Trứng gà là thực phẩm quen thuộc và rất bổ dưỡng, mẹ muốn bổ sung thêm trứng vào thực đơn cho con nhưng không biết bé mấy tháng ăn được trứng gà vì chưa có kinh nghiệm. Mẹ theo dõi bài viết dưới đây để có câu trả lời và nhận biết được 6 sai lầm thường gặp khi cho bé ăn trứng gà. Đảm bảo sau khi đọc xong, mẹ nào cũng biết cách cho con ăn trứng gà chuẩn khoa học, bé ngày càng khỏe mạnh và lớn nhanh!
Mục lục
1. Bé mấy tháng ăn được trứng gà mẹ nhỉ?
Khi được từ 6 tháng tuổi, bé yêu sẽ bước sang một hành trình mới – bắt đầu tập ăn dặm, tập nhai thay vì chỉ uống mỗi sữa. Đây cũng là thời điểm thích hợp để mẹ bổ sung trứng gà vào thực đơn cho con. Theo R. Ruiz – Bác sĩ Nhi khoa tổng quát được chứng nhận bởi Trường Đại học FAAP, bé được 6 tháng tuổi là khoảng thời gian tuyệt vời để mẹ tập cho bé ăn trứng, bởi lẽ con đã dần mọc răng và hệ tiêu hóa cũng đã dần hoàn thiện, tiêu hóa được thức ăn dạng rắn.
Đồng quan điểm đó, bà Ally – một nhà trị liệu tâm lý người Mỹ khẳng định rằng bé sơ sinh ở tháng thứ 6 sẽ ăn được trứng nghiền hoặc trứng gà kết hợp với sữa. Mẹ nên cho bé ăn trứng gà để bổ sung dinh dưỡng, giúp bé khỏe mạnh hơn.
Nếu mẹ cho bé ăn sớm hơn thời điểm này, bé dễ bị đầy hơi, khó tiêu do trứng gà chứa hàm lượng chất xơ và protein cao, bé tiêu hóa không kịp. Hơn nữa, trứng gà có kết cấu dạng rắn, con chưa biết nhai nên lúc măm măm dễ bị nghẹn hóc, nôn ói đó ạ.
2. 4 lợi ích của trứng gà đối với bé yêu
Trứng gà là món ăn ngon thường xuyên có mặt trên các mâm cơm gia đình Việt, được biết đến là thực phẩm bổ dưỡng với nhiều dưỡng chất phong phú. Theo FoodData Central, cứ mỗi 100g trứng gà có chứa hàm lượng dinh dưỡng như sau:
Chất dinh dưỡng | Hàm lượng |
Protein | 12.4 g |
Energy | 143 kcal |
Lipid | 9.96 g |
Calcium | 48 mg |
Phospho | 184 mg |
Vitamin A | 180 µg |
Choline | 147 mg |
Nhờ hàm lượng dinh dưỡng dồi dào này, mẹ cho bé ăn trứng gà đúng cách đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe của bé yêu.
1- Giúp phát triển xương và cơ bắp chắc khỏe
Trứng gà là nguồn protein tuyệt vời, chứa thành phần axit amin hoàn chỉnh, hỗ trợ duy trì các hoạt động sống của cơ thể. Trứng gà cũng chứa nhiều vitamin như vitamin A, D, K giúp phát triển xương và làm cơ bắp bé chắc khỏe hơn.
2- Tăng cường hệ miễn dịch
Kẽm, sắt, selenium có trong trứng gà góp phần quan trọng tăng cường hệ miễn dịch cho bé. Nhờ thế mà bé yêu ít bị ốm và mạnh mẽ hơn để chống lại sự tấn công của các hại khuẩn bên ngoài.
3- Cải thiện não bộ
Choline, lecithin là hai chất dinh dưỡng quan trọng cho sự phát triển của não và hệ thần kinh có trong trứng gà. Khi mẹ bổ sung trứng cho bé đúng cách, não bộ của bé sẽ linh hoạt hơn và hạn chế mắc mắc các bệnh về thần kinh khi trưởng thành.
4- Tốt cho tim mạch
Trong trứng gà cũng chứa một lượng phospholipid đáng kể. Khi bé ăn trứng gà, phospholipid có trong lòng đỏ trứng sẽ đi vào máu, giúp duy trì cholesterol trong máu, đường truyền máu đến tim mạch lưu thông thuận lợi hơn. Nhờ thế mà giảm được nguy cơ mắc bệnh động mạch vành (CAD), hạn chế các cơn đau tim và đột quỵ.
