Cách dạy bé trai đi vệ sinh cũng là một trong những vấn đề “khó nhằn” của mẹ. Đọc ngay bài viết dưới đây để biết những phương pháp và các bước tập cho bé trai chủ động đi vệ sinh đơn giản mà lại hiệu quả bất ngờ mẹ nhé!
Mục lục
1. 3 điều mẹ cần chuẩn bị trong cách dạy bé trai đi vệ sinh
Trước khi bắt đầu “lớp học” dạy cu cậu đi tiểu, mẹ quan tâm đến 3 điều sau nhé.
1.1. Chắc chắn là bé trai đã sẵn sàng cho việc tự đi vệ sinh
Theo các chuyên gia, bé trai có thể tự đi tè đứng trong giai đoạn từ 18 – 27 tháng tuổi, và tự đi ị được khi 27 tháng tuổi. Vậy mẹ hoàn toàn dựa vào số liệu trên để thử cách dạy bé trai đi vệ sinh sao cho phù hợp mẹ nhé1
Vậy, “Bé yêu nhà mình đã sẵn sàng cho việc tự đi vệ sinh hay chưa?”. Hiểu mong muốn của con là điều rất quan trọng bởi nếu bé chưa đồng ý chuyện này mà mẹ vẫn cố gắng dạy, bé sẽ có cảm giác bị ép buộc, ngượng nghịu, thậm chí đôi khi sợ sệt và có xu hướng chống đối mẹ đó.
Dấu hiệu để mẹ biết cu cậu đã sẵn sàng hay chưa đây ạ!
- Bé tự đi được đến nhà vệ sinh và ngồi lên bồn cầu
- Bé có thể tự kéo quần và mặc quần
- Bé tự điều tiết được việc đi tiểu trong vòng 2 giờ (không tè dầm trong vòng 2 giờ)
- Bé có thể tiếp thu những hướng dẫn cơ bản mà mẹ chỉ dạy và làm theo, ví dụ như “bai bai”, hôn môi xa,…
- Bé thoải mái với việc sử dụng bô hoặc mặc đồ lót
Nếu như có những dấu hiệu trên thì bé trai của mẹ đã sẵn sàng cho việc vệ sinh tự túc rồi đó!
Lưu ý nhỏ cho mẹ về cách dạy bé trai đi vệ sinh
Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, dù dạy bé đi vệ sinh sớm hay muộn thì tỉ lệ thành công không có nhiều khác biệt. Vì thế, mẹ không cần lo lắng quá nếu bé nhà mình đã 24 tháng mà vẫn chưa biết tự đi vệ sinh đâu ạ!
1.2. Cách dạy bé trai đi vệ sinh: Chuẩn bị 1 chiếc bô phù hợp cho bé
Một “người bạn đồng hành” không thể thiếu khi mẹ cho bé học tự đi vệ sinh, đó chính là một chiếc bô phù hợp.
Những loại bô thường dùng cho bé:
1 – Bô tập tiểu đứng: Gắn trên tường hoặc để dưới đất để bé có thể đứng và đi tiểu. Phù hợp với bé trai từ 24 tháng trở lên, đã biết đi tiểu ở bồn cầu.
2 – Ghê bô đặt bồn cầu: đặt trên bệ ngồi bồn cầu giúp con cảm thấy yên tâm hơn và không sợ ngã
3 – Ghế bô độc lập: Chiếc ghế có thiết kế phần bô đựng chất thải ở giữa chỗ ngồi, thuận tiện cho bé vừa ngồi vừa đi vệ sinh
Mẹo cho mẹ:
- Mẹ mua bô độc lập trước để dạy bé làm quen với việc tự ngồi vệ sinh. Khi bé đã quen, mẹ chuyển sang mua bô đặt bồn cầu và tập dần cho bé ngồi loại bô này nhé.
- Với bô tiểu đứng, mẹ có thể mua hoặc không tuỳ vào khả năng tài chính. Nếu không mua bô tiểu đứng, mẹ đặt một quả bóng nhỏ vào bồn cầu tiểu (cho nam) và dạy bé đi tiểu vào quả bóng. Điều này sẽ khiến bé thích thú hơn mỗi khi đi vệ sinh. Ngoài ra, mẹo này cũng sẽ giúp bé học cách tiểu vào 1 hướng, không tiểu ra ngoài hoặc vương lên thành bồn, mẹ đỡ tốn công dọn dẹp đó ạ!
