F0 khỏi bệnh là người có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp phát hiện vật liệu di truyền của virus (PCR). Tuy nhiên, các vấn đề về hậu COVID-19 vẫn khiến bố mẹ lo lắng, băn khoăn. Bài viết này sẽ là lời giải đáp chi tiết và chuẩn xác nhất về những thông tin F0 sau khi khỏi bệnh rất có ích cho bố mẹ. Hãy cùng theo dõi nhé!
Mục lục
1. Dấu hiệu nhận biết F0 khỏi bệnh
Hiện nay, nhiều bố mẹ thường lựa chọn cách test nhanh để xem mình bị F0 đã khỏi bệnh hay chưa? Liệu bố mẹ đã biết cách nhận biết F0 khỏi bệnh qua việc xem ký hiệu trên que test?
Khi tự lấy mẫu test nhanh COVID-19 bằng kit test, nếu bố mẹ thấy kết quả xuất hiện vạch T đậm hoặc hơi mờ là bố mẹ đang trong giai đoạn mắc COVID-19 và vạch T biến mất chứng tỏ bố mẹ đã khỏi bệnh. Dấu hiệu nhận biết F0 khỏi bệnh: Test lại sau 14 ngày và vạch T phải hoàn toàn biến mất .
Tuy nhiên test nhanh COVID-19 bằng kit test chỉ mang tính tương đối, vì vậy nếu bố mẹ muốn có kết quả chính xác nhất hãy đi test PCR. Đây là hình thức test COVID-19 có thể đo được nồng độ virut (CT) đáng tin cậy nhất hiện nay.
Hãy để Góc của mẹ gợi ý Một số địa điểm test PCR bố mẹ có thể tham khảo như sau:
Các cơ sở test PCR tại miền Bắc:
1- Bệnh viện Phổi Trung Ương
- Hotline: 0967 941 616
- Chi phí: Mẫu đơn – 734.000 VND, Mẫu gộp 3 – 312.000 VND/người, Mẫu gộp 5 – 227.000 VND/người
2 – Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc
- Hotline: 024 7300 8866
- Chi phí: PCR mẫu đơn – 500.000 VND/mẫu. Ngoài giờ hành chính, bệnh viện sẽ thu thêm 20% phí dịch vụ xét nghiệm.
Các cơ sở test PCR tại miền Trung:
1 – Viện Pasteur Nha Trang
- Hotline: (058) 3 822 406
- Chi phí: 460.000 VND/mẫu
2 – Bệnh viện Vinmec Đà Nẵng
- Hotline: 1900 232 389
- Chi phí: 518.000 VND/mẫu
Các cơ sở test PCR tại Tây Nguyên:
1 – Viện vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên
- Hotline: (0262)3.663979
- Chi phí: Mẫu đơn – 426.000 VND/người, Mẫu gộp 2 – 213.000 VND/người, Mẫu gộp 3 – 153.000 VND/người.
Các cơ sở test PCR tại miền Nam:
1 – Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh
- Hotline: 028 38297308
- Chi phí: 460.000 VND/mẫu
2 – Bệnh viện Từ Dũ
- Hotline: (028) 1081 hoặc (028) 1068
- Chi phí: 689.000VND/mẫu
2. F0 mới khỏi bệnh có nguy cơ tái nhiễm COVID-19 không?
2.1. Nguy cơ tái nhiễm của F0 khỏi bệnh là bao nhiêu?
Có thể nói, Nguy cơ tái nhiễm của F0 khỏi bệnh là rất thấp, tuy nhiên nếu bố mẹ tiếp xúc trực tiếp với các F0 khác như ăn chung, nói chuyện không đeo khẩu trang…thì nguy cơ tái nhiễm sẽ tăng lên. Cụ thể đối với những F0 sau khi khỏi bệnh dưới 1 tháng, khả năng nhiễm lại ở mức rất thấp (dưới 2%). Vì vậy, bố mẹ vẫn thực hiện đầy đủ thông điệp 5K:
- Khẩu trang: Đeo khẩu trang vải thường xuyên tại nơi công cộng, nơi tập trung đông người. Đeo khẩu trang y tế tại các cơ sở y tế, khu cách ly.
