Dạy bé đi vệ sinh là điều mà mẹ nào cũng mong muốn tập cho bé nhanh nhất có thể. Hôm nay hãy cùng với Góc của mẹ lắng nghe những chia sẻ của mẹ bé Bon về hành trình dạy bé đi vệ sinh, từ việc dạy bé biết gọi đến khi bé có thể tự đi vệ sinh vào bồn cầu mà không cần sự giúp đỡ của mẹ trong bài viết dưới đây nhé!
Bé Bon nhà mình năm nay đã được 3 tuổi và đã tự đi vệ sinh. Mình muốn chia sẻ câu chuyện của mình với các mẹ về quá trình gian nan này để có thể giúp các mẹ phần nào.
Vào mùa hè khi Bon được khoảng 15 tháng tuổi, mình sợ con mặc bỉm nóng nực dễ hăm da nên mình quyết định dừng đóng bỉm cho con. Mình đã tìm mua quần cai bỉm cho Bon sau khi đọc được một quảng cáo. Quần này vừa thoáng hơn bỉm thông thường vừa có thể thay được miếng tã thấm nước ở bên trong và tái sử dụng nhiều lần.
Tuy nhiên việc mình dùng loại quần này gần như không có tác dụng nhiều vì bé nhà mình vẫn chưa phân biệt được khi nào quần con ướt để tự thay hoặc gọi mẹ thay. Hồi ấy, mình vẫn phải để ý tới con liên tục và một ngày mình phải giặt rất nhiều quần ướt nên rất nản.
Thêm nữa, khi ở nhà thì mình bỏ bỉm cho Bon nhưng khi đi nhà trẻ hay đi ra ngoài, mình vẫn đóng bỉm cho bé. Vì sự không nhất quán này mà bé vẫn chưa phân biệt được khi nào cần tè ra bỉm và khi nào thì cần gọi mẹ. Vậy nên, mình nhận ra việc cai bỉm và cho Bon đi vệ sinh là cả một quá trình. Mình không nên quá vội vàng khi chưa chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho con.
Thời gian sau đó, mình đồng hành cùng con từng bước và đã thành công trong việc dạy Bon đi vệ sinh. Hy vọng những điều chia sẻ trong câu chuyện của mình dưới đây giúp các mẹ phần nào trong việc dạy bé nhà mình đi vệ sinh nhé ạ!
Mục lục
1. Khi con 16 tháng tuổi mình chú trọng dạy con biết gọi khi đi vệ sinh
Khi được 16 tháng tuổi, Bon nhà mình đã bập bẹ gọi mẹ và cu cậu cũng dần có nhận thức về những thứ xung quanh, hiểu được nội dung mẹ nói. Qua kinh nghiệm từ bác ruột của Bon, mình biết đây là lúc mình có thế bắt đầu dạy con biết gọi khi cần đi vệ sinh.
Mình đã áp dụng và tìm ra cách thích hợp cho Bon nhà mình. Sau khoảng 2 – 3 tháng thì Bon đã hoàn toàn biết gọi khi đi vệ sinh. Mình muốn chia sẻ hành trình này để các mẹ bỉm Việt dễ dàng hơn trong việc dạy con đi vệ sinh. Giờ thì mình vào chủ đề luôn nhé!
1.1. Đầu tiên, mình đặt một cái tên ngộ nghĩnh cho việc đi vệ sinh của bé – đó là Pipi
Mình dạy Bon những khái niệm như đi tè hay đi ị để con dần làm quen, hiểu và ghi nhớ chúng. Mình đặt tên “Pipi” để miêu tả việc đi vệ sinh của con và lặp lại nó mỗi lần con đi vệ sinh. Từ đó, mỗi khi Bon muốn đi vệ sinh, con sẽ nói cái tên đó ra như một phản xạ có điều kiện vậy.
Mẹ nên chọn những từ ngữ dễ phân biệt như “đi tè, đi ị, bô bô, pipi,…” để đặt cho việc đi vệ sinh của con. Mẹ cũng thống nhất với cả gia đình để con dễ nhớ, tránh nhầm lẫn và cả nhà cũng không bị hiểu lầm những yêu cầu của con.
