Cháo cua biển là một trong những món ăn bổ dưỡng, lạ miệng mà mẹ không thể bỏ qua trong thực đơn ăn dặm của bé. Với hàm lượng protein và axit béo cao, cháo cua biển đem tới nhiều lợi ích cho từng quá trình phát triển của bé. Cùng khám phá bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về các tác dụng tuyệt vời của cua biển cho sức khỏe của bé yêu và 6 công thức nấu cháo cua biển cho bé từ 7 tháng ăn “sạch sành sanh” mẹ nhé!
Mục lục
1. Hàm lượng dinh dưỡng từ cháo cua biển
Từ thời điểm 7 tháng tuổi, bé đã quen dần với quá trình ăn dặm và ăn được nhiều món ăn hơn cháo cua biển chính là lựa chọn tuyệt vời để bổ sung dinh dưỡng cho bé. Trong cua biển còn chứa nhiều protein, vitamin và chất béo omega 3, giúp bé phát triển trí não và tăng cường trí nhớ cực hiệu quả. Mẹ tham khảo tác dụng của từng thành phần dinh dưỡng trong cua biển ngay dưới đây nhé:
1 – Chất đạm: Tăng cường sức đề kháng, hình thành các enzym giúp bé tiêu hóa tốt hơn
2 – Chất béo: Tham gia vào quá trình hình thành hệ thần kinh, giúp bé có đủ năng lượng hoạt động trong ngày.
3 – Canxi: Phát triển khung xương, giúp xương bé luôn chắc khỏe, hạn chế gãy xương.
4 – Sắt: Tăng lượng hồng cầu trong máu, lc da bé luôn hồng hào, tươi tắn, ngăn ngừa nguy cơ thiếu máu.
5 – Phốt pho: Tham gia vào quá trình phát triển khung xương, giúp bé hấp thụ canxi tốt hơn.
6 – Natri: Tham gia vào quá trình phát triển não bộ, giúp bé ổn định huyết áp và bảo vệ tim mạch.
7 – Magie: Giúp bé tăng cân, hỗ trợ hệ thần kinh và phát triển xương khớp toàn diện.
8 – Vitamin C: Tăng cường và bảo vệ hệ miễn dịch cho bé, ngăn chặn các nguy cơ nhiễm khuẩn từ môi trường.
9 – Vitamin B1: Giúp bé ăn ngon miệng hơn, ngăn ngừa các triệu chứng về đường tiêu hóa, tăng sức đề kháng cho bé
Với nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe, cháo cua biển phù hợp với nhiều thể trạng, nhất là các bé biếng ăn, còi xương, chậm lớn. Mẹ vào bếp và chuẩn bị ngay món cháo cua biển thơm ngon, bổ dưỡng cho bé yêu nhà mình thôi ạ!
2. 3 cách nấu cháo cua biển cho bé ăn dặm 7 – 12 tháng
Khi cho bé ăn cháo cua biển trong giai đoạn từ 7 – 12 tháng tuổi, mẹ cần đong đếm lượng cua sao cho phù hợp với nhu cầu phát triển của bé. Ở thời điểm này, mẹ cho bé ăn khoảng 20 – 30 gram cua biển/ngày, mỗi ngày có thể ăn một bữa, tối thiểu 3 – 4 lần/ tuần để đảm bảo dinh dưỡng cho bé.
2.1. Cách nấu cháo cua biển bí đỏ cho bé tăng cân vù vù
Nếu bé nhà mình có dấu hiệu biếng ăn, còi xương, chậm lớn thì cháo cua biển bí đỏ là món mẹ không thể bỏ qua. Bí đỏ chứa nhiều vitamin A, và hàm lượng acid glutamic cao, giúp bé tăng cường sức đề kháng và phát triển trí não. Mùi vị thơm béo của bí đỏ kết hợp với vị ngọt mềm thịt cua biển sẽ khiến bé yêu thích thú, ăn ngon miệng hơn và tăng cân vù vù.
2.1.1. Mẹ cần chuẩn bị
Chắc hẳn sau khi tìm hiểu tác dụng của món cháo cua biển bí đỏ, mẹ rất nóng lòng muốn chế biến món ngon này ngay cho bé. Mẹ hãy vào bếp và chuẩn bị các nguyên liệu này nhé!
