Khoai lang là loại thực phẩm thân thuộc với mẹ Việt, có kết cấu mềm dẻo lại dễ tìm mua. Mẹ muốn thêm khoai lang vào thực đơn của bé nhưng chưa biết trẻ mấy tháng ăn được khoai lang, mẹ sợ cho ăn sớm con khó tiêu hóa, ảnh hưởng đến sức khỏe. Ăn đúng cách, khoai lang vẫn mang đến những lợi ích rất tốt cho bé đó. Đọc ngay bài viết dưới đây để không bỏ lỡ những lưu ý quan trọng về loại thực phẩm này mẹ nhé!
Mục lục
1. Thời điểm thích hợp để bé tập ăn khoai lang
Từ tháng thứ 6, bé yêu dần quen với đa dạng các loại thức ăn như rau củ quả, thịt thay vì chỉ uống mỗi sữa. Lúc này, mẹ nên bổ sung khoai lang vào thực đơn để con có cơ hội thưởng thức thêm hương vị mới. Sau khi nấu chín, khoai lang rất mềm, bé dễ ăn và hạn chế tối đa tình trạng nghẹn hóc nên được khuyến khích cho bé sơ sinh mới tập ăn dặm, giúp cải thiện hệ tiêu hoá và cung cấp dưỡng chất, bé thêm khỏe mạnh.
2. 4 lợi ích tuyệt vời từ khoai lang giúp mẹ chăm bé nhàn tênh
Mẹ đừng bỏ qua khoai lang trong thực đơn ăn uống của con nhé, nguồn dinh dưỡng dồi dào từ loại củ này sẽ đem đến 4 lợi ích tuyệt vời cho bé, giúp mẹ chăm bé nhàn tênh luôn đó ạ.
2.1. Bé sáng mắt hơn
Vitamin A được chứng minh là đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc cải thiện sức khỏe đôi mắt (theo M I Dawson). Để tạo ra loại vitamin này, cơ thể bé cần được cung cấp đủ hàm lượng beta-carotene cần thiết mỗi ngày. Bằng cách cho bé ăn khoai lang, chất beta-carotene tự nhiên sẽ đi vào cơ thể, chuyển hóa thành vitamin A giúp tạo ra các thụ thể ánh sáng, bé sáng mắt hơn và ngăn ngừa các bệnh về mắt cho bé yêu đó mẹ.
2.2. Bé tiêu hóa tốt hơn
Khoai lang rất giàu chất xơ (trung bình 100g khoai lang chứa 3,4g chất xơ). Khi đi vào cơ thế, chất xơ hấp thụ nước và làm mềm phân, bé đi ngoài nhanh hơn, hạn chế tối đa tình trạng táo bón (theo Huawei Zeng). Ngoài ra, chất chống oxy hóa trong khoai lang còn giúp thúc đẩy sự phát triển của các lợi khuẩn đường ruột như Bifidobacterium và Lactobacillus, hỗ trợ tăng sức khỏe đường ruột và giảm nguy cơ mắc các bệnh về tiêu hóa cho bé như tiêu chảy, nhiễm trùng, ung thư đường ruột.
2.3. Tăng cường chức năng não cho bé
Nghiên cứu của Xian Jiang vào năm 2017 thông qua dịch tễ học đã chứng minh rằng việc bổ sung khoai lang giúp cải thiện khả năng học tập và tăng cường trí nhớ. Trước đó, vào năm 2009, nghiên cứu của Qun Shan cũng đã đưa kết luận về việc khoai lang làm giảm đến 13% nguy cơ suy giảm tinh thần và sa sút trí tuệ. Tăng cường chức năng não cho bé ở giai đoạn sơ sinh là rất cần thiết, thế nên mẹ nhớ thêm khoai lang vào thực đơn của bé, mẹ nhé.
2.4. Hệ miễn dịch của bé vững chắc hơn
Nếu không được bổ sung đủ β-carotene và vitamin A, bé sẽ dễ bị viêm ruột, nôn ói và suy giảm chức năng miễn dịch (theo J. Rodrigo Mora). Mỗi 100g khoai lang cung cấp đến 385% nhu cầu vitamin A hàng ngày, nhờ thế mà hệ miễn dịch của bé sẽ vững chắc hơn đó ạ.
3. Mách mẹ cho bé ăn khoai lang chuẩn khoa học
Trẻ mấy tháng ăn được khoai lang đã vừa được trả lời bên trên. Mặc dù khoai lang rất tốt nhưng mẹ nên cho bé ăn vừa đủ thôi nhé. Mỗi ngày bé ăn khoảng 100gr (tương ứng ½ củ khoai) là đủ rồi, tránh cho con ăn quá nhiều sẽ dễ làm bé bị đau dạ dày, tiểu đường và sỏi thận. Đồng thời, mẹ chế biến khoai lang phù hợp với từng giai đoạn phát triển của con để mang lại lợi ích tốt nhất.
