Lịch sử tìm kiếm
Tìm trong góc của mẹ
Tìm kiếm phổ biến

Tuần khủng hoảng của bé và 10 dấu mốc quan trọng mẹ cần nắm rõ

Tuần khủng hoảng của bé được đánh dấu bằng hàng loạt thay đổi bất thường về tính cách, tâm sinh lý như quấy khóc, bỏ ăn, cáu kỉnh,… Nghe có vẻ rất đáng lo đúng không mẹ nhưng thực ra, đây chính là một trong những dấu hiệu tích cực của cái này, đánh dấu quá trình con bước sang cột mốc phát triển mới. Chính vì thế, mẹ nên bình tĩnh và  tìm hiểu 10 dấu mốc quan trọng trong tuần khủng hoảng để hiểu con, an tâm đồng hành cùng con, mẹ nhé! 

Tuần khủng hoảng của
Tuần khủng hoảng của bé và 10 dấu mốc quan trọng mẹ cần nắm rõ

1. Tuần khủng hoảng của bé (Wonder Weeks) là gì?

Cụm từ “tuần khủng hoảng của bé” là khái niệm còn khá xa lạ với nhiều mẹ bỉm lần đầu lên chức! Theo nghiên cứu của hai nhà khoa học nổi tiếng Hetty van de Rijt và Frans Plooij, quá trình “nhạy cảm” này đánh dấu những thay đổi đột ngột trong tâm lý, tính cách của bé; thường xảy ra vào 10 thời điểm có thể dự đoán được trong 20 tháng đầu đời. Ở mỗi giai đoạn phát triển, bộ não của con sẽ có sự “thăng cấp”, nhận thức được những điều mới mẻ về thế giới.

Tuần khủng hoảng của bé là gì
Tuần khủng hoảng của bé (Wonder Weeks) là gì

Do những thay đổi mạnh mẽ đang diễn ra trong não bộ, bé có thể cảm thấy thất vọng và choáng ngợp trước những khả năng mới mà bé chưa thành thạo. Điều này có thể ảnh hưởng đến tâm trạng, sự thèm ăn, giấc ngủ và hành vi của bé, khiến bé quấy khóc (Crying), đeo bám mẹ (Clinginess) và cáu kỉnh hơn (Crankiness). Tin tốt là sau mỗi thay đổi này, bé sẽ học được những điều mới và thường hạnh phúc hơn rất nhiều. Những thời điểm này được gọi là ‘tuần nắng’ (Sunny week).

2. Cách nhận biết tuần khủng hoảng của bé

Để giúp con “đối phó” với giai đoạn nhạy cảm trên, mẹ cần tìm hiểu cách nhận biết tuần khủng hoảng và có sự điều chỉnh phù hợp đối với từng bé, từng thời kỳ khác nhau. Nhờ đó, mẹ dễ dàng tìm được hướng giải quyết mỗi khi con “thay tính đổi nết”, chủ động hơn trong việc trang bị kiến thức và sẵn sàng khám phá thế giới cùng con yêu.

Cách nhận biết tuần khủng hoảng của bé
Tuần khủng hoảng đánh dấu sự phát triển của con, không hề xấu đâu mẹ ạ

2.1. Nhận biết tuần khủng hoảng qua bảng theo dõi

Trong 2 năm đầu đời, bé sẽ trải qua 10 tuần khủng hoảng ở các tuần thứ 5 – 8 – 12 – 19 – 26 – 37 – 46 – 55 –  64 – 75. Mẹ cần thường xuyên theo dõi lịch Wonder Week dưới đây để chủ động hơn và không có những lo lắng không cần thiết khi con tự dưng “khó ở” nhé.

Lịch tuần khủng hoảng của bé
Mẹ nhận biết tuần khủng hoảng của bé qua bảng theo dõi

2.2. Nhận biết tuần khủng hoảng qua biểu hiện của bé

Tuần khủng hoảng khiến bé khó chịu hơn bình thường do sự thay đổi, đảo lộn về tâm sinh lý và nhận thức. Bé sẽ bị “choáng ngợp”, chẳng biết làm thế nào với những cảm xúc đó. Để nhận biết bé có đang trong tuần khủng hoảng hay không mẹ nên quan sát và “để ý” những biểu hiện thường gặp sau:

  • Bé quấy khóc, đòi mẹ nhiều hơn.
  • Bé mất cảm giác ngon miệng, ăn ít hơn, lười ăn thạm chí bỏ ăn.
  • Bé sẽ khó ngủ, ngủ không sâu giấc hoặc ngủ giấc ngắn hơn bình thường.
  • Tâm trạng bé hay thay đổi, có thể đang vui vẻ bỗng dưng chuyển sang cáu gắt, khó chịu.
  • Bé nghịch ngợm, hiếu động hơn
Bé lười ăn khi bước vào tuần khủng
Bé lười ăn hơn khi bước vào giai đoạn khủng hoảng

2.3. Nhận biết tuần khủng hoảng của bé qua ứng dụng

Ngoài nhận biết tuần khủng hoảng của con qua biểu hiện thường ngày, mẹ tham khảo ứng dụng “The Wonder weeks” nhé. Đây là một trong những “vũ khí” giúp mẹ tính tuần khủng hoảng và hướng dẫn mẹ các mẹo chăm bé trong giai đoạn “khó ở” này. Tính đến tháng 12/2021, ứng dụng đã có 10.000 lượt tải tải xuống. Bên cạnh đó, “The Wonder weeks” cũng có một số đặc điểm nổi bật như:

  • Theo dõi được các mốc phát triển của bé
  • Lịch trình được cá nhân hóa và thay đổi cho từng bé
  • Giúp mẹ hiểu hơn về những thay đổi của con
  • Có thông báo để mẹ kịp chuẩn bị trong mọi tình huống

