Giới tính là một yếu tố tác động đến sức khỏe bé sơ sinh đó mẹ. Chăm sóc bé sơ sinh trai đúng cách ra sao, có những lưu ý và khác biệt gì so với bé gái? Việc thay tã, vệ sinh bộ phận sinh dục hay cắt bao quy đầu cho bé có cần thiết? Đọc bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn mẹ nhé!
Mục lục
1. Hướng dẫn cách bế bé sơ sinh
Tư thế bế bé rất quan trọng. Thực hiện đúng cách không chỉ giúp bé cảm thấy an toàn, không bị đau mà mẹ còn đỡ mỏi hơn rất nhiều khi bế bé trong thời gian dài.
Cách bế bé chuẩn để mẹ tham khảo đây ạ!
- Bước 1: Mẹ dùng hai tay, một tay đặt dọc theo sống lưng; khuỷu tay đỡ đầu, cẳng tay còn bàn tay mẹ ôm trọn lưng bé; tay còn lại vòng qua người và đỡ mông bé.
- Bước 2: Mẹ giữ yên tay khoảng 30s và nhẹ nhàng nâng bé lên, đưa bé vào sát thân người, lấy thân người làm điểm tựa, mẹ sẽ không cảm thấy mỏi tay. Con gần mẹ, cảm nhận hơi ấm và sự hiện diện của mẹ cũng cảm thấy an toàn hơn.
Lưu ý nhỏ cho mẹ: Bé sơ sinh dễ giật mình bởi những tiếng động và các tiếp xúc bất ngờ. Vì thế, khi bé bế, mẹ thao tác từ từ, nhẹ nhàng để tránh làm bé giật mình mẹ nhé!
Mẹo nhỏ: Khi bế bé, nhất là khi ru bé ngủ, mẹ đung đưa hoặc dùng bàn tay vỗ lưng bé chậm rãi, nhẹ nhàng. Bé sẽ bớt quấy khóc và dễ ngủ hơn đó.
2. Hướng dẫn chăm sóc bé sơ sinh trai khi bú
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng quý giá đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Sữa mẹ giúp bé tăng cường miễn dịch, nâng cao đề kháng và phát triển trí nào cho bé. Vì thế, ngay khi sữa về, mẹ cho bé bú sớm nhất có thể và duy trì cho bé bú trong ít nhất 6 tháng đầu mẹ nhé.
Làm thế nào để mẹ biết bé đang no hay đang đói? Mẹ quan sát biểu hiện của bé, nếu thấy bé giãy giụa, chân tay ngọ nguậy, há miệng, vùi đầu vào ngực mẹ, mút tay hoặc bất cứ vật gì xung quanh,… thì bé muốn “măm măm” rồi mẹ ơi!
Lượng sữa mỗi lần bú của con sẽ thay đổi theo ngày tuổi. Mẹ tham khảo bảng chi tiết ở đây nhé!
Lưu ý nhỏ cho mẹ:
- Đảm bảo bé ăn mỗi 2 – 3 giờ: Bé sơ sinh ngủ rất nhiều, đôi lúc “ham ngủ quên ăn”. Nếu bé ngủ quá 4 giờ, mẹ nhẹ nhàng đánh thức bé dậy để bé không bị đói quá mẹ nhé!
- Không để bé vừa bú vừa ngủ: Nếu mẹ thấy bé có dấu hiệu ngủ gật khi bú, mẹ nựng yêu, nói chuyện với bé để bé tỉnh táo cho đến khi bú no. Vừa bú vừa ngủ khiến con dễ bị ngậm sai khớp ngậm dẫn đến sặc sữa đó ạ!
- Vỗ ợ hơi cho bé sau khi bú: Bé chưa quen bú nên thường nuốt lượng lớn không khí vào dạ dày khi bú. Nếu không vỗ ợ hơi, bé dễ bị đầy hơi, khó chịu dẫn đến trào ngược dạ dày, nôn trớ, ọc sữa,… Vì thế, sau khi bé bú xong, mẹ bế vác bé trên vai, khum tay vỗ nhẹ lưng bé từ dưới lên trên để con đẩy khí thừa ra ngoài.
3. Hướng dẫn chăm sóc rốn bé sơ sinh trai đúng cách
Cách chăm sóc rốn bé sơ sinh trai không khác biệt so với bé gái. Mẹ lưu ý, sau khi chào đời, cuống rốn bé giống như vết thương hở – nơi vi khuẩn có thể xâm nhập, tấn công gây nhiễm trùng máu và các vấn đề sức khỏe khác. Nhưng mẹ đừng lo quá, chỉ cần chăm sóc đúng cách, rốn con sẽ rụng ngay sau 8 – 10 ngày, đến ngày thứ 15 là lành hẳn rồi.