1.3. Cách dạy bé trai đi vệ sinh: Đặt 1 cái tên cho việc đi vệ sinh của bé
Mẹ hãy gọi việc đi vệ sinh bằng một cái tên khác. Nghe có vẻ kỳ lạ đúng không ạ? Tuy nhiên đây lại là một cách khiến bé thoải mái và sẵn sàng hơn cho việc học cách tự đi vệ sinh hiệu quả.
Những cái tên đặc biệt như “pee pee” (cho việc đi tiểu), “pô pô” (cho việc đi vệ sinh nặng) hay những tên gọi dễ thương tương tự sẽ giúp bé thêm chủ động trong việc tự đi vệ sinh. Bé không còn ngại ngùng và rụt rè khi mẹ gọi bé đi tiểu hay đi vệ sinh nặng nữa.
Bây giờ, mẹ hãy nghĩ ra một cái tên đáng yêu và phù hợp với sở thích của bé mẹ nha!
Xem thêm: Cách xi bé đi tè, ị chuẩn Khoa học, áp dụng cho bé trên 1 tuổi
2. Cách dạy bé trai đi vệ sinh: Đi tiểu đứng
2.1. Nói chuyện để làm cho bé hiểu vì sao con trai đi tiểu đứng
Đầu tiên, mẹ giúp bé hiểu vì sao con trai nên đi tiểu đứng bằng việc mở những video youtube, hay đọc cho bé những cuốn truyện tranh như “Bé trai đi toilet”, “Tất cả cùng đi ị”, “Miumiu tự lập”…Những hình ảnh hoạt hình sinh động, bắt mắt sẽ khiến bé nhớ lâu và thích thú hơn.
Sau đó mẹ nhẹ nhàng trò chuyện và hỏi con về những câu hỏi xoay quanh nội dung truyện, video, như “Vậy bây giờ nếu con muốn đi tiểu con sẽ gọi mẹ như thế nào?” “Giống như bạn Miu thì mình nên đi tiểu vào đâu nhỉ?” Khi bé trả lời đúng, hãy vỗ tay và khen bé. Như vậy sẽ kích thích bé muốn học theo, làm theo những gì trong sách, trong video truyền tải.
2.2. Tập cho bé động tác đứng tiểu vào đúng vị trí
Việc này sẽ cần nhiều sự kiên nhẫn và khéo léo của mẹ. Lần đầu tập đi tiểu đứng nên bé có thể chưa quen, chưa biết mình phải làm gì nên đi tiểu sẽ dễ văng ra ngoài hoặc vương vào quần áo.
Mẹ cho bé quan sát anh trai hoặc cha rồi từ đó bắt chước cách tự đi tiểu đứng. Điều này sẽ thúc đẩy bé tự học hỏi và tự làm theo.
Mẹo nhỏ cho mẹ: mẹ đặt 1 quả bóng nhỏ hoặc vật hay đồ chơi nhỏ, nổi trên mặt nước vào bồn cầu và hướng dẫn bé tiểu vào quả bóng (hay đồ chơi) đó. Điều này sẽ khiến bé thích thú hơn, lâu dần sẽ tạo thành thói quen đi tiểu đúng vị trí.
2.3. Tạo cơ hội cho bé thực hành
Giống như người lớn, làm việc gì cũng cần thực hành nhiều mới bắt nhịp nhanh được. Bé cũng vậy! Do đó, mẹ tạo cơ hội cho bé tự thực hành từ việc đơn giản nhất như tự cởi đồ trước khi đi vệ sinh, bé sẽ học nhanh hơn nhiều đó ạ!
2.4. Kiên nhẫn giúp con luyện tập thành thục
Bé càng nhỏ, việc dạy cho bé một thói quen nào đó càng cần nhiều thời gian cũng như sự kiên nhẫn.
Ban đầu bé có thể làm chưa tốt, còn lười chủ động gọi mẹ, vẫn tè dầm, hoặc đi tiểu còn vương ra sàn nhà. Lúc này, mẹ đừng sốt ruột mà la mắng bé vì bé sẽ cảm thấy tủi thân, thậm chí là thiếu hợp tác trong những lần sau.