Để tải ứng dụng này mẹ chỉ cần thực hiện vài bước đơn giản:

  • Bước 2: Mẹ đăng nhập vào trình duyệt, nhập tên, giới tính, tuần tuổi của con và tiến hành theo dõi
Theo dõi tuần khủng hoảng của bé qua ứng dụng
Sử dụng ứng dụng The Wonder weeks giúp mẹ dễ dàng nhận biết tuần khủng hoảng của con

Tham khảo video dưới đây để biết hướng dẫn chi tiết cách sử dụng mẹ nhé:

Nguồn: The Wonder Weeks

3. 10 tuần khủng hoảng của bé mẹ cần nắm rõ

Mỗi tuần khủng hoảng đánh dấu sự thay đổi và phát triển của bé cả về nhận thức, kỹ năng và hành vi. Để  hiểu con muốn gì, cần gì mẹ nên tìm hiểu nguyên nhân cặn kẽ, từ đó giúp con vượt qua tuần khủng hoảng thật nhẹ nhàng. Tất cả những chuyển biến của bé ở 10 tuần khủng hoảng đã được tổng hợp ngay dưới đây.

Tuần khủng hoảng của trẻ
Tuần khủng hoảng thứ 5 của bé

3.1. Tuần thứ 5 – Sự thay đổi về cảm giác

Mẹ chú ý một chút trong tuần khủng hoảng của bé sẽ thường ngủ liên tục 8-12 tiếng nhưng vào tuần thứ 5, mẹ khó cho bé ngủ hơn vì bé quấy khóc, thường ngủ chập chờn, không sâu giấc. Bên cạnh đó, bé thường xuyên nhìn ngắm những thứ xung quanh. Mẹ đưa một vật bất kỳ màu sắc sặc sỡ đến trước mặt con trong tầm nhìn của con (khoảng 20cm), chắc chắn con sẽ bị thu hút, chăm chú nhìn theo vật đó ngay.

3.1.1. Mẹ nên làm gì để con vượt qua tuần khủng hoảng 5?

Vì đã phát triển mạnh về các giác quan, con dễ dàng cảm nhận những thay đổi xung quanh và biết sợ hãi, lo lắng. Mẹ nên vỗ về bé, cho con yên tâm hơn và tránh để các tác nhân như ánh sáng, âm thanh, mùi vị,… tiếp xúc trực tiếp với bé:

Mẹ massage cho bé
Mẹ massage thường xuyên cũng là cách giúp tuần khủng hoảng của bé trải qua dễ dàng hơn

1 – Da kề da, massage bé: Khi bé làm quen với trải nghiệm động chạm cơ thể, mẹ cần có những hành động như chạm tay, chuyển động nhịp nhàng và tiếp xúc gần gũi để bé thích nghi nhanh hơn. Cụ thể, mẹ thường xuyên ôm bé vào lòng, xoa lưng, vuốt ve nhẹ nhàng. Sau khi tắm cho con, mẹ lau người kết hợp massage tay chân để bé cảm nhận được hơi ấm và an tâm hơn.

2 – Mẹ điều chỉnh tác nhân xung quanh: Tiếng ồn, ánh đèn, cử chỉ va chạm nhiều, thậm chí mùi thơm nồng cũng có thể trở thành tác nhân ảnh hưởng đến tâm tình của con. Trong trường hợp này, mẹ nên đưa con đến không gian yên tĩnh hơn, ví dụ như một căn phòng có ánh đèn vừa phải, mùi hương nhẹ nhàng, hạn chế tiếng ồn từ mọi người xung quanh.

3 – Cho bé ti đủ sữa: Cho bé ti đủ như một phương pháp trấn an đưa con vào giấc ngủ và cho con bình tĩnh lại khi tiếp nhận những trải nghiệm mới.

Bảng lượng sữa bé cần bú theo độ tuổi
Cho bé ti sữa đầy đủ theo từng độ tuổi mẹ nhé

3.1.2. Sự thay đổi của bé sau tuần khủng hoảng 5

  • Bé mỉm cười khi gặp người quen: Khoảng thời gian này, bé thường bắt đầu mỉm cười để đáp lại những khuôn mặt quen thuộc như ông bà, cha mẹ, anh chị em,…
  • Con ít nhạy cảm với sự đụng chạm hơn: Nếu mẹ đã thực hành massage cho con từ khi con mới sinh, mẹ dễ dàng nhận thấy con ít giật mình hơn khi mẹ chạm vào.
  • Con chú ý lắng nghe: Khi mẹ bật một bản nhạc du dương hoặc ngân nga vài câu hát, mẹ quan sát sẽ thấy bé bị thu hút bởi những âm thanh đó và dường như con đang học cách lắng nghe đấy.
  • Khám phá thế giới xung quanh: Lúc này, bé sẽ dành nhiều thời gian hơn để nhìn ngắm mọi thứ xung quanh và bắt đầu tỏ ra thích thú với điện thoại di động hoặc các món đồ chơi khác khi được đặt trong tầm mắt (trong phạm vi 1m). Bởi chức năng não của bé trong giai đoạn tuần khủng hoảng của bé này đã có sự phát triển, bé có khả năng nhận thức được sự tồn tại của những điều diễn ra quanh mình.
Bé vui vẻ sau tuần khủng hoảng
Sau 5 tuần tuổi, bé đã biết bỉm cười và không bị giật mình khi mẹ massage

3.2. Tuần thứ 8 – Sự phát triển về thể chất và tinh thần

Tuần khủng hoảng thứ 8 đánh dấu việc bé bước vào giai đoạn phát triển mới, bắt đầu nhận thức được sự vận động của vật thể xung quanh và cơ thể của mình, tạo tiền đề để bé học cách kiểm soát và các giác quan nhạy bén hơn. Cụ thể, trong tuần thứ 8, bé sẽ là thiên thần đáng yêu, ham thích học hỏi vào ban ngày nhưng lại quấy khóc, cáu gắt, bám mẹ vào ban đêm. Đây hoàn toàn là những dấu hiệu bình thường, đánh dấu sự phát triển về cả thế chất lẫn tinh thần.