- Khử khuẩn: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay. Vệ sinh các bề mặt/ vật dụng thường xuyên tiếp xúc (tay nắm cửa, điện thoại, máy tính bảng, mặt bàn, ghế…). Giữ vệ sinh, lau rửa và để nhà cửa thông thoáng.
- Khoảng cách: Giữ khoảng cách khi tiếp xúc với người khác.
- Không tụ tập: Không tụ tập đông người.
- Khai báo y tế: Cài đặt ứng dụng PC-Covid để thực hiện khai báo y tế và được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm COVID-19. Khi có dấu hiệu sốt, ho, khó thở hãy gọi điện cho đường dây nóng của Bộ Y tế 19009095 hoặc cơ quan y tế địa phương để được hướng dẫn đi khám bệnh an toàn.
Đối với trường hợp tái nhiễm trong vòng 1 tháng, các chuyên gia y tế nhận định điều này chỉ có thể xảy ra ở các biến chủng khác nhau. Tuy nhiên, cũng không thể loại trừ khả năng F0 khỏi bệnh có hệ miễn dịch yếu, các virus khác hoặc biến thể mới dễ dàng xâm nhập và gây bệnh.
2.2. F0 khỏi bệnh sau bao lâu có nguy cơ bị tái nhiễm cao nhất?
Bác sĩ Trương Hữu Khanh – Phó Chủ tịch Thường trực Hội truyền nhiễm TP HCM cho biết: “Việc tái nhiễm COVID-19 trong một thời gian ngắn sau khi mắc là hoàn toàn có thể xảy ra vì người bệnh có thể nhiễm hai biến chủng khác nhau (mắc biến chủng Delta và tái nhiễm biến chủng Omicron và ngược lại)”. Thời gian tái nhiễm F0 khỏi bệnh có thể sau 1 đến 2 tháng, tuy nhiên sau khoảng 3 tháng nguy cơ sẽ cao hơn vì khi đó nồng độ kháng thể dần suy giảm theo thời gian.
2.3. Làm gì để không bị tái nhiễm COVID-19
Nhiều F0 sau khi khỏi bệnh thường chủ quan và không tuân thủ các quy định phòng chống dịch bệnh nghiêm ngặt vì, nghĩ rằng sẽ không có tình trạng tái nhiễm. Tuy nhiên, quan điểm này hoàn toàn sai lệch bố mẹ nhé!
Các chuyên gia cho biết, F0 khỏi bệnh sẽ sinh ra kháng thể chống lại sự xâm nhập virus SARS-CoV-2, với một lượng kháng thể khác nhau, tùy thuộc vào thể chất mỗi người. Nhưng nếu kháng thể không đủ mạnh kết hợp với thái độ chủ quan thì nguy cơ tái nhiễm hoàn toàn có thể xảy ra. Do đó, mỗi F0 sau khi khỏi bệnh cần tuân thủ nghiêm các nguyên tắc 5K, hạn chế đưa tay lên mắt, mũi, miệng, ngay cả khi đã khỏi bệnh. Bên cạnh đó, cho dù đã là F0 khỏi bệnh, bố mẹ vẫn phải tiêm vaccine phòng COVID-19 đủ liều lượng theo khuyến cáo của Bộ Y tế để tăng khả năng bảo vệ, tránh tái nhiễm nhé.
3. Điều trị hậu COVID như thế nào?
3.1. F0 khỏi bệnh và các triệu chứng hậu COVID
Hầu hết các F0 sau khi khỏi bệnh đều không có triệu chứng hoặc chỉ bị bệnh nhẹ. Các triệu chứng có thể giảm sau 1-2 tuần, tuy nhiên một số trường hợp hậu COVID-19 có các triệu chứng kéo dài và liên tục nối tiếp nhau. Một số triệu chứng hậu COVID-19 thường gặp như sau:
- Mệt mỏi: Đây là một triệu chứng thường gặp nhất ở F0 khỏi bệnh. Theo thống kê ở một số quốc gia theo dõi bệnh nhân hậu COVID-19, tỷ lệ F0 khỏi bệnh có biểu hiện mệt mỏi kéo dài chiếm từ 50% đến 90%.