Mặc dù trứng gà có nhiều chất dinh dưỡng tác động tích cực đến sức khỏe của bé nhưng nếu mẹ cho bé ăn không đúng cách sẽ lợi bất cập hại, ảnh hưởng không tốt đến bé yêu. Cho bé ăn quá nhiều trứng khiến cơ thể bé không tiêu hóa kịp, bé khó tiêu hoặc đi ngoài phân sống. Bé cũng dễ bị béo phì và xơ vữa động mạnh do tiếp nhận protein vượt mức, lượng mỡ trong cơ thể gia tăng và sản xuất quá nhiều cholesterol tác động tiêu cực đến động mạnh, gây xơ vữa động mạch.
Trứng gà phù hợp để bổ sung thêm vào thực đơn của bé thấp còi, hệ xương còn yếu và thường hay bị ốm vặt. Bé khỏe mạnh, bụ bẫm rồi mẹ vẫn cho bé ăn trứng gà nhưng với hàm lượng và tần suất ít hơn. Cụ thể cho bé ăn thế nào là đúng mẹ nhỉ? Sau đây là 6 sai lầm thường gặp khi cho bé ăn trứng gà, và cách điều chỉnh phù hợp. Lưu lại ngay mẹ nhé!
3. 6 sai lầm thường gặp khi cho bé ăn trứng gà mẹ cần lưu ý
Mẹ bỉm lần đầu cho con ăn trứng gà thường có nhiều bỡ ngỡ, chưa biết cho con ăn bao nhiêu là đủ, ăn như thế nào tốt, vì thế dễ mắc phải các sai lầm thường gặp.
3.1. Cho bé ăn quá nhiều trứng gà
Mẹ tìm hiểu và hỏi thăm nhiều nơi, biết được là trứng gà rất bổ dưỡng, có lợi cho sự phát triển của con nên cho con ăn liên tục, bữa nào cũng có trứng hết, nghĩ là ăn càng nhiều càng tốt, sẽ mập mạp và mau lớn hơn. Tuy nhiên bé ăn trứng gà nhiều không hề tốt như mẹ nghĩ đâu ạ. Trứng gà chứa hàm lượng calories, protein cao nên con ăn nhiều trứng gà sẽ khiến gan, thận hoạt động quá công suất, tiêu hóa không kịp dẫn đến chướng bụng, táo bón. Kéo dài lâu còn làm con bị béo phì và dễ mắc các bệnh về tim mạch do cholesterol trong máu quá cao.
Tuỳ theo độ tuổi của bé mà mẹ điều chỉnh hàm lượng và tần suất ăn trứng cho phù hợp mẹ nhé. Sau đây là hướng dẫn mẹ cho bé ăn trứng gà chuẩn khoa học:
- Bé được từ 6 – 7 tháng tuổi: Mẹ cho bé ăn trứng gà 2 – 3 lần/tuần, mỗi lần chỉ ăn 1/2 (khoảng 70mg) lòng đỏ trứng, không ăn lòng trắng.
- Bé được từ 8 – 12 tháng tuổi: Bé ăn 3 – 4 bữa trứng một tuần, mỗi lần ăn 1 lòng đỏ trứng (khoảng 150mg).
- Bé được từ 1 – 2 tuổi: Bé đã ăn được cả quả trứng, mẹ nên cho bé ăn 3 – 4 quả trứng một tuần.
- Bé được từ 2 tuổi trở lên: Mẹ cho bé ăn mỗi tuần ít nhất 3 – 4 quả trứng.
3.2. Cho bé ăn không đúng cách
Mẹ nên chờ đến khi con được 12 tháng tuổi mới cho con ăn nguyên cả quả trứng bởi vì có tới 0,5 – 2% trẻ sơ sinh bị dị ứng khi ăn lòng trắng trứng sớm trước 1 tuổi. Lòng trắng trứng gà có chứa protein gây dị ứng, khiến bé sơ sinh bị nổi mẩn đỏ ở miệng, trên da, ho khan vì hệ miễn dịch của bé còn yếu, dạ dày lại chưa tiêu hóa được chất này. Mặt khác, việc ăn lòng trắng trứng sớm khiến bé bị đầy hơi, gan thận hoạt động quá mức để tiêu hóa lượng lớn đạm, protein và chất xơ có trong lòng trắng, bé dễ mệt mỏi và uể oải.
Lòng đỏ trứng gà thì không chứa các protein này nên mẹ cho bé ăn sớm được. Khi bé yêu đạt tới tháng thứ 6, mẹ luộc/hấp lòng đỏ trứng hoặc trộn vào bột ăn dặm cho bé ăn nhé. Đến lúc bé được 1 tuổi, mẹ luộc trứng nguyên quả, cắt khối 1 – 2cm để bé luyện nhai tốt hơn và cảm nhận được trọn vẹn hương vị.
