Việc ngồi trên ghế ăn dặm giúp bé dễ ăn và dễ tiêu hóa hơn. Nhưng không phải bé nào cũng ngồi được trên ghế, có bé chưa biết ngồi, có bé lại không chịu ngồi ghế nên quấy phá, từ chối ăn dặm. Mẹ lo rằng điều này sẽ ảnh hưởng đến trải nghiệm ăn uống của con. Xem ngay 10 cách tập cho bé ngồi ghế ăn dặm cực ngoan suốt bữa ăn này để áp dụng cho bé mẹ nhé, rất hiệu quả luôn đó ạ.
Mục lục
1. Thời điểm tốt nhất mẹ nên tập cho bé ngồi ghế ăn dặm
Theo Thư viện trực tuyến WIREs, vận động tạo điều kiện cho bé thu nhận kiến thức về thế giới và phát triển các giác quan. Mẹ cho bé tập vận động từ những hoạt động đơn giản nhất như cầm nắm thức ăn hay ngồi ghế ăn dặm sẽ hỗ trợ rất tốt cho việc phát triển não bộ và nhận thức của bé. Từ tháng thứ 6, bé yêu sẽ dần tập quen với ăn dặm chứ không chỉ nằm và bú sữa nữa, đây cũng là thời điểm tốt nhất mẹ nên tập cho con ngồi ghế ăn dặm.
Thay vì bé nằm ăn hay đợi mẹ đỡ cho ngồi thì ngồi ghế ăn dặm giúp bé chủ động tự ăn giỏi hơn, hạn chế tình trạng bị nghẹn hóc thức ăn hoặc nôn ói. Tuy nhiên, chỉ tập ngồi ghế cho bé khi con có thể ngồi thẳng mà không cần mẹ đỡ, cổ của bé cứng cáp thôi mẹ nhé.
2. Cách tập cho bé ngồi ghế ăn dặm lần đầu
Mới ngồi ghế ăn dặm lần đầu, bé sẽ thấy rất lạ lẫm. Xu hướng chung là bé sẽ uốn người, quấy khóc, từ chối không chịu ngồi. Nếu lần đầu mà mẹ ép bé ngồi, bé sẽ nảy sinh tâm lý sợ hãi và càng ghét bỏ ghế ăn dặm nên mẹ cần thật khéo léo ở những lần đầu. Mẹ làm theo 4 cách tập cho con ngồi ghế lần đầu này để con vui vẻ chấp nhận và ngồi đúng cách mẹ nhé.
2.1. Cho bé ngồi chơi trên ghế ăn dặm
Những hoạt động vui chơi luôn có sức hút với bé yêu hơn cả. Mẹ cho bé ngồi chơi trên ghế ăn dặm sẽ tạo cảm giác thích thú, khiến bé nghĩ ngồi ghế rất vui và dần xem ghế là một vật quan trọng với mình như bình bú hay cái nôi. Cách làm này khiến bé tiếp nhận ngồi ghế nhanh hơn, hạn chế việc bé gắt gỏng, không hợp tác đó ạ.
Chẳng hạn, mẹ đặt xe ô tô đồ chơi nhiều màu sắc trên bàn ăn dặm của bé, đặt bé ngồi lên ghế rồi di chuyển ô tô chạy xung quanh bàn ăn, bé sẽ rất hứng thú đó ạ. Nếu ghế có bánh xe đẩy, mẹ vừa đẩy xe, vừa kết hợp tạo âm thanh khi xe chạy như “ùn ùn” để kích thích cả thị giác và thính giác của bé yêu luôn nhé.
Hoặc mẹ hướng dẫn bé xếp các hình khối domino trên bàn, rồi đẩy ngã cho domino chuyển động và đừng quên tỏ vẻ bất ngờ và cười tươi để bé thu hút bé. Mẹ tiếp tục cùng bé xếp domino thành nhiều hàng và nhiều dãy rồi đẩy ngã một lần, bé vui thích và nhanh chóng chấp nhận việc ngồi trên ghế ăn dặm.
2.2. Đảm bảo ghế ngồi khiến con thoải mái
Sự thoải mái khi ngồi trên ghế của con quyết định trực tiếp đến việc con có chịu ngồi ghế hay không. Nếu ghế cứng, quá cao so với con hoặc chật hẹp, không có không gian để con hoạt động sẽ khiến con bực bội và không chịu ngồi đâu. Ngược lại, ghế mềm mại và ngồi được thoải mái, con dễ chấp nhận hơn đó ạ.