- Ho kéo dài, khó thở khi gắng sức: Nguyên nhân do tình trạng viêm phổi, xơ phổi, ảnh hưởng trầm trọng đến chức năng hô hấp. Tình trạng ho kéo dài thường sẽ trở nặng ở nhóm người bệnh từng có tiền sử mắc viêm phổi nặng, từng thở máy, lớn tuổi…
- Tim đập nhanh, hồi hộp, đánh trống ngực: Tình trạng này do rối loạn hệ thần kinh tự trị, xuất hiện trong khoảng 1-3 tháng đầu F0 sau khi khỏi bệnh.
- Phát ban, xuất huyết da: Biểu hiện của di chứng này, các F0 khỏi bệnh sẽ xuất hiện tổn thương da như: mề đay, ban đỏ, mụn nước, sần phù, hay thậm chí là hoại tử.
- Khó tiêu, tiêu chảy: Nguyên nhân là COVID-19 có thể gây tổn thương về tiêu hóa – gan mật.
- Thay đổi vị giác, khứu giác: Chủ yếu là do các tế bào hỗ trợ thần kinh khứu giác (tế bào trung tâm) bị tổn thương do ảnh hưởng của COVID-19.
- Rối loạn giấc ngủ: Khi hệ miễn dịch không kiểm soát đúng cách để chống lại viruss sẽ gây ra tác động có hại đến tế bào thần kinh, do đó F0 sau khi khỏi bệnh thường xuyên mất ngủ, đau đầu, cảm thấy lo âu…
Khi gặp các triệu chứng này, bố mẹ không nên chủ quan và tự mua thuốc điều trị tại nhà mà hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám tổng quát và có giải pháp khắc phục nhanh chóng và, an toàn, bố mẹ nhé.
3.2. Di chứng hậu COVID-19 kéo dài bao lâu?
Theo các nghiên cứu về di chứng hậu COVID-19 đều chưa thể kết luận chính xác liệu những di chứng có thể kéo dài bao lâu. Thống kê những trường hợp được ghi nhận mắc các di chứng kéo dài 1 tuần hoặc thậm chí là lâu hơn đến 1 năm.
Vào đầu tháng 10/2021, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố định nghĩa chính thức đầu tiên về hội chứng hậu COVID-19. Cụ thể về tình trạng hậu COVID-19xảy ra ở những người có tiền sử nhiễm SARS-CoV-2 trung bình là 3 tháng kể từ khi bắt đầu nhiễm COVID-19 với các triệu chứng và kéo dài ít nhất 2 tháng.
3.3. Điều trị hậu COVID-19 như thế nào?
F0 khỏi bệnh cần tham gia điều trị hậu COVID-19 càng sớm càng tốt. Đây là khoảng thời gian cần các F0 sau khi hết bệnh kiên nhẫn, tích cực, tiếp nhận điều trị để giảm thiểu các tổn thương giúp ngăn ngừa mọi ảnh hưởng lâu dài của loại virus nguy hiểm Corona.
- Khó thở, ho kéo dài: Trước tiên, bố mẹ cần đến gặp bác sĩ để tìm hiểu nguyên nhân khó thở và ho kéo dài là do viêm phổi hay suy nhược thần kinh cơ? Các F0 khỏi bệnh có triệu chứng này cần được khám chuyên khoa hô hấp và phục hồi chức năng hô hấp. Có thể sử dụng thuốc giảm ho không kê đơn như benzonatate, guaifenesin, dextromethorphan khi cần thiết. Ngoài ra, còn có các liệu pháp xịt, hít, khí dung khi được kê đơn trong một số trường hợp bị ho do co thắt phế quản.
- Có cảm giác khó chịu đau, tức và nặng ngực: Tất cả các triệu chứng: đau ngực do nhồi máu cơ tim; tổn thương cơ tim liên quan đến COVID-19; viêm cơ tim hoặc tắc động mạch phổi cần được đánh giá cấp cứu. Nếu F0 khỏi bệnh tức ngực do co thắt phế quản có thể điều trị bằng thuốc giãn phế quản dạng hít, xịt hoặc khí dung.
- Rối loạn “thần kinh thực vật” tư thế: F0 sau khi khỏi bệnh mà nhịp tim nhanh không rõ nguyên nhân, chóng mặt khi đứng có thể sử dụng tất thun tĩnh mạch, đai đeo bụng, uống đủ nước, vật lý trị liệu và điều chỉnh thói quen sinh hoạt phù hợp.
