Bé yêu bước vào giai đoạn ăn dặm, cần bổ sung nhiều dinh dưỡng hơn. Bên cạnh nguồn cung từ động vật như thịt bò, thịt gà, thịt lợn, mẹ cũng cần xây dựng thực đơn ăn dặm hoa quả cho bé để bé phát triển toàn diện. Góc của mẹ gợi ý cho mẹ cách chuẩn bị nhiều loại hoa quả khác nhau để bé măm măm đổi bữa mà không lo bị ngán ngay dưới đây.
Mục lục
1. Thời điểm nên cho bé ăn dặm hoa quả
Khoảng thời gian từ lúc vừa sinh ra đến dưới 6 tháng tuổi, hệ tiêu hóa của bé chưa hoàn thiện, không thể dung nạp bất kì thực phẩm nào khác ngoài sữa. Đến khi bé đủ 6 tháng tuổi và chập chững bước vào quá trình ăn dặm, mẹ nên bổ sung thêm nhiều nguồn thực phẩm khác nhau, trong đó có hoa quả để cơ thể bé làm quen cũng như tăng cường dinh dưỡng, thúc đẩy quá trình trao đổi chất, giúp bé cao lớn, khỏe mạnh.
Tuy nhiên không phải loại quả nào bé cũng ăn được ngay. Ví dụ bé 6 tháng tuổi không thể ăn ngay những loại quả có kết cấu giòn, thô cứng như táo, lê, mà cần mẹ hấp chín hoặc nghiền nhuyễn. Tương tự, bé 6-6.5 tháng không thể ăn kiwi, ổi vì chứa hàm lượng vitamin C cao, có tính axit nhẹ làm ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, khiến bé ợ chua, đầy hơi, thậm chí tiêu chảy. Vì vậy, lựa chọn hoa quả phù hợp với giai đoạn phát triển của con là tiêu chí mẹ cần cân nhắc đó ạ.
2. 13 loại hoa quả cho bé ăn dặm cực bổ dưỡng
Khi bé bước vào giai đoạn ăn dặm, mẹ nên bổ sung nhiều loại hoa quả khác nhau để thúc đẩy quá trình phát triển cả về thể chất lẫn trí tuệ. Mỗi loại hoa quả đều chứa hàm lượng vitamin, khoáng chất “đáng gờm”, đặc biệt là 13 loại dưới đây:
2.1. Quả bơ
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, bơ là loại quả đứng đầu trong thực đơn ăn dặm của bé từ 6 tháng tuổi. Bơ mềm, vị thơm béo, lại chứa nhiều dưỡng chất có lợi như vitamin A, C, D, E, K, folate, thiamin, niacin.
Hàm lượng chất xơ dồi dào trong quả bơ sẽ làm mềm phân, giúp phân trôi tuột từ ruột già ra bên ngoài, cực phù hợp với bé táo bón, đi tiêu khó khăn. Mẹ có thể biến tấu bơ thành nhiều món khác nhau để đa dạng thực đơn cho bé yêu, ví dụ như: sinh tố bơ – chuối, súp bơ cà rốt, bơ nghiền sữa mẹ/sữa công thức,…
Để mua được bơ ngon, ngọt, không bị chát, mẹ quan sát kĩ phần vỏ có màu nâu tím, sần sùi, cầm nặng tay, khi lắc nghe tiếng hạt kêu lục cục. Cần tránh những quả ọp ẹp, mềm nhũn hoặc cuống bơ còn cứng mẹ nhé!
Mẹ nào còn băn khoăn về cách chế biến hay bảo quản bơ, không cần tìm kiếm đâu xa, đọc ngay bài viết này, mẹ nhé: Bơ cho bé ăn dặm được chế biến và bảo quản như thế nào?
