Sức khỏe của con luôn là sự ưu tiên hàng đầu của mẹ. Chỉ cần thấy da con xuất hiện vài “dấu hiệu lạ” cũng đã khiến mẹ “sốt sắng” lắm rồi, nhất là những mẹ tập đầu. Nếu mẹ thấy bé bị nổi mẩn đỏ không ngứa, không sốt, mẹ không biết nguyên nhân do đâu, làm sao để da con sớm mịn màng trở lại? Mẹ yên tâm vì bài viết này dành cho mẹ đó. Tất tần tật sẽ được giải đáp ngay đây ạ!
Mục lục
1. Nguyên nhân bé bị nổi mẩn đỏ không ngứa
Bé bị nổi mẩn đỏ không ngứa do nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể là bệnh lý bên trong hoặc các vấn đề dị ứng, viêm da thường gặp.
1.1. Bé bị giãn mao mạch
Giãn mao mạch là tình trạng bé nổi mẩn đỏ ở những vùng da mỏng hoặc nhạy cảm như: 2 bên má, trán, tay,… Bé thường bị giãn mao mạch khi tiếp xúc với các tác nhân như ánh sáng mặt trời, tia UV,…
Biểu hiện: Trên mặt, trán, mũi, chân tay của bé xuất hiện mẩn đỏ dạng đường chỉ nhỏ hoặc như hình mạng nhện.
Thời gian khỏi: Nếu được chăm sóc đúng cách, bé sẽ khỏi sau 1 – 4 tuần tuỳ theo mức độ nặng nhẹ.
1.2. Viêm mao mạch
Viêm mao mạch là tình trạng viêm mạch hệ thống thường gặp ở bé nhỏ, không gây nguy hiểm nếu được chăm sóc kịp thời. Viêm mao mạch do nhiều nguyên nhân khác nhau như nhiễm liên cầu, tụ cầu, vi khuẩn hoặc tác dụng phụ sau tiêm phòng,…
Biểu hiện: Trên da cổ, mặt, mũi, trán, tay, chân bé xuất hiện mảng màu đỏ, tròn, kích thước to không gây đau và ngứa.
Thời gian khỏi: Các triệu chứng viêm mao mạch sẽ biến mất sau từ 4 – 6 tuần. Tuy nhiên bệnh viêm mao mạch dễ gây các biến chứng như viêm cơ tim, viêm khớp,… mẹ cần đưa bé đi thăm khám sớm và tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ.
1.3. Rôm sảy
Bé bị nổi mẩn đỏ do rôm sảy thường gặp nhiều vào thời tiết nóng bức mùa hè. Nguyên nhân do thời tiết nắng nóng khiến bé ra nhiều mồ hôi làm bít tắc lỗ chân lông và hình thành rôm sảy.
Biểu hiện: Mẩn đỏ li ti có kích thước như hạt gạo, màu đỏ, có nhân trắng. Rôm sảy thường xuất hiện ở lưng, ngực, cổ, đầu, mặt,…
Thời gian khỏi: Rôm sảy là vấn đề về da thường gặp, lành tính. Mẹ chăm sóc đúng cách bé sẽ khỏi sau 3 – 7 ngày.
1.4. Viêm da tiếp xúc
Viêm da tiếp xúc là tình trạng da bé bị viêm do dị ứng với các tác nhân gây bệnh như khói bụi, hóa chất, lông tơ, sâu bệnh,…
Biểu hiện:
- Ban đầu, bé xuất hiện các mẩn đỏ, có mụn nước nhưng không ngứa.
- Sau 3 – 5 ngày vỡ mụn nước, xuất hiện lớp da vảy tiết, khô màu vàng, bé ngứa ngáy, khó chịu.
Thời gian khỏi: Sau 1 – 2 tuần
1.5. Dị ứng thuốc
Dị ứng thuốc là phản ứng phụ do thuốc gây ra. Một số thuốc bé dễ bị dị ứng như: thuốc hạ sốt, thuốc kháng sinh, thuốc tiêu hóa,…
Biểu hiện:
- Bé mệt mỏi, đau đầu
- Vùng da nổi mẩn đỏ, sưng phù nề
- Tiêu chảy, đi ngoài ra máu
Thời gian khỏi: Mẹ kịp thời dừng cho bé sử dụng thuốc gây dị ứng, bé sẽ khỏi sau 12 – 48 giờ.