Vì thế, khi chọn ghế ngồi cho bé yêu, mẹ lưu ý chọn các kiểu ghế dễ chịu nhất với con nhé. Một số tiêu chí để mẹ tham khảo khi chọn ghế cho bé là đệm mềm, có tựa lưng, màu sắc bắt mắt, rộng rãi để bé hoạt động tay chân, cao vừa tầm với bé. Gợi ý mẹ mua ghế ăn dặm đa năng Chilux, ghế ăn dặm Mastela vừa mềm mại, vừa đẹp mắt và tiện dụng cho bé yêu.
2.3. Ngồi ăn cùng bàn với con
Việc mẹ ngồi ăn cùng bàn với bé giúp gắn kết mẹ và bé sâu sắc hơn, bé cảm nhận được tình yêu thương bao la của mẹ. Có mẹ ngồi ăn cùng khiến bé cảm giác như mình cũng đã lớn rồi, bé tự tin và an tâm hơn. Trong lúc ngồi ăn cùng bé, mẹ hướng dẫn bé ăn, trò chuyện với bé để tạo không khí vui tươi, đầm ấm, giúp bé ăn ngon và ngồi giỏi hơn mẹ nhé.
2.4. Khen ngợi con
Khen ngợi là phần thưởng tinh thần to lớn, giúp bé tự tin hơn về bản thân. Khi đặt bé lên ghế ngồi ăn dặm lần đầu, thấy bé ngồi được thì mẹ đừng tiếc lời khen cho con nhé. Con thật mạnh mẽ, con thật tuyệt, con thật sinh xuất sắc, hoặc con đã làm rất tốt,… Chỉ bằng những câu nói nhẹ nhàng và giản đơn thế thôi nhưng lại tiếp thêm động lực to lớn cho con yêu, khiến con hứng thú với việc ngồi ghế ăn dặm hơn hẳn đó mẹ.
3. Cách tập cho bé ngồi ghế ăn dặm nếu bé không hợp tác
Mặc dù đã được tập cho ngồi ghế ăn dặm vài lần rồi nhưng không phải bé nào cũng ngoan ngoãn ngồi đến khi ăn xong. Đôi khi bé uốn người, la khóc, đòi bò ra khỏi ghế hay hất đổ đồ ăn ra. Những lúc như thế, mẹ sẽ rất vất vả để cho bé ăn hết thức ăn, rồi lau dọn chén bát cho sạch sẽ.
Bé không hợp tác nhiều khả năng là do bé ngồi không thoải mái, thức ăn không đủ hấp dẫn,… Nếu gặp trường hợp này, mẹ áp dụng cách tập cho bé ngồi ghế ăn dặm thành công đến 99% này để bé ngồi giỏi và ăn dặm hết sạch luôn mẹ nhé.
3.1. Đảm bảo con ngồi ở tư thế thoải mái
Mẹ thử tưởng tượng khi mẹ ngồi trên những chiếc ghế quá cứng và quá cao, mẹ sẽ rất khó chịu đúng không. Bé cũng cảm thấy như thế đó ạ. Vậy nên, mẹ hãy đảm bảo con đang ngồi ở tư thế thật dễ chịu nhé. Con sẽ thoải mái hơn khi ngồi trên ghế và chạm chân được vào nền nhà hoặc có chỗ để đặt chân, thêm một chiếc đệm mông và lưng thật mềm mại, bé sẽ rất thích và ngồi ngoan đến khi ăn dặm xong.
3.2. Mang những món bé thích ăn ra sau cùng
Khi đến độ tuổi 6 tháng, bé yêu đã bắt đầu thể hiện sở thích của mình với đồ ăn rồi đó mẹ. Món nào bé thích thì bé sẽ ăn hết sạch nhanh chóng, món nào không thích thì bé chẳng chịu ăn, đẩy món đó ra xa. Thế nên để bé ngồi trên ghế ăn dặm cho đến cuối, mẹ hãy mang món bé thích ăn ra sau cùng nhé.
Ví dụ, bữa nay thực đơn của bé gồm 3 món ăn, trong đó món bột rau củ là bé thích ăn nhất, cháo thịt heo và cá hấp thì bé không ưng lắm. Mẹ đưa cháo và cá hấp lên trước, đặt trên bàn cho bé ăn dặm. Bột rau củ thì mẹ để ở gần đó, trong tầm mắt của bé và nói với bé rằng, sau khi con ăn hết thịt và cá mẹ sẽ cho con ăn rau củ.
Mẹ làm như vậy sẽ giữ chân bé lại, vì bé rất thích món rau củ nên sẽ cố gắng ngồi ngoan đến khi mẹ mang lên, ăn xong rồi mới đòi xuống khỏi ghế. Bằng cách này thì bé không những ngồi trên ghế đến hết bữa ăn mà còn ăn hết sạch thức ăn, đảm bảo bổ sung đủ dinh dưỡng để bé trao đổi chất và bụ bẫm, đáng yêu hơn đó ạ.