Mẹ đừng quá nóng lòng mong chờ kết quả tốt chỉ trong ngày một ngày hai nhé. Mọi sự cố gắng đều cần trải qua rèn luyện mà!
2.5. Khuyến khích khi con làm tốt
Thời gian đầu khi chuyển từ tiểu ngồi sang tiểu đứng, bé có nhiều bỡ ngỡ và có thể làm sai. Khi ấy, sự động viên và khích lệ của mẹ sẽ là động lực để con tiếp tục luyện tập, hào hứng hơn trong việc tự đi vệ sinh đúng cách.
Động lực của bé đơn giản chỉ đến từ những lần vỗ tay hoan hô của mẹ khi bé đi tiểu sạch sẽ, những cái “high five” với con khi bé biết gọi mẹ ra cho đi tiểu. Những điều này tuy nhỏ bé nhưng khuyến khích bé rất nhiều đó!
2.6. Dạy bé trai đi vệ sinh: Thói quen rửa tay sau khi đi tiểu
Sau khi dạy bé về những điều căn bản của việc đi tiểu đứng, mẹ cần dạy bé xây dựng thói quen rửa tay sau khi đi vệ sinh. Thói quen này sẽ làm sạch vi khuẩn bám trên tay bé, giúp phòng chống những bệnh liên quan đến vi khuẩn như chân tay miệng, tiêu chảy…
3. Cách dạy bé trai đi vệ sinh: Ngồi bô đơn giản chỉ sau 3 ngày
Một phương pháp khá hiệu quả được các bà mẹ Pháp áp dụng cho con khi dạy bé đi tiểu đứng gọi là fellom. Phương pháp này được thực hiện từ những năm 1970 và hầu như thành công trong tất cả các cuộc thử nghiệm. Mẹ tham khảo phương pháp này để luyện bé yêu của mình ngồi bô sau chỉ 3 ngày nhé!
3.1. Ngày 1 cách dạy bé trai đi vệ sinh, ngồi bô
Ngày đầu tiên, mẹ cần “chuẩn bị” 1 ngày liên tục ở cạnh bé để quan sát, theo dõi những dấu hiệu đi vệ sinh của con.
3 điều giúp việc dạy bé trai đi vệ sinh dễ dàng hơn đây ạ!
- Không mặc bỉm, quần cho bé cả ngày để bé không phụ thuộc vào bỉm, và để mẹ dễ quan sát hơn
- Cho bé ăn các món mặn, hạn chế món luộc trong bữa ăn để bé khát nước, chịu khó uống nước hơn mẹ nhé. Mẹ lưu ý hạn chế cho bé ăn quá mặn (món kho, mắm,…) vì không tốt cho thận.
- Cho bé uống 1.5 lít nước/ngày (bao gồm cả nước hoa quả, nước canh,…) để bé đi tiểu nhiều hơn
Trong cả ngày này, mẹ chịu khó quan sát biểu hiện của bé. Nếu thấy bé có dấu hiệu buồn đi vệ sinh (tay sờ chim, mắt nhìn xung quanh, bé đi vào chỗ khuất, chim cứng,…) mẹ lấy bô cho bé ngồi. Cùng với đó, mẹ nhớ ghi lại vào sổ giờ bé đi vệ sinh để hiểu lịch trình đi vệ sinh của con hơn mẹ nhé!
Mẹo cho mẹ:
- Khi bố hoặc mẹ đi vệ sinh, đừng quên cho bé đi cùng và chỉ cho bé tất cả những bước bố vẫn thường làm. Bé thường bắt chước rất nhanh đó ạ.
- Trước và sau mỗi giấc ngủ trưa, tối, mẹ cho bé biết đây là lúc bé cần đi vệ sinh để không làm ướt “bạn giường”. Lặp lại nhiều lần sẽ hình thành thói quen đi vệ sinh tốt đúng giờ cho bé
3.2. Ngày 2 cách dạy bé trai đi vệ sinh, ngồi bô
Trong ngày tiếp theo, ngoài việc lặp lại các bài học của ngày đầu tiên, mẹ cần nói cho bé hiểu là nên đi vệ sinh trước khi ra ngoài chơi để không bị tè dầm, “xấu hổ” với các bạn nhỏ khác nhé.