- Di chứng thần kinh và nhận thức: Đột quỵ, động kinh, bệnh não thiếu oxy, suy nhược thần kinh cơ liên quan đến hồi sức tích cực, viêm não… đều là các di chứng thần kinh và nhận thức. Khi các F0 hết bệnh gặp những tình trạng này cần được thăm khám thần kinh đầy đủ và đánh giá mức độ thiếu hụt chức năng thần kinh.
- Tăng đông máu và huyết khối: Đầu tiên, bác sĩ phải tìm tất cả các triệu chứng của huyết khối tĩnh mạch sâu ở chi trên và chi dưới, thuyên tắc phổi hoặc huyết khối động mạch sau đó mới có phương pháp điều trị phù hợp. Đối với F0 khỏi bệnh đang dùng thuốc chống đông máu, cần xem xét lại thời gian và chỉ định dùng thuốc chống đông, đánh giá sự phù hợp và an toàn.
- Các triệu chứng về khứu giác và vị giác: Tìm hiểu kỹ về mức độ và cảm giác ngon miệng hoặc cân nặng của bệnh nhân có bị ảnh hưởng hay không.
- Mệt mỏi và giảm sức chịu đựng: Cần ngủ đủ giấc, sinh hoạt điều độ và có phương pháp để bảo tồn năng lượng trong công việc và sinh hoạt. Ngoài ra chuẩn bị thực đơn ăn uống lành mạnh, đầy đủ dinh dưỡng cũng rất cần thiết.
Hậu COVID-19 có thể có những ảnh hưởng xấu nghiêm trọng đến sức khỏe, một số triệu chứng có thể thể hiện ra bên ngoài nhưng cũng không thể tránh khỏi những dấu hiệu ngầm mà bản thân người bệnh không thể nhận ra. Do vậy bố mẹ là F0 khỏi bệnh nên đi khám tổng quát tại các bệnh viện uy tín thay vì tự điều trị tại nhà nhé!
3.4. Ba nhóm F0 khỏi bệnh nên đi khám hậu COVID-19
Nhiều F0 sau khi khỏi bệnh thường khá chủ quan về sức khỏe hậu COVID-19. Dưới đây là ba nhóm F0 khỏi bệnh bác sĩ khuyến cáo nên đi khám để đảm bảo sức khỏe bố mẹ lưu ý nhé!
- Nhóm người bị bệnh nền như tăng huyết áp, mạch vành, đái tháo đường, rối loạn chuyển hoá…: Đây là nhóm người rất dễ có những biến chứng, tác động làm các bệnh nền của họ trở nặng.
- Nhóm người từ 60 tuổi trở lên: Nhóm người có nguy cơ ủ các bệnh khác chưa khởi phát nhưng có thể thúc đẩy tình trạng nặng hơn sau khi khỏi COVID-19.
- Nhóm người phải nhập viện khi mắc COVID-19: Họ cần tái khám để kiểm tra xem liệu tình trạng suy hô hấp phải can thiệp thở oxy trở lên, sốt cao… khi mắc COVID-19 có ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể hay không.
4. Câu hỏi thường gặp khi F0 khỏi bệnh
4.1. F0 khỏi bệnh đi máy bay được không?
Bố mẹ F0 khỏi bệnh có thể đi máy bay nhưng cần tuân theo các quy định của Bộ Y Tế và Bộ Giao thông vận tải, cụ thể như sau:
Điều kiện thực hiện chuyến bay:
- Đối với hành khách cư trú/lưu trú tại địa bàn có dịch cấp 4, khu vực phong tỏa hoặc thực hiện chuyến bay xuất phát từ địa bàn có dịch cấp 4, khu vực phong tỏa, hành khách cần có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 theo phương pháp RT-PCR; hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên có giá trị trong vòng 72 giờ kể từ thời điểm lấy mẫu xét nghiệm đến trước thời điểm khởi hành chuyến bay.
- Đối với hành khách không thuộc trường hợp trên: hành khách có thể thực hiện chuyến bay mà không cần kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 hoặc giấy chứng nhận đã khỏi bệnh. Quy định này áp dụng đối với cả hành khách là người lớn và trẻ em.
Quy định cách ly: Thực hiện cách ly (theo hướng dẫn của sở y tế địa phương) đối với hành khách đi về từ các tỉnh đang có số ca nhiễm COVID-19 cao.