- Thịt cua biển: 30 gram
- Bí đỏ: 30 gram
- Hạt sen tươi: 25 gram
- Gạo: 50 gram
- Dầu ăn: 1 thìa
2.1.2. Cách thực hiện:
Các nguyên liệu chuẩn bị cho món cháo cua biển bí đỏ cho bé thật đơn giản đúng không ạ! Thực hiện theo 4 bước sau mẹ nhé.
1 – Bước 1: Vo sạch gạo 2 lần với nước sạch để loại bỏ tạp chất. Cho gạo vào nồi cùng 400ml nước, ninh nhừ thành cháo.
2 – Bước 2: Bí đỏ mẹ gọt vỏ, rửa sạch, cắt thành từng miếng nhỏ. Hạt sen rửa sạch, loại bỏ hạt lép và tâm sen rồi cho vào nồi cháo cùng với bí đỏ, ninh nhừ từ 15 – 20 phút.
3 – Bước 3: Mẹ bắc chảo lên bếp, xào phần thịt cua đã chuẩn bị sẵn khoảng 3 – 5 phút cho thịt chín vàng.
4 – Bước 4: Cho phần cua đã xào vào nồi cháo, khuấy đều tay trong 3-5 phút, ninh nhừ 10 phút rồi tắt bếp. Vậy là món cháo cua bí đỏ thơm ngon đã sẵn sàng cho bé rồi!
2.1.3. Lưu ý cho mẹ
Khi nấu cháo, mẹ lưu ý cho nước lạnh vào nồi trước, chờ nước sôi rồi mới cho gạo nấu từ 15 – 20 phút cho gạo chín nhừ để cháo không bị cháy đáy.
2.2. Cách nấu cháo cua biển cà rốt bổ mắt
Một món ăn dinh dưỡng khác trong thực đơn cháo cua biển là món cháo cua biển cà rốt. Nhờ hàm lượng vitamin A cao có trong cà rốt kết hợp cùng các axit béo omega 3 có trong thịt cua, món cháo cua biển nấu cà rốt rất phù hợp với các bé cần cải thiện thị lực. Bé có đôi mắt sáng khỏe, tràn đầy sức sống để khám phá thế giới xung quanh.
2.2.1. Mẹ cần chuẩn bị
Bắt tay vào chuẩn bị nguyên liệu để nấu món cháo cua biển cà rốt cho bé thôi mẹ ơi!
- Thịt cua biển: 30 gram
- Cà rốt: 1 củ
- Rau mùi: 1 nhánh
- Hành khô: 1 củ
- Gạo tẻ: 50gram
- Dầu ăn: 1 thìa
2.2.2. Cách thực hiện
Nguyên liệu cho món cháo cua biển cà rốt đã sẵn sàng. Tiếp đến, mẹ nấu cháo theo công thức sau nhé:
1 – Bước 1: Đầu tiên, rửa sạch cà rốt, gọt vỏ, cắt hạt lưu rồi đem luộc chín. Hành khô bóc vỏ, rửa sạch, băm nhuyễn
2 – Bước 2: Vo gạo 2 lần với nước sạch để loại bỏ tạp chất. Đun sôi 400ml nước rồi cho gạo vào nồi, ninh nhừ thành cháo từ 15 – 20 phút.
3 – Bước 3: Mẹ bắc chảo lên bếp, phi thơm hành khô và cho phần thịt cua đã chuẩn bị vào đảo đều.
4 – Bước 4: Cho thịt cua đã xào và cà rốt luộc vào nồi cháo, khuấy đều tay từ 3 – 5 phút, ninh nhừ 10 phút rồi tắt bếp. Mẹ để nguội một lát rồi múc cháo ra bát cho bé thưởng thức.
2.2.3. Lưu ý cho mẹ
Khi nấu cháo cua biển chung với rau củ hay các loại thực phẩm khác, mẹ nhớ nấu riêng từng loại. Chỉ nên cho các thành phần đã chuẩn bị nấu chung với cháo ở 10 phút cuối cùng để cháo giữ được hương vị đậm đà, không bị trộn lẫn mùi vị, thịt cua cũng không bị bở nát mẹ nhé.
2.3. Cách nấu cháo cua biển khoai mỡ cho bé bị táo bón
Với các bé thường xuyên bị táo bón hay đường ruột kém thì món cháo cua biển khoai mỡ là lựa chọn phù hợp nhất cho bé. Các thành phần enzym và tinh bột có trong khoai mỡ kết hợp cùng lượng protein phong phú của cua biển sẽ giúp tăng cường các vi lợi khuẩn đường ruột, nhờ đó tình trạng táo bón của bé được cải thiện nhanh chóng.