Mẹ vệ sinh rốn cho bé 1- 2 lần/ngày theo các bước sau:
- Bước 1 – Chuẩn bị 1 chai nước muối sinh lý, cồn 70 độ, 4 – 5 miếng gòn, 1 miếng gạc vô trùng mỏng.
- Bước 2: Mẹ rửa tay sạch sẽ và sát khuẩn tay bằng cồn 70 độ.
- Bước 3: Nhẹ nhàng mở băng rốn cho bé.
- Bước 4: Dùng 1 miếng gòn tẩm nước muối sinh lý, nhẹ nhàng lau dọc cuống rốn từ chân rốn đến đầu cuống rốn và xung quanh vùng chân rốn.
- Bước 5: Dùng 1 miếng gòn sạch khác để lau khô rốn và sát trùng khu vực da quanh rốn bằng cồn 70 độ
- Bước 6: Để hở hoặc dùng gạc mỏng che lại vùng rốn của bé.
Lưu ý cho mẹ: Mỗi lần mở gạc vệ sinh rốn cho bé, nếu thấy rốn con sưng đỏ, tiết dịch, chảy mủ, rỉ máu trong 10 phút không dừng hay có mùi hôi,… mẹ cần liên lạc với bác sĩ ngay vì đây là dấu hiệu của nhiễm trùng rốn đó ạ!
4. Cẩn thận khi thay tã cho bé trai
Khi tay tã cho bé trai, không ít mẹ gặp phải tình huống “oái oăm” khi con tè thẳng vào người mẹ hoặc tè ra xung quanh. Một chiếc khăn vải che “cậu bé” của con lại là “vũ khí” cho mẹ trong mỗi lần mẹ thay tã đó ạ. Nước tiểu của bé được khăn vải giữ lại, không bắn ra ngoài.
Lưu ý nhỏ cho mẹ: Đặt “cậu bé” của con đúng chiều mỗi lần thay tã cho con theo hướng nằm xuôi xuống dưới. Nếu mẹ đặt ngược, nước tiểu chảy ngược lên trên và tràn ra mép ngoài của tã, làm bẩn quần áo, chăn gối của con đó.
5. Mặc tã lớn hơn 1 size vào ban đêm
Một số mẹ nghĩ rằng, tã size nhỏ có thể giữ nước tiểu tốt hơn, tránh tràn bỉm nhưng không phải vậy đâu ạ! Khả năng thấm hút của tã nằm ở chất lượng tã. Tã nhiều hạt thấm hút, thiết kế vách chống tràn tốt thì sẽ chống tràn tốt hơn. Tã size nhỏ sẽ làm con thấy chật chội, khó chịu, thậm chí cọ xát vào “cậu bé” của con khiến con dễ bị hăm, mẩn đỏ hơn đó.
Bé cũng giống bố mẹ, khi đi ngủ sẽ cần quần áo thoải mái, hạn chế bó sát để thoải mái. Vì thế, mẹ chọn tã nhỉnh hơn 1 size để đóng cho bé vào buổi tối, giúp bé thoải mái và ngủ ngon hơn.
6. Cân nhắc chuyện cắt bao quy đầu cho bé trai sơ sinh
Ở những bé bình thường, việc cắt bao quy đầu không bắt buộc. Mẹ chỉ cần giữ vệ sinh “cậu bé” cho con sạch sẽ và cẩn thận là đủ. Tuy nhiên, với bé có bao quy đầu hẹp, việc cắt bao quy đầu rất cần thiết, giúp việc vệ sinh “cậu bé” của con dễ dàng hơn, từ đó tránh các bệnh như viêm bao quy đầu, viêm nhiễm niệu đạo,…
Để yên tâm nhất, mẹ hãy hỏi ý kiến bác sĩ để đưa ra lựa chọn tốt nhất cho con. Đừng vì sợ con đau mà chần chừ mẹ nha.
7. Làm gì khi “cậu bé” có hiện tượng cương cứng?
Mẹ đừng lo lắng khi thấy “cậu bé” của con tự nhiên cương cứng. Đây là hiện tượng bình thường và xuất hiện ngay từ khi bé nằm trong bụng mẹ. Lúc này, bàng quang chứa nước tiểu của con đã đầy. “Cậu bé” của con cương cứng để chuẩn bị “mở van xả nước” ra ngoài đó ạ!
8. Chăm sóc bộ phận sinh dục của bé sơ sinh trai
Lúc mới đầu chưa quen, mẹ có thể sẽ gặp một chút khó khăn khi vệ sinh bộ phận sinh dục cho bé trai. Nhưng chỉ sau vài lần, việc vệ sinh “cậu bé” cho con sẽ không làm khó được mẹ đâu ạ!
Mẹ vệ sinh “cậu bé” của con trước khi thay tã mới mẹ nhé! Cách thực hiện đơn giản lắm ạ!