2.2. Quả chuối
Song hành cùng bơ, chuối được xem là thực phẩm giúp bé ăn dặm hiệu quả. Kết cấu chuối mềm mịn, dễ ăn, mẹ bổ sung ngay từ tháng thứ 6 cho bé mà không lo con hóc, nghẹn. Chưa hết, chuối chứa rất nhiều kali, chất xơ, vitamin C, B6 giúp bé nhuận tràng, tăng cường hệ miễn dịch và chống lại các tác nhân gây hại.
Để thực đơn của bé không nhàm chán, mẹ biến hóa chuối thành nhiều món ăn hoặc kết hợp cùng những thực phẩm khác, như: chuối nghiền, chuối trộn sữa, súp chuối táo, bánh trứng chuối,... Nếu mẹ vẫn còn lăn tăn, chưa biết chế biến sao cho hấp dẫn để các cô cậu nhà mình dùng ngon miệng thì tham khảo bài viết 8 món sinh tố chuối cho bé ăn ngon không thể cưỡng lại nhé!
Muốn chọn được chuối ngon, mẹ lấy quả có phần vỏ vàng đều, lốm đốm, mùi thơm đặc trưng của chuối tỏa ra xung quanh. Không nên mua những quả có sự khác biệt màu sắc giữa thân và cuống (cuống xanh đậm nhưng phần thân lại màu vàng) vì rất có khả năng những quả này đã bị tẩm thuốc và có vị chua, chát, ảnh hưởng đến sức khỏe của bé yêu.
2.3. Quả đu đủ
Đu đủ có kết cấu mềm, lành tính, phù hợp cho bé 7 tháng tuổi trở lên. Trong đu đủ có chứa nhiều dưỡng chất có lợi như vitamin A, C, B9, chất xơ nhằm củng cố hệ miễn dịch, giúp bé có đôi mắt tinh anh, trái tim và hệ tiêu hóa khỏe mạnh.
Các món chế biến từ đu đủ cho bé yêu có thể kế đến như: sinh tố đu đủ – xoài, đu đủ nghiền nhuyễn, đu đủ trộn sữa mẹ/sữa công thức, canh đu đủ hầm,… có cấu trúc mềm, dễ ăn, hương vị ngọt mát kích thích vị giác. Tùy vào nhu cầu, sở thích của bé mà mẹ thay đổi linh hoạt các món ăn nhé.
Khi chọn mua, mẹ ưu tiên lựa chọn những quả đu đủ dài, cầm chắc tay, chín đều và cuống còn dính nhựa vì đây là những quả đu đủ chín cây và rất thơm ngon. Mẹ tuyệt đối không mua những quả bên ngoài sáng loáng, sờ vào cứng cáp mặc dù vỏ đã chuyển sang màu vàng vì đây là dấu hiệu đu đủ đã bị tiêm thuốc kích chín.
Vừa giàu dinh dưỡng, chế biến lại chưa tới 5 phút, nhà mình có sẵn đu đủ rồi, vào bếp để Tự tay làm 6 món sinh tố đu đủ cho bé càng ăn càng mê luôn thôi mẹ ơi!
2.4. Quả xoài
Xoài là loại quả nhiệt đới quen thuộc, được nhiều bé ưa thích, thành phần dinh dưỡng “đỉnh của chóp” là lý do mẹ nên chọn mua loại quả này. Trong 1 cốc xoài tươi 165 gram đã cung cấp gần 67% DV vitamin C; loại vitamin tan trong nước này hỗ trợ hệ thống miễn dịch của bé, giúp cơ thể bé hấp thụ sắt và thúc đẩy sự phát triển của tế bào.
Kết cấu của xoài tương đối mềm nhưng mẹ lưu ý cắt nhỏ hoặc nghiền nhuyễn để tránh làm con bị hóc, nghẹn. Loại quả này phù hợp với những bé mới bước vào quá trình ăn dặm (6-7 tháng tuổi).