3.2.1. Mẹ nên làm gì?

Mẹ đừng quá lo lắng nếu tự nhiên con quấy khóc, khó ngủ và hay bám mẹ mà nên bình tĩnh để hiểu lúc này con cần gì, giúp con vượt qua tuần khủng hoảng trơn tru:

1 – Tạo cảm giác an toàn cho con: Bé buồn bực, cáu gắt là do bé chưa đủ thời gian để tiếp nhận những chuyển biến bên trong cơ thể. Lúc này, mẹ cần đồng hành cùng để bé tự tin khám phá thế giới xung quanh. Mẹ nên thực hiện những cử chỉ yêu thương như ôm ấp, vuốt ve, thủ thỉ những lời nói “có cánh” như “Mẹ yêu con”, gọi bé là “bảo bối”, “con yêu”. Những việc làm này tuy nhỏ nhưng sẽ giúp bé cảm nhận hơi ấm từ mẹ, khiến bé cảm thấy an toàn khi ở bên mẹ.

Mẹ bên trẻ tạo cảm giác an toàn cho bé
Tạo cảm giác an toàn cho con là điều thiết yếu mẹ nên làm trong tuần khủng hoảng của bé

2 – Mẹ nên hỗ trợ bé phát triển thể chất: Bước vào tuần thứ 8, bé phát triển cả về khả năng quan sát bằng mắt lẫn khả năng vận động. Để con dễ dàng khám phá thế giới xung quanh bằng “cửa sổ tâm hồn”, mẹ nên dán những bức tranh, hình khối nhiều màu sắc tại các khu vực ăn, chơi, ngủ nghỉ của bé; hoặc di chuyển những tấm bìa màu. giấy màu đầy màu sắc sang trái, sang phải, lên trên, xuống dưới để bé luyện tập cơ mắt.

Ngoài ra mẹ có thể đặt ngón tay cái vào lòng bàn tay của bé để bé nắm lấy. Cách làm này vừa kích thích xúc giác vừa giúp con luyện tập kỹ năng cầm nắm hiệu quả đó mẹ ạ!

3 – Mẹ cần điều tiết hoạt động phù hợp với bé: Luyện tập kĩ năng mới sẽ kích thích sự tò mò, hứng thú, làm bé cứ mải mê thực hiện hành động đó. Tuy nhiên, cũng có lúc bé thấy quá tải đó ạ! Nếu thấy bé nhìn sang chỗ khác hoặc né tránh, mẹ nên dừng hoạt động đó lại để bé nghỉ ngơi. Bên cạnh đó, bé chưa cầm nắm thuần thục như người lớn được, mẹ không nên thúc ép, bắt con phải lấy được vật này vật kia.

Thay vào đó, mẹ cần điều tiết và kiên nhẫn thực hiện cùng con, kết hợp chơi đùa, hướng dẫn bé cách cử động các ngón tay để cầm nắm, kết hợp thực hành trước để bé thích thú và làm theo.

Phát triển kỹ năng cho trẻ
Mẹ giúp bé phát triển 1 số kỹ năng

3.2.2. Sự thay đổi của bé sau tuần khủng hoảng thứ 8

Sau tuần khủng hoảng  cửa bé thứ 8 sẽ có những sự thay đổi như:

1 – Bé có khả năng kiểm soát cơ thể: Kết thúc tuần khủng hoảng thứ 8, bé yêu có thể thực hiện một số động tác như giữ thẳng đầu khi tập trung vào điều gì đó, ngoái đầu lại khi có tiếng động, thực hiện nhiều biểu cảm khuôn mặt (cười, nhăn nhó,…), cố gắng chạm tay vào đồ chơi đang treo lơ lửng, đá chân và khua tay qua lại. Tất cả những hành động này đều có ý thức, bé biết được mình làm gì và cần gì.

2 – Bé nhận thức về thế giới xung quanh tốt hơn: Bé biết quan sát mọi vật xung quanh, đôi khi là tập trung nhìn bố mẹ làm việc, nấu ăn; ngắm nghía say sưa những bức ảnh, bức tranh treo trên tường nhà; khám phá “chức năng” của bàn tay, bàn chân kết hợp sờ nắm chúng.

Bé thích chơi trò chơi
Bé thích chơi các món đồ chơi

3 – Cảm xúc của bé có sự phát triển: Bé bắt đầu thể hiện sự yêu thích của mình đối với sự vật, sự việc xung quanh: thường xuyên cười khoái chí khi mẹ nói chuyện hoặc trêu đùa bé, tỏ ra thích thú khi thấy một quả bóng sặc sỡ, một cô búp bê xinh xắn, phát âm được “ê, ê,…”, “a, a,…” hoặc cố gắng nói chuyện khi nhìn thấy món đồ gây sự chú ý,…

Bé phát triển kỹ năng
Bé biết quay đầu về nơi có âm thanh

3.3. Tuần thứ 12 – Sự phát triển về kỹ năng và nhận thức

Đến tuần khủng hoảng thứ 12, bé có sự phát triển về kỹ năng lẫn nhận thức so với lúc trước. Điều này cũng đồng nghĩa mẹ đối diện với hàng loạt biểu hiện “khó ở” như quấy đêm, bám mẹ, nhút nhát, thường xuyên mút tay,…

3.3.1. Mẹ nên làm gì?

Trong bối cảnh này mẹ nên giúp bé một vài kĩ năng như:

