Hiện nay, một số F0 sau khi xuất viện còn có tư tưởng chủ quan, thiếu kiến thức về chăm sóc sức khỏe hậu COVID-19. Từ đó, khiến những tác động của virus không được phát hiện và chữa trị kịp thời ảnh hưởng đến sức khỏe. Bài viết này sẽ mang đến những thông tin quan trọng giúp bố mẹ có thêm kinh nghiệm trong việc chăm sóc F0 sau khi ra viện. Bố mẹ cùng theo dõi nhé!
Mục lục
1. Điều kiện để F0 được xuất viện.
Theo Quyết định 250/QĐ-BYT, Bộ Y tế quy định về điều kiện xuất viện của các trường hợp F0, cụ thể như sau:
1.1. Đối với người bệnh COVID-19 điều trị ở các cơ sở thu dung
Người bệnh COVID-19 điều trị tại ở cơ sở thu dung cần đạt đủ các điều kiện sau để có thể xuất viện:
Thời gian cách ly/điều trị:
- Người bệnh điều trị ít nhất 5 ngày.
- Các triệu chứng lâm sàng thuyên giảm, hạ sốt trước ngày ra viện từ 3 ngày trở lên.
- Có kết quả tết PCR âm tính hoặc test nhanh âm tính sẽ được xuất viện.
- Ngược lại, nếu không đạt đủ các điều kiện trên, người bệnh phải tiếp tục cách ly đủ 10 ngày (không nhất thiết phải làm lại xét nghiệm).
Vậy F0 sau khi xuất viện cần lưu ý điều gì?
- Theo dõi sức khỏe tại nhà trong vòng 7 ngày
- Đo thân nhiệt 2 lần mỗi ngày
- Tuân thủ, chấp hành nghiêm chỉnh thông điệp 5K
- Nếu có bất cứ dấu hiệu bất thường nào thì báo ngay cho y tế gần nhất.
1.2. Đối với người bệnh COVID-19 có bệnh nền hoặc bệnh kèm theo
Trường hợp người bệnh COVID-19 có bệnh nền như: ung thư, tiểu đường, xương khớp… hay các bệnh kèm theo cần phải đảm bảo:
- Cách ly và điều trị tại cơ sở y tế ít nhất 5 ngày
- Nhận thấy các triệu chứng lâm sàng của COVID-19 đã giảm và hết sốt từ 3 ngày trở lên
- Đồng thời xét nghiệm PCR hoặc test nhanh âm tính sẽ được ra viện.
F0 sau khi xuất viện sẽ được chuyển sang cơ sở điều trị bệnh kèm theo/bệnh nền theo hướng dẫn của các bác sĩ để điều trị và theo dõi. Tuy nhiên nếu xét nghiệm PCR hoặc test nhanh vẫn còn dương tính thì người bệnh phải tiếp tục cách ly đủ 10 ngày.
1.3. Đối với người bệnh COVID-19 điều trị tại các đơn vị hồi sức tích cực
Bên cạnh đó, vẫn có nhóm người bệnh COVID-19 đang trong tình trạng bệnh nặng, nguy kịch do các bệnh lý khác. Những người bệnh này sẽ phải điều trị tại các đơn vị hồi sức và có những điều kiện xuất viện khó khăn hơn:
- Người bệnh đã cách ly và điều trị tối thiểu 14 ngày
- Có kết quả xét nghiệm PCR âm tính nồng độ virus thấp đủ tiêu chuẩn khỏi COVID-19
- F0 sau khi xuất viện được chuyển sang cơ sở hồi sức tích cực khác hoặc khoa điều trị phù hợp với bệnh tình để theo dõi và điều trị.
2. Chăm sóc F0 sau khi xuất viện như thế nào?
Mặc dù được xuất viện, bố mẹ cũng cần chú ý đến cách chăm sóc F0. Thực tế, nhiều trường hợp F0 được xuất viện khi có triệu chứng nhẹ, trong người vẫn còn nồng độ virus nhất định. Nếu không giữ gìn, họ vẫn có thể lây bệnh cho người khác. Ngoài ra, các triệu chứng hậu Covid cũng khiến các F0 sau khi xuất viện mệt mỏi. Bởi vậy, bố mẹ vẫn cần lưu tâm khi chăm sóc F0 sau khi xuất viện như sau nhé!