3.1. Bé từ 6 – 9 tháng (giai đoạn bé ăn dặm)
Ở giai đoạn này, bé chỉ mới làm quen với thức ăn, chưa nhai được miếng lớn. Mẹ gọt vỏ khoai lang, luộc hoặc hấp khoai cho chín mềm, sau đó dùng nĩa hoặc máy xay nhuyễn khoai ra rồi mới cho bé măm măm nhé. Để món ăn thêm ngon, mẹ thêm một ít sữa mẹ vào khoai hoặc nấu khoai cùng bột ăn dặm.
Khoai lang là thực phẩm lành tính, mẹ kết hợp khoai lang cùng các loại rau củ như rau cải, súp lơ và thịt heo, cá hồi,… để món ăn thêm phần đa dạng hương vị, bé ăn ngon miệng hơn. Gợi ý cho mẹ nấu súp khoai lang, cháo khoai lang ngon tuyệt, vị ngọt tự nhiên bé siêu thích.
3.2. Bé từ 9 – 12 tháng (giai đoạn bé tập ăn thô)
Từ 9 tháng tuổi, kỹ năng nhai của bé đã tốt hơn, bé cũng tập cầm nắm thức ăn nên mẹ luộc/hấp khoai chín mềm, cắt thành hạt lựu cỡ 1 – 2cm để bé ăn nhé. Việc cắt hạt lựu này giúp bé luyện khả năng nhai và cảm nhận hương vị tốt hơn đó mẹ. Khi nấu khoai lang với cháo, mẹ nghiền khoai lang lợn cợn, thêm một ít dầu ăn dặm để bé dễ nuốt, ăn ngon và bụ bẫm hơn. Mẹ tham khảo 12 cách nấu cháo khoai lang bé nào cũng mê này để chế biến cho con, khỏi lo bé biếng ăn nữa mẹ nhé.
3.3. Bé từ 1 tuổi trở lên (giai đoạn bé ăn thô giỏi)
Từ 12 tháng tuổi trở lên, bé đã dần mọc đủ răng rồi, bé cũng quen ăn thô nên nhai rất giỏi. Lúc này, mẹ nấu chín khoai lang và cắt thành từng thanh dài 3 – 5 cm để bé bốc được bằng tay dễ dàng, luyện khả năng cầm nắm và cử động cơ hàm thuần thục hơn. Để đa dạng cách thức chế biến, mẹ tham khảo 4 món ăn từ khoai lang siêu hấp dẫn nhé. Đảm bảo bé thích mê và ăn hết sạch luôn đó mẹ.
4. Lưu ý khi cho bé ăn khoai lang
Khoai lang là loại thực phẩm dễ nấu, thơm ngon và bổ dưỡng nên được nhiều mẹ bỉm lựa chọn cho thực đơn của bé. Thế nhưng, để đạt hiệu quả tốt nhất và tránh làm sai ảnh hưởng đến con, mẹ đừng bỏ qua 4 lưu ý quan trọng khi cho bé ăn khoai lang này nhé.
4.1. Mẹ chọn khoai lang thật tươi và ngon
Khoai có tươi thì món ăn nấu ra mới thơm ngon được, thế nên mẹ chọn khoai thật kỹ trước khi mua nhé. Củ khoai có vỏ đều màu, không bị sâu ăn, không bị nứt và cầm lên chắc tay là củ khoai mẹ nên mua. Mẹ tuyệt đối không chọn củ khoai bị rỗ, có màu đen, có mùi mốc nhẹ khi đặt gần mũi và những củ đã mọc mầm ở đầu. Đây là dấu hiệu khoai đã bị sâu, chất dinh dưỡng không còn và tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh cho bé.
Mẹ có thể lựa mua khoai lang ở chợ, siêu thị hoặc đặt online tại các cửa hàng uy tín như Winmart, Aeon, Bách hóa xanh,… để có khoai ngon, giá cả bình ổn mẹ nhé.
4.2. Tránh kết hợp với thực phẩm kỵ khoai lang
Khoai lang lành tính nhưng vẫn có một số thực phẩm chuyên gia khuyên không nên kết hợp cùng khoai lang kẻo gây hại, ảnh hưởng đến sức khỏe của bé yêu như sau:
1- Cà chua
Trong cà chua có chứa gelatin, khi đi vào cơ thể nếu gặp đường (mỗi 100g khoai lang chứa 4.2g đường) sẽ dễ làm kết tủa đường ở dạ dày và đường ruột, gây tắc nghẽn tiêu hóa, đau bụng, tiêu chảy. Tình trạng này kéo dài sẽ làm lượng đường, canxi tích tụ ngày càng lớn, gây ra bệnh sỏi thận. Do đó, mẹ tránh cho bé ăn cà chua trước, trong và sau khi ăn khoai lang mẹ nhé.
2- Chuối
Chuối và khoai lang đều là thực phẩm chứa nhiều calories, ăn cùng với nhau sẽ rất mau no nhưng ăn liên tục dễ làm bé bị đầy bụng, khó tiêu và tệ hơn là gây trào ngược axit dạ dày. Nếu kéo dài nhiều khả năng còn làm bé bị ngộ độc mãn tính do thức ăn bị ức chế lại trong dạ dày, không thể tiêu hóa được. Mẹ cho bé ăn khoai lang và chuối cách nhau ra nhé, chẳng hạn hôm nay ăn khoai lang thì 2 – 3 ngày sau đó mẹ mới cho con ăn chuối để đảm bảo sức khỏe.