1 – Giúp bé phát triển các giác quan: Bước vào tuần thứ 12, bé học cách tập trung dõi theo vật thể đang chuyển động. Khi đó, mẹ nên chuẩn bị vài món đồ chơi như lục lạc, gấu bông hoặc tranh ảnh nhiều màu sắc rồi di chuyển qua lại để bé tập nhìn. Mẹ cũng có thể bế con đi vòng quanh nhà, mô tả cho bé nghe về từng đồ vật và cho bé sờ chạm để bé cảm nhận được chất liệu, màu sắc,…

2 – Hỗ trợ con tập lẫy, lật: Mẹ cho bé nắm ngón tay để bé cảm nhận được lực ở ngón tay rồi kéo nhẹ nhàng để hỗ trợ bé lật sấp. Bên cạnh đó, mẹ có thể cho con nằm sấp khi thức để con tập lật ngửa lại mà không lo con bị ngạt, khó thở như lúc ngủ.

Bé biết quay đầu về phía có âm thanh
Bé biết quay đầu về nơi có âm thanh

3.3.2. Sự thay đổi của bé sau tuần khủng hoảng thứ 12

1 – Cử động của con nhẹ nhàng, thuần thục hơn: Sau khi vượt qua tuần khủng hoảng thứ 12, bé yêu sẽ biết lẫy sấp, lẫy ngửa và thành thạo 1 số kỹ năng như: mút ngón tay, nghiêng đầu và người sang một bên, ngậm ngón chân, với và chụp đồ vật bằng cả 2 tay,…

2 – Bé học được nhiều kỹ năng mới: Khi vượt qua tuần khủng hoảng trơn tru, bé sẽ có thêm nhiều kỹ năng mới, chẳng hạn như mắt di chuyển nhịp nhàng hơn, thích thú và chơi đùa với bàn tay của mẹ, biết cách quan sát cử chỉ, hành động của người xung quanh, tạo ra được các âm: a, i, e, o,…, biết hóng chuyện và chờ phản ứng của mẹ.

Mẹ bên con yêu
Mẹ thường xuyên ở bên con để tạo cảm giác an toàn

3.4. Tuần thứ 19 – Sự xuất hiện của các chuỗi hành động

Tuần thứ 19 là giai đoạn khủng hoảng thứ 4 sau khi bé đã bắt đầu làm quen với nhiều hoạt động mới. Lúc này bé hay quấy, thỉnh thoảng khóc toáng lên và ngủ ít hơn, bé biết bám mẹ, thích ôm ấp và sợ hãi, khóc khi tiếp xúc với người lạ bởi bé đã biết phân biệt người thân trong gia đình và người ngoài, không phải ai cũng có thể bế bé.

Tuần thứ 19 của trẻ
Tuần thứ 19 – Sự xuất hiện của các chuỗi hành động

3.4.1. Mẹ nên làm gì?

Bên cạnh tập cho con trườn, mẹ cũng cần tạo điều kiện để con phát triển toàn diện:

1 – Hỗ trợ con tập trườn, tập bò: Trong tuần khủng hoảng thứ 19, bé sẽ có những dấu hiệu muốn trườn, tiến về phía trước hoặc lùi về phía sau. Mẹ đặt những đồ vật nhiều màu sắc, thu hút sự chú ý của bé ở phía trước như như búp bê, gấu bông, lục lạc,…

Lúc này bé sẽ cố tiến đến để lấy được chúng, mong muốn đó sẽ trở thành phản xạ giúp bé cố gắng tập trườn về phía đồ chơi. Ngoài ra, mẹ cũng có thể tập cho con trườn bằng cách cho con tiếp xúc với những “bài tập” như với tay lấy đồ vật.

2 – Mẹ tạo điều kiện để con tự do trải nghiệm: Để con vượt qua tuần khủng hoảng trơn tru, mẹ nên tạo điều kiện cho con khám phá thế giới xung quanh. Thay vì cấm cản, không cho con làm cái này, cái kia, mẹ nên tạo ra không gian đa dạng về màu sắc, âm thanh, ví dụ như phòng ngủ mẹ bố trí thêm nhiều đèn sao, đèn hình thù con vật đáng yêu,… nơi bé chơi đùa mẹ bày biện thêm tranh ảnh, con vật,…

Bé sau 12 tuần tuổi sẽ biết mút
Bé sau khủng hoảng tuần 12 rất thành thục kỹ năng mút tay

3.4.2. Sự thay đổi của bé sau tuần khủng hoảng thứ 19

1 – Xuất hiện kỹ năng vận động: Ở giai đoạn này, hành vi của bé đã có sự thay đổi và tiến lên bước cao hơn, bé có thể xử một chuỗi từ hai hành động trở lên thay vì chỉ làm được một hành động như lúc trước. Ví dụ mẹ có thể quan sát thấy bé dùng tay lấy đồ vật rồi cho vào miệng hoặc chuyển sang tay khác, lật xoay món đồ,…

2 – Bé cải thiện khả năng quan sát: Nếu ở giai đoạn trước bé chỉ thích thú khi nhìn thấy điều gì đó thì sau tuần khủng hoảng thứ 12, bé dễ dàng quan sát những chi tiết nhỏ trong tranh ảnh, sách vở,… mẹ dùng tay che đi một phần đồ vật bé cũng có thể nhận ra, khi thấy mình trong gương bé sẽ phấn khích thay vì cảm giác lạ lẫm như lúc trước

Bé tập luyện thêm kỹ năng
Bé có thêm nhiều kỹ năng mới

3.5. Tuần thứ 26 – Khám phá ra sự khác biệt về khoảng cách

Tuần thứ 26 là giai đoạn khủng hoảng thứ 5 trong gần 20 tháng phát triển. Lúc này bé có những biểu hiện rõ rệt về nhận thức và hành động như quấy khóc, đặc biệt lúc không thấy mẹ; không hợp tác lúc mẹ tắm, thay tã, bỉm,… Bé còn có biểu hiện chán ăn, có những ngày không thích ăn những món mẹ đã chuẩn bị hoặc mím môi không cho mẹ đút.