1.6. Hăm da
Hăm da là hiện tượng viêm da xuất hiện nhiều ở vùng mặc tã hoặc vùng có nhiều nếp gấp như cổ, nách,… Bé bị hăm da chủ yếu do mẹ vệ sinh da không sạch tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, vi nấm phát triển. Ngoài ra, mẹ mặc tã không đúng cách, tã chật hoặc thời gian thay tã lâu cũng gây bí bách, ẩm ướt khiến bé bị hăm.
Biểu hiện:
- Mức độ nhẹ (cấp độ 1, 2, 3): Da bé nổi mẩn đỏ, hồng hơi sưng, chưa gây ngứa.
- Mức độ nặng (cấp độ 4, 5): Xuất hiện mụn mủ, mụn nước dễ vỡ và gây lở loét, bé bị đau, ngứa ngáy, quấy khóc khi mẹ vệ sinh hoặc thay tã.
Thời gian khỏi: Phụ thuộc vào mức độ và cách chăm sóc của mẹ, nhẹ từ 3- 7 ngày, nặng từ 2 tuần – 1 tháng.
1.7. U mềm lây
U mềm lây là hiện tượng bất thường trên da do virus Molluscum contagiosum gây ra, khiến da bé bị nổi những cục u màu đỏ và dễ bị lây lan sang các vùng khác.
Biểu hiện: Cục u đỏ, mềm mọc rải rác tại bất kỳ vị trí nào trên cơ thể bé trừ lòng bàn tay, lòng bàn chân, kích thước khoảng 2 – 5 mm. Bé không có biểu hiện bất thường gì khác.
Thời gian khỏi: Đây là bệnh lý ngoài da do virus cần được sự can thiệp và chăm sóc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Thông thường, bé sẽ khỏi sau khoảng 3 tuần – 1 tháng nếu tuân thủ đúng phác đồ điều trị.
1.8. Sốt phát ban
Sốt phát ban là hiện tượng bé nổi ban đỏ sau khi nhiễm virus. Một số chủng virus gây sốt phát ban điển hình ở bé đó là: Virus sởi, virus rubella, enterovirus gây bệnh tay chân miệng,…
Biểu hiện:
- Bé sốt cao trên 39 độ C trước khi phát ban 1 – 2 ngày
- Bé mệt mỏi, quấy khóc, bỏ ăn bỏ bú
- Các nốt ban màu đỏ kích thước như hạt gạo, có bọng nước,… mọc chủ yếu ở những nơi ra nhiều mồ hôi như đầu, cổ, lưng, ngực, hoặc ở tay, chân, miệng của bé.
- Tiêu chảy, nôn trớ
Thời gian khỏi: Các nốt phát ban sẽ lặn sau 2 -5 ngày tùy từng thể trạng của bé và cách chăm sóc của mẹ.
1.9. U máu
Bé đang trong quá trình phát triển, hoàn thiện cơ thể và có lớp da mỏng chỉ bằng khoảng ⅓ lần người lớn. Vì vậy, nếu hệ thống máu của bé tăng lên nhiều sẽ gây ra hiện tượng u máu ở dưới vùng da cổ, ngực, lưng của bé. Trong trường hợp nặng, nốt mẩn u máu còn nổi hẳn trực tiếp ở trên da.
Hiện nay, các chuyên gia chưa rõ về nguyên nhân gây u máu và biểu hiện cụ thể của nó. mẹ thấy bé có biểu hiện bất thường không phải các trường hợp trên, mẹ cần đưa bé đi khám bác sĩ ngay.
2. Vết mẩn đỏ của bé có nguy hiểm không?
Bé bị nổi mẩn đỏ do viêm da, dị ứng da (rôm sảy, hăm da, dị ứng thuốc, …) sẽ không nguy hiểm nếu mẹ chăm sóc đúng cách. Bé bị nổi mẩn đỏ do bệnh lý bên trong cơ thể (giãn mao mạch, viêm mao mạch, u máu) sẽ tiềm ẩn nguy biến chứng nguy hiểm trên các cơ quan như xương khớp, thần kinh khô hấp. Trong trường hợp này, mẹ cần đưa bé đi bệnh viện để kiểm tra chính xác nhất.
Ngoài ra, khi bé bị nổi mẩn đỏ sẽ dễ gặp các biến chứng trên vết loét gây mất thẩm mỹ, các vết đỏ không được chăm sóc đúng cách bị viêm nhiễm, lở loét sẽ để lại sẹo trên da bé đó mẹ ạ.
3. Cách xử lý tình trạng bé bị nổi mẩn đỏ không ngứa
Mẹ kết hợp 2 cách chăm sóc ở dưới để bé nhanh khỏi mẩn đỏ nhất mẹ nhé!