1.2. Thứ 2, mình đã liên tục cho con làm quen trước bằng hình ảnh
Ngoài việc đặt tên cho việc đi vệ sinh của Bon, mình còn thường xuyên cùng con xem các tranh ảnh về việc đi vệ sinh. Mình cho rằng, hình ảnh trực quan dễ hiểu và kích thích tính tò mò, tạo cảm giác thích thú, háo hức cho con, con dễ nhớ những thao tác cần làm khi cần đi vệ sinh.
Vậy là mình thường dùng một khoảng thời gian nhất định mỗi ngày trước khi đi ngủ hoặc giờ giải trí của con, ngồi cùng con xem tranh ảnh hoặc Youtube về nội dung này trên một số kênh như Toddler fun Learning, Moonbug Kids – Learning Corner,…vừa chơi vừa học với con!
1.3. Thứ 3, mình đã sắm một chiếc bô thật nổi bật cho con
Mình chuẩn bị một chiếc bô hình dạng giống chiếc ghế dựa với mục đích rèn cho con thói quen ngồi bô để đi vệ sinh. Ban đầu cu cậu không chịu hợp tác, nhất quyết không ngồi bô, cứ đặt xuống ngồi bô là khóc thét. Thế nên, mình quyết định đổi một chiếc bô có hình dáng sinh động và thân thuộc hơn cho con. Mình dán một vài nhân vật heo Peppa, hay Pokemon, người nhện mà Bon yêu thích trong các phim hoạt hình của con, mình đã nịnh, khen ngợi, đọc truyện, hát cho Bon nghe để khích lệ con ngồi vào bô.
Nói thì luôn dễ hơn thực hiện, mình cũng có nhiều trải nghiệm khó khăn trong giai đoạn này với Bon lắm ạ! Nhiều khi con đứng dậy ngay khi mẹ đặt con ngồi bô, mình cố thuyết phục con “ngồi thêm một chút xíu nữa thôi” và làm phân tâm con bằng món đồ chơi yêu thích để con chịu đi vệ sinh xong rồi mới đứng dậy.
Cũng có những khi mình chỉ cần đặt ngồi bô là con khóc thét lên. Ban đầu mình cũng khá nóng tính và trót nặng lời với con. Tuy nhiên, khi tìm hiểu ra nguyên nhân mình đã tự nhủ luôn lắng nghe con trước khi bắt con làm việc gì đó.
Hóa ra thời gian đó con sợ ngồi bô bị bẩn mà không dám nói nên cứ khóc như vậy. Mình đã phải hỏi mãi con mới nói, sau đó mình giải thích và động viên con rằng: “Nếu Bon sợ bẩn mông thì hai mẹ con mình rửa bô trước và sau khi đi vệ sinh con nhé!” Chỉ một câu nói nhẹ nhàng như vậy nhưng có lẽ với con như được cởi bỏ mọi lo lắng. Từ hôm đó, Bon vừa không sợ ngồi bô, vừa có ý thức cùng mẹ vệ sinh sạch sẽ bô để sử dụng cho lần sau.
Các mẹ cũng hãy tìm hiểu thật kỹ nguyên nhân con khóc khi ngồi bô nhé ạ! Có thể do con bị táo bón hoặc là tư thế khi con chưa được thoải mái, hay đơn giản chỉ là con sợ bẩn, sợ hôi như Bon nhà mình thôi mẹ ạ! Khi hiểu nguyên nhân và giải thích nhẹ nhàng với con, con sẽ ngoan ngoãn ngồi bô và bớt la khóc hơn đó các mẹ ạ!
1.4. Cuối cùng, tập cho con thói quen đi tiểu trước khi đi ngủ
Trước khi đi ngủ khoảng 10 – 15 phút, mình luôn giục Bon đi vệ sinh và khi nào con đi vệ sinh xong mới để con ngủ. Nhờ tập cho Bon thói quen này, chỉ sau khoảng 1 tuần, con đã bớt tè dầm và dậy vào ban đêm các mẹ ạ!