3- Quả hồng
Khi bé ăn khoai lang, sẽ có một lượng đường đi vào dạ dày. Nếu mẹ cho bé ăn thêm quả hồng sẽ làm phát sinh phản ứng hóa học của tannin và pectin và gây ra hiện tượng cô đặc, kết tủa axit trong dạ dày. Trường hợp nặng còn gây viêm loét dạ dày, xuất huyết tiêu hóa ảnh hưởng đến sức khỏe của bé. Vì thế, ít nhất 1- 2 ngày sau khi ăn khoai lang thì mẹ mới cho bé ăn quả hồng mẹ nhé.
4.3. Hạn chế nêm gia vị khi chế biến khoai lang cho bé
Cho bé ăn gia vị quá sớm hoặc dùng gia vị không đúng dễ khiến bé bị rối loạn vị giác, biếng ăn, làm chậm hoạt động của gan thận. Khoai lang nấu chín tự nhiên đã có vị ngọt và hơi mặn rồi, vì thế bé dưới 12 tháng tuổi, bé đang trong giai đoạn ăn dặm mẹ không nên thêm gia vị vào nhé.
Đến khi bé được 1 tuổi thì mẹ có thể nêm nước mắm, hạt nêm, muối nhưng với một lượng rất ít. Bé trên 3 tuổi thì ăn theo khẩu vị gia đình nhưng vẫn nên hạn chế, vì bé dễ tập thói quen ăn mặn, mẹ khó cho bé làm quen với lịch trình ăn uống khoa học. Để biết cách nêm gia vị cho con đúng hàm lượng, đúng độ tuổi và lưu ý cụ thể, mẹ tham khảo bài viết Hướng dẫn nêm gia vị cho bé nhé.
4.4. Mẹ bảo quản khoai lang đúng cách
Khoai lang mua về nếu mẹ bảo quản không đúng cách thì rất dễ mọc mầm, hàm lượng dinh dưỡng bị mất đi hoặc chuyển hóa thành các chất độc gây hại cho cơ thể. Thời hạn sử dụng cũng không được lâu, tốn kém chi phí nữa, vì thế, bảo quản khoai lang là vấn đề mẹ cần lưu tâm đó ạ.
1- Mẹo bảo quản khoai lang sống
Khi vừa mua về, mẹ rửa sạch bụi bẩn trên khoai lang, ngâm với nước muối rồi để ra rổ khoảng 15 – 20 phút cho ráo. Tiếp đó, mẹ để khoai lang ở những nơi thoáng mát, cao ráo như kệ bếp, kệ tủ và sử dụng hết trong 5 – 7 ngày mẹ nhé. Quá thời hạn này mẹ không nên cho bé ăn nữa vì chất lượng khoai không còn đảm bảo.
Trong trường hợp mẹ muốn để khoai lang được lâu hơn dùng dần, mẹ không cần rửa lớp đất, cứ để nguyên vậy, dùng màng bọc thực phẩm quấn quanh thân khoai 2 – 3 lớp, sau đó đặt khoai trong ngăn mát tủ lạnh (nhiệt độ 15 độ C). Như vậy thì khoai sẽ giữ được dưỡng chất từ 15 – 30 ngày. Nhưng quá 1 tháng, mẹ cần bỏ khoai đi, không sử dụng nữa do khoai đã chảy dầu ra, mọc mầm và mất hết dinh dưỡng rồi.
2- Cách bảo quản khoai lang sau khi nấu chín
Khoai lang đã chế biến rồi thì thời gian sử dụng thấp hơn. Trong điều kiện nhiệt độ bình thường, từ 24 giờ trở đi là khoai đã có dấu hiệu hư hỏng, cụ thể là chảy ra lớp nhựa vàng, hơi nhớt và mùi chua rất khó chịu.
Sau khi luộc/hấp xong mà bé ăn không hết, mẹ dùng màng bọc thực phẩm bao thật kỹ rồi để khoai vào ngăn mát tủ lạnh, sẽ giữ khoai được 2 – 3 ngày không hư hỏng. Lúc muốn cho bé ăn mẹ rã đông khoai ở nhiệt độ phòng 10 – 15 phút rồi hấp/luộc lại, tuy nhiên khoai sẽ hơi bở, độ ngọt không còn nên mẹ ưu tiên nấu lượng khoai vừa đủ, cho bé ăn hết trong một lần luôn nhé.
Như vậy qua bài viết này, mẹ đã biết trẻ mấy tháng ăn được khoai lang rồi. Mẹ chế biến khoai cho thích hợp với từng giai đoạn phát triển của bé và tránh mắc phải sai lầm để đạt hiệu quả tốt nhất. Nếu vẫn còn băn khoăn, mẹ để lại bình luận ngay bên dưới để Góc của mẹ hỗ trợ mẹ kịp thời và nhanh chóng nhé. Chúc mẹ và bé có thời gian ăn uống thật vui bên nhau!