Trong những năm tháng đầu đời, sữa là nguồn thức ăn chính giúp bé phát triển cả về thể chất lẫn trí tuệ. Nhưng nhỡ đến một ngày bé ăn dặm không chịu uống sữa thì mẹ phải làm thế nào? Cảm giác đầu tiên chắc chắn là bồn chồn, “đứng ngồi không yên”, sợ ảnh hưởng đến sức khỏe của con đúng không mẹ nhỉ? Thấu hiểu những trăn trở đó, Góc của mẹ sẽ chia sẻ bài viết này để cùng mẹ tìm hiểu nguyên nhân và cách xử lý khi bé không chịu uống sữa
Mục lục
1. Bé ăn dặm không chịu uống sữa, mẹ có cần lo lắng?
Ăn dặm là giai đoạn quan trọng vì bé được tiếp xúc với những thực phẩm mới lạ, giàu dinh dưỡng như trái cây, rau xanh, các loại thịt,… nhờ đó cơ thể bé phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần. Cũng vì được ăn thực phẩm nhiều màu sắc, nhiều hương vị mà bé nảy sinh cảm giác chán uống sữa, không còn hứng thú khi ti mẹ/ti bình.
Mẹ thấy con ăn dặm không uống sữa thì lòng lo lắng, không biết ảnh hưởng đến sức khỏe của con như thế nào. Nếu vậy, mẹ hãy cùng Góc của mẹ điểm lại ngay những tác động khi bé ăn dặm không chịu uống sữa ngay nhé:
- Cơ thể bé thiếu hụt các dưỡng chất quan trọng như chất béo, chất đạm, vitamin D, vitamin A, vitamin B12,…
- Hệ miễn dịch của bé yếu suy giảm, vi khuẩn dễ dàng xâm nhập, gây các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa,…
- Bé trở nên thụ động, lười chạy nhảy; chậm hiểu hơn những bạn cùng trang lứa
- Bé lười uống sữa, ăn dặm nhiều hơn mức cần thiết dễ dẫn đến tích tụ mỡ thừa, gây thừa cân, béo phì
Nhưng mẹ đừng quá lo lắng, để con yêu thích việc măm sữa trở lại, mẹ chỉ cần hiểu con và áp dụng những mẹo dưới đây. Chắc chắn rất nhanh thôi, bé yêu sẽ lại quay về thân thiết với bạn bình sữa và ti mẹ. Mẹ hãy kiên nhẫn bước từng bước cùng con nhé!
2. 6 nguyên nhân và cách khắc phục tình trạng bé ăn dặm không chịu uống sữa
2.1. Mẹ cho con ăn dặm quá sớm
Hệ tiêu hóa của bé dưới 6 tháng tuổi rất non nớt, mẹ cho bé ăn dặm sớm sẽ dẫn đến tình trạng quá tải, đầy bụng. Dạ dày, đường ruột phải làm việc hết công suất, vô tình tạo áp lực cực đại lên chúng. Cũng chính vì vậy mà bé không thể nạp vào cơ thể lượng chất lỏng nào nữa vì cảm giác bụng no căng sữa sẽ khiến bé khó chịu hơn. Rõ ràng là chuyện tốt, muốn con làm quen với nhiều món ăn dặm mới nhưng mẹ lại không biết cho con ăn quá sớm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe cũng như quá trình ti sữa của bé.
Nếu nhỡ cho con ăn dặm sớm, mẹ nên quan sát biểu hiện của con xem con có dấu hiệu dị ứng, hóc nghẹn, nôn trớ hay không để dừng hẳn. Trong trường hợp bé có dấu hiệu ăn dặm được sớm (trước 6 tháng), tốt nhất mẹ vẫn nên tham khảo ý kiến chuyên gia để đảm bảo an toàn nhất nhé.
Từ những phân tích bác sĩ chuyên khoa nhi hoặc các chuyên gia dinh dưỡng, giai đoạn 6 tháng tuổi hoặc khi bé được 5 tháng nhưng có các biểu hiện sẵn sàng ăn dặm sau là mẹ cho bé măm măm được rồi:
- Thay đổi về cân nặng: Cân nặng gấp đôi lúc mới sinh, thường xuyên thấy đói là những dấu hiệu rõ ràng nhất. Lúc này, cơ thể bé đã dung nạp được những loại thực phẩm mới và tiêu hóa chúng.
- Tư thế: Bé ngẩng cao đầu tốt, giữ được tư thế cân bằng là lúc bé đã có khả năng tiếp nhận được thức ăn đặc hơn, mẹ cân nhắc bổ sung cho con để đa dạng khẩu phần ăn hằng ngày.
- Phản ứng đối với thức ăn: Con hò reo, thích thú; chồm tay về phía trước mỗi khi thấy gia đình dùng cơm hoặc khi thấy mẹ bày biện thực phẩm; con hứng thú với những màu sắc của rau củ quả, thịt cá; không còn hiện tượng nhè thức ăn ra. Đó là những biểu hiện rõ rệt nhất chứng tỏ con yêu đã sẵn sàng ăn dặm.