3.3. Cho bé ăn trứng chung với các thực phẩm kỵ trứng
Mẹ bỉm mới lần đầu lên chức thường rất bỡ ngỡ, khi mới tập cho con ăn trứng mẹ cũng không nghĩ nhiều mà cứ chế biến, kết hợp trứng gà với nhiều loại thực phẩm khác nhau để thực đơn thêm phong phú, bé thích thú và ăn ngon miệng hơn. Mẹ không biết rằng có những thực phẩm đại kỵ khi ăn cùng với trứng, nếu không cẩn thận dễ gây hại đến sức khỏe của bé yêu. Để tránh mắc phải sai lầm này, mẹ lưu ý không nấu trứng cùng với các loại thực phẩm sau đây nhé.
1- Óc heo
Óc heo là loại thực phẩm được bé yêu thích vì kết cấu mềm mại và béo ngậy, ăn vào mềm tan trong miệng. Mặc dù ngon là thế nhưng mẹ không nấu trứng cùng với óc heo nhé. Óc heo chứa hàm lượng phospho và cholesterol khá cao, khi kết hợp với trứng gà dễ làm tăng lượng cholesterol trong máu, làm tim bé hoạt động quá công suất gây đau tim, nguy cơ đột quỵ rất cao đó ạ.
2- Bột canh
Trong bột canh có nhiều muối natri của acid glutamic, trong điều kiện nhiệt độ cao nếu tiếp xúc với chất clo hóa trong trứng gà sẽ làm vỡ kết cấu của những nguyên tử muối tự nhiên, làm giảm hàm lượng dinh dưỡng vốn có trong trứng. Vì thế, khi nấu trứng cho bé ăn mẹ đừng nêm thêm bột canh mẹ nhé.
3- Sữa đậu nành
Khi bé lớn hơn, mẹ bắt đầu cho bé làm quen với nhiều loại sữa khác nhau, ví dụ như sữa đậu nành, sữa bắp để con nhận biết được nhiều mùi vị và bổ sung thêm dưỡng chất cho con phát triển khỏe mạnh. Tuy nhiên, mẹ không nên cho con uống sữa đậu nành khi ăn trứng gà nhé. Bởi trypsin trong sữa đậu nành sẽ làm cản trở quá trình phân hủy, hấp thụ protein trong trứng gà của cơ thể, khiến bé khó tiêu và đầy hơi.
4- Quả hồng
Theo ThS. BS Lê Trịnh Thủy Tiên – Thành viên Hội Dinh dưỡng Lâm sàng Việt Nam, khi mẹ cho bé ăn hồng với trứng, tannin trong hồng có thể liên kết với chất đạm và các khoáng chất trong trứng, tạo thành các phân tử không tan và khó phân hủy, dễ gây viêm ruột. Đừng kết hợp hai thực phẩm này với nhau mẹ nhé.
3.4. Chọn mua trứng không đảm bảo chất lượng
Trứng không đảm bảo chất lượng chứa nhiều vi khuẩn gây hại đến sức khỏe của bé yêu. Những vi khuẩn này làm da bé bị nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy khó chịu, bé cũng dễ bị tiêu chảy, co thắt dạ dày, nôn ói và mất nước. Mẹ tham khảo ngay các mẹo chọn trứng gà dưới đây để chọn được trứng tươi ngon cho bé yêu ăn giỏi và mau lớn mẹ nhé.
1- Quan sát vỏ trứng
Trước khi mua trứng, mẹ quan sát kỹ phần vỏ bên ngoài, những quả trứng có nhiều đốm đen, màu nhợt nhạt, có vết nứt thường là trứng để rất lâu rồi, không còn đảm bảo chất lượng. Mẹ nên chọn quả trứng gà có màu sẫm hơn và không bị xây xước gì ở ngoài vỏ.
2- Sờ vỏ trứng
Mẹ sờ nhẹ vào vỏ trứng, thấy hơi nhám, sần sùi thì đó là quả trứng tươi mẹ nhé. Nếu vỏ trứng láng bóng, không sần lên xíu nào,mẹ không nên chọn đâu ạ. Bởi vì trứng gà mới đẻ sẽ có những lỗ nhỏ mà mắt thường không thấy được, trứng để lâu thì lỗ nhỏ sẽ dần bít lại nên trứng càng nhám thì càng tươi đó ạ.
