khăn khi đi vệ sinh. Và nếu kéo dài có thể gây ra khó chịu, khiến bé sợ đi cầu, biếng ăn và chậm phát triển của bé. Chính vì vậy mà nhiều mẹ rất lo lắng khi trẻ 1 tuổi bị táo bón. Tuy nhiên tình trạng này hoàn toàn có thể khắc phục nếu như mẹ biết cách xử lý. Vậy mẹ hãy theo dõi bài viết dưới đây để tìm hiểu nhé!
Xem thêm: Trẻ 1 tuổi bị sốt: mẹ nên xử trí như thế nào?
Mục lục
1. Nguyên nhân trẻ 1 tuổi bị táo bón
Có khá nhiều nguyên nhân dẫn đến trẻ 1 tuổi bị táo bón. Trong đó có thể kể đến một số lý do như sau:
- Bé uống không hợp sữa công thức.
- Bé uống không đủ lượng sữa mẹ. Trong sữa mẹ có chứa hormone motilin hỗ trợ nhu động ruột giúp con đi vệ sinh dễ dàng hơn.
- Con bị thiếu nước, thiếu chất xơ trong cơ thể. Những chất này rất cần thiết để giúp con đi tiêu dễ dàng.
- Bé ít vận động thường xuyên, nhất là sau khi ăn.
- Con bị căng thẳng cũng có thể dẫn đến táo bón.
- Do sử dụng các loại thuốc điều trị còi xương, suy dinh dưỡng, thiếu máu, viêm đường hô hấp…
- Bé có hành vi nín nhịn không đi vệ sinh khiến phân to, cứng…
- Do nhu động ruột chậm, mắc bệnh phình đại tràng bẩm sinh, hẹp hậu môn, bệnh nội tiết…
2. Dấu hiệu trẻ 1 tuổi bị táo bón
Táo bón là hiện tượng bé đi ngoài phân cứng và không thường xuyên. Bé đi cầu ít hơn bình thường, đi cầu gặp khó khăn. Sau đây là những dấu hiệu cho thấy trẻ 1 tuổi bị táo bón:
- Bé đi ngoài ít hơn 3 lần/tuần.
- Phân có tính chất khô cứng, vón cục to hơn bình thường, có thể có máu.
- Bé đi ngoài khó khăn, thấy đau khi đi vệ sinh, có biểu hiện sợ đi ngoài, quấy khóc.
- Bé phải rặn mạnh khi đi.
- Có biểu hiện kén ăn, chán ăn.
- Cảm thấy đau bụng.
- Tâm lý cáu bẳn, bồn chồn, sốt ruột.
- Có thể gặp tình trạng bị són phân.
3. Phân loại táo bón ở trẻ em
Nhiều mẹ nghĩ rằng trẻ 1 tuổi bị táo bón không phải tình trạng quá đáng lo ngại. Tuy nhiên, không phải trường hợp táo bón nào cũng vậy. Trên thực tế, táo bón ở trẻ cũng được chia thành 2 loại như sau:
- Táo bón chức năng: Thường xảy ra do chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt không hợp lý.
- Táo bón bệnh lý: Ở trường hợp này, táo bón có thể là biểu hiện của một số bệnh như viêm đường tiêu hóa, bệnh tuyến giáp, bệnh về hệ thần kinh, bệnh phình đại tràng bẩm sinh… Mặc dù tỷ lệ trẻ bị táo bón do nguyên nhân này là không nhiều nhưng bố mẹ vẫn cần lưu ý. Nếu không kịp thời chữa trị có thể gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển toàn diện của con. Bé có thể bị sút cân, suy dinh dưỡng hoặc gặp những biến chứng nguy hiểm khác.
4. Xử lý cho trẻ 1 tuổi bị táo bón tại nhà
4.1. Điều chỉnh chế độ ăn uống cho bé
Mẹ nên điều chỉnh ngay chế độ ăn uống của con khi phát hiện con có dấu hiệu của táo bón. Sau đây là một số cách cho mẹ:
- Nếu bé còn đang bú mẹ, mẹ cần bổ sung thêm chất xơ và nước vào chế độ ăn của mình.
- Cho bé uống đủ nước trong ngày. Bé uống sữa công thức thì cần pha sữa đúng tỉ lệ.
- Các bữa ăn dặm trong ngày của bé thì cần chia nhỏ ra để dễ tiêu hóa hơn. Cho bé ăn dặm bằng các thực phẩm nhiều chất xơ, rau củ quả như mơ, mận, khoai lang, lê, đào, đậu, bông cải, cải bó xôi… để hỗ trợ đường tiêu hóa. Mẹ nên cho bé ăn bột ngũ cốc lúa mạch thay vì bột ngũ cốc gạo.
- Có thể cho bé uống nước ép mận, nước ép táo để giúp bé đi tiêu dễ dàng hơn.
4.2. Massage cho con để giảm tình trạng táo bón
Theo các chuyên gia, massage cũng là một cách giúp giảm thiểu tình trạng táo bón ở trẻ em. Có rất nhiều các cách massage cho trẻ 1 tuổi bị táo bón. Mẹ có thể tham khảo một số cách sau đây:
- Mẹ dùng đầu ngón tay xoa bụng bé theo chiều kim đồng hồ, ấn nhẹ phía bên phải. Bụng cứng là biểu hiện của tình trạng táo bón. Mẹ nên duy trì xoa bụng cho bé 5 – 10 phút một ngày. Động tác này sẽ giúp thúc đẩy nhu động ruột, giúp bé tiêu hóa tốt và hỗ trợ điều trị táo bón.
- Cho bé thực hiện động tác đạp xe trong khoảng 5 – 10 phút. Việc này sẽ giúp tăng áp lực cơ bụng lên ruột khiến bé đi ngoài dễ hơn.
- Bế bé bằng tư thế ngồi xổm: đặt mông bé lên cánh tay, chân bé gập vào bụng. Tư thế này giúp tăng áp lực lên trực tràng của bé.
- Massage cho bé trong bồn tắm khi nước ngập ngang ngực bé. Xoa bụng theo chiều kim đồng hồ, khi thấy bé có biểu hiện muốn rặn, mẹ nâng cao 2 chân bé ép về phía bụng. Làm nhiều lần như vậy sẽ giúp con có thói quen đi ngoài đúng giờ, hạn chế tình trạng táo bón.
Trên đây là các cách điều trị trẻ 1 tuổi bị táo bón mà Góc của mẹ cung cấp tới bố mẹ. Táo bón ở trẻ sẽ không còn là nỗi lo nếu mẹ biết các cách xử lý này. Chúc mẹ và bé luôn khỏe mạnh và hạnh phúc!