1 – Cần theo dõi tình trạng sức khỏe của F0 sau khi xuất viện và báo cho cơ sở y tế khi cần thiết
- Thông báo tình hình cho Y tế cơ sở và địa phương để phối hợp theo dõi
- F0 sau khi ra viện cần thực hiện cách ly y tế tại nhà trong vòng 7 ngày, đo thân nhiệt 2 lần/ngày. Nếu nhiệt độ cao hơn 38 độ C hoặc có bất kỳ dấu hiệu lâm sàng bất thường nào cần báo cho cơ sở y tế để thăm khám và xử lý kịp thời.
- Tuân thủ thông điệp 5K
- Việc bàn giao F0 sau khi xuất viện phải thực hiện theo công văn số 425/CV-BCĐ ngày 19/01/2021 của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 và các văn bản thay thế nếu có.
Lưu ý: Đối với trường hợp F0 sau khi xuất viện thuộc nhóm cách ly điều trị trên 10 ngày và có kết quả xét nghiệm PCR nhiều lần có nồng độ viruss CT<30. Sau khi ra viện cần cách ly 7 ngày tại nhà, theo dõi và đo thân nhiệt 2 lần/ngày. Trường hợp thân nhiệt >38 độ C hay có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào cần báo ngay cho cơ sở y tế bố mẹ nhé! |
2 – Phục hồi chức năng cho người bệnh COVID-19 sau ra viện
Theo Quyết định 250/QĐ-BYT về VIỆC BAN HÀNH HƯỚNG DẪN CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ COVID-19 quy định phục hồi chức năng cho F0 sau khi xuất viện:
- Mục đích phục hồi lại sức khỏe và các chức năng sinh hoạt hàng ngày: Giúp F0 sau khi xuất viện có thể trở lại công việc thường ngày, hòa nhập cộng đồng.
- Đối với người bệnh viêm phổi thể nhẹ: Khi ra viện cần được hướng dẫn người bệnh tăng cường tập các bài tập vận động, các bài tập thở và điều chỉnh tâm lý.
- Đối với người bệnh đã từng bị thể nặng hoặc nguy kịch: Khi ra viện cần đánh giá về tổn thương chức năng phổi của người bệnh và đưa ra phương án phục hồi chức năng phù hợp gồm tập vận động, tập thở, tâm lý trị liệu, chế độ dinh dưỡng.
3 – Thực hiện thông điệp 5K
- KHẨU TRANG: Đeo khẩu trang vải, khẩu trang y tế thường xuyên tại nơi công cộng ,khi tụ tập trung đông người và đeo khẩu trang y tế tại các cơ sở y tế, khu cách ly.
- KHỬ KHUẨN: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay. Vệ sinh các bề mặt/ vật dụng thường xuyên tiếp xúc (tay nắm cửa, điện thoại, máy tính bảng, mặt bàn, ghế…). Giữ vệ sinh, lau rửa và để nhà cửa thông thoáng.
- KHOẢNG CÁCH: Giữ khoảng cách khi tiếp xúc với người khác.
- KHÔNG TỤ TẬP: Không tụ tập đông người
- KHAI BÁO Y TẾ: Thực hiện khai báo y tế trên App NCOVI; cài đặt ứng dụng BlueZone tại địa chỉ https://www.bluezone.gov.vn để được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm COVID-19.
3. Tình trạng hậu COVID ở những F0 sau khi xuất viện
3.1. F0 sau khi xuất viện có thể gặp những triệu chứng hậu COVID gì?
Khi chăm sóc F0 sau khi xuất viện, điều đầu tiên bố mẹ cần hiểu rõ về các triệu chứng hậu COVID thường gặp bởi chúng hoàn toàn có thể trở thành di chứng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như cuộc sống hàng ngày. Điển hình phải kể đến:
- Mệt mỏi, mất ngủ, stress
- Hụt hơi, khó thở và ho kéo dài
- Lo lắng, bồn chồn, dễ xúc động
- Đau đầu
- Khả năng tập trung, trí nhớ kém, hay quên
- Đánh trống ngực, hồi hộp từng cơn
- Khó tiêu, đi ngoài
- Trào ngược dạ dày
Mỗi triệu chứng cần có những phương pháp điều trị phù hợp mới có thể hồi phục nhanh chóng và không để biến chứng về sau. Do vậy, bố mẹ hãy tiếp tục tìm hiểu các cách giảm triệu chứng hậu COVID-19 ở phần tiếp theo nhé!