Một số tips mình thấy hiệu quả nhất:
- Kiên trì với con: Lúc đầu Bon “phạm lỗi” khá nhiều, thường đi tè xong mới nói “tè rồi”. Mỗi lúc như vậy, mình cố không cáu với con mà nhẹ nhàng động viên con, trêu đùa nhẹ nhàng “Cái tè hư quá, lần sau Bon mách mẹ cái tè hư nhé!” để con có ý thức gọi mẹ “lập công” hơn. Các mẹ bỉm cũng đừng mắng con nhé vì con sẽ sợ mỗi lần đi tè hoặc không dám gọi mẹ lần sau đó ạ.
- Chọn quần áo thoải mái, rộng rãi cho con để hình thành thói quen tự cởi quần khi đi vệ sinh. Vì Bon thích màu xanh nhất, nên mình ưu tiên chọn những chiếc quần có sắc xanh mà con thích, để con có ý thức “Giữ gìn, bảo vệ” chiếc quần xinh xắn của mình, nhờ đó mà không tè dầm lên quần.
Khi bắt đầu thử một điều mới, con đều sẽ gặp khó khăn bởi lúc này não bộ của con còn chưa phát triển hoàn toàn, mình cố không hối thúc con. Mình hiểu rằng kiên trì và chờ đợi con, cùng con luyện tập gọi mẹ khi muốn đi vệ sinh, kéo quần lên, kéo quần xuống, cách tự ngồi bô… như vậy con có thể tập tự đi vệ sinh dễ dàng và hiệu quả hơn hẳn.
Xem thêm: Cách xi bé đi tè, ị chuẩn Khoa học, áp dụng cho bé trên 1 tuổi
2. Khi bé 20 tháng – dạy trẻ đi tiểu đứng
Khi Bon được 20 tháng tuổi, mình quyết định tập cho con tiểu đứng, bởi con đã tự đứng vững trên đôi chân của mình.
2.1. Chuẩn bị 1 chiếc bô đứng thật “ngầu” cho con
Biết con thích những con thú ngộ nghĩnh, mình đã đặc biệt chuẩn bị một chiếc bô đứng với hình dáng chim cánh cụt đáng yêu cho Bon. Mình thấy việc làm này khá hiệu quả, con làm quen dần với chiếc bô bằng cách chạy quanh và sau khi đi vệ sinh con cũng hào hứng cùng mình dọn rửa để giữ cho “bạn chim cánh cụt” thật sạch, thơm.
2.2. Nói chuyện để làm cho con hiểu vì sao con trai đi tiểu đứng
Thời gian này, mình trò chuyện với Bon rất nhiều để giải thích cho con lý do cần tập đi tiểu đứng, và để biết xem con đã đủ sẵn sàng chưa. Mình nói với con rằng nếu con ngồi tè, nước tiểu của con dễ bị bắn ra ngoài hơn, bẩn hết nhà vệ sinh mẹ sẽ phải vất vả hơn. Khi con đứng, con sẽ có tư thế thoải mái mà nước tiểu không bị bắn ra ngoài nhiều như khi ngồi.
Giải thích xong, Bon gật đầu lia lịa tỏ vẻ rất đồng tình với việc đi tiểu đứng để cho mẹ khỏi mệt. Con cũng rất hào hứng đi tiểu cùng bố vì muốn bố dạy con: “Con đi tè cùng bố vì bố cũng là con trai mà mẹ!”
2.3. Tập cho con động tác đứng tiểu vào đúng vị trí
Không biết các mẹ bỉm có giống mình không, chứ thời gian đầu mình rất mệt mỏi bởi vì mỗi lần đi vệ sinh, Bon làm nước tiểu văng tung tóe lên sàn nhà vệ sinh, thành bồn cầu, thậm chí dính cả vào quần áo con. Mình không chỉ phải dọn lại nhà vệ sinh nhiều lần mà còn phải thay quần áo cho con liên tục.