3- Lắc nhẹ quả trứng
Mẹ cầm quả trứng gà lên, đặt ở gần tai rồi lắc nhẹ. Nếu mẹ nghe thấy tiếng động, trứng di chuyển mạnh thì quả trứng đó đã để rất lâu ngày rồi, không còn tươi nữa, mẹ không chọn nhé. Quả trứng mẹ lắc lên mà không nghe tiếng động là quả đó tươi, mua về và chế biến món ngon cho bé được.
3.5. Không chú ý dấu hiệu dị ứng của bé
Bé sơ sinh rất nhạy cảm, hệ miễn dịch và tiêu hóa của bé cũng còn yếu nên khi tiếp xúc với một loại thực phẩm mới, bé thường chậm tiếp thu, tệ hơn là bị dị ứng. Tình trạng dị ứng trứng gà của bé đôi khi kéo dài đến vài ngày nhưng phổ biến hơn là chỉ kéo dài trong vài phút. Nếu mẹ không để ý sẽ không thấy được.
Bé bị dị ứng trứng gà mà không được xử lý kịp thời dễ tiềm ẩn nguy cơ dị ứng chuyển nặng, ảnh hưởng tới sức khỏe của bé. Khi thấy bé có các dấu hiệu này, mẹ kịp thời nhận biết và cho bé đến gặp bác sĩ ngay nhé.
1- Phần da xung quanh miệng bé chuyển sang màu đỏ, sưng phù và sau đó là nổi mẩn đỏ
Bé gặp tình trạng này mẹ ngưng cho bé ăn trứng, vệ sinh miệng và chăm sóc da con thật kỹ để giảm bớt các triệu chứng. Mẹ xem kỹ hơn 8 cách chăm sóc chuẩn khoa học khi bé bị mẩn đỏ ở miệng này để áp dụng khi bé yêu bị nổi mẩn do ăn trứng gà nhé.
2- Bé bị nôn trớ, đau bụng và tiêu chảy
Tình trạng dị ứng trên do vi khuẩn trên vỏ trứng xâm nhập vào cơ thể bé, làm bé nôn ói, đau bụng và đi ngoài nhiều. Lúc này, mẹ ngừng cho bé ăn trong ít nhất 1 tuần để cơ thể bé tự thích nghi, điều chỉnh, rồi mới cho bé ăn trứng trở lại.
Mẹ lưu ý vệ sinh trứng thật sạch và chế biến trứng chín kỹ, tránh nấu trứng lòng đào, trứng chưa chín cho bé ăn. Nếu tình trạng tiêu chảy kéo dài liên tục 3 – 4 ngày mà không thuyên giảm, tốt nhất mẹ đưa bé đi gặp bác sĩ để thăm khám và điều trị, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe con.
3- Bé chảy nước mũi, mắt bị đỏ, bé thở khò khè và ho nhiều
Đây là dấu hiệu dị ứng trứng gà nghiêm trọng, mẹ cần đưa bé đi gặp bác sĩ ngay để xử lý kịp thời, không tự ý mua thuốc cho con uống kẻo khiến bé bị nặng hơn nhé.
3.6. Nấu trứng sai cách
Luộc hoặc hấp trứng là phương pháp chế biến vừa đơn giản dễ làm mà còn giữ được trọn vẹn dưỡng chất có trong trứng. Tuy nhiên, khi luộc trứng, mẹ chưa biết canh thời gian và nhiệt độ nên khiến trứng bị chín quá mất ngon hoặc trứng còn sống gây khó tiêu, giảm hàm lượng dinh dưỡng vốn có.
Mẹ nên nấu nước trên lửa vừa, nước bốc hơi nóng là mẹ cho trứng gà vào luộc, nấu trứng trong 2 phút là tắt bếp. Mẹ để trứng ở trong nồi thêm 4 – 5 phút nữa là cho ra bát nước lạnh, lột vỏ, cắt thành từng khối nhỏ cho bé măm măm thật ngon nhé.
Nếu muốn đa dạng cách nấu trứng làm con hứng thú với bữa ăn hơn, mẹ tham khảo bài viết 10 cách nấu cháo trứng gà và 2 cách chiên trứng ngon khó cưỡng để trổ tài vào bếp nấu cho bé yêu ăn ngon lành, lớn khỏe mỗi ngày.
Vậy là qua bài viết này, mẹ đã biết bé mấy tháng ăn được trứng gà rồi. Mẹ nhớ cho bé ăn từ giai đoạn 6 tháng tuổi, áp dụng đúng cách và tránh mắc phải 6 sai lầm thường gặp mẹ nhé. Nếu vẫn còn băn khoăn, mẹ hãy để lại bình luận ngay bên dưới để Góc của mẹ giải đáp cho mẹ kịp thời. Chúc mẹ và bé luôn khỏe mạnh và có nhiều niềm vui!