Đầu tiên, mẹ chuẩn bị: Khăn ướt, tã dán, xịt hăm,… để vệ sinh cho con. Mẹ lưu ý: Mỗi giai đoạn khác nhau, con sẽ có sự thay đổi về “cậu bé”. Các thao tác vệ sinh cần linh hoạt để con được chăm sóc tốt nhất mẹ nhé!
1 – Nếu bé chưa lộn được bao quy đầu mẹ không nên cố gắng tuốt ngược bao quy đầu về phía bụng mà chỉ nên vệ sinh xung quanh bộ phận sinh dục của con.
- Sử dụng 1 khăn ướt nhẹ nhàng lau xung quanh bộ phận sinh dục của bé.
- Dùng 1 chiếc khăn ướt sạch khác để lau lại cho con 1- 2 lần.
- Lau xung quanh vùng da mặc tã của con bằng 1 chiếc khăn ướt mới, đợi khoảng 5 phút để vùng mặc tã của con khô hẳn.
- Dùng xịt hăm tã để xịt xung quanh vùng da mặc tã của con, đợi 5 phút trước khi mặc tã mới
2 – Nếu bé đã lộn được bao quy đầu, “cậu bé” của con dễ bị đọng vi khuẩn gây viêm nhiễm. Mẹ cần thiết vệ sinh quy đầu dương vật cho bé:
- Một tay mẹ nhẹ nhàng vuốt ngược da quy đầu về phía bụng. Tay còn lại dùng khăn ướt vệ sinh toàn bộ dương vật cho bé.
- Sử dụng 1 khăn ướt sạch và lặp lại thao tác trên.
- Lau xung quanh vùng da mặc tã của con bằng 1 chiếc khăn ướt mới, đợi khoảng 5 phút để vùng mặc tã của con khô hẳn.
- Dùng xịt kháng khuẩn xịt xung quanh vùng da mặc tã của con để bảo vệ và dưỡng ẩm da cho con. Mẹ đợi 5 phút cho da bé khô rồi mới mặc tã mới
Cơ thể và bộ phận sinh dục của bé còn non yếu, khi vệ sinh cho bé, mẹ cần lưu ý:
Thao tác nhẹ nhàng: Mẹ không nên kéo bao da bao quy đầu quá mạnh. Thay vào đó, mẹ để phần da quy đầu của bé tự tuột ra tự nhiên sau vài năm nữa.
Giữ bộ phận sinh dục khô ráo, sạch sẽ: Bộ phận sinh dục của bé rất dễ bị viêm, nhiễm khuẩn từ phân và nước tiểu. Mẹ bảo vệ con bằng cách giữ bộ phận sinh dục của bé khô ráo, sạch sẽ mẹ nhé!
9. Các dấu hiệu nguy hiểm ở bé sơ sinh trai
Bé sơ sinh chưa giao tiếp được nên những lúc bé ốm, cơ thể bé gặp nguy hiểm,… bé chưa thể gọi mẹ. Thay vào đó, bé sẽ “báo hiệu” với mẹ bằng những dấu hiệu khác. Dưới đây là 7 dấu hiệu nguy hiểm của con, mẹ chú ý quan sát và đưa bé đến gặp bác sĩ ngay khi phát hiện!
- Rối loạn thân nhiệt: Bé sốt cao hoặc bị hạ thân nhiệt, cơ thể lạnh. Tình trạng này xảy ra do vi khuẩn, vi rút, tác dụng phụ sau khi tiêm vacxin hoặc do thời tiết thay đổi. Mẹ không tùy ý sử dụng thuốc hạ sốt cho bé.
- Ngủ li bì: Tương tự như người lớn, bé khi ốm, mệt, bé sẽ ngủ nhiều hơn bình thường. Nếu thấy bé ngủ nhiều hơn 3h mỗi giấc vào ban ngày, khó đánh thức,… có thể bé đang bị ốm, mệt đó ạ!
- Nôn ứ liên tục, bụng chướng: Đây là dấu hiệu bé đang rối loạn tiêu hóa, cần được xử lý nhanh chóng, tránh tình trạng sốc mất nước và các biến chứng nghiêm trọng khác.
- Bé vàng da trên 1 tuần với bé đủ tháng và 2 tuần với bé thiếu tháng: Bé có thể bị dư thừa bilirubin, tăng nguy cơ bilirubin đi vào não, gây tổn thương não vĩnh viễn.
- Co giật, co cứng và chảy máu khó cầm: Đây là những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong trường hợp này, mẹ cần đưa bé đến bệnh viện sớm nhất có thể xác định nguyên nhân và kịp thời xử lý.
Ngoài các lưu ý trong việc chăm sóc bộ phận sinh dục, việc chăm sóc bé sơ sinh trai cũng tương tự như chăm sóc bé gái. Nếu còn băn khoăn, mẹ hãy để lại bình luận ở dưới để được hỗ trợ mẹ nhé!