Sau thai kỳ, cuộc sống của mẹ có nhiều thay đổi, dẫn đến biến chuyển tâm lý sau sinh. Mẹ cùng Mamamy tìm hiểu kỹ hơn vấn đề này nhé.
Mục lục
1. Nguyên nhân thay đổi tâm lý sau sinh:
Theo syt.bacgiang.gov.vn, sau sinh, tâm lý của mẹ có nhiều thay đổi, chủ yếu vì những nguyên nhân sau đây:
- Thay đổi nội tiết tố: Estrogen và progesterone là những hormone sinh sản nữ rất quan trọng. Sau sinh, nồng độ những chất này trong cơ thể mẹ bị giảm đột ngột, dẫn đến những thay đổi trong thể chất và tinh thần.
- Có tiền sử mắc bệnh tâm lý: Sau sinh, mẹ có nguy cơ mắc lại các chứng bệnh tâm lý cao hơn do nhạy cảm hơn với những biến chuyển sau sinh.
- Sức khỏe giảm sút: Sau sinh, cơ thể mẹ có thể gặp rất nhiều vấn đề. Mẹ dễ bị mệt mỏi, đau nhức cơ thể, rạn da, sưng phù, tổn thương tầng sinh môn, mụn,… Những thay đổi này ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý của mẹ, khiến mẹ trở nên nhạy cảm, dễ buồn phiền, tự ti hơn.
- Biến chuyển trong cuộc sống thường ngày: Sau sinh, cuộc sống của mẹ bận rộn hơn rất nhiều. Việc chăm sóc bé có thể nhanh chóng ngốn hết một ngày của mẹ. Mẹ có ít thời gian dành cho mình hơn.
- Sự chia sẻ của người thân, bạn bè: Khoảng thời gian đầu sau sinh, mẹ phải đối mặt với nhiều vấn đề. Những lúc này, sự giúp đỡ, san sẻ của người thân, bạn bè có ảnh hưởng rất quan trọng. Nếu thiếu sự động viên của người thân, mẹ rất dễ gặp phải những vấn đề tâm lý, thậm chí là những chứng bệnh tâm lý.
- Di truyền: Các bệnh rối loạn cảm xúc đã được chứng minh có khả năng di truyền. Các nghiên cứu cho thấy, cơ chế bệnh sinh của chứng bệnh này có sự tham gia của một số gen.
2. Những hội chứng tâm lý thường gặp sau sinh:
Tâm lý sau sinh của mẹ rất nhạy cảm. Sau sinh, mẹ có thể mắc phải một số chứng bệnh tâm lý dưới đây:
2.1. Hội chứng Baby Blues:
Hội chứng này thường chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn, xuất hiện ngay sau khi sinh con với đặc điểm là thay đổi tâm trạng thất thường. Mẹ có thể có những cảm xúc tiêu cực mà không thể lý giải hoặc kiểm soát. Dưới đây là một số biểu hiện thường thấy của hội chứng này:
- Khóc lóc mà không rõ lý do.
- Mất kiên nhẫn.
- Dễ cáu kỉnh.
- Bồn chồn.
- Lo lắng.
- Mệt mỏi.
- Không ngủ được (dù bé đã ngủ).
- Buồn bã.
- Thay đổi tâm trạng.
- Khó tập trung.
- Chán ăn, kiệt sức.
Những cảm giác này có thể chỉ kéo dài vài giờ, hoặc trong 1 – 2 tuần sau khi sinh. Tuy nhiên, nếu không được chú ý và xử lý kịp thời, hội chứng này có thể phát triển thành những chứng bệnh tâm lý nghiêm trọng hơn.
2.2. Rối loạn trầm cảm sau sinh:
Rối loạn trầm cảm sau sinh có thể xác định nếu có một số triệu chứng sau trong hơn 2 tuần:
- Suy nhược cơ thể.
- Lo lắng, đau không rõ nguyên nhân.
- Hoảng hốt.
- Căng thẳng.
- Bị ám ảnh về một việc, một người hay một hành động cụ thể nào đó.
- Khó tập trung và hay quên.
- Rối loạn giấc ngủ, hay bị thức giấc vào giữa đêm hoặc thỉnh thoảng gặp ác mộng, mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều.
- Thay đổi khẩu vị và tăng hoặc giảm cân;
- Tâm trạng buồn bã;
- Thấy mình vô dụng hay tội lỗi;
- Giảm hứng thú hoạt động;
- Suy nghĩ, hành động, phản ứng chậm;
- Thường nghĩ đến cái chết và tự tử.
2.3. Loạn thần sau sinh:
Loạn thần sau sinh là giai đoạn cuối của căn bệnh trầm cảm sau sinh. Theo thống kê trên toàn thế giới, tỉ lệ mắc loạn thần sau sinh là 1- 2/1000. Chứng bệnh này thường xuất hiện trong giai đoạn 1-4 tuần sau sinh. Loạn thần sau sinh nên được điều trị ngay lập tức sau khi phát hiện.
Chứng bệnh này có những triệu chứng điển hình như sau:
- Những triệu chứng tương tự như chứng bệnh trầm cảm nhưng nặng hơn.
- Mất hoặc rối loạn các năng lực định hướng ( năng lực nhận biết được bản thân mình, môi trường xung quanh).
- Bị hoang tưởng, ảo tưởng về nhiều vấn đề.
- Quan tâm lo lắng quá mức cho con, không cho ai sờ đến con, la hét, gào thét khi có người chạm vào con…hoặc không chăm sóc, hắt hủi con, nghi ngờ, thậm chí có những hành vi tổn thương đến bé.
3. Giải pháp:
Những thay đổi tâm lý sau sinh có thể ảnh hưởng rất nhiều lên cuộc sống của mẹ và bé. Bởi vậy, mẹ nên phòng ngừa những chứng bệnh này ngay từ giai đoạn trước và trong khi mang thai.
Mẹ có thể phòng tránh cảm xúc tiêu cực bằng cách chuẩn bị trước những kiến thức và kĩ năng chăm sóc con và bản thân, gia đình sau sinh. Mẹ có thể tham gia các lớp học hoặc các trung tâm chia sẻ kỹ năng sống cho mẹ bầu để làm quen với những thay đổi. Bên cạnh đó, mẹ cũng nên giữ những thói quen sống lành mạnh, xây dựng chế độ ăn uống khoa học, tích cực tập thể dục để chuẩn bị sức khỏe tâm lý. Sự giúp đỡ, động viên từ người thân và bạn bè cũng là yếu tố quan trọng để mẹ có một tâm lý vững vàng hơn. Mẹ cũng nên đi khám định kỳ để bảo đảm sức khỏe.
Nếu có những triệu chứng của những chứng bệnh trên, mẹ không nên tự điều trị mà nên đến các cơ sở y tế để được tư vấn tâm lý. Việc điều trị sớm sẽ giúp mẹ nhanh chóng hồi phục sức khỏe, hạn chế những biến chứng không đáng có.
Những thay đổi tâm lý có thể ảnh hưởng rất nhiều lên đời sống của mẹ và bé. Tuy nhiên, nếu có sự chuẩn bị, mẹ có thể nhanh chóng trở lại cuộc sống bình thường. Mẹ nhớ theo dõi Góc của mẹ để tìm hiểu thêm thông tin thú vị nhé. Mamamy chúc mẹ và bé luôn khỏe mạnh!
Mẹ có thể đọc thêm tại: TÂM LÝ TRƯỚC KHI MANG THAI: MẸ VUI BÉ KHỎE