2.3.1. Mẹ cần chuẩn bị
Để bắt tay vào nấu món cháo cua biển khoai mỡ cho bé, mẹ hãy vào bếp và chuẩn bị ngay những nguyên liệu này nhé!
- Thịt cua biển: 30 gram
- Khoai mỡ: 30 g
- Hành: 1 củ
- Dầu ăn: 1 thìa
2.3.2. Cách thực hiện
Mẹ thực hiện theo 4 bước sau:
1 – Bước 1: Khoai mỡ mẹ cạo vỏ, rửa sạch cho hết nhớt. Cắt khoai mỡ thành từng phần nhỏ rồi đem đi hấp. Hành rửa sạch, lột vỏ, băm nhuyễn.
2 – Bước 2: Mẹ vo sạch gạo 2 lần với nước để loại bỏ tạp chất. Đun 400ml nước sôi rồi cho gạo vào nấu đến khi gạo nở và chín nhừ.
3 – Bước 3: Mẹ bắc chảo lên bếp. Phi thơm hành rồi cho phần thịt cua đã chuẩn bị vào đảo đều tay từ 3 – 5 phút đến khi thịt cua vàng đều.
4 – Bước 4: Cho phần khoai mỡ đã hấp vào nồi cháo nấu từ 10 – 15 phút đến khi cháo nhừ. Sau đó, đem phần thịt cua đã xào vào khuấy đều 2 – 3 phút rồi tắt bếp. Thế là món cháo cua biển khoai mỡ đã hoàn thành. Thật đơn giản mẹ nhỉ!
2.3.3. Lưu ý cho mẹ
Mẹ lưu ý khi nấu cháo cua biển khoai mỡ cho bé, chỉ khuấy cháo một chiều trong hai lần. Lần thứ nhất khi nước mẹ cho gạo vào nước sôi và lần thứ hai khi mẹ thêm phần thịt cua vào cháo để cháo được sánh, mịn mà không bị nát hạt gạo.
3. 3 cách nấu cháo cua biển cho bé trên 1 tuổi
Khi bước sang giai đoạn 1 tuổi, lúc này cần nhiều chất dinh dưỡng hơn để phục vụ cho quá trình phát triển và hoạt động hàng ngày. Mẹ cần tăng lượng thịt cua cho bé lên thành 30 – 40 gam một bữa và cho bé ăn ít nhất 3 – 4 lần/tuần. Mẹ cũng đừng quên cân bằng dinh dưỡng cho bé bằng cách kết hợp thịt cua với các loại thực phẩm khác. Dưới đây là 3 cách nấu cháo thịt cua cho bé ăn ngon miệng.
3.1. Cách nấu cháo cua biển nấm rơm tăng sức đề kháng
Món cháo cua biển nấm rơm là món ăn bổ dưỡng, giúp bé tăng cường sức đề kháng hiệu quả. Không chỉ nhờ các vitamin và khoáng chất phong phú có trong thịt cua, nấm rơm cũng chứa nhiều các axit amin thiết yếu, giúp bé cải thiện sức khỏe và chống lại các vi khuẩn gây bệnh. Nếu bé dễ bị cảm, ốm vặt, mẹ hãy thêm món ăn này vào thực đơn của bé nhé!
3.1.1. Mẹ cần chuẩn bị
Để có món cháo cua biển nấm rơm đậm đà, đúng vị, mẹ chuẩn bị những nguyên liệu sau:
- Thịt cua biển: 30 gram
- Nấm rơm: 30 gram
- Rau mùi: 1 nhánh
- Hành khô: 1 củ
- Gạo tẻ: 50gram
- Dầu ăn: 1 thìa
- Muối: ½ thìa
3.1.2. Cách thực hiện
Món cháo cua biển nấm rơm rất đơn giản chỉ với 5 bước sau:.
1 – Bước 1: Nấm rơm mẹ rửa sạch, gọt bỏ phần gốc, cắt lát vừa ăn. Nếu mẹ mua nấm khô, cần ngâm từ 10 – 15 phút để nấm nở đều.
2 – Bước 2: Vo sạch gạo 2 lần với nước để loại bỏ tạp chất, sau đó cho 400ml nước vào nồi. Khi nước sôi, mẹ cho gạo vào nấu nhừ.
3 – Bước 3: Mẹ bắc chảo lên bếp, cho một ít dầu ăn vào chảo. Chờ dầu sôi thì mẹ cho phần nấm rơm đã cắt vào đảo đều đến khi nấm chín mềm.