3.1. Chăm sóc vết mẩn đỏ
Vùng da bị mẩn đỏ rất nhạy cảm, dễ bị tổn thương khiến bé lâu khỏi hơn nếu mẹ không chăm sóc cẩn thận, đúng cách. Mẹ lưu ý:
- Vệ sinh sạch sẽ: Mẹ tắm rửa cho bé hàng ngày bằng sản phẩm tắm gội chuyên dụng cho bé sơ sinh để giữ da bé luôn sạch sẽ, không bị vi khuẩn, vi nấm tấn công. Mẹ ưu tiên chọn sản phẩm có thành phần thiên nhiên như: Tinh dầu bưởi, tía tô,… để lành tính nhất với bé mẹ nhé!
- Tránh làm tổn thương nốt mẩn: Dù bé không bị ngứa nhưng những nốt mẩn “kỳ lạ” có thể khiến bé tò mò, sờ tay lên chúng. Tuy nhiên, tay bé dễ dính bụi bẩn, vi khuẩn, khi sờ vào sẽ lây nhiễm chất bẩn từ tay vào nốt mẩn đó. Nếu móng tay của bé dài còn gây xước, tổn thương nốt mẩn đỏ. Do đó, mẹ vệ sinh tay bé trước và sau khi ăn, chơi và cắt móng tay cho bé 1 lần/tuần để tránh làm tổn thương vết mẩn mẹ nhé!
- Mặc quần áo rộng rãi: Điều này giúp bé thoải mái, không chật chội bí bách. Mẹ lưu ý chọn chất liệu vải mềm mại, thấm hút tốt như cotton, bamboo,…
- Che chắn cho bé khi ra ngoài: Khi cho bé ra ngoài, mẹ dùng khăn voan, ô dù, che chắn bé khỏi lông tơ, sâu bệnh, khói bụi,… xâm nhập và gây dị ứng cho bé.
- Thận trọng với sản phẩm dùng ngoài da: Khăn ướt, tã bỉm, sữa tắm, kem bôi ngoài da có chứa các chất hóa học như chất tạo bọt SLS – SLES, chất tạo mùi, chất tẩy trắng chứa Clo,… sẽ rất dễ gây dị ứng và nổi mẩn đỏ. Vì vậy mẹ chú ý tập thói quen đọc kỹ thành phần trên bao bì, ưu tiên chọn thành phần tự nhiên, không chứa các chất gây dị ứng trên.
3.2. Sử dụng thuốc tây
Trong trường hợp bé bị nổi mẩn đỏ nặng với các biểu hiện: Phù nề, lở loét, có mụn mủ,… mẹ cần đưa bé đến bác sĩ để được thăm khám và kê thuốc phù hợp. Lúc này, bé cần được sử dụng các loại thuốc kháng viêm, chống dị ứng.
- Thuốc kháng Histamin: Có tác dụng làm giảm các triệu chứng do dị ứng như phù nề, ngứa ngáy,…
- Thuốc chống viêm corticoid: Có tác dụng ngăn ngừa viêm nhiễm, phù nề khi bé bị dị ứng nổi mẩn đỏ.
Mẹ lưu ý: Không tự ý thay đổi liều lượng vì chúng tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ không tốt cho bé.
4. Khi nào cần đưa bé đi khám bác sĩ?
Bé bị nổi mẩn đỏ dễ để lại sẹo hoặc các biến chứng ở thần kinh, hệ tiêu hóa,… Do đó, khi bé có 1 trong các dấu hiệu sau, mẹ cần đưa bé đi khám bác sĩ ngay:
- Nổi mẩn kéo dài quá 3 ngày không đỡ
- Nốt mẩn đỏ lở loét, nhiễm trùng
- Không xác định được nguyên nhân gây mẩn đỏ cho bé
- Bé nổi mẩn đỏ do giãn mao mạch, viêm mao mạch, u máu
- Bé sốt hoặc tiêu chảy, mệt mỏi kèm theo
Việc chăm sóc bé dù không phải dễ dàng, đặc biệt là khi bé bị nổi mẩn đỏ không ngứa. Nhưng mẹ cũng đừng quá lo lắng mẹ nhé! Chỉ cần mẹ đọc kỹ hướng dẫn ở trên và thực hiện đúng, bé nhà mình sẽ nhanh khỏi thôi ạ! Nếu còn băn khoăn, mẹ để lại bình luận ở dưới để được hỗ trợ mẹ nhé!