Khai báo sức khỏe: Hành khách lưu ý các yêu cầu khai báo sức khỏe như sau:
- Sử dụng ứng dụng PC-Covid để khai báo, theo dõi sức khỏe và chịu trách nhiệm trước các thông tin khai báo.
- Không thực hiện chuyến bay khi có các triệu chứng ho, sốt, khó thở, đau mỏi cơ, đau rát họng, mất vị giác, v.v.
4.2. F0 khỏi bệnh có quan hệ được không?
Thỏa mãn nhu cầu và ham muốn quan hệ tình dục có khả năng kích thích làm sảng khoái tinh thần, giảm stress, khiến tâm lý thoải mái sau những ngày phải cách ly tù túng vì COVID-19. Nhưng vấn đề đặt ra ở đây, đối với nam giới F0 khỏi bệnh, nhiều nghiên cứu cho rằng virus Corona có thể gây tổn thương tại tinh hoàn, từ đó chất lượng, số lượng tinh trùng cũng giảm đáng kể. Tuy nhiên ở nữ giới hiện chưa có bằng chứng cho thấy tổn thương hay ảnh hưởng gì của loại virus này đến buồng trứng hay nang trứng.
Tuy nhiên, đừng quá lo lắng vì chưa hề có nghiên cứu nào chứng minh hay đưa ra kết luận rằng F0 sau khi khỏi bệnh không được phép quan hệ tình dục. Vì vậy, khi cảm thấy cơ thể đã hồi phục hoàn toàn, F0 khỏi bệnh có thể thực hiện quan hệ tình dục bình thường.
4.3. F0 khỏi bệnh khi nào tiêm vaccine?
Theo BS.TS.Phạm Quang Thái (Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương): F0 khỏi bệnh chưa tiêm đủ các liều vaccine cơ bản có thể tiêm ngay sau khi khỏi hoặc có thể trì hoãn đến tháng thứ 3 nếu đã hoàn thành liều cơ bản.
- Đối với F0 khỏi bệnh đã tiêm 2 mũi Vero Cell: Mũi 3 bố mẹ có thể tiêm cùng loại vaccine hoặc tiêm AstraZeneca, Pfizer hay Moderna.
- Đối với F0 khỏi bệnh đã tiêm 2 mũi Astrazeneca: Tiêm mũi 3 cùng loại hoặc tiêm vaccine mRNA (Pfizer, Moderna…) để thay thế… sẽ đạt hiệu quả tốt nhất nhé.
- Đối với F0 khỏi bệnh đã tiêm 2 mũi Pfizer: Bố mẹ hãy lựa chọn Pfizer hoặc Moderna để tiêm mũi 3.
Theo BS.Trần Thị Hải Ninh (Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương):
- Nhóm người chưa cần tiêm mũi 3: Là bố mẹ F0 khỏi bệnh đã tiêm 2 mũi vaccine phòng COVID-19 và đã bị nhiễm nhưng lại không thuộc nhóm người có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng; không thuộc nhóm người bệnh cần được chăm sóc dài ngày tại bệnh viện, có bệnh lý nền, tuổi từ 50 trở lên.
- Nhóm người cần tiêm liều bổ sung (mũi 3): Bao gồm những F0 khỏi bệnh đã tiêm đã tiêm 2 mũi vaccine Sinopharm hoặc Sputnik. Thời tiêm cách mũi thứ 2 từ 28 ngày đến 3 tháng. Nếu trong khoảng thời gian đó bố mẹ đang phải điều trị hay cách ly vì nhiễm Covid-19 thì bố mẹ cần được tiêm ngay sau đó.
5. Những vấn đề mẹ và bé cần quan tâm hậu COVID-19
5.1. F0 khỏi bệnh bao lâu có thể mang thai?
Kết quả của các nghiên cứu đến thời điểm hiện tại vẫn chưa thể khẳng định về khoảng thời gian F0 khỏi bệnh có thể mang thai. Tuy nhiên, các bác sĩ cho rằng tùy vào thể trạng từng người, khi cảm thấy cơ thể đã hồi phục hoàn toàn và không mắc các di chứng nặng về tim mạch, tiết niệu… thì mẹ có thể mang thai.
