Chữa tắc sữa bằng đu đủ xanh là phương pháp dân gian được một số mẹ truyền tai nhau áp dụng tại nhà. Nhưng thực hư về hiệu quả của phương pháp này ra sao? Mẹ có nên áp dụng hay không? Tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây!
Mục lục
1. Tác dụng của đu đủ xanh với việc chữa tắc tia sữa
Dùng đu đủ xanh để chữa tắc tia sữa là một bài thuốc dân gian khá phổ biến. Mặc dù được lưu truyền cho tới tận ngày nay, phương pháp này vẫn chưa được công nhận hay chứng minh có hiệu quả bởi bất kỳ đơn vị, tổ chức nghiên cứu nào.
Tuy vậy, cũng cần công nhận rằng, đu đủ cũng chứa những thành phần enzyme tự nhiên – papain, một loại enzyme giảm căng cứng các mô, hỗ trợ tiêu hoá, lợi sữa. Có thể thấy những dưỡng chất có trong quả đu đủ có tác dụng hỗ trợ chữa tắc tia sữa rất tốt.
Ngoài ra, trong đu đủ xanh có rất nhiều loại vitamin như vitamin A, vitamin C, vitamin B1, vitamin B2… cùng những khoáng chất cần thiết cho cơ thể như sắt, kẽm, magie, kali, canxi… mà bất cứ mẹ bỉm nào đều cần.
Vậy mẹ có nên dùng phương pháp này không? Câu trả lời tùy theo tình trạng tắc sữa của mẹ. Nếu mẹ bị tắc sữa nhẹ, chưa kéo dài quá 2 ngày, không sốt, không sưng nóng, đau buốt,… mẹ có thể thử sử dụng phương pháp này. Đây là phương pháp đơn giản, có hiệu quả nhất định trong trường hợp nhẹ.
Trong trường hợp mẹ đã bị tắc tia sữa nặng, kéo dài trên 3 ngày, mẹ nên đến bác sĩ để được thăm khám, tránh tắc sữa chuyển biến nguy hiểm hơn như: áp xe vú, viêm vú,…
2. 2 cách chữa tắc tia sữa bằng đu đủ xanh
Dưới đây là 2 phương pháp dùng đu đủ xanh để chữa tắc tia sữa thường được áp dụng. Mẹ tham khảo và thực hiện đúng để đạt được hiệu quả nhé!
2.1. Chữa tắc sữa bằng đu đủ xanh nướng
Nguyên liệu: 1 quả đu đủ xanh
Cách thực hiện:
- Bước 1: Đu đủ xanh đem rửa sạch, gọt vỏ và thái lát mỏng
- Bước 2: Đem những lát đu đủ vừa thái đi nướng, chú ý nướng ở nhiệt độ khoảng 160 độ C trong vòng khoảng 15 phút hoặc mẹ căn chỉnh tăng giảm nhiệt độ và thời gian sao cho đu đủ khô mà không bị cháy xém là được.
- Bước 3: Bọc những lát đu đủ vừa được nướng xong trong tấm vải mỏng, sạch.
- Bước 4: Áp miếng vải có đựng đu đủ nướng lên bầu ngực cho đến khi đu đủ hết nóng.
Thời gian áp dụng: Mẹ áp dụng cách này khoảng 1-2 lần/ngày để thấy được hiệu quả.
2.2. Chữa tắc tia sữa bằng đu đủ xanh hầm móng giò
Nguyên liệu:
- Móng giò: 1 cái
- Đu đủ xanh: 1 quả
- Rau thơm, hành lá…
- Gia vị cần thiết
Cách thực hiện:
- Bước 1: Rửa sạch móng giò với nước
- Bước 2: Luộc móng giò qua với nước muối để hạn chế mùi hôi của thịt
- Bước 3: Rửa lại với nước một lần nữa
- Bước 4: Xào móng giò cùng hạt nêm cho vừa ăn. Sau đó đổ nước vào ninh thật nhừ với lửa nhỏ. Lửa nhỏ giúp móng giò mềm nhừ và nước ngọt hơn.
