Những tháng cuối thai kì, dấu hiệu chuyển dạ là quan tâm hàng đầu của mẹ bầu. Làm sao mẹ bầu biết biểu hiện chuyển dạ thật? Thế nào là biểu hiện chuyển dạ giả? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho mẹ kiến thức về dấu hiệu sắp chuyển dạ và những lưu tâm cho mẹ gần ngày dự sinh.
Mục lục
1. Biểu hiện của chuyển dạ
Dấu hiệu chuyển dạ đặc trưng bởi các biểu hiện mẹ dễ nhận biết bao gồm: Ra thăm/nhầy hồng âm đạo, ra nước âm đạo và đau bụng cơn tăng dần. Đây cũng chính là lý do khiến mẹ dến cơ sở y tế để kiểm tra.
1.1. Ra thăm hồng âm đạo
Thăm hồng âm đạo bản chất là nút nhầy cổ tử cung đã thoát ra. Chất nhầy này tăng dần ở cổ tử cung vào cuối thai kì. Sự xuất hiện của nhầy hồng âm đạo báo hiệu cuộc chuyển dạ khi có sự xóa, mở cổ tử cung.
1.2. Rỉ nước âm đạo
Nếu mẹ thấy có rỉ nước hoặc chảy nước từ âm đạo, rất có thể ối bị rỉ hoặc ối đã vỡ. Trong nước ối có thành phần là chất prostagladin, có vai trò cơ bản trong khởi phát chuyển dạ. Do đó sau khi ối vỡ, chuyển dạ thường khởi phát và tiến triển rất nhanh. Có thể mẹ nhầm nước ối là nước tiểu, tuy nhiên vào những ngày cuối thai kì, đây là dấu hiệu quan trọng mẹ không nên bỏ qua. Cần đến ngay bệnh viện hay trung tâm sản khoa để khám, theo dõi.
1.3. Đau bụng từng cơn tăng dần
Các cơn đau bụng tăng dần đặc trưng cho dấu hiệu của chuyển dạ. Bản chất những cơn đau bụng là các cơn co tử cung. Trong chuyển dạ, các cơn co tử cung tăng dần về cả tần số và biên độ. Đây là động lực thúc đẩy em bé xuống thấp để có thể đi ra khỏi tử cung mẹ. Các cơn co này sẽ mau hơn, cường độ tăng liên tục cho đến khi thai nhi lọt lòng. Đôi khi mẹ cảm thấy sự co cơ tử cung này giống những cơn gò đã xuất hiện trước đó trong thai kì nhưng với áp lực lớn hơn rõ rệt.
Trong một số trường hợp, mẹ có thể thấy ra máu âm đạo bất thường hoặc đau bụng dữ dội liên tục. Trường hợp này mẹ phải ngay lập tức đi khám cho dù có dấu hiệu chuyển dạ khác hay không. Nguyên nhân có thể là rau tiền đạo, rau bong non,… rất nguy hiểm cần được xử trí tại bệnh viện.
Tìm hiểu thêm về chuyển dạ:
Kiến thức cơ bản về sinh lý chuyển dạ
Hiện tượng chuyển dạ xảy ra như thế nào?
2. Dấu hiệu chuyển dạ giả là như thế nào?
Trên thực tế, trong suốt thai kì mẹ cũng có thể cảm nhận những cơn gò ở bụng. Khi gần đến ngày dự sinh, những cơn gò tương tự có thể làm mẹ nhầm với biểu hiện chuyển dạ. Tuy nhiên bản chất của những cơn gò này là cơn co Braxton Hicks sinh lý của tử cung. Chúng có những khác biệt rõ ràng với dấu hiệu chuyển dạ thật.
Khoảng cách giữa các cơn đau chuyển dạ giả không cố định và không rút ngắn theo thời gian. Số cơn đau đếm được trong 10 phút không cố định. Cơn đau chuyển dạ giả có cường độ không đều và hoàn toàn có thể giảm đi. Với cơn đau chuyển dạ thật, sự giảm đi chỉ là tạm thời.