Góc của mẹ mách nhỏ mẹ vài món ăn có nguyên liệu chính từ xoài để mẹ dễ dàng vào bếp nhé: sinh tố xoài – dứa, xoài dầm sữa, sinh tố xoài – nho,... Khám phá ngay bài viết 6 món sinh tố xoài cho bé ăn ngon không thể cưỡng lại và xắn tay ngay vào bếp mẹ ơi. Chỉ cần một cú nhấp chuột, mẹ đã có ngay 6 bí kíp chuẩn bị sinh tố xoài thơm ngon, bổ dưỡng cho bé yêu rồi!
Khi chọn xoài, mẹ nên chọn quả có vỏ màu vàng đều, da căng bóng, không có vết thâm, lốm đốm hay sần sùi. Mẹ sờ phần thịt ngay cuống xoài, thấy chắc tay, không bị mềm nhũn và ngửi được mùi thơm thì chứng tỏ đó là xoài ngon đấy ạ!
2.5. Quả na
Quả na đã không còn xa lạ với mẹ, có thể dễ tìm thấy ở các chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi. 100g na có chứa đến 75 kcal năng lượng, 25.2g carbohydrate, 20mg canxi, 19.2mg vitamin C cùng nhiều dưỡng chất khác giúp con có cấu trúc xương, răng khỏe mạnh, hệ miễn dịch tốt, chống lại tác nhân gây hại.
Loại quả này có vị ngọt, thịt mềm và dai nhẹ; đặc biệt khi mẹ đem na xay nhuyễn sẽ tạo ra hỗn hợp xốp xốp, đặc quánh làm bé yêu thích mê và ăn thun thút cho mà xem. Ngay khi con tròn 6 tháng tuổi, mẹ bổ sung na vào thực đơn ăn dặm để con thưởng thức nhé.
Một số ăn dặm hoa quả cho bé mẹ có thể tận dụng từ quả na như: na nghiền, na trộn sữa, na dầm, sinh tố na – chuối, sinh tố na – bơ,… Mẹ nên đa dạng thực đơn và thay đổi luân phiên với các loại quả khác để con không bị ngấy cũng như cũng cấp dưỡng chất từ nhiều nguồn thực phẩm khác khi kết hợp cùng na. Để chọn được na ngon, mẹ lưu ý vỏ na phải đều màu, rãnh mắt na màu trắng ngà, không bị thâm đen, cuống vẫn còn, cầm chắc tay, không ọp ẹp.
2.6. Quả kiwi
Được mệnh danh là loại quả chứa nhiều vitamin C (cao gấp đôi cam), quả kiwi cực phù hợp với những bé mới khỏi viêm da, hăm tã bởi khả năng làm sáng da, hỗ trợ làm lành vết thương. Do kiwi chứa hàm lượng vitamin C cao, mẹ cân nhắc đợi đến khi bé 7-8 tháng tuổi mới bổ sung loại quả này, tránh tình trạng bé bị loét dạ dày, ợ chua.
Kiwi còn chứa nhiều dưỡng chất khác như: chất xơ, magie, kali, hormone serotonin, lutein,… có tác dụng kích thích sự phát triển của mô, xương, nướu, điều hòa đường huyết, tốt cho hệ thần kinh và cải thiện khả năng ghi nhớ.
Để bé ăn được nhiều mà không bị ngấy mẹ kết hợp kiwi cùng nhiều thực phẩm khác để cho ra lò những món sinh tố thơm ngon, béo ngậy như: kiwi – táo, kiwi – sữa chua, kiwi – bơ,… nhé
Gợi ý mẹo chọn kiwi ngon: mẹ dùng tay ấn nhẹ vào cuống quả, nếu cảm nhận được độ mềm thì kiwi đã chín và thơm ngon. Ngược lại, mẹ ấn vào vẫn thấy còn cứng chứng tỏ kiwi chưa chín, hoặc bị thu hoạch non, ăn vào sẽ có vị chát.
