Thông thường, mỗi tháng chị em chúng mình lại “rớt dâu” một lần. Đây là quá trình hết sức bình thường kể từ khi bước qua tuổi dậy thì. Trong đó, ngày rụng trứng phụ thuộc rất lớn vào chu kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, quá trình rụng trứng – mặc dù hết sức quan trọng đối với sức khỏe lại chưa nhận được sự chú ý đầy đủ. Hãy cùng tham khảo bài viết dưới đây để hiểu thêm về quá trình này nhé! Chắc chắn chúng mình sẽ hiểu thêm về sự kỳ diệu của cơ thể và chuẩn bị tốt hơn cho hôn nhân nữa.
Mục lục
1. Rụng trứng là gì?
Rụng trứng là khi trứng trưởng thành được phóng ra khỏi buồng trứng. Sau đó được đẩy xuống ống dẫn trứng và sẵn sàng để được thụ tinh. Mỗi tháng sẽ có khoảng một trứng trưởng thành ở mỗi nang buồng trứng. Khi đạt đến độ chín nhất định, sẽ rời khỏi buồng trứng chờ ở ống dẫn trứng. Lúc này, lớp niêm mạc tử cung đã dày lên tạo điều kiện tốt nhất cho trứng được thụ tinh. Nếu quá trình thụ tinh không xảy ra, lớp niêm mạc tử cung sẽ bị bong ra và cùng ra ngoài trong kỳ kinh nguyệt tiếp theo.
2. Quá trình rụng trứng diễn ra như thế nào?
Để có thể hiểu khái quát toàn bộ quá trình này, mình cần hiểu về chu kỳ kinh nguyệt. Nguyên nhân là do các giai đoạn trong quá trình rụng trứng liên quan mật thiết đến chu kỳ này. Có thể hiểu khái quát như sau:
2.1. Giai đoạn kinh nguyệt
Đây được xem là giai đoạn dễ nhận biết nhất ở phụ nữ. Thông thường, quá trình này sẽ xảy ra trong vòng 3-7 ngày tùy độ tuổi và sức khỏe của chị em. Lúc này cơ thể sẽ loại bỏ lớp niêm mạc bị bong xuống từ tử cung qua âm đạo.
2.2. Giai đoạn nang trứng
Đây là lúc cơ thể tiếp tục tái phát triển những gì đã đưa ra khỏi cơ thể trong giai đoạn kinh nguyệt. Lúc này, tuyến yên sẽ tiết ra hormone kích thích nang trứng, tăng cường sự phát triển của nang noãn. Đây chính là nơi chứa trứng chưa trưởng thành.
Những nang quan trọng này sản xuất estrogen và progesterone, những hormone quan trọng của cơ thể nữ giới. Trong giai đoạn này, estrogen sẽ kích thích làm dày niêm mạc tử cung để chuẩn bị nơi thụ tinh.
2.3. Giai đoạn rụng trứng
Đây là lúc những trứng được phát triển đầy đủ được phóng ra khỏi buồng trứng. Điều này xảy ra do lượng hormone LH tăng đột biến, kích thích trứng rụng. Một quả trứng có thể sống sót khoảng 12 – 24 giờ sau khi rời buồng trứng. Và lúc này chính là thời điểm vàng để tinh trùng thụ tinh và hình thành em bé.
2.4. Giai đoạn hoàng thể
Đây là giai đoạn xảy ra sau khi trứng rụng và trước kỳ kinh nguyệt kế tiếp. Lúc này, nang trứng chứa trứng trưởng thành sẽ kích thích sản xuất progesterone; tạo môi trường thuận lợi nhất cho trứng được thụ tinh. Thông thường giai đoạn này diễn ra trong khoảng 12-16 ngày. Đối với những giai đoạn hoàng thể ngắn có thể ảnh hưởng rất lớn đến khả năng thụ thai.
Mình có thể tìm hiểu thêm về dấu hiệu của cơ thể những ngày rụng trứng ở đây nhé!
3. Rụng trứng và sức khỏe ở nữ giới
Nắm vững quá trình rụng trứng không chỉ liên quan đến việc tránh thai hay khả năng mang thai. Việc này còn ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tổng thể của chị em mình nữa. Trong một khoảng thời gian nhất định, việc rụng trứng xảy ra một lần là điều hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, nếu xảy ra nhiều hơn hoặc ngừng hoàn toàn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Những vấn đề có thể liên quan đến rối loạn rụng trứng bao gồm:
3.1. Rối loạn chức năng Hypothalamic
Quá trình rụng trứng cung cấp lượng hormone estrogen và progesterone cần thiết cho cơ thể. Những hormone này có vai trò vượt ra khỏi khả năng sinh sản thông thường. Chúng tác động đến mật độ xương, sức khỏe tim mạch, trao đổi chất, giấc ngủ, tinh thần… Nếu quá trình rụng trứng không xảy ra, lượng hormone sản sinh không đủ sẽ gây ra nhiều vấn đề sức khỏe.