Để khắc phục khó chịu của cơn đau giả, mẹ có thể nghỉ ngơi, nằm ngủ hoặc đi lại nhẹ nhàng. Điều này vừa giảm ảnh hưởng cơn đau, vừa giúp mẹ giải tỏa lo âu.
3. Chuẩn bị gì cho mẹ khi sắp có biểu hiện chuyển dạ?
Bước sang 3 tháng cuối thai kì, bụng lớn, mẹ càng mệt mỏi nhiều hơn. Mẹ nên duy trì lịch khám thai sản định kì để theo dõi tình trạng cả hai mẹ con. Mẹ và gia đình cần chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc chuyển dạ đặc biệt khi đến gần ngày dự sinh.
3.1. Giấy tờ và thủ tục nhập viện
Giấy tờ tùy thân hoặc thủ tục bảo hiểm để nhập viện cần được chuẩn bị từ trước. Nên tránh mọi sự lúng túng khi đã có dấu hiệu chuyển dạ làm tăng thêm áp lực cho mẹ. Người thân nên nắm rõ tình trạng của mẹ để trao đổi với các y bác sĩ khi mẹ đau nhiều, mệt mỏi. Nếu mẹ mang song thai, đa thai hoặc có những vấn đề sản khoa đặc biệt như rau tiền đạo hay sẹo mổ cũ ở tử cung, mẹ nên nhập viện sớm theo khuyến cáo của bác sĩ và mang theo kết quả của cả những lần khám trước.
Tìm hiểu thêm về giấy tờ cần thiết khi đi sinh tại đây.
3.2. Vật dụng mẹ mang theo đi sinh bé
Khi chuyển dạ đã bắt đầu, mẹ thường không thể kiếm soát hết đồ đạc cần mang đi để sinh bé. Mẹ và gia đình nên chuẩn bị trước một số đồ dùng cơ bản cho mẹ và em bé.
Về phía mẹ có thể chuẩn bị những đôi dép nhẹ, mềm và phẳng để đi lại cho an toàn. Nên có một vài chiếc áo khoác nếu thời tiết lạnh. Mẹ cần có băng vệ sinh cỡ lớn cho những ngày đầu sau sinh và giấy bản to chống thấm lót giường. Chuẩn bị những chiếc khăn cotton mềm để vệ sinh cá nhân cho mẹ. Không thể thiếu một số vật dụng cơ bản cho mẹ như điện thoại, khăn mặt, bàn chải, lược chải tóc,…
Dành cho bé, gia đình nên chuẩn bị quần áo, mũ đội, tã, bỉm, tất tay, tất chân để giữ ấm cho bé. Bé cũng nên có bình sữa để thay cho ti mẹ khi cần. Ngoài ra bé cũng cần có gối và đệm nằm riêng phù hợp với kích cỡ tí hon của mình.
Ngoài ra gia đình và mẹ đừng quên mang theo tiền mặt. Cần phải giải quyết thủ tục nói chung cũng như đề phòng quên, thiếu những vật dụng cần thiết.
3.3. Tâm lý tốt và thể chất khỏe mạnh
Trong mọi giai đoạn của thai kì, sức khỏe mẹ và thai nhi là yếu tố quan trọng hàng đầu. Càng đến cuối thai kì thì điều này càng quan trọng hơn. Mẹ cần duy trì chế độ ăn phù hợp, thư giãn tinh thần. Gia đình chú ý luôn động viên và quan tâm đến suy nghĩ, tâm tư của mẹ. Hãy thông cảm, sẻ chia với mẹ áp lực và lo lắng khi thai kì chuẩn bị kết thúc.
Hi vọng thông qua bài viết, mẹ có thể phân biệt được dấu hiệu chuyển dạ thật và giả. Qua đó mẹ chọn được thời điểm thích hợp để đến bệnh viện sinh bé. Mẹ cũng đừng quên chuẩn bị những đồ dùng thiết yếu cho cuộc vượt cạn. Chúc mẹ bầu khỏe mạnh và chuyển dạ thật thuận lợi!
Nguồn tài liệu tham khảo: http://benhvienphusantrunguong.org.vn/news/giai-dap-y-hoc/dau-hieu-v%E1%BB%A1-oi-ba-bau-can-biet-.html