Trẻ mĩm môi không cho mẹ đút ăn
Bé mím môi không cho mẹ đút

3.5.1. Mẹ nên làm gì?

Nếu bé có những biểu hiện trên, mẹ thực hiện những bài tập sau cho con nhé:

1 – Khuyến khích con tập bò: Trước khi cho con làm quen với việc bò, mẹ nên cho con tập đẩy người về phía trước để các cơ ở lưng của con phát triển, dồn trọng tâm về tay và chân để chuẩn bị cho tư thế bò.

2 – Giúp bé thực hiện tập các động tác thăng bằng: Bước sang tuần 26 bé đã cứng cáp hơn, mẹ có thể cho con thực hiện một số động tác thăng bằng thông qua trò chơi tàu lượn siêu tốc, máy bay. Mẹ bế con lên và cho con “bay” nhè nhẹ để con làm quen với việc giữ thăng bằng, tránh mạnh tay làm con đau hoặc sợ hãi.

Bé ở 26 tuần tuổi
Mẹ nên làm gì?

3.5.2. Sự thay đổi của bé sau tuần khủng hoảng thứ 26

1 – Bé nhận ra mối quan hệ giữa những sự vật xung quanh: Sau tuần khủng hoảng thứ 26, bé có xu hướng dịch chuyển cơ thể nhiều hơn. Trong giai đoạn này, bé đã nhận thức được mối quan hệ giữa các bộ phận cơ thể trong việc điều phối hoạt động để tạo ra các kỹ năng vận động mới. Ngoài ra bé cũng tìm thấy mối liên hệ giữa hành động này với hành động khác, ví dụ bấm công tắc sẽ sáng đèn, bấm điều khiển từ xa tivi sẽ phát ra âm thanh, hình ảnh,…

2 – Kỹ năng vận động được cải thiện: Mẹ sẽ nhận thấy kỹ năng vận động của bé được cải thiện, bé có thể bò lùi hoặc bò về phía trước, đôi khi bé tự ngồi dậy khi đang nằm, bám và đẩy ghế ăn đi một đoạn ngắn, bé mân mê đồ chơi bằng cả hai tay. Bên cạnh đó, bé có thể dốc ngược đồ chơi đổ ra ngoài mà không cần sự hỗ trợ của mẹ.

Chơi đùa cùng trẻ
Mẹ giúp bé thực hiện những hành động mới

3.6. Tuần thứ 37 – Con học được cách phân loại rồi mẹ nhé!

Tuần thứ 37 đánh dấu bước nhảy vọt thứ 6 trong quá trình phát triển về tinh thần của bé, bé có khả năng phân loại, “gom nhóm” sự vật, hiện tượng lại với nhau. Ở giai đoạn này bé cảm thấy lo lắng, bồn chồn khi không có mẹ bên cạnh, tâm trạng thay đổi “sáng nắng chiều mưa”, ăn không ngon miệng như lúc trước.

3.6.1. Mẹ nên làm gì?

Trong giai đoạn này bé đã biết cách phân loại, mẹ giúp bé thực hiện những hoạt động sau:

1 – Giúp bé củng cố các hoạt động: Mẹ tập cho bé ngồi, bò và tập đứng mon men bằng cách đỡ bé và cho bé bám vào thanh trụ hoặc thành giường. Ngoài ra, mẹ cũng tập cho bé  tự uống sữa, tự đưa thức ăn vào bằng cách khích lệ, động viên bé để khiến con thấy thích thú hơn. Để tránh tình trạng con hóc, nghẹn, nôn trớ, mẹ chỉ cho bé tập ăn trước vài muỗng thức ăn và chú ý quan sát trong suốt quá trình đó.

2 – Cùng con xây dựng thói quen khoa học: Mẹ thì thầm vào tai bé những câu như “đã đến giờ ăn rồi con nhé”, “đã đến giờ tắm rửa rồi con ạ” để não bộ bé hình thành phản xạ, đến giờ đó bé sẽ biết “lịch trình” của mình như thế nào. Dần dà, mọi thứ sẽ đi vào khuôn nếp mà mẹ mong muốn.

Ngoài ra, mẹ cũng khuyến khích bé giúp đỡ người khác như lấy những đồ vật nhẹ giúp mẹ, tặng quà cho người khác,… Mỗi lần bé làm đúng mẹ sẽ khen ngợi, khích lệ bằng lời nói hoặc vỗ tay tán thưởng để bé biết đó là hành động nên làm.

Bé ở 37 tuần tuổi
Mẹ cho bé khám phá thế giới nhiều hơn thông qua các hoạt động mới

3.6.2 . Sự thay đổi của bé sau tuần khủng hoảng thứ 27

1 – Kỹ năng vận động của bé tăng vượt trội: Bé biết bò nhanh và thành thạo hơn, học cách bám rồi đi men ven tường nhà đó mẹ ạ

2 – Mở rộng khả năng nhận thức: Không giống như lúc trước, giai đoạn này bé đã phân biệt được đâu là động vật trong tranh ảnh, đâu là động vật ngoài đời thật

3 – Bé có sự chuyển biến trong cảm xúc: Bé biết ganh tị khi mẹ quan tâm, chăm sóc bé khác mà không phải mình, bé phụng phịu tỏ vẻ đáng yêu khi muốn nhận thứ gì đó từ mẹ, khi thấy sấm sét, bộ phim kinh dị bé đã biết sợ hãi, rùng mình,…

Bé bò nhanh ở tuần 37
Bé biết bò nhanh sau tuần khủng hoảng 37

3.7. Tuần thứ 46 – Con học về tư duy logic

Tuần thứ 46 là giai đoạn khủng hoảng thứ 7, bắt đầu từ tuần 42 – 46. Lúc này bé có nhiều hoạt động “hư” hơn khiến mẹ khó chịu, dễ tức giận như quấy khóc, la hét, giãy dụa khi không có mẹ,… Bé biết vứt đồ vật, cau có và nhiều khi còn đánh bạn nữa mẹ ạ.