4 – Bước 4: Hành rửa sạch, băm nhuyễn sau đó phi thơm. Cho phần thịt cua đã chuẩn bị vào, rắc thêm một ít muối và xào đến khi thịt cua vàng lại.
5 – Bước 5: Cho phần thịt cua và nấm vào nồi cháo. Ninh nhừ từ 10 – 15 phút thì tắt bếp. Mẹ múc cháo cua biển nấm rơm ra bát rồi cho bé thưởng thức.
3.1.3. Lưu ý cho mẹ
Khi chọn nấm rơm, mẹ nên chọn loại nấm có búp to, tròn và chưa nở hoàn toàn để đảm bảo nấm có vị thơm, đậm đà hơn.
3.2. Cách nấu cháo cua biển rau ngót cho bé bị ra mồ hôi trộm
Một trong những tác dụng khác của món cháo cua biển chính là khả năng hạn chế mồ hôi trộm cho bé, nhất là khi nấu cháo cua biển với rau ngót. Trong rau ngót chứa nhiều vitamin C và rất giàu chất đạm, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc hiệu quả, giúp thân nhiệt của bé được điều chỉnh ổn định.
3.2.1. Mẹ cần chuẩn bị
- Thịt cua biển: 30 gram
- Lá rau ngót: 30 gram
- Rau mùi: 1 nhánh
- Hành khô: 1 củ
- Gạo tẻ: 50gram
- Dầu ăn: 1 thìa
- Muối: ½ thìa
3.2.2. Cách thực hiện
Chỉ với 5 bước đơn giản là mẹ có thể nấu được món cháo cua biển rau ngót thơm ngon, đúng vị cho bé.
1 – Bước 1: Đầu tiên, mẹ rửa sạch lá rau ngót đã vặt, nhặt sạch lá sâu và cho vào máy xay xay nhuyễn. Hành lột vỏ, rửa sạch, băm nhỏ. Rau mùi rửa sạch, cắt nhỏ vừa ăn.
2 – Bước 2: Vo gạo kỹ 2 lần với nước để loại bỏ tạp chất. Đun sôi 400 ml nước rồi cho gạo vào, ninh nhừ 15 – 20 phút.
3 – Bước 3: Mẹ phi thơm hành, cho phần thịt cua đã chuẩn bị vào đảo đều với muối đến khi vàng lại.
4 – Bước 4: Mẹ thêm phần rau ngót đã xay và thịt cua vào nồi cháo, nấu lửa vừa từ 10 – 15 phút rồi tắt bếp.
5 – Bước 5: Cho phần rau mùi đã cắt lên trên, khuấy đều tay 1 – 2 phút. Vậy là món cháo cua biển rau ngót đã hoàn thành rồi ạ. Mẹ chờ nguội trong khoảng 15 phút rồi lấy cháo cho bé ăn ngay thôi!
3.2.3. Lưu ý cho mẹ
Nếu bé đang bị tiêu chảy hay đi ngoài nhiều lần, mẹ không nên cho bé ăn cháo cua biển rau ngót đâu ạ. Vì cua biển có tính hàn, khi ăn vào sẽ gây lạnh bụng và dễ khiến tình trạng tiêu chảy của bé trở nên nghiêm trọng hơn. Mẹ lưu ý điều này nhé!
3.3. Cách nấu cháo cua biển mồng tơi cho bé khó ngủ
Với các bé thường xuyên khóc đêm, khó ngủ thì món cháo cua biển mồng tơi là món ăn mẹ nên cho bé măm thử. Mồng tơi, cua biển đều rất giàu magie và kẽm, là hai khoáng chất không chỉ giúp duy trì hoạt động sống mà còn giúp cơ thể thư giãn và điều chỉnh chức năng của hệ thần kinh. Nhờ đó bé dễ dàng đi vào giấc ngủ hơn, ngủ sâu hơn.
3.3.1. Mẹ cần chuẩn bị
Mẹ bắt tay vào chuẩn bị món cháo cua biển mồng tơi cho bé yêu thôi nào! Dưới đây là các nguyên liệu mẹ cần chuẩn bị
- Thịt cua biển: 30 gram
- Lá mồng tơi: 5 lá
- Hành khô: 1 củ
- Gạo tẻ: 50gram
- Dầu ăn: 1 thìa
3.3.2. Cách thực hiện
Các bước thực hiện chỉ đơn giản như sau:
1 – Bước 1: Mẹ vo gạo kỹ với nước để loại bỏ tạp chất, sau đó bắc bếp. Cho 400ml nước sôi vào nồi. Khi nước sôi, cho thêm gạo và ninh đến khi gạo chín nhừ.