Ngoài ra, mẹ không mặc bỉm khi cho bé đi ra ngoài chơi. Điều này giúp bé hiểu là không được tè dầm ở nơi công cộng. Những lần đầu bé có thể vẫn tè ra quần, mẹ đừng quên mang thêm 1 chiếc quần để thay cho bé nhé!
3.3. Ngày 3 cách dạy bé trai đi vệ sinh, ngồi bô
Vẫn tiếp tục thực hiện những điều ở ngày đầu tiên. Ngoài ra, mẹ nên đưa bé ra ngoài hai lần vào buổi sáng và chiều. Với mỗi lần, hãy nhớ nhắc bé ngồi bô trước khi đi. Nếu sau 3 ngày bé chưa quen, vẫn tè ra quần, mẹ hãy đợi sau 6 – 8 tuần để thử lại.
Lưu ý nhỏ cho mẹ: Phương pháp Fellom bắt buộc bé phải để truồng khi ở nhà, và nếu ra ngoài thì chỉ mặc quần (không có bỉm hoặc tã), ban đêm vẫn có thể đóng bỉm. Do đó, mẹ áp dụng phương pháp này vào mùa ấm: thu, hè, xuân,… Nếu áp dụng vào mùa đông, mẹ bật điều hòa 26 độ C để bé đỡ lạnh nhé!
4. Lưu ý cách dạy bé trai đi vệ sinh
Để hành trình cách dạy bé trai đi vệ sinh bớt khó khăn và nhanh có kết quả hơn, mẹ lưu ý một số điều sau nhé!
- Đừng la mắng khi bé chót mắc lỗi: Nếu bé còn chưa biết “ra hiệu” hay gọi mẹ đòi đi vệ sinh, đó có thể là dấu hiệu của việc chưa sẵn sàng. Lúc này, mẹ đừng la mắng con vì sẽ khiến con sợ, khó chia sẻ, gần gũi với mẹ. Thay vào đó cần bình tĩnh và thoải mái, cho bé thêm thời gian, đến khi bé sẵn sàng cho đợt “huấn luyện” tiếp sau.
- Hãy kiên nhẫn, đừng nản! Mẹ hãy “lập trình” cho mình một tâm lý thoải mái nhất có thể khi dạy bé đi tiểu. Nếu như bé không chịu hợp tác, hoặc bé bỏ ngang giữa chừng mặc dù ban đầu học khá nhanh, điều đó hoàn toàn bình thường. Mẹ đừng bỏ cuộc, cố gắng thử lại vào 6 – 8 tuần sau nhé!
- Đảm bảo bé mặc một chiếc quần phù hợp: Mẹ mặc cho bé áo quần đơn giản, thoải mái để bé dễ dàng tự cởi đồ khi muốn đi vệ sinh. Tránh mặc quần áo có nhiều cúc đóng, khóa đóng khiến bé bị vướng víu, khó cởi quần, khiến bé nghĩ việc đi vệ sinh khó hơn đó ạ!
- Khen thưởng bé mỗi lần bé đi vệ sinh đúng chỗ: Điều này giúp khích lệ tinh thần bé rất nhiều, cổ vũ bé làm đúng nhiều lần về sau. Mẹ thưởng cho bé một chiếc quần bé thích, hay đơn giản là kể 1 câu chuyện… Những món quà nho nhỏ sẽ khiến bé cảm thấy rất tích cực và dần học được cách hợp tác.
- Hạn chế mặc bỉm ban ngày: Nếu như bé đã quen dùng bô vào ban ngày, việc mặc bỉm khi ngủ trưa hay bất kỳ thời gian nào vào ban ngày đều trở nên không cần thiết. Ngược lại còn có thể ảnh hưởng đến thói quen đi tiểu bô vì bé vẫn được mặc bỉm và không biết khi nào thì nên chủ động gọi mẹ khi buồn tè, khi nào thì được tè vào bỉm.
5. Nhật ký cách dạy bé trai đi vệ sinh của mẹ thông thái
Câu chuyện về “hành trình” dạy con trai tập đi tiểu của mẹ bé Sứa dưới đây sẽ giúp mẹ hiểu rõ hơn phần nào về công cuộc này nhé!