Sau nhiều lần như vậy, mình đã nghĩ ra cách rất hay ho. Mình dùng gel thạch vệ sinh bồn cầu gia đình vẫn thường dùng dính vào đúng vị trí giữa bồn để làm mục tiêu cho con và hướng dẫn con hướng dòng nước tiểu vào vị trí đó. Mình đã không ngờ là việc này có hiệu quả ngay lập tức, Bon hào hứng xem việc tiểu vào miếng dán đó như là một trò chơi và khi con làm đúng, con sẽ chiến thắng.
2.4. Tạo cơ hội cho con thực hành
Không có gì tốt bằng việc cho con tự thực hành, việc này sẽ giúp con quen dần với “đứng tiểu”. Ngoài ra, nếu con phải đi nhà trẻ, việc thực hành giúp con chủ động hơn, ít phụ thuộc vào bỉm hoặc vào cô giáo.
Ban đầu, mình thường giúp Bon tập cách kéo quần xuống, cách đứng tiểu nhắm vào mục tiêu trong bô rồi kéo quần lên sau khi đi vệ sinh. Thời gian đó, mình nhờ bố Bon tập cho con quan sát bố đi vệ sinh để con bắt chước theo bố, việc tập luyện với bố cũng hiệu quả hơn với mẹ nhiều vì con có bố làm mẫu.
2.5. Kiên nhẫn giúp con luyện tập thành thục
Một điều mà mình nghĩ các mẹ cần hiểu, đó là sự kiên nhẫn. Có bé 2 tuổi đã biết tự đi vệ sinh nhưng cũng có bé 4 tuổi mới làm được. Bon nhà mình dù đã 3 tuổi nhưng mình cũng phải mất rất nhiều thời gian bên con và theo sát thì mới được kết quả nhanh chóng như vậy.
Mình mong các mẹ bỉm cố gắng không thúc ép khi con chưa sẵn sàng và kiên nhẫn đồng hành cùng con tập đi tiểu đứng bởi nếu gây áp lực lên con, con rất có thể sẽ gây tác dụng ngược, khiến con càng chán ghét việc phải đi tiểu đứng hơn.
2.6. Khuyến khích khi con làm tốt
Mỗi lần con tự làm đúng quy trình, mình ôm con vào lòng và khen con rất giỏi. Được mẹ khen, cu cậu tỏ ra rất tự hào và khoe với bố, ông bà rằng con đã tự mình đi vệ sinh mà không cần mẹ giúp. Những lần sau con đi vệ sinh rất cẩn thận, đúng quy trình từng bước để lại được mẹ khen và âu yếm, để lại được khoe chiến tích với ông bà, với bố.
Các mẹ khích lệ con mỗi khi con tự đi vệ sinh nhé ạ! Thời gian đầu có thể con chưa quen nên vẫn đi tiểu không đúng vị trí nhưng sự động viên của mẹ sẽ giúp con có thêm động lực để tập đi vệ sinh cho đến khi thuần thục. Mẹ sẽ hiểu được niềm vui của việc con tự giác làm đúng mà không cần mẹ nhắc, chỉ cần mẹ từng bước kiên trì và đồng hành bên con thôi các mẹ ạ!
2.7. Dạy con thói quen rửa tay sau khi đi tiểu
Mình thường thủ thỉ với Bon về việc bồn vệ sinh cũng như nước tiểu của con chứa rất nhiều vi khuẩn, virus. Những vi khuẩn này sẽ bám vào tay con nếu con chạm vào bồn cầu hay nước tiểu dính ra tay sau khi đi vệ sinh. Chính vì thế, việc con rửa tay sau khi đi vệ sinh là rất cần thiết. Bon vì sợ vi khuẩn cắn tay nên rất chăm chỉ rửa tay sạch sau mỗi lần đi tè.
Các mẹ cũng cố gắng nhẹ nhàng giải thích với bé con nhà mình để con hiểu và chủ động vệ sinh sạch sẽ sau khi tè mẹ nhé!