Trong khi đó, lượng anovulation trong giai đoạn rụng trứng có liên quan đến bệnh loãng xương, tim mạch và cả ung thư. Một số vận động viên bị rối loạn kinh nguyệt sẽ có nhiều nguy cơ bị gãy xương hơn bình thường.
3.2. Tăng prolactin máu
Nồng độ prolactin cao có thể liên quan đến khối u tuyến yên. Điều này gây nên một loạt các ảnh hưởng đến tuyến thượng thận, khu vực dưới đồi và các tế bào thần kinh. Nó làm rối loạn nồng độ androgen và estrogen khiến kinh nguyệt không đều, khó thở, giảm ham muốn… Nếu lâu dài, chị em có xu hướng dễ bị dị ứng, nhiễm trùng và một số bệnh về khớp.
3.3. Rối loạn tuyến giáp
Vấn đề của tuyến giáp thường biểu hiện bởi các dấu hiệu bất thường của kinh nguyệt. Mình có thể bị tăng kinh, rong kinh, chảy máu giữa kỳ hoặc thậm chí vô kinh. Đây là các triệu chứng phổ biến của bệnh suy giáp ở nữ giới, có liên quan đến rối loạn chức năng rụng trứng.
3.4. Rối loạn tuyến thượng thận
Vấn đề rối loạn rụng trứng ở chị em cũng có thể là một biểu hiện liên quan đến tuyến thượng thận. Bệnh nhân mắc chứng này thường bị tăng đường máu, xuất hiện mụn trứng cá, rụng tóc, tăng cân… Ngoài ra, triệu chứng rõ ràng nhất gồm chu kỳ kinh nguyệt không đều, chất nhầy cổ tử cung kém. Về lâu dài, vấn đề này có thể gây nên các bệnh như tiểu đường, tim mạch và cả ung thư nội mạc tử cung.
Thực tế, quá trình rụng trứng liên quan mật thiết đến nhiều vấn đề sức khỏe ở chị em. Nếu quan tâm chăm sóc bản thân, mình cần nắm bắt các tín hiệu sớm nhất của cơ thể. Đây được xem như một dấu hiệu của cân bằng nội tiết và tình trạng sức khỏe chung. Hãy cố gắng quan tâm và nhận ra những bất thường bên trong để kịp thời xử lý nhé!
Sức khỏe tiền hôn nhân rất quan trọng, cùng tìm hiểu xem tại sao phải khám sức khỏe trước khi kết hôn ở đây nhé!
4. Những điều có thể bạn chưa biết về rụng trứng
- Mỗi phụ nữ được sinh ra với một lượng trứng nhất định. Thông thường con số này là khoảng 2 triệu và giảm còn 500.000 trứng ở tuổi trưởng thành.
- Thông thường chỉ có một quả trứng được đầy ra khỏi buồng trứng trong một quá trình.
- Một quả trứng có thể sống được 12 – 24 giờ sau khi rụng. Chính vì vậy những gia đình muốn có e bé vẫn nên có kế hoạch quan hệ trước ngày trứng rụng.
- Xuất hiện kinh nguyệt đều đặn không có nghĩa là có xảy ra rụng trứng trước đó
- Rụng trứng cũng có thể xảy ra ngay cả khi không có kinh nguyệt
- Một số chị em còn bị đau gần khu vực buồng trứng trong quá trình rụng trứng.
- Quá trình này có thể bị ảnh hưởng bởi căng thẳng, bệnh tật hoặc bị gián đoạn bình thường.
- Nếu trứng không được thụ tinh, nó sẽ tan rã và được hấp thụ vào niêm mạc tử cung.
Mình có thể tìm hiểu thêm về cách đảm bảo sức khỏe sinh sản nữ giới ở đây nhé!
Qua bài viết này, tin rằng chị em mình sẽ hiểu thêm về rụng trứng và sức khỏe tổng thể. Tất cả các quá trình diễn ra trong cơ thể đều có liên quan mật thiết với nhau. Chính vì vậy, hiểu về rụng trứng không chỉ liên quan đến sinh sản. Mà cùng với đó, mình sẽ kịp thời phát hiện và thăm khám để tránh các biến chứng nguy hiểm khác đối với sức khỏe tổng thể nhé!