Lần 1: Thất bại vì dạy Sứa đi vệ sinh quá sớm
Hôm nay Sứa tròn 15 tháng tuổi. Đây cũng là thời điểm mùa hè, Sứa rất dễ bị hăm. Mình đã quyết tâm cai bỉm cho bé vì sợ Sứa bị nóng, nên bắt đầu dạy bé đi vệ sinh.
Lúc đầu khi ở nhà mình không cho bé mặc bỉm, nhưng đi ra ngoài vẫn cho bé mặc vì sợ những “tai nạn” giữa đường không xử lý kịp. Vậy nên bé không biết được khi nào thì tè ra bỉm khi nào thì phải gọi mẹ. Điều đó ảnh hưởng tới quá trình mình dạy bé đi tè. Và bé vẫn tè dầm suốt mặc dù mình đã rất cố gắng. Mình lại tiếp tục cho Sứa mặc bỉm như cũ.
Lần 2: Dạy Sứa 18 tuổi đi tiểu đứng thành công
Giờ Sứa đã 18 tháng tuổi, Sứa bắt đầu đi nhà trẻ và có nhiều dấu hiệu muốn tự đi tè rồi nên mình quyết định dạy bé đi vệ sinh lại lần 2. Và lần này thành công xuất sắc các mẹ ạ!
Mình thấy Sứa có nhiều dấu hiệu muốn đi tè bởi cu cậu hay đi tè vào những khung giờ cố định trong ngày: sau khi ngủ dậy, sau khi ăn 30 phút,… Ngoài ra, mỗi lần con tè ra bỉm, dù không nhiều nhưng con đã lấy tay dứt dứt bỉm, đôi khi tự tụt bỉm xuống để đòi mẹ thay bỉm mới. Các mẹ chịu khó để ý là sẽ thấy con rất khác đó ạ!
Dưới đây là cách mình dạy Sứa đi tiểu đứng, các mẹ tham khảo nhé!
Ngày 1 – Cho Sứa xem video, tranh ảnh về việc đi vệ sinh
Mình bắt đầu cho con xem những clip trên youtube về việc bé tự đi vệ sinh, mình để link video ở dưới để các mẹ tham khảo nhé!
Nguồn: Super Jojo – Nhạc thiếu nhi Việt Nam
Nguồn: Wolfoo Tiếng Việt – Hoạt hình thiếu nhi vui nhộn
Ngoài ra mình cũng đọc cho bé những câu chuyện liên quan đến việc này như “Miumiu tự lập”. Những cuốn truyện này có những hình ảnh rất sinh động, giải thích về quá trình bé cần phải làm gì khi đi vệ sinh.
Sau khi mình cho Sứa đọc và xem những thứ đó thì Sứa có vẻ rất đồng tình với việc tự đi vệ sinh. Bé rất háo hức với việc đi tè trong nhà vệ sinh như người lớn.
Ngày 2 – Cho con quan sát bố đi vệ sinh
Hôm nay là cuối tuần nên bố Sứa được nghỉ. Mình nhân cơ hội này nhờ bố Sứa hợp tác, làm mẫu để Sứa học đi vệ sinh nhanh hơn.
Sứa được đi vào nhà vệ sinh cùng bố, được bố chỉ dẫn từng bước đi vệ sinh như thế nào. Trong quá trình đi vệ sinh, bố Sứa cũng trò chuyện dí dỏm, nào là “chiến binh diệt bồn cầu”, nào là “tia nước dũng mãnh”,… Cu cậu hào hứng lắm, cả ngày cứ thấy bố đi vệ sinh là đòi đi theo.
Ngày 3 – Dạy Sứa tự đi vệ sinh vào khung giờ cụ thể
Hôm nay mình đã chuẩn bị cho Sứa một chiếc bô có dán hình con ếch xanh, ở giữa bô có gắn sẵn một đồ chơi nhỏ, mục đích để con tè vào đúng chỗ. Sứa rất thích bạn bô này.
Cả ngày, mình cho con cởi chuồng và ở cạnh để quan sát con. Khi thấy Sứa đưa tay sờ “cậu nhỏ”, đứng im 1 chỗ không di chuyển, mặt hơi “nghệt nghệt” nhìn xung quanh, mình lập tức cho con đi vào nhà vệ sinh để tè vào bô.
Trộm vía Sứa nhà mình rất thích đồ chơi được gắn ở bô nên luôn cố gắng tè vào đúng đồ chơi ấy. Sau khi đi vệ sinh xong, Sứa cũng rất hào hứng ấn nước để dọn rửa cho bạn ếch xanh thật sạch, thơm.
