Bất kì mẹ bầu nào cũng có thể đã trải qua cơn gò tử cung. Đây là hiện tượng thường gây ra băn khoăn hay lo lắng cho mẹ. Cùng tìm hiểu một số khía cạnh về cơn gò tử cung qua bài viết dưới đây.
Mục lục
1. Cơn gò tử cung là gì?
Cơn gò tử cung hay cơn co tử cung là hiện tượng co của cơ tử cung, thường xuất phát từ sừng phải của tử cung lan tỏa ra khắp cơ tử cung. Người ta chưa phát hiện ra nguyên nhân thực sự khởi phát những cơn gò này. Theo một số tài liệu, cơn co tử cung xuất hiện từ tuần thứ 6 thai kì. Nhưng để cảm nhận được cơn gò, thường mẹ phải bước sang tam cá nguyệt thứ 2 và thứ 3.
2. Các loại cơn gò tử cung trong suốt thai kì
2.1. Cơn gò Braxton – Hicks
Cơn gò Braxton Hicks hình thành khi các sợi cơ tử cung co và giãn. Chúng còn được gọi là cơn đau chuyển dạ giả vì có hiện tượng co tử cung giống với gò chuyển dạ. Cơn gò này không gây đau và không có chu kỳ cụ thể, không tăng lên về tần số, biên độ. Cơn gò này xuất hiện tự nhiên và tự hết không gây hại đến thai nhi.
Cơ chế xuất hiện của nó chưa rõ ràng. Đã có những nghiên cứu đưa ra một số hoàn cảnh cụ thể có liên quan đến sự khởi phát cơn gò này. Có thể kể đến đó là: khi mẹ bị mất nước, khi bàng quang đầy nước tiểu, sau khi quan hệ hoặc sau khi mẹ hoạt động mạnh. Những hoàn cảnh này có điểm tương đồng là đều gây tăng nhu cầu oxy và máu cấp cho thai nhi.
Cơn gò tử cung xuất hiện tự nhiên và tự mất đi. Nếu thấy khó chịu hoặc đau mẹ chỉ cần nghỉ ngơi, uống nước là có thể hết.
2.2. Cơn gò chuyển dạ sinh
Cơn gò chuyển dạ sinh có những cảm giác ban đầu tương tự như cơn co Braxton Hicks. Bản chất nó vẫn là sự co của các sợi cơ tử cung. Tuy nhiên cơn gò chuyển dạ là động lực của cuộc đẻ, nghĩa là nó sẽ mạnh hơn.
Sự khởi phát của chuyển dạ cũng là một cơ chế chưa được làm rõ. Khi đó, cơn gò chuyển dạ xuất hiện tăng dần về cường độ và tần số. Mẹ càng lúc càng đau rõ hơn, cơn đau xuất hiện dày hơn. Các sợi cơ tử cung co lại để thúc em bé xuống thấp hơn về phía âm đạo mẹ. Mức đau của cơn gò tử cung có thể khiến mẹ cảm thấy như muốn gãy lưng. Nhiều mẹ đứng không vững, phải nằm, bò, thay đổi tư thế liên tục để đỡ đau. Nhưng cơn gò tử cung không giảm đi mà sẽ vẫn tiến triển tăng lên, dày hơn cho đến khi em bé lọt lòng.
3. Những dấu hiệu nào đi kèm với cơn gò chuyển dạ?
3.1. Ra nhầy hồng âm đạo
Ra nhầy hồng âm đạo hay ra thăm âm đạo là dấu hiệu thường gặp nhất khi chuyển dạ khởi phát. Chất nhầy này có nguồn gốc từ cổ tử cung. Chất nhầy này có tính đàn hồi, màu hơi hồng. Mẹ có thể nhận biết được nhầy hồng này tương đối dễ dàng. Nếu mẹ ra nhầy và bắt đầu thấy các cơn gò tử cung gần nhau hơn, đau rõ hơn thì nên sẵn sàng cho cuộc sinh nở.
3.2. Ra nước ối
Hiện tượng thấy ra nước âm đạo, hơi lỏng và hơi đục là biểu hiện rỉ ối hoặc vỡ ối. Thành phần Prostaglandin trong nước ối liên quan mật thiết đến chuyển dạ. Khi thấy ra nước ối âm đạo như vậy mẹ cần đến cơ sở y tế ngay. Nếu rỉ ối trong thời kì trước 37 tuần, khả năng sinh non cao. Nếu vỡ ối khi thai đủ tháng, chuyển dạ sẽ tiến triển rất nhanh và có nguy cơ đẻ rơi nếu mẹ không đến bệnh viện kịp thời.
3.3. Cảm giác bụng xuống thấp
Đây cũng là một cảm giác khá phổ biến khi có dấu hiệu chuyển dạ. Cảm giác hẫng bụng này cũng không có sự báo trước. Mẹ có thể đột ngột nhận thấy thai xuống thấp hơn hẳn mọi khi. Đây cũng là nguyên nhân khiến mẹ lo lắng vì nó xuất hiện bất ngờ. Đây là biểu hiện cho thấy thai đã xuống thấp hơn gần âm đạo mẹ.
4. Những lưu ý khi thấy có gò chuyển dạ
Khi cơn gò tử cung xuất hiện, mẹ cần lưu ý đến mức đau và sự thưa – dày của các cơn co. Nếu cơn co tự mất đi, không dày lên và không khiến mẹ đau đớn nhiều, mẹ có thể chỉ cần nghỉ ngơi. Nếu các dấu hiệu chuyển dạ trên xuất hiện kèm theo cơn gò tăng lên về mức đau và xuất hiện liên tục trong 10 phút, mẹ cần đến cơ sở y tế.
Những điều này càng quan trọng hơn nếu tuổi thai đang dưới 37 tuần. Sự xuất hiện của cơn gò chuyển dạ cho thấy nguy cơ sinh non rất cao. Sinh non gây ra rất nhiều hệ lụy cho sức khỏe bé. Nuôi em bé sinh non cũng là một hành trình vất vả hơn cho gia đình. Vì vậy nhận biết cơn gò chuyển dạ là rất quan trọng để chủ động đến bệnh viện có chuyên khoa sản điều trị.
Tìm hiểu thêm:
Dấu hiệu chuyển dạ phải nhập viện mẹ bắt buộc chú ý
Dấu hiệu chuyển dạ thật và giả là như thế nào?
Cơn gò tử cung là một hiện tượng sinh lý diệu kì. Bài viết trên đây tóm tắt lại một số kiến thức về cơn gò tử cung cho mẹ. Hi vọng qua đây mẹ đã bỏ túi được những điểm cần thiết về cơn co tử cung. Góc của mẹ chúc mẹ có một thai kì an toàn và thuận lợi.
Tham khảo: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/