Để khắc phục tình trạng này, mẹ nên quan tâm, động viên và phân tích đúng sai để bé biết điều gì nên làm, điều gì không nên làm. Mẹ hạn chế trách mắng, nặng lời vì bé đã có tư duy logic, biết xâu chuỗi vấn đề, chỉ cần mẹ nhẹ nhàng, từ tốn bé sẽ hiểu ra việc nào nên và việc nào không nên.

3..1. Mẹ nên làm gì?

Bé ở giai đoạn này đang bắt đầu có những bước chuyển biến tốt hơn về tư duy, vì vậy mẹ nhớ giúp con thực hiện một số hoạt động sau nhé!

1 – Giúp bé tập làm những việc có trình tự: Mẹ tập cho bé chơi trò xếp hình theo trình tự, sắp xếp các con chữ, nối đồ vật giống nhau,… Cụ thể, mẹ có thể cho bé xếp bảng chữ cái theo thứ tự từ A – Z, ban đầu bé sẽ không thể ghi nhớ hết nhưng việc lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ giúp não bộ làm quen nhanh chóng, thúc đẩy khả năng tư duy và logic.

Ngoài ra, mẹ cũng có thể cho bé sắp xếp đồ vật theo bộ từ khóa, ví dụ như từ khóa con vật thì có con voi, con cá, con mèo,…

Giai đoạn bé cần phát triển khả năng ngôn ngữ
Bé cần phát triển khả năng tư duy – ngôn ngữ trong giai đoạn này

2 – Giúp con phát triển ngôn ngữ: Mẹ phát âm chuẩn và tập phát âm những từ ngắn như: ba mẹ, bà,…kết hợp sử dụng hình ảnh hoặc âm thanh đi kèm để giúp con dễ nhớ hơn nhé! mẹ lưu ý phát âm thật chậm rãi, mặt mẹ và bé đối diện với nhau để bé quen dần khẩu hình miệng của mẹ.

3 – Khen ngợi và cổ vũ tinh thần của con: Khi con làm được điều tốt, mẹ chủ động khen ngợi, tặng quà và ôm bé vào lòng để con cảm nhận được mình vừa làm điều tốt, được mẹ yêu thương.

4 – Giúp bé tự lập: Mẹ dạy bé tự sắp xếp đồ vật sau khi chơi bằng để thùng đồ chơi cạnh vị trí của bé, sau khi chơi xong mẹ sẽ bảo “con hãy bỏ đồ chơi vào thùng nhé, vì con bỏ ở ngoài các bạn đồ chơi sẽ buồn lắm đấy”. Tóm lại, mẹ nhân hóa các món đồ chơi càng cụ thể càng tốt, giúp bé ý thức được việc dọn dẹp.

Ngoài ra, mẹ cũng dạy bé tự cầm bình sữa tu ti, đến giờ tự ăn và đi vệ sinh,… bằng cách thường xuyên nhắc nhở hoặc cài báo thức, mỗi khi chuông reo lên là bé biết mình phải làm gì. Nhờ vậy mà giờ giấc sinh hoạt của con được sắp xếp theo trình tự khoa học hơn.

Mẹ dạy bé tập nói
Mẹ dạy con tập nói những từ ngắn

3.7.2. Sự thay đổi của bé sau tuần khủng hoảng thứ 46

Sau tuần khủng hoảng thứ 46, mẹ sẽ bất ngờ khi con học được thêm nhiều điều mới mẻ, cụ thể là các hoạt động về sự sắp xếp, vận động:

1 – Kỹ năng vận động của bé: Ở giai đoạn này mẹ sẽ thấy bé biết cách tụt xuống ghế, giường rất nhanh; bé đã mon men tự đi được, bé còn biết tự cầm đồ ăn để ăn, cầm một số đồ vật nhỏ như bình sữa, bánh, cốc nước một cách dễ dàng.

2 – Bé phát triển kỹ năng nhận thức, phân biệt, quan sát: Bé biết chỉ vào những thứ quen thuộc xung quanh khi mẹ hỏi, biết đòi đi chơi, đi ăn.

3 – Bé phát triển về cảm xúc: Bé đã biết thể hiện cảm xúc buồn khi không vừa ý và vui mừng khi được mẹ khen, yêu thương hoặc làm việc tốt.

Bé tập đi sau 46 tuần tuổi
Sau tuần thứ 46, bé đã có thể mon men tập đi

3.8. Tuần thứ 55 – Con biết nhiều cách để thực hiện hành động

Tuần thứ 55 là bước nhảy vọt thứ 8 trong quá trình phát triển tinh thần của bé khi vừa bước qua thời kỳ sơ sinh. Trước đây bé chỉ thực hiện một việc nào đó thông qua trình tự hay thói quen mà mẹ tập cho, đến tuần thứ 55, bé hiểu được thế giới rộng lớn, đa dạng đến nhường nào. Ở giai đoạn này, bé sẽ tìm được nhiều cách khác nhau để khám phá sự vật, sự việc xung quanh và học được tính tự lập, biết cách thực hiện hành động để đạt được mục tiêu.