2.7. Quả cam
Cam xuất hiện lần đầu tại Trung Quốc cách đây hàng nghìn năm và hiện được trồng ở nhiều vùng đất nhiệt đới trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Mỗi quả cam được xem là một “kho tàng” dinh dưỡng vì chứa rất nhiều chất có lợi cho cơ thể. Trong 1 quả cam 140gr chứa đến 86% trọng lượng nước, 1,3gr chất đạm, 14,8gr carbs, 92% DV vitamin C, dùng hồi sức cho bé mới ốm dậy cực hiệu quả.
Kết cấu quả cam có dạng từng múi nhỏ, mọng nước, mẹ ép lấy nước hoặc cho bé ăn trực tiếp đều được. Đặc biệt, bé nào đang thiếu hụt vitamin C thì không thể bỏ qua loại quả này rồi. Tuy nhiên, để đảm bảo dạ dày của bé có khả năng tiêu thụ lượng vitamin C có trong cam,, mẹ đợi bé được 7-8 tháng tuổi rồi mới bổ sung nhé.
Gợi ý mẹ vài món ăn từ cam giúp bé ăn dặm tốt hơn nè: nước ép cam, nước ép cam táo, cam sữa, kem sữa chua cam, cam hầm cà rốt,… Ngoài ra, khi chọn cam, mẹ ưu tiên những quả tròn đầy, to bằng nắm tay trở lên, vỏ mỏng, phần núm ở đầu quả cam nhô ra; cam có đặc điểm này thường tươi ngon, mọng nước.
2.8. Quả thanh long
Thanh long có hai loại: ruột trắng và ruột đỏ chứa nhiều dưỡng chất có lợi cho cơ thể như carbohydrate, chất xơ, vitamin A, C, chất chống oxy hóa (flavonoid, axit phenolic và betacyanin) có tác dụng bảo vệ tế bào khỏi các gốc tự do, nhuận tràng, ổn định đường huyết và tăng cường hệ miễn dịch của bé.
Theo khuyến cáo của chuyên gia nhi khoa, mẹ có thể cho con ăn thanh long từ khi con đủ 6 tháng tuổi. Tuy nhiên, với bất cứ loại hoa quả nào lần đầu cho bé thưởng thức, mẹ đều cần cho con ăn trước lượng nhỏ (tầm 1-2 muỗng) xem con có dị ứng hay biểu hiện khác thường gì hay không rồi mới bổ sung thường xuyên trong thực đơn của con nhé..
Để thanh long không còn đơn điệu, mẹ nên chế biến thành những món ăn như nước ép thanh long, thanh long nghiền, thanh long trộn sữa mẹ/sữa công thức,… Thanh long ngon thường có tai màu xanh, không quắn quéo hoặc khô lại; vỏ màu hồng đẹp mắt, không có chỗ thâm hay bị dập nát.
2.9. Quả táo
“Mỗi ngày một quả táo, bác sĩ phải tránh xa” là câu nói quen thuộc mà mẹ vẫn thường nghe. Vậy loại quả này có thần kỳ như lời đồn không mẹ nhỉ? Câu trả lời là có, một quả táo cỡ vừa sẽ cung cấp khoảng 95 calo, 1gr protein, 25gr carbohydrate, 19gr đường tự nhiên và 3gr chất xơ. Ngoài ra, táo cũng rất giàu quercetin và pectin, đây đều là những hợp chất chống oxy hóa, bảo vệ bé khỏi viêm nhiễm, táo bón, giảm lượng cholesterol xấu.
Do táo có kết cấu cứng nên mẹ cần ép lấy nước hoặc hấp chín rồi nghiền nhuyễn trước khi cho bé ăn. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo thời điểm thích hợp nhất để bé ăn dặm táo là khoảng 6,5 – 7 tháng.