- Bước 5: Gọt vỏ đu đủ xanh rồi cắt thành từng miếng nhỏ vừa ăn. Ngâm trong nước muối khoảng 10 phút để hết mủ, nhựa
- Bước 6: Sau khi ninh móng giò chín nhừ, bỏ đu đủ xanh vào nấu cho đến khi đu đủ chín
- Bước 7: Cho thêm các loại rau thơm, hành lá vào cho đủ vị.
Mẹ nên dùng canh ngay khi còn nóng để canh giữ được vị thơm ngon.
3. Chữa tắc tia sữa bằng đu đủ xanh bao lâu có hiệu quả?
Như đã đề cập ở trên, chữa tắc tia sữa bằng đu đủ xanh là một phương pháp dân gian được lưu truyền lại. Các mẹ truyền tai nhau để áp dụng và có những kết quả nhất định.
Hiện nay chưa có bằng chứng khoa học nào xác nhận về tính hiệu quả của bài thuốc này. Do đó chưa có cơ sở để khẳng định áp dụng phương pháp chữa tắc sữa với đu đủ xanh trong bao lâu thì có hiệu quả. Mẹ cần cân nhắc trước khi áp dụng phương pháp này mẹ nhé!
4. Lưu ý khi chữa tắc tia sữa bằng đu đủ xanh
Khi áp dụng phương pháp dân gian này, mẹ cần lưu ý những điều sau:
- Hạn chế đắp đu đủ nướng trực tiếp lên đầu ti: Đu đủ vừa nướng xong khá nóng, nếu đắp trực tiếp có thể dẫn đến bỏng, rát ngực mẹ.
- Kết hợp với các cách chữa tắc sữa khoa học hơn như: Chườm nóng, chườm lạnh để mau khỏi hơn nhé. Chi tiết mẹ tham khảo tại: Chữa tắc sữa nên chườm nóng hay chườm lạnh
- Không cố áp dụng với trường hợp bị tắc tia sữa nặng, lâu ngày. Hoặc những trường hợp mẹ tắc tia sữa đi kèm với những biểu hiện nặng như sốt cao, sưng, nhức ngực hay thậm chí là mưng mủ. Đối với những trường hợp này, các bài thuốc dân gian sẽ không có tác dụng mà phải cần đến sự khám chữa của bác sĩ chuyên môn.
Khi bị tắc tia sữa nặng, mẹ không nên dùng đu đủ để chữa
5. Khi nào cần đến khám bác sĩ
Mẹ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ thăm khám khi có 2 trong các triệu chứng bên dưới:
- Tắc sữa kèm sốt cao trên 38.5 độ C: Sốt có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng vú được gọi là viêm vú hoặc những căn bệnh về vú khác.
- Vú rất sưng, cứng, bóng, ấm và hơi sần khi sờ vào. Đồng thời, trong người mẹ luôn cảm thấy mệt mỏi, ớn lạnh, đau đầu, khó thở…
- Mẹ tắc tia sữa và không có dấu hiệu thuyên giảm sau 3 – 4 ngày.
Vì nhiều lý do mà mẹ hay có tâm lý sợ đau, coi nhẹ việc tắc sữa mà ngại hay chần chừ đến bệnh viện thăm khám. Nghĩ rằng đây là tình trạng phổ biến ở các bà mẹ cho con bú nên vẫn cố áp dụng những bài thuốc dân gian tại nhà.
Thực tế điều này rất nguy hiểm tới cả mẹ và bé, đặc biệt khi tình trạng trở nặng hơn (có những dấu hiệu kể trên) bởi đó có thể là triệu chứng của viêm vú, áp xe vú, nhiễm trùng vú… Khi trở nặng, bệnh sẽ mất nhiều thời gian điều trị và đôi khi để lại những biến chứng sau này.
Như vậy, chữa tắc sữa bằng đu đủ xanh chỉ áp dụng được khi mẹ bị tắc sữa nhẹ, và không chắc chắn sẽ hiệu quả đối với tất cả trường hợp. Trong quá trình sử dụng, mẹ cần cẩn trọng theo dõi tình trạng của mình và đến bác sĩ nếu tắc sữa kéo dài trên 3 ngày hoặc có dấu hiệu sốt trên 38 độ C, ngực sưng nóng, đau nhức kéo dài,… mẹ nhé!