3.8.1. Mẹ nên làm gì?

1 – Khuyến khích tính tự lập ở bé: Mẹ để bé tự do làm việc theo cách mình thích ngay từ những việc nhỏ nhặt như ăn uống, vệ sinh cá nhân, dọn dẹp đồ đạc,… Ban đầu bé có thể vụng về, lóng ngóng, nhưng chỉ cần mẹ kiên nhẫn và dành nhiều thời gian hướng dẫn, bé sẽ thành thạo những kỹ năng ấy thôi.

2 – Giúp bé phát triển ngôn ngữ: Bé thường thích những câu chuyện ngắn, đơn giản và nhớ được các sự việc trong thời gian ngắn. Vì vậy mẹ nên đọc sách tranh hay kể chuyện bé nghe. Mẹ cũng có thể cho bé nghe các bài hát ngắn, vui nhộn và “rủ” bé ngân nga cùng mình.

3 – Chú ý cách thể hiện thái độ của mình: Việc mẹ khích lệ khi bé hoàn thành việc nào đó sẽ làm bé thích thú, khơi gợi sự sáng tạo, ham học hỏi của con. Bên cạnh đó, mẹ cũng cần cảm thông với những nỗi sợ dù cho vô lý của bé như thường xuyên quấy khóc không lý do, cáu gắt,… vì khi cảm nhận được sự an toàn từ mẹ, bé mới thỏa sức khám phá thế giới này.

Tuần thứ 55 của bé
Tuần thứ 55 – Con biết nhiều cách để thực hiện hành động

3.8.2 . Sự thay đổi của bé sau tuần khủng hoảng thứ 55

Ở giai đoạn này, bé sẽ nhận thấy thế giới phong phú hơn và khám phá mọi việc một cách linh hoạt.

1 – Bé tự bắt đầu một chuỗi hoạt động theo chu trình: Các bé sẽ loay hoay thử nghiệm mọi cách và tự tìm cách để thực hiện một việc. Mẹ đừng ngạc nhiên khi thấy bé cầm giẻ lau bàn hay lấy hộp bánh đưa mẹ để nhờ mẹ bóc, sau đó cho vào miệng ăn ngon lành…

2 – Bé tham gia thực hiện một chu trình với mẹ: Bé sẽ thích thú khi cùng mẹ dọn dẹp, đặt các món đồ về chỗ cũ hay phối hợp tự mang yếm, thìa, bát để mẹ dọn bàn ăn,…

3 – Bé có thể thực hiện chu trình sau khi được hướng dẫn: Lúc này, bé nghe hiểu và làm theo những gì mẹ bảo. Khi được mẹ hướng dẫn, bé có thể tự ăn đồ ăn trên đĩa,chơi xếp tháp được ít nhất 3 khối hình,…

Sự thay đổi của bé sau tuần thứ 55
Sự thay đổi của bé sau tuần khủng hoảng thứ 55

3.9. Tuần khủng hoảng thứ 64 – Hiểu về các nguyên tắc và quy luật

Tuần khủng hoảng thứ 64 là bước nhảy vọt thứ chín trong quá trình phát triển tinh thần của bé. Bé sẽ học được cách tự mình ứng biến theo nhiều cách khác nhau để hoàn thành mục tiêu trong hoàn cảnh cụ thể. Trong quá trình liên tục tìm tòi, thử nghiệm ấy, có khi bé cảm thấy hứng khởi, có khi lại bực bội, cáu gắt. Điều quan trọng là mẹ hãy kiên nhẫn, đồng hành để hiểu con và định hướng con theo những hướng đúng đắn mẹ nhé.

3.9.1. Mẹ nên làm gì?

Mẹ hãy cho con được khám phá nhiều hơn, chú trọng vào cách để giúp con cảm nhận được nguyên tắc và quy luật bằng cách:

1 – Giúp bé được tham gia nhiều hoạt động hơn: Mẹ cho bé ra ngoài nhiều hơn để con cùng quan sát, lắng nghe và bắt chước mọi vật xung quanh. Lúc ở nhà, mẹ cũng cần chú ý cho con được tự lập làm 1 số hoạt động như đánh răng, chải tóc, đi tất, ăn uống.

2 – Giúp con phát triển ngôn ngữ: Mẹ tập cho bé nói từng câu ngắn, đếm số và nói lại những từ con xem được trên tivi.

3 – Khen ngợi và cổ vũ tinh thần của con: Khi con làm được điều tốt, mẹ chủ động khen ngợi, tặng quà và ôm bé vào lòng để con cảm nhận được mình vừa làm điều tốt, được mẹ yêu thương. Nếu bé có làm sai điều gì, mẹ đừng quát mắng mà nên hỏi lý do vì sao con làm như vậy, giải thích để con hiểu không nên làm điều đó.

Bé khám phá thế giới xung quanh
Mẹ cho bé được khám phá thế giới xung quanh nhiều hơn

3.9.2. Sự thay đổi của bé sau tuần khủng hoảng thứ 64

Lúc này bé đã dần phát triển về cảm xúc, con hành động và cư xử có nguyên tắc hơn với nhiều thay đổi mới như:

1 – Kỹ năng vận động: Bé biết chạy nhảy, đi lại rất nhanh; thực hiện được nhiều hành động có tính chu trình và lặp lại thường xuyên như tự đi giày, tự mặc quần áo,…

2 – Kỹ năng nhận thức, phân biệt, quan sát: Bé đã biết lựa chọn những thứ mình thích. Bé thích được giúp đỡ người khác như lấy đồ vật cho mẹ, đưa tăm cho bà, đưa bánh kẹo cho bạn,…

3 – Bé phát triển cảm xúc: Bé thể hiện cảm xúc buồn khi không vừa ý và vui mừng khi được mẹ khen, yêu thương hoặc làm việc tốt. Đặc biệt hơn, ở giai đoạn này con rất thích được nịnh đó mẹ.