Đối với F0 khỏi bệnh nhưng có xuất hiện các dấu hiệu hậu COVID-19 cần đến bệnh viện để kiểm tra và điều trị dứt điểm trước khi mang thai, bảo vệ thai nhi khỏi các ảnh hưởng xấu. Bên cạnh đó mẹ cũng cần tăng cường bổ sung dinh dưỡng, giữ tinh thần thoải mái sẵn sàng chào đón hạt mầm thai nhi bé nhỏ hình thành.
Trường hợp mẹ bầu không may mắc Covid-19 hoặc tái nhiễm, thay vì lo lắng thái quá mẹ hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về chỉ định thuốc và sử dụng thuốc điều trị được kê đơn với liều lượng an toàn.
5.2. Chăm sóc mẹ bầu F0 khỏi bệnh như thế nào?
Bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi – Giám đốc trung tâm Sản Phụ khoa, bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM khuyến cáo: “Trong giai đoạn hậu COVID-19, mẹ bầu cần tiếp tục theo dõi và nâng cao sức khỏe để sớm hồi phục sức khỏe một cách toàn diện”. Cụ thể mẹ cần làm theo hướng dẫn dưới đây:
- Tập hít thở sâu: Mẹ bầu F0 khỏi bệnh cần tập hít thật sâu và thở ra nhẹ nhàng, chậm rãi, nhịp độ tăng dần dần khi mẹ đã quen với bài tập này.
- Tập thể dục rèn luyện sức khỏe, tăng sức đề kháng cho cơ thể: Mẹ bầu F0 sau khi hết bệnh hãy thực hiện các bài tập vận động nhẹ nhàng như đi bộ, yoga ít nhất 30 phút mỗi ngày.
- Bổ sung chất dinh dưỡng: Tham khảo ý kiến của các chuyên gia dinh dưỡng để có chế độ ăn uống khoa học, đảm bảo bổ sung đầy đủ dưỡng chất giúp cơ thể nhanh hồi phục và đủ dưỡng chất cho thai nhi phát triển.
- Cải thiện tâm lý: Sinh hoạt điều độ, ngủ đủ giấc, nghe nhạc thư giãn và nói chuyện, chia sẻ với gia đình, bạn bè để giữ tinh thần vui vẻ, tích cực và lạc quan.
5.3. Mẹ F0 khỏi bệnh có thể cho bé bú không?
“Mẹ F0 khỏi bệnh có thể cho bé bú không?” là điều mà mẹ sau sinh khá băn khoăn. Tuy nhiên mẹ F0 sau khi âm tính có thể hoàn toàn yên tâm cho bé bú bởi đến thời điểm hiện tại chưa có bằng chứng nào chứng minh virus Corona truyền qua sữa mẹ. Mẹ có thể cho bé bú bình thường, hoặc nếu mẹ mắc Covid 19 nặng hoặc có biến chứng phải tạm thời cách ly hai mẹ con, thì khi mẹ F0 hết cách ly có thể cho bé bú trực tiếp.
Một điểm lưu ý nho nhỏ: Nếu mẹ phải vắt sữa gửi ra cho bé bú trong thời gian cách ly, quá trình chuyển sữa cho bé cũng phải chú ý đảm bảo an toàn, không để bình sữa, cốc, ly…dính phải virus Corona. |
5.4. Hậu covid ở trẻ em, những điều bố mẹ cần biết
Một số tình trạng hậu COVID-19 ở trẻ em được ghi nhận bởi các nghiên cứu bao gồm các vấn đề:
- Một số vấn đề về hô hấp: Bố mẹ có thể thấy rằng trẻ F0 khỏi bệnh thường có các triệu chứng như đau ngực, ho và khó thở hơn khi tập thể dục. Các triệu chứng này có thể kéo dài 3 tháng hoặc lâu hơn phụ thuộc vào cơ địa của từng bé.
- Các vấn đề về tim mạch: Các triệu chứng bao gồm đau ngực, khó thở, nhịp tim không đều và mệt mỏi. Trẻ F0 sau khi khỏi bệnh sẽ có triệu chứng nghiêm trọng hơn trong vòng 6 tháng, vì vậy bố mẹ cần đưa bé đến gặp bác sĩ để kiểm tra.