2.2. Đồ ăn dặm thơm ngon và bắt mắt
Bắt đầu ăn dặm cũng là thời điểm bé được tiếp xúc với những món ăn chưa từng thử hay nếm trước đây. Đó cũng là lý do bé dễ bị thu hút bởi những màu sắc xanh đỏ tím vàng và hương vị mới lạ, bắt miệng của thực phẩm (trái cây, rau củ, cá thịt,…). Do mải mê thưởng thức “món ngon vật lạ” nên bé lơ là uống sữa, thậm chí không thèm ti mẹ lẫn uống sữa công thức.
Những lúc này, mẹ áp dụng những mẹo sau đây nhé:
1 – Thêm sữa vào món ăn dặm của con yêu
Mẹ nên thêm sữa vào các món ăn dặm để con vừa ăn dặm thoải mái vừa nạp được lượng sữa nhất định vào cơ thể. Ví dụ khi làm món sinh tố chuối, đu đủ, bơ,… mẹ cho thêm 60ml/100ml sữa vào để món ăn mềm mịn, thơm ngon hơn.
Ngoài ra mẹ có thể áp dụng những món ăn mix cùng sữa khác như chuối nghiền sữa, khoai tây nghiền trộn sữa, đậu hũ non,… tùy vào nhu cầu của con và mức độ đáp ứng của sữa mẹ mà luân phiên giữa sữa mẹ và sữa công thức. Như vậy, bé vừa được bổ sung dinh dưỡng từ sữa, vừa được những món ăn hấp dẫn theo sở thích của bé, làm 1 mà được 2 đó mẹ.
2 – Chọn bình sữa có thiết kế đẹp, bắt mắt
Để kích thích con uống sữa nhiều hơn mẹ nên đầu tư bình sữa màu sắc sặc sỡ, hình thù dễ thương, đáng yêu, bắt mắt; tránh lựa chọn những bình có thiết kế đơn điệu, kém thu hút. Việc lựa bình sữa cũng sẽ góp phần làm cho quá trình ti bình của bé yêu diễn ra trơn tru hơn. Đây cũng là giải pháp tối ưu cho những bé không bú mẹ hoặc đang trong quá trình cai ti mẹ.
2.3. Con ăn đồ ăn dặm no bụng rồi
Mẹ muốn con phát triển khỏe mạnh, mau ăn chóng lớn nên thường nhồi nhét thức ăn trong cùng một bữa. Mẹ thường dỗ dành “ăn đi con”, “ăn ngoan mẹ thương nhé”. Nhưng mẹ không hề hay biết ăn quá nhiều trong cùng một bữa, thời gian biểu không hợp lý sẽ khiến con no bụng, lười ti sữa. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, bé từ 6-7 tháng chỉ có thể nạp 100-200ml thức ăn mỗi lần măm măm thôi mẹ ạ.
Trong mỗi bữa ăn dặm, mẹ cần phân bổ lượng thức ăn vừa phải, đáp ứng được nhu cầu của con. Đồng thời mẹ cũng nên giãn thời gian giữa bữa chính và cữ sữa để con có thời gian tiêu hóa (thường cách nhau khoảng 2 giờ).
Lưu lại ngay biểu đồ ăn dặm “chuẩn không cần chỉnh” trong bài viết sau mẹ nhé: Gợi ý cho mẹ 5 biểu đồ ăn dặm cho bé từ 6 đến 12 tháng tuổi.
2.4. Mẹ ơi sữa không giống mọi khi con uống
2.4.1. Trường hợp bé ti mẹ
Một sự thật có thể mẹ chưa biết, con càng lớn sữa mẹ càng giảm dần dinh dưỡng, không còn thơm ngon như lúc ban đầu, vô tình làm bé lười ti hơn. Bên cạnh đó, sữa mẹ tiết ra cũng ít hơn khi con ăn dặm do dòng sữa bị gián đoạn, không còn dồi dào như trước. Bé ti mỏi miệng mà chẳng được gì, bụng cứ kêu vì đói mãi thôi. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến bé chán ti, không còn hứng thú bú mẹ nữa, dần dà nảy sinh cảm giác chán sữa.
Để hạn chế việc bé bỏ ti mẹ, mẹ nên kết hợp cho bé ti sữa công thức, cứ 3 cữ thì sẽ có 2 cữ và 1 cữ ti sữa công thức, cách làm này sẽ khuyến khích bé ti mẹ hàng ngày để sữa tiết đều hơn. Nếu mẹ chưa biết lượng chuẩn sữa cho bé sơ sinh thì hãy xem ngay bảng thống kê sau từ Góc của mẹ, mẹ nhé:
2.4.2. Trường hợp bé uống sữa công thức
Nguyên nhân bé không chịu uống sữa công thức có thể bắt nguồn từ việc mẹ pha không chuẩn (quá đặc hoặc quá loãng) làm bé uống không quen miệng. Hoặc có thể do mải chuẩn bị món ăn dặm cho con mà mẹ quên vệ sinh bình sữa, hoặc vệ sinh không kĩ, mùi vị lạ của bình sữa ảnh hưởng đến chất lượng bữa ăn khiến bé bú không còn ngon.