Ngoài ra, mình tập cho con đi vệ sinh vào khung giờ cụ thể: Trước và sau khi ngủ dậy, sau khi ăn 30 phút, trước khi đi ra ngoài chơi,… Theo mình tìm hiểu thì điều này giúp tạo thành phản xạ lặp lại giúp con đi vệ sinh “đúng giờ”, hạn chế tè ra quần đó ạ!
Ngày 4 – Tiếp tục lặp lại ngày 3 để con “thuộc bài hơn”
Hôm nay, mình vẫn lặp lại những thói quen cũ, cho Sứa ra ngoài chơi 2 lần (1 lần vào buổi sáng, 1 lần vào buổi chiều). Trước mỗi lần cùng con ra ngoài, mình đều cho Sứa đi vệ sinh trước, không mặc bỉm cho con. Mình cùng trò chuyện với con, nói cho con rằng tè dầm ở nơi công cộng là xấu, làm bẩn môi trường.
Trộm vía Sứa nhà mình nghe lời lắm, nên đến buổi chiều trước khi ra ngoài, Sứa còn chủ động nhắc mẹ đưa đi vệ sinh. Mình cũng mua cho con 1 chiếc ô tô nhỏ làm phần thưởng cho con, con vui lắm các mẹ ạ.
Ngày 5 – Dạy Sứa tự rửa tay và tự đi vệ sinh 1 mình
Mấy ngày đầu mình tự rửa tay cho con, không dạy con nhiều vì sợ nhiều “kiến thức” quá con quên. Đến hôm nay, mình mới bắt đầu trò chuyện với con về sự quan trọng của việc rửa tay sau khi đi vệ sinh.
Mình nói với con là: Sau khi vệ sinh, có rất nhiều vi khuẩn bám lên tay Sứa đó. Chúng sẽ tấn công, “cắn vào tay khiến Sứa bị đau, rồi mọc mụn ở tay rất xấu. Thế nên Sứa cần dùng “chiến binh xà phòng” để rửa tay, bảo vệ “bạn tay” khỏi vi khuẩn.
Nói chuyện dí dỏm nên con rất hứng thú, chỉ nói 1 lần là con nhớ như in, không quên lần nào các mẹ ạ!
Sau 5 ngày này, Sứa có thể tự đi vệ sinh được rồi các mẹ ạ. Có đôi lần Sứa bị quên, tè dầm ra quần, nhưng mình vẫn vui vẻ động viên, không mắng Sứa. Dần dần sau 1 tháng là con tự làm được mà không cần giúp đỡ của mẹ.
4 kinh nghiệm mình rút ra được từ lần này:
- Không nên nóng vội trong việc dạy con đi vệ sinh các mẹ ạ. Cứ bình tĩnh quan sát biểu hiện của con, đợi con thật sự sẵn sàng. Đến khoảng 18 – 20 tháng tuổi dạy con tự đi vệ sinh, con vừa học nhanh hơn, mẹ cũng đỡ vất vả trong việc dạy con.
- Cần lên mạng tìm hiểu thật kỹ, đọc kinh nghiệm của các mẹ khác trong việc dạy con tự đi vệ sinh để chọn được cách phù hợp với con.
- Thật kiên nhẫn với con, không la mắng khi con làm sai. Thay vào đó, mình trò chuyện với con để hiểu con hơn, xem con gặp khó khăn ở đâu để cùng con khắc phục. Đừng quên tặng quà, khen thưởng, động viên con nếu con làm đúng, con sẽ có động lực hơn đó.
- Lồng ghép những câu chuyện dí dỏm để con hào hứng hơn.
Xem thêm:
7 TIPs để dạy bé biết gọi khi đi vệ sinh – Áp dụng ngay mẹ ơi!
Đi vệ sinh đúng nơi quy định: 7 Bước đơn giản mà hiệu quả mẹ cần nhớ
Như vậy, dù cách dạy bé trai đi vệ sinh thế nào thì cũng cần sự kiên nhẫn của mẹ. Mong rằng những chia sẻ ở trên đã giúp mẹ dạy con đi tiểu dễ dàng và thuận lợi hơn. Chúc mẹ thành công!