2 – Bước 2: Mồng tơi rửa sạch lá, xắt nhỏ hoặc xay nhuyễn. Hành củ rửa sạch, bóc vỏ, băm nhỏ.
3 – Bước 3: Bắc chảo lên bếp, phi thơm hành. Cho phần thịt cua đã chuẩn bị vào chảo và đảo đều đến khi thịt cua vàng lại.
4 – Bước 4: Cho phần rau và thịt cua đã nấu vào nồi cháo. Khuấy cháo nhẹ nhàng rồi tiếp tục nấu từ 5 – 10 phút thì tắt bếp. Mẹ đợi một chút cho cháo bớt nóng rồi bón cháo cho bé ăn ngay thôi!
3.3.3. Lưu ý cho mẹ
Khi nấu cháo cua biển rau mồng tơi cho bé, mẹ lưu ý chỉ lấy phần thịt cua, không nên cho bé ăn phần gạch cua để tránh bị đầy hơi, khó tiêu mẹ nhé.
4. Lưu ý khi cho bé ăn dặm với cua biển
Cháo cua biển đem lại giá trị dinh dưỡng cao trong thực đơn của bé nhưng để đảm bảo bé hấp thu trọn vẹn các chất dinh dưỡng trong cua biển và giữ vệ sinh, an toàn cho bé, mẹ đừng bỏ qua những lưu ý dưới đây nhé:
1 – Mua cua tươi ngon: Độ tươi của cua quyết định giá trị dinh dưỡng của món cháo đấy mẹ ạ. Mẹ nên chọn những con cua chắc thịt, càng to khỏe, mặt dưới càng và bụng cua có màu cam nâu sẫm và bóng để đảm bảo cua tươi ngon, lấy được nhiều phần thịt nấu cháo cho bé.
2 – Sơ chế cua đúng cách: Để lấy được toàn bộ phần thịt cua, giữ trọn mọi dưỡng chất và giúp món cháo không bị tanh, mẹ cần sơ chế cua đúng cách. Khi luộc cua, mẹ đập một chút gừng vào nồi nước luộc để khử tanh và cho một ít muối vào nồi để thịt cua thêm đậm đà mẹ nhé.
3 – Giữ vệ sinh cho bé: Khi ăn, không tránh khỏi trường hợp cháo cua sẽ dây lên miệng, tay và mặt của bé, đặc biệt với bé ăn dặm theo phương pháp tự chỉ huy. Mẹ nên lau cho bé bằng khăn ướt chuyên dụng để loại bỏ mùi tanh và giữ vệ sinh. Bên cạnh đó, để không lây nhiễm chéo vi khuẩn và mất công giặt giũ, mẹ hạn chế dùng khăn xô, ưu tiên chọn những loại khăn ướt có thành phần kháng khuẩn, dưỡng ẩm lành tính để bảo vệ làn da mỏng manh của bé.
4 – Quan sát biểu hiện của con: Một số bé có cơ địa bị dị ứng với cua biển do các kháng thể Globulin miễn dịch E (IgE) liên kết với các phân tử của cua, gây ra tình trạng tiêu chảy, nổi ngứa, phát ban, chóng mặt,… và thậm chí là ngất xỉu.
Với bé ăn cua lần đầu, mẹ chỉ nên thêm 1 lượng nhỏ (khoảng 2 – 3 thìa) để thử dị ứng và quan sát kĩ biểu hiện của bé. Nếu con ngứa ngáy, khó chịu, mẹ tham khảo ý kiến bác sĩ và kết hợp cho bé ăn nhiều rau sam, mướp, đậu xanh để làm dịu da, giảm nổi mẩn ngứa mẹ nhé.
Vậy là từ nay thực đơn của bé đã trở nên phong phú với 6 món cháo cua biển thơm ngon, đúng vị rồi mẹ nhỉ. Mẹ nhớ lựa chọn món cháo cua biển cho bé sao cho phù hợp với thể trạng của con, luôn cân bằng dinh dưỡng cá bằng cách kết hợp các thực phẩm khác và lau miệng cho bé sạch sẽ sau khi ăn xong mẹ nhé. Nếu còn điều gì thắc mắc, mẹ hãy để lại bình luận ở dưới để được Góc của mẹ giải đáp.