Để nâng cao giá trị dinh dưỡng cũng như dễ dàng thay đổi vị cho bé, mẹ nên biến hóa táo thành những món ăn khác nhau, tránh cho con ăn táo đơn điệu “ngày này qua tháng nọ”. Thấu hiểu nỗi lòng của mẹ cũng như cô cậu bé nhà mình, Góc của mẹ mách mẹ vài ý tưởng vừa đơn giản vừa hiệu quả ngay đây ạ: táo hấp nghiền nhuyễn, nước ép táo, súp táo thịt gà, táo hấp trộn sữa chua, súp táo khoai lang,… Mỗi món ăn đều có hương vị đặc trưng nhằm kích thích vị giác bé yêu, giúp bé ăn ngon ăn khỏe.
Bên cạnh đó, chất lượng táo cũng ảnh hưởng nhiều đến món ăn cuối cùng, mẹ nên lựa chọn những quả mọng nước, to tròn, cầm nặng tay, búng tay vào nghe âm thanh bộp bộp to, rõ là táo giòn và ngon đó mẹ.
2.10. Quả dâu tây
Cũng như những loại quả mọng khác, dâu tây chứa nhiều dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể bé yêu đó mẹ ạ! Những điều này đã được Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ thống kê và “trình làng”, cụ thể trong 166gr dâu tây cắt lát chứa đến 97,60 mg vitamin C, 3,30gr chất xơ, 53 calo, 12,7gr carbohydrate, 27 mg canxi,…
Không dừng lại ở đó đâu mẹ ơi, dâu tây còn chứa nhiều vitamin và khoáng chất, đặc biệt là giàu chất phytochemical (hợp chất thực vật giúp tăng cường sức khỏe), song hành là nhiều chất chống oxy hóa như anthocyanins, quercetin, kaempferol và catechin. Nói đến dâu tây thì ai mà không mê, kể cả nhóc tì khó tính nhất, vì loại quả này có vị chua thanh, mọng nước, cắn vào có độ giòn sần sật.
Mặc dù được đánh giá là loại quả lành tính, nhưng nghiên cứu vào năm 2011 cho thấy, một số bé đã có dấu hiệu dị ứng khi ăn dâu tây do thể trạng, sức khỏe chưa đáp ứng được. Lúc đầu mẹ chỉ cho bé nhấm nháp trước vài miếng nhỏ xem bé có dị ứng hay không rồi mới quyết định bổ sung thường xuyên. Thêm nữa, loại quả này có hàm lượng vitamin C tương đối cao cũng như cũng như độ cứng nhất định, mẹ nên bổ sung loại quả này khi con được 1 tuổi trở lên.
Mẹ có thể chế biến dâu tây thành những món ăn mới lạ, độc đáo để thay đổi khẩu vị cho bé nhà mình, một số món mà mẹ nên thử có thể kể đến như: sinh tố dâu bơ, sinh tố dâu sữa tươi, pudding dâu tây, kem dâu,… Khi mua dâu mẹ cần quan sát kĩ lưỡng, lựa chọn những quả đỏ tươi, đều màu, mọng nước; tránh mua những quả loang lổ chỗ xanh chỗ đỏ vì chúng chưa chín, ít nước, bé ăn không ngon miệng đâu mẹ.
2.11. Quả lê
Mỗi khi trời bắt đầu chuyển mùa, thời tiết thay đổi, bé khò khè khụt khịt là mẹ tìm ngay vài quả lê trong nhà. Không sai khi nói lê là loại quả quý, có tác dụng đánh bật những vấn đề về hô hấp, tiêu đờm, nhuận tràng, thanh nhiệt ngày hè. Quả lê rất giàu chất xơ, fructose, kali, vitamin C, đặc biệt là mọng nước, có vị thanh ngọt làm bé “mê tít thò lò”.
Thời điểm lý tưởng nhất mẹ nên bổ sung loại quả này cho con là 6 tháng tuổi. Giống với táo, lê có kết cấu giòn, cứng, mẹ nên hấp chín rồi nghiền nhuyễn trước khi cho con ăn để hạn chế hóc, nghẹn.