3.3. Giới hạn giờ ăn của bé
Khi bé không thích ngồi ghế, bé thường nằm nhoài ra bàn, giơ tay đá chân, ngậm thức ăn trong miệng thật lâu. Nếu gặp tình trạng này, mẹ giới hạn giờ ăn của bé lại để bé nhận thức ra rằng, mình không thể kéo dài thời gian, phải ăn nhanh kẻo đói. Nhờ thế mà bé ngồi thật ngoan đến khi kết thúc bữa ăn.
Cụ thể, mẹ quy ước mỗi bữa bé ăn trong 15 – 20 phút, quá thời gian này mẹ sẽ dừng lại, cất hết đồ ăn đi. Để bé nhận biết nhanh hơn, mẹ kết hợp sử dụng đồng hồ hẹn giờ trên điện thoại hoặc mở một bài nhạc bé thích, khi chuông reo và nhạc kết thúc cũng là lúc bé cần ăn xong. Mẹ duy trì như vậy 3 – 4 lần là bé dần quen và ý thức được, bé sẽ tự chủ động ngồi trên ghế, ăn hết bữa ăn thật giỏi mà không đợi ai phải nhắc.
3.4. Cho con tham gia chuẩn bị bữa ăn
Tham gia “chuẩn bị” bữa ăn, nếm thức ăn cùng mẹ, hoặc đơn giản là ngồi xem mẹ nấu tạo điều kiện để bé trải nghiệm hương vị, mùi vị và phát triển đủ các giác quan từ thính giác, xúc giác, vị giác cho đến khứu giác. Bé cảm thấy mình quan trọng và ý thức được rằng, à, mình đã làm ra món ăn này, mình nhất định phải ăn hết. Vì thế mà sau khi chế biến món ăn xong, mẹ đặt đồ ăn lên bàn là bé sẽ tự đòi hoặc tự ton ton ra ngồi vững vàng trên ghế, cầm sẵn thìa muỗng và ăn thật ngon miệng luôn.
3.5. Chắc chắn rằng bé đang đói
Trạng thái no đói của chiếc bụng sẽ ảnh hưởng đến tâm trạng của bé yêu đó mẹ. Khi chiếc bụng của con no căng, con rất vui vẻ nhưng không chịu ngồi trên ghế đâu ạ, con sẽ đòi chạy nhảy và nghịch đồ chơi để tiêu hóa thức ăn. Mẹ khó bắt con lên ghế ngồi ăn lắm. Lúc con đói thì ngược lại, chẳng cần mẹ kêu gọi, thấy đồ ăn được đặt lên bàn ăn dặm là con sẽ tự chạy ra, ngồi lên và ăn luôn, vì bụng con đang cồn cào, cần được lấp đầy bởi những món ngon của mẹ.
Do đó, mẹ thấy con đang đói thì mới đặt con lên ghế ăn dặm nhé. Dấu hiệu để mẹ dễ dàng nhận biết bé đang đói: tém miệng, liếm môi, mút tay, quay đầu tìm kiếm xung quanh, khóc và gọi mẹ liên tục.
3.6. Chuẩn bị những món ăn hấp dẫn hơn
Một nguyên nhân nữa khiến bé không chịu ngồi yên trên ghế ăn dặm là do đồ ăn không đủ ngon, bé không thích món ăn đó. Nếu bữa ăn dặm kém ngon miệng, sẽ chẳng có lý do gì để giữ bé ngồi ngoan trên ghế. Mẹ chuẩn bị những món ăn hấp dẫn hơn để kích thích bé ăn giỏi và ngồi yên trên ghế tận đến khi ăn xong bữa ăn.
Góc của mẹ đã chia sẻ vô vàn cách để mẹ biến tấu cho thực đơn ăn dặm của bé phong phú và đặc sắc hơn. Mẹ tham khảo ngay bài viết Cách chế biến món ăn dặm cho bé từ 1 – 12 tháng tuổi với rất nhiều công thức độc đáo để thực hành nấu món ngon cho bé yêu ăn dặm thun thút nhé.
Tập cho bé ngồi ghế ăn dặm rất dễ dàng mẹ nhỉ. Mẹ khéo léo áp dụng các phương pháp ở trên để tập cho bé quen và giữ bé ngồi ngoan trên ghế trọn vẹn suốt bữa ăn dặm nhé. Nếu vẫn còn băn khoăn, mẹ để lại bình luận ngay bên dưới để Góc của mẹ giải đáp cho mẹ kịp thời. Chúc mẹ và bé luôn khỏe mạnh và có thật nhiều niềm vui!