- Trẻ F0 hết bệnh gặp vấn đề về thay đổi vị giác, khứu giác: Điều này có thể có ảnh hưởng đến thói quen ăn uống và tâm trạng của bé, bé trở nên biếng hay và hay quấy khóc. Tuy nhiên, các triệu chứng này thường biến mất sau vài tuần
- Ảnh hưởng đến hệ thần kinh: Khi hệ thần kinh bị ảnh hưởng, dù chỉ là một tác động nhỏ nhặt cũng có thể ảnh hưởng đến hoạt động và tâm trạng của bé.
- Mệt mỏi về thần kinh: Nó được mô tả giống như triệu chứng “Sương mù não” – khiến bé nhanh quên và khó ghi nhớ ký ức.
- Trẻ F0 khỏi bệnh bị đau nhức đầu: Bố mẹ không cần quá lo lắng chỉ cần cho bé ngủ đủ giấc, uống nhiều nước, ăn các bữa ăn đều đặn có thể kiểm soát được căng thẳng, khiến bé dễ chịu hơn.
- Hội chứng viêm đa hệ ở trẻ em ( MISC): Là một tình trạng hiếm gặp nhưng nghiêm trọng, trong đó trẻ em bị COVID-19 phát triển chứng viêm ảnh hưởng đến các cơ quan khác nhau của cơ thể.
Vậy khi trẻ F0 khỏi bệnh gặp những triệu chứng này, bố mẹ cần phải chăm sóc như thế nào để các bé nhanh hồi phục? Hãy theo dõi ở mục tiếp theo nhé!
5.6. Chăm sóc cho trẻ F0 khỏi bệnh như thế nào?
Tăng cường sức đề kháng cho bé yêu là mấu chốt quan trọng chiến thắng Covid và hậu COVID-19. Nhận thấy được điều đó, Góc của mẹ muốn gửi đến bố mẹ những bí quyết chăm sóc cho bé F0 khỏi bệnh hữu dụng nhất:
- Bố mẹ hãy bổ sung cho bé một chế độ ăn khoa học, đầy đủ dinh dưỡng và chế độ ăn uống, ngủ nghỉ, thể dục nhẹ nhàng để duy trì thể lực
- Cho bé ngủ đúng giờ, không thức muộn để xem phim hay chơi game sẽ làm ảnh hưởng đến giấc ngủ. Nếu bé mất ngủ có thể cho bé nghe nhạc không lời để dễ ngủ hơn.
- Tuyệt đối không cho bé sử dụng thuốc không theo chỉ định của bác sĩ.
- Sau khi trẻ F0 khỏi bệnh (âm tính ít nhất 2-3 tuần), bố mẹ cần theo dõi sát, đi khám khi có các biểu hiện bất thường về thể chất hay tinh thần ở bé.
- Bên cạnh đó, bố mẹ cũng nên đồng hành cùng bé trong những hoạt động lành mạnh như: đạp xe, chơi thể thao… hạn chế bé tiếp xúc nhiều với các thiết bị điện tử như tivi, máy tính điện thoại,…
5.7. Trẻ F0 khỏi bệnh bao lâu thì được tiêm vaccine COVID-19?
Theo khuyến nghị của bà Dương Thị Hồng – Viện phó Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương trẻ F0 khỏi bệnh thì thời gian được tiêm vaccine tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của bé. Theo hướng dẫn, bé có thể tiêm sau khi khỏi bệnh và hoàn thành cách ly y tế. Tuy nhiên, cơ thể bé không thể hồi phục nhanh chóng ngay chỉ sau 1-2 tuần, thậm chí có thể lên đến 1 tháng tùy thể trạng của từng bé. Vì vậy, chỉ cho bé tiêm vaccine COVID-19 sau khi sức khỏe phục hồi hoàn toàn bố mẹ nhé!
Mong rằng những chia sẻ về những vấn đề liên quan đến F0 khỏi bệnh sẽ giúp bố mẹ tháo gỡ những băn khoăn và có thêm sự chuẩn bị thật tốt để chăm sóc sức khỏe hậu Covid – 19. Để biết thêm những thông tin bổ ích cho sức khỏe mẹ và bé yêu, bố mẹ hãy theo dõi Góc của mẹ và cập nhật thường xuyên nhé!
Tham khảo thêm