3.2. Cách giảm các triệu chứng hậu Covid
Các triệu chứng hậu COVID-19 như: mệt mỏi, chán ăn, khó tiêu, căng thẳng… ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống sinh hoạt hằng ngày và khiến bố mẹ cảm thấy khó chịu. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế khuyến khích F0 sau khi ra viện không nên quá lo lắng về hậu COVID, thay vào đó hãy ghi nhớ những bí quyết sau để quá trình hồi phục sức khỏe diễn ra nhanh chóng hơn:
- Sắp xếp một chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, tập thể dục thường xuyên rèn luyện sức khỏe nhẹ nhàng, lành mạnh.
- Bổ sung thêm các loại khoáng chất, vitamin, các sản phẩm có tác dụng an thần, giảm căng thẳng, tăng cường tuần hoàn máu,… bổ trợ cho quá trình hoạt động của các cơ quan trong cơ thể.
- Nếu bố mẹ cảm thấy khó thở: Hãy tập hít thở thật sâu và thở ra từ từ nhé!
- Nếu có dấu hiệu mất khứu giác, bố mẹ có thể tập ngửi vỏ cam, vỏ bưởi, vỏ chanh hoặc các loại tinh dầu – đều là các mùi hương nồng để kích thích lấy lại khứu giác.
- Mẹ F0 sau khi xuất viện thường gặp vấn đề rụng tóc hãy bổ sung thêm các loại vitamin, đặc biệt là kẽm để vừa giúp cho chân tóc chắc khỏe vừa kích thích mọc tóc dày và mềm mượt hơn.
- Khi cơ thể cảm thấy mệt mỏi, bố mẹ nên kết hợp tập luyện – nghỉ ngơi – ăn uống điều độ, đúng giờ.
- Cần gặp bác sĩ để kiểm tra khi gặp tình trạng ho kéo dài, hen suyễn hay khó thở mãi không dứt.
- Bố mẹ có bệnh nền đau xương khớp hậu COVID-19 sẽ càng cảm thấy tình trạng đau nhức nhiều hơn nên tăng cường vận động nhưng với mức độ vừa phải, có thể dùng thuốc xoa bóp.
4. F0 sau khi xuất viện có thể lây bệnh cho người khác hay không?
Một điều mà có lẽ bố mẹ đều rất băn khoăn đó là liệu f0 sau khi xuất viện có lây cho người khác không? F0 sau khi xuất viện hoàn toàn không cần lo lắng sẽ lây bệnh cho thành viên trong gia đình hay những người thân khác chưa bị bệnh. Bởi lẽ chỉ cần họ nghiêm chỉnh và ý thức chấp hành những biện pháp ngăn ngừa COVID-19 thì khả năng lây bệnh sẽ hạn chế nhất có thể.
Tuy nhiên, một số người thường có tư tưởng kỳ thị, xa lánh những F0 khỏi bệnh. Từ đó gây nên thực trạng phát hiện bản thân dương tính với COVID-19 tại nhà nhưng không dám khai báo và tự mua thuốc điều trị tại nhà. Điều này không những nguy hiểm đến tính mạng mà còn là nguồn lây cho gia đình và xã hội, bản thân người bị bệnh cũng sẽ có tâm lý hoang mang, lo lắng, sợ hãi ảnh hưởng đến sức khỏe. Chính vì vậy, bố mẹ hãy dạy bé cũng như truyền tải thông điệp đến mọi người xung quanh: “Hãy cảm thông và đừng kỳ thị xa lánh những người từng là F0 nhé!”
Bố mẹ có thể tham khảo thêm quy định mới về dỡ bỏ cách ly cho F0 điều trị tại nhà của Bộ Y Tế ban hành tại đây nhé!
Qua bài viết này, bố mẹ chắc hẳn đã có thể giải tỏa mọi thắc mắc về các vấn đề theo dõi và chăm sóc F0 sau khi xuất viện rồi nhỉ? Mặc dù đã xuất viện nhưng những ảnh hưởng hậu COVID-19 cùng những mầm mống viruss vẫn chưa thể đảm bảo triệt để, vì vậy bố mẹ hãy ghi nhớ những thông tin hữu ích Góc của mẹ đã chia sẻ để đảm bảo hồi phục sức khỏe nhanh chóng nhất nhé!