Mẹ pha sữa đúng định lượng nước – sữa mà nhà sản xuất đã khuyến cáo để cân đo đong đếm liều lượng phù hợp, tránh tình trạng pha sữa quá đặc hoặc quá loãng. Ngoài lượng sữa, mẹ cũng nên chuẩn bị dụng cụ ti sữa chu đáo, sạch sẽ để bảo đảm trải nghiệm ti bình cho bé. Một trong những bước không thể thiếu đó là vệ sinh bình sữa, lấy đi cặn sữa còn đọng lại, loại bỏ mùi khó chịu làm ảnh hưởng đến chất lượng bữa ti.
Nếu muốn tiện công, đỡ mất nhiều chi phí, mẹ nên sử dụng nước rửa bình sữa và rau quả chuyên dụng cho trẻ sơ sinh có thành phần kháng khuẩn như chiết xuất ngô, rượu dừa, Alkyl Dimethylglycine Hydrochloride, vừa đánh bay mùi khó chịu do protein trong sữa lên men, vừa phân hủy cặn sữa cứng đầu, làm sạch hoàn toàn mọi ngóc ngách của bình sữa.
Nước rửa bình sữa của những thương hiệu nổi tiếng còn an toàn đến mức, mẹ dùng rửa được cả rau quả, thực phẩm cả nhà mình ăn hàng ngày nữa cơ mẹ ạ! Tiện cả đôi đường mẹ nhỉ! Có “chiến binh” này rồi, mẹ không lo bình sữa của con có mùi hôi, núm ti bị mốc, bé ti cũng ngon miệng hơn và lớn khỏe hơn.
2.5. Cơ thể con hơi khó chịu
Những thay đổi về sức khỏe khiến bé mệt mỏi, khó chịu cũng có thể là cội nguồn của tình trạng không chịu uống sữa. Một số vấn đề bé thường gặp mà mẹ nên lưu tâm trong giai đoạn ăn dặm bao gồm: mọc răng, sưng lợi, rối loạn hệ tiêu hóa, đường ruột không ổn định, tiêu chảy, táo bón,… Trong những trường hợp này, bé không chỉ lười ti sữa mà còn lười cả ăn dặm đấy mẹ ạ.
Nếu bé yêu khó chịu, quấy khóc, gặp tình trạng về sức khỏe, mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn cặn kẽ hơn, đồng thời cũng giúp bé dứt được bệnh sớm. Mẹ đừng tự ý mua thuốc cho con uống vì rất dễ ảnh hưởng đến sức khỏe của con do “sờ không đúng bệnh”.
Mẹ cũng cần cho con măm măm những loại thức ăn phù hợp để con bớt khó chịu. Nếu con mọc răng mẹ nên cho con ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin A, D (các loại rau có màu đỏ, màu xanh đậm, trứng, cá), cháo loãng, những món có kết cấu mềm mịn như sinh tố. Nếu con có vấn đề về tiêu hóa mẹ nên cho con ăn nhiều rau xanh, thực phẩm dễ tiêu hóa như chuối, bơ, sữa chua,…
2.6. Con thích hương vị đồ ăn dặm hơn
Nhiều mẹ bỉm khi con mới ăn dặm đã nêm nếm gia vị như khi nấu cho người lớn, bé quen vị mặn, đậm đà, không chịu uống sữa vì sữa mẹ có vị nhạt hơn cũng là điều dễ hiểu. Chưa kể, mỗi loại thực phẩm đều có những hương vị khác nhau, kích thích vị giác của bé, không “nhàm chán”, chỉ có một vị như sữa mẹ hoặc sữa công thức. Khi đã quá quen với những món ăn dặm, bé sẽ lười uống sữa vì cảm thấy không còn hứng thú nữa.
Khi trót nêm gia vị cho bé nhà mình thì mẹ nên giảm dần vị mặn của đồ ăn để bé thích nghi từ từ, hạn chế việc bé bỏ bữa ăn do không quen vị. Nếu vẫn muốn món ăn dặm của con đậm đà hơn mẹ có thể thay thế gia vị của người lớn thành gia vị dành riêng của bé. Hiện nay trên thị trường cũng bày bán nhiều loại dầu ăn dặm, hạt nêm ăn dặm,… mẹ có thể tham khảo tại những sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada,… Để đảm bảo sức khỏe của bé, mẹ lưu ý tham khảo ý kiến bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng và có sự căn chỉnh liều lượng phù hợp.
Trên đây là những nguyên nhân và cách khắc phục tình trạng bé ăn dặm không chịu uống sữa. Mẹ tham khảo và áp dụng ngay để bé vừa ăn dặm ngon, vừa chăm ti sữa, lớn nhanh vùn vụt nhé. Có thể con chưa “ngoan ngoãn hợp tác” ngay đâu, nhưng cứ bình tĩnh, đừng quát tháo, nạt nộ con kẻo ảnh hưởng đến tâm lý của bé yêu. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào, mẹ để lại bình luận bên dưới để Góc của mẹ giải đáp nhé!