3. Khi con 3 tuổi (36 tháng) – dạy trẻ kỹ năng đi vệ sinh vào bồn cầu
Lúc này Bon nhà mình đã thuần thục việc đi tiểu đứng rồi, nhưng vẫn cần mình giúp đỡ khi đi ị. Ngoài ra, khi Bon 3 tuổi mình sẽ cho con học lớp mầm, nên mình bắt đầu kế hoạch dạy con tự lập hoàn toàn khi đi vệ sinh.
Bon lúc này đã lớn rồi, nên việc dạy con cũng không vất vả, chỉ vài ngày là Bon đã quen dần và làm được theo hướng dẫn của mình rồi.
3.1. Chuẩn bị chiếc bô dành riêng để con đi bồn cầu
Kích thước bồn cầu thông thường quá lớn so với các con vì vậy việc chuẩn bị một chiếc bệ để thu nhỏ bồn cầu là điều không thể thiếu.
Mình đã chọn mua cho Bon bệ thu nhỏ bồn cầu có tay cầm hai bên tạo cảm giác an toàn thoải mái, con có thể cho tay vào cầm để ngồi vững hơn. Đồng thời mặt trên được nốt đệm bằng da êm ái giúp con ngồi thoải mái và an toàn cho da của con nữa.
3.2. Dạy con làm quen với việc ngồi bồn cầu
Thời gian đầu sử dụng bệ lót bồn cầu cho Bon, để con đỡ sợ, mình cho con ngồi quay người lại để vẽ hoặc xem, nghe bài hát con thích. Việc này khiến con mất tập trung vào việc đang ngồi trên cao để đi vệ sinh. Tuy nhiên, khi con đã quen với độ cao hơn, mình giải thích dần cho con rằng giờ gì làm việc đó mới là em bé ngoan, con cũng đã quen dần nên không còn sợ nữa mà ngoan ngoãn ngồi và tập trung đi vệ sinh đó các mẹ ạ!
3.3. Dạy con cách vệ sinh sau khi đi bồn cầu
Khi lau mông cho Bon, mình luôn đồng thời hướng dẫn cách thực hiện cho con. Cho đến khi Bon dần nhận thức và quen với việc làm sạch đít khi đi bồn cầu, hãy cho con dần thực hành nó các mẹ nhé.
3.4. Dạy con rửa tay sau khi đi ị
Nhà vệ sinh chứa rất nhiều vi khuẩn, virus gây bệnh cho con nên rửa tay sau khi đi vệ sinh là vô cùng cần thiết với con.
Sau khi Bon ị xong, mình cũng rửa tay cùng con để làm gương cho con bắt chước theo và đùa con về những lợi ích của việc rửa tay: “Con rửa sạch vi khuẩn đi để nó không cắn tay con!”, “Vi khuẩn đừng bám vào quần áo Bon nhé, Bon không thích bẩn đâu!”. Bon có vẻ rất hưởng ứng và nhiều khi còn nhắc ngược lại mẹ rửa tay đó ạ!
Mình thường treo thưởng khi con hoàn thành một chu trình đi vệ sinh đầy đủ. Mình cho con chọn quà theo sở thích nhưng vẫn trong sự cho phép của mình. Bon thì thường thích ăn mặc đẹp để được ông bà khen “đẹp trai” nên mình để con tự chọn vài chiếc quần mới mà con thích, vừa làm quà cho con vừa để con có ý thức trong việc giữ sạch chiếc quần con thích. Mình đã chú ý chọn quần co dãn tốt, chất liệu thoáng mát và rộng rãi để Bon dễ dàng hơn trong việc tự cởi quần khi đi vệ sinh. Các mẹ tham khảo cách này của mình nhé, rất hiệu quả đó ạ!
Trên đây là toàn bộ câu chuyện dạy Bon đi vệ sinh. Mình đã thành công mà không mất quá nhiều nước mắt của con. Hy vọng có thể giúp được các mẹ phần nào qua câu chuyện của mình và Bon. Mẹ nào có kinh nghiệm hay mẹo nào khác khi dạy bé đi vệ sinh thì chia sẻ cùng mình nhé!