Tuy nhiên cho bé ăn lê hấp mãi cũng chán, bé dễ bị ngấy và nảy sinh cảm giác sợ loại quả này. Mẹ nên chế biến món lê hấp mới lạ hơn bằng cách kết hợp cùng những thực phẩm khác và tạo ra các món như lê hấp nghiền chuối, lê hấp nấu cháo yến mạch, lê hấp bí đỏ,… Đọc đến đây mẹ còn chần chừ gì mà không ra ngay siêu thị hoặc cửa hàng gần nhất để mua nguyên liệu và chế biến. Tham khảo bài viết 4 cách chế biến lê hấp cho bé ăn dặm đảm bảo sức khỏe để được hướng dẫn chi tiết cách thực hiện chuẩn chỉnh mẹ nhé.
Muốn mua được lê ngon, mọng nước, có vị ngọt thanh, mẹ chọn những quả có phần rốn dưới đáy sâu, kích thước rốn nhỏ và nhẵn. Mẹ tránh mua những quả có rốn to, nông và méo mó, không tròn đầy vì những quả này thường ít nước và có vị chua.
2.12. Củ đậu
Củ đậu cung cấp hàm lượng chất xơ dồi dào, cùng nhiều loại vitamin, khoáng chất như A, B, C, canxi, kali, photpho,… Bổ sung củ đậu vào khẩu phần ăn sẽ giúp quá trình đi tiêu của bé nhẹ nhàng hơn, phân dễ trôi tuột khỏi ruột già rồi đi ra ngoài, cực phù hợp với bé táo bón, khó tiêu.
Để bé được măm măm món củ đậu giàu dinh dưỡng, mẹ có thể chế biến các món như: củ đậu xay, cháo củ đậu, chè củ đậu, củ đậu hấp nghiền nhuyễn hoặc kết hợp thêm với các thực phẩm khác như đậu xanh, đậu đen…. để món ăn thêm dậy vị.
Khi chọn củ đậu cho bé ăn, mẹ nên chọn củ tròn đầy, ít múi, bề mặt nhẵn nhụi và có mùi thơm nhẹ, đây thường là những quả có vị ngọt và cực nhiều nước.
2.13. Quả ổi
Ổi là loại quả nhiệt đới thơm mát được nhiều bé ưa thích, có kết cấu tương tự như lê, nhưng giòn hơn một chút. Loại quả này ăn ngon nhất vào mùa hè, khi chế biến có mùi thơm nhè nhẹ, chắc chắn sẽ khiến bé yêu thích thú khi thưởng thức.
Đằng sau lớp vỏ ngoài xanh mát là hàm lượng dinh dưỡng khổng lồ, “không phải dạng vừa”. Theo WebMD, một quả ổi chứa 37 calo, 8 carbohydrate, 3gr chất xơ, đặc biệt là không chứa cholesterol. Không những vậy, ổi còn được đánh giá là “loại quả vàng trong làng” vitamin C, khi chúng có hàm lượng cao gấp 4 lần quả cam. Nếu bé yêu nhà mẹ gặp tình trạng thiếu hụt vitamin C thì đây sẽ là loại quả lý tưởng để giải quyết tình trạng này đó ạ.
Khi con được 1 tuổi, mẹ cắt nhỏ ổi, lọc bỏ phần hạt để bé ăn dặm, hoặc mẹ có thể ép lấy nước cũng rất hấp dẫn. Những quả ổi được xem là ngon cần phải đảm bảo đầy đủ các tiêu chí: cầm nặng tay, không bị dập nát, mẹ tránh chọn những quả quá chín vì thịt ổi sẽ mềm và nhũn nước, không còn tươi ngon.