Bé ở tuần khủng hoảng thứ 64
Sau tuần khủng hoảng thứ 64, bé đã biết quan tâm và giúp đỡ người khác

3.10. Tuần khủng hoảng của bé thứ 75 – Điều chỉnh hành vi theo các nguyên tắc

Tuần thứ 75 là giai đoạn khủng hoảng cuối cùng trong chuỗi khủng hoảng của con. Lúc này bé đã biết đòi, biết sở hữu các đồ vật của mình và tiếp tục có nhiều biểu hiện khó chịu như quấy khóc, la hét, phản kháng lại mẹ nếu bé không thích làm 1 điều gì đó. Mẹ nên kiên nhẫn cùng bé vượt qua giai đoạn này, vì đây là giai đoạn cuối cùng, bé cũng vì thế mà nhạy cảm hơn đó ạ:

3.10.1 Mẹ nên làm gì?

Để giúp con tập điều chỉnh các hành vi theo nguyên tắc, mẹ chú ý:

1 – Giúp bé tập làm những việc có trình tự: Mẹ tập cho bé chơi trò xếp hình theo trình tự, sắp xếp các con chữ, nối đồ vật giống nhau,… để bé hứng thú và biết cách xâu chuỗi vấn đề, nhận thức được sự vật, hiện tượng xung quanh nhiều hơn.

Bé tập chơi xếp
Bé chơi xếp hình thuần thục

2 – Khen ngợi và cổ vũ tinh thần của con: Khi con làm được điều tốt, mẹ chủ động khen ngợi, tặng quà và ôm bé vào lòng để con cảm nhận được mình vừa làm điều tốt, được mẹ yêu thương. Nhờ vậy mà bé sẽ cảm thấy tự hào vì được mẹ “khen lấy khen để”

3 – Giúp bé tự lập: Mẹ dạy bé tự sắp xếp đồ vật sau khi chơi, tự cầm bình sữa tu ti, đến giờ tự ăn và đi vệ sinh,… để giúp con điều chỉnh hành vi, sinh hoạt theo theo đúng nguyên tắc mẹ đặt ra.

Bé phát triển kĩ năng giao tiếp khi chơi xếp hình
Mẹ tập cho bé chơi xếp hình và giao tiếp với mọi người nhiều hơn

3.10.2. Sự thay đổi của bé sau tuần khủng hoảng thứ 75

Lúc này bé của mẹ đã có thể thực hiện các hoạt động tuân thủ theo nguyên tắc như:

1 – Thể hiện sự tôn trọng với bé: Nếu con thích được tự làm và lựa chọn điều gì, mẹ đừng vội ngăn cản nếu con làm không vừa ý mẹ. Thay vào đó mẹ cần quan sát, hỗ trợ để con tự làm và tự trưởng thành.

2 – Cho con khám phá và phát triển nhiều kỹ năng mới: Mẹ cho bé ra ngoài và tham gia chơi cùng các bạn, nói chuyện với người khác nhiều hơn để con vừa mạnh dạn, vừa có thêm trải nghiệm mới.

3 – Mẹ hỗ trợ bé phát triển ngôn ngữ: Mẹ dạy con tập nói những câu mô tả điều mà con nhìn thấy, thể hiện cảm xúc yêu thương.

Bé ở 75 tuần tuổi
Mẹ hãy tôn trọng con, cho con làm điều mình thích nhé

Trên đây là tổng quan về 10 tuần khủng hoảng của bé và 10 dấu mốc quan trọng mẹ cần chú ý. Quá trình diễn ra xuyên suốt trong 2 năm đầu đời, mẹ cần lắng nghe, dành nhiều thời gian cùng bé thực hiện điều nọ điều kia như khám phá thế giới xung quanh, vẽ tranh, tập cầm nắm đồ vật. Chúc bé sẽ vượt qua 10 dấu mốc của tuần khủng hoảng và phát triển thật khỏe mạnh!

Mẹ Bình luận tại đây nhé

Hãy là người đầu tiên nhận xét “Tuần khủng hoảng của bé và 10 dấu mốc quan trọng mẹ cần nắm rõ”

Mẹ ghi lại email để Mamamy gửi những ưu đãi đặc biệt và các tips hữu ích nhé. Email của mẹ sẽ không hiển thị công khai đâu

Bài viết cùng chủ đề

15 nguyên tắc chăm sóc trẻ sơ sinh vào mùa hè nắng nóng
15 nguyên tắc chăm sóc trẻ sơ sinh vào mùa hè nắng nóng
Mùa hè nắng nóng, con đổ mồ hôi nhiều làm mẹ không khỏi sốt ruột. Nhưng mẹ đừng quá lo lắng. 15 nguyên tắc chăm sóc trẻ sơ sinh vào mùa hè sau đây sẽ giúp mẹ và bé có một mùa hè khỏe mạnh nhất. Tham khảo ngay mẹ nhé! 1. “Điểm mặt” những […]
10+ mẹo cho bé ngủ đêm ngon giấc từ chuyên gia hàng đầu Hoa Kỳ
10+ mẹo cho bé ngủ đêm ngon giấc từ chuyên gia hàng đầu Hoa Kỳ
Bé thức khuya, ngủ hay giật mình nửa đêm, khó ngủ hay quấy khóc vào ban đêm,… khiến mẹ lo lắng. Mẹ mong muốn tìm được mẹo cho bé ngủ đêm ngon giấc hiệu quả? Thấu hiểu những trăn trở đó, Góc của mẹ gợi ý 11 mẹo cho con ngủ đêm ngoan dễ áp […]
Giỏ hàng 0