Tổng kết: Dù đều là những loại quả tốt, nhưng mẹ lưu ý cho bé măm măm theo độ tuổi để con không bị khó tiêu, rối loạn tiêu hóa nhé. Hướng dẫn cho mẹ đây ạ:
- Những loại quả mẹ nên bổ sung khi con đủ 6 tháng tuổi: bơ, chuối, xoài, na, thanh long, lê
- Những loại quả mẹ nên bổ sung khi con 7 – 8 tháng tuổi: đu đủ, kiwi, cam, táo
- Những loại quả mẹ nên bổ sung khi con trên 1 tuổi: dâu tây, củ đậu, ổi
3. 4 lưu ý mẹ nên nhớ khi cho bé ăn dặm hoa quả
1 – Cho bé ăn đúng lượng
Bé đang trong giai đoạn phát triển, cần nhiều chất dinh dưỡng nên mẹ muốn bổ sung hoa quả càng nhiều càng tốt. Nhưng việc thúc ép hoặc cho bé ăn quá nhiều sẽ dẫn đến tình trạng nôn trớ, dư thừa chất xơ, hệ tiêu hóa hoạt động kém, tốt nhất là mẹ nên cho bé ăn đúng lượng, không thừa không thiếu để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của bé.
Ví dụ bé 6,5 tháng tuổi có thể ăn 50gr táo nghiền/ngày (tương đương ⅓ quả táo) , bé 1 tuổi tiêu thụ được 100gr (tương đương ½ quả táo), bé 2 – 6 tuổi dung nạp được 200 – 300gr (tương đương 1,5 quả táo). Mẹ căn cứ vào những tiêu chuẩn này để có sự điều chỉnh thích hợp nhé!
2 – Cho bé ăn hoa quả vào thời điểm nào trong ngày?
Khoảng thời gian lý tưởng nhất cho bé ăn hoa quả thường là 30 – 45 phút sau bữa chính. Nếu mẹ cho bé ăn trái cây trước sẽ khiến bé “no ngang”, dạ dày không thể dung chứa thêm thức ăn. Ngược lại, mẹ cho bé ăn ngay khi kết thúc bữa chính sẽ làm giảm dinh dưỡng của hoa quả, đồng thời gây tình trạng quá tải khiến bé nôn trớ, ói mửa, đầy hơi,…
3 – Tăng dần độ “thô”
Khi bắt đầu quá trình ăn dặm hoa quả, mẹ nên cho bé làm quen từ dạng lỏng đến dạng đặc để tăng dần độ “thô”. Ban đầu, mẹ cho bé thưởng thức những món sinh tố thơm ngon béo ngậy như sinh tố đu đủ, sinh tố kiwi,… Đối với loại hoa quả mềm, dễ tiêu hóa như chuối, bơ,… mẹ nên tán mịn rồi cho con ăn.
Những loại hoa quả cứng hơn như táo, lê,… mẹ nên ép lấy nước hoặc hấp cách thủy rồi nghiền nhuyễn. Đến khi bé cứng cáp (1 – 2 tuổi), có khả năng nhai nuốt mà không lo nôn trớ, mẹ mới thái nhỏ rồi cho bé ăn trực tiếp.
4 – Chọn mua tại những điểm bán uy tín
Mẹ lưu ý lựa chọn hoa quả đúng mùa, vì những loại quả trái mùa thường chứa chất hóa học, thuốc bảo quản,… ảnh hưởng đến sức khỏe của con. Để an toàn, mẹ ưu tiên mua tại những địa điểm bán hoa quả uy tín như Vinmart, Coopmart, Fuji Fruit, Klever Fruits,… Những nơi này thường tuyển chọn đầu vào rất gắt gao, có tem mác chứng nhận, mẹ yên tâm về chất lượng nhé.
Trên đây là “tất tần tật” hành trang mà mẹ cần chuẩn bị trước khi thiết kế thực đơn ăn dặm hoa quả cho bé. Mẹ nên đồng hành cùng bé, thấu hiểu con muốn gì, cần gì để bổ sung kịp thời, tránh việc thúc ép con quá đà làm con chán nản, không muốn ăn dặm. Mẹ muốn Góc của mẹ chia sẻ thêm kiến thức nào thì đừng quên để lại bình luận để được giải đáp kịp thời nhé!