Hiện nay, một số mẹ thường mách nhau chữa tắc tia sữa bằng thuốc Nam – với cơ chế thanh nhiệt, giải độc, hạ huyết, lợi sữa. Phương pháp này có thực sự hiệu quả? Cần lưu ý gì khi sử dụng hay không? Mẹ cùng tìm hiểu qua bài viết này nhé!
Mục lục
1. Ưu điểm của việc chữa tắc tia sữa bằng thuốc nam
Mẹ bỉm tin tưởng và ưa chuộng sử dụng thuốc Nam để chữa tắc tia sữa bởi những ưu điểm như:
- Tiết kiệm chi phí: Thuốc Nam là những bài thuốc được chế biến từ các loại thảo dược tự nhiên, chủ yếu là những loại dễ trồng, dễ kiếm như củ ấu, xơ mướp, lá tía tô… nên giá thành mua thuốc không quá cao.
- An toàn khi được dùng đúng cách: Thuốc Nam được cho là lành tính và không có tác dụng phụ lên người uống vì nguyên liệu từ tự nhiên và cách chế biến đơn giản, đảm bảo an toàn. Cách chế biến thường là sắc thuốc, đun nóng nguyên liệu đến khi sôi và cạn, việc này giúp loại bỏ được những vi khuẩn độc hại (nếu có) bám trên nguyên liệu.
- Phù hợp với cơ địa người Việt Nam: Danh y Tuệ Tĩnh đã có câu “Nam dược trị Nam nhân”. Ý muốn nói cây cỏ, con vật ở vùng nào sẽ phù hợp với thể trạng, cơ địa của người vùng ấy. Vì vậy mà thuốc Nam (thuốc trồng ở phương Nam, tức Việt Nam) sẽ có tác dụng trong việc điều trị Nam nhân (người phương Nam, tức người Việt Nam) hơn các thuốc khác.
2. 5 bài thuốc chữa tắc tia sữa bằng thuốc nam phổ biến hiện nay
Trong Đông y, có 5 bài thuốc dân gian bằng thuốc Nam được lưu truyền phổ biến trong việc điều trị tắc tia sữa như sau:
2.1. Củ ấu chữa tắc tia sữa
Củ ấu có vị ngọt, tính mát, thanh thử giải nhiệt lương huyết, dùng để giảm đau và căng tức ngực khi mẹ bị tắc sữa khá tốt. Mẹ áp dụng ngay khi mới tắc tia sữa khoảng 1-2 ngày sẽ cảm thấy đỡ chỉ sau khoảng 3-5 ngày sử dụng.
Nguyên liệu cần chuẩn bị:
- 30g củ ấu tươi
- 300ml rượu (khoảng 40 độ)
Cách làm:
- Bước 1: Rửa sạch và giã nát củ ấu tươi
- Bước 2: Đem củ ấu giã nát sắc với 300ml rượu và đun cho đến khi còn khoảng 100ml. Mẹ uống hết chỗ thuốc đã sắc trong ngày
- Bước 3: Lấy bã thuốc vẫn còn nóng (khoảng 40 – 45 độ) bỏ vào khăn xô đắp lên vùng ngực bị đau
Cách làm khác:
- Bước 1: Giã nát củ ấu tươi (khoảng 10g)
- Bước 2: Trộn củ ấu đã giã nát với 20ml rượu rồi đắp hỗn hợp lên bầu vú
2.2. Bồ công anh và hoa hiên tươi chữa tắc tia sữa
Bồ công anh có tính lạnh, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu viêm, kết hợp cùng hoa hiên tươi có tác dụng chống viêm, giảm đau. Người ta thường kết hợp 2 vị thuốc này để có hiệu quả cao trong trị tắc sữa. Mẹ áp dụng khi mới bị tắc sữa (trong 5 ngày đầu), đừng để tình trạng chuyển nặng mới dùng mẹ nhé!
Nguyên liệu cần chuẩn bị:
- 20-30g hoa hiên tươi
- 20-30g lá bồ công anh tươi
- Khoảng 20ml giấm chua
Cách làm:
- Bước 1: Giã nát hoa hiên tươi. Sau đó trộn với giấm chua đắp lên ngực
- Bước 2: Sắc 20-30g lá bồ công anh tươi với 500ml nước. Đun lửa liu riu đến khi còn 100ml là được. Mẹ chia ra uống làm 2-3 lần trong ngày
2.3. Xơ mướp chữa tắc tia sữa lâu ngày
Theo Đông y, xơ mướp có tác dụng đả thông kinh lạc, giải độc tố trong cơ thể và thông tắc sữa ở phụ nữ cho con bú. Theo dân gian, mẹ nên dùng liên tục bài thuốc này từ khi mẹ bắt đầu bị tắc tia sữa trong vòng 5-7 ngày liên tục để thấy được tác dụng rõ rệt mẹ nhé.
Nguyên liệu cần chuẩn bị:
- 1 cái xơ mướp
- 3-5g băng phiến (có khả năng thanh nhiệt, giảm đau nhức, theo y học cổ truyền, băng phiến thích hợp dùng chung với xơ mướp)
- 10ml dầu thực vật (tốt nhất là dầu vừng)
Cách làm:
- Bước 1: Nghiền xơ mướp cùng băng phiến thành bột mịn
- Bước 2: Cho dầu thực vật vào hỗn hợp trên, bôi lên ngực. Vừa bôi vừa xoa bóp
2.4. Lá bồ công anh giúp mẹ hết tắc tia sữa
Trong y học cổ truyền, lá bồ công anh được nghiên cứu là một loại thực vật chứa nhiều thành phần như vi chất như sắt, sodium, canxi, magie. Những thành phần này có tác dụng làm mát cơ thể. Ngoài ra, chúng giúp đả thông các tia sữa, kích thích sữa về nhiều hơn, các cục sữa đông cũng được tan ra, giúp lợi sữa cho mẹ. Từ tác dụng phía trên, mẹ được khuyên là nên áp dụng lá bồ công anh khi có hiện tượng chảy mủ ở bầu ngực.
Nguyên liệu cần chuẩn bị:
- 30g lá bồ công anh
- 30g cỏ seo gà
- Một ít hàn the (khoảng 3-5g cho mỗi lần dùng)
Cách làm:
- Bước 1: Lấy lá bồ công anh, cỏ seo gà tươi đem sắc với 500ml nước sạch. Mẹ lấy nước uống hết trong ngày (chia làm 2-3 lần)
- Bước 2: Rắc hàn the lên ngực để làm dịu cơn đau. Sau khi rắc mẹ nhớ vệ sinh sạch sẽ trước khi cho bé bú mẹ nhé!
2.5. Tía tô rau má chữa tắc tia sữa
Tía tô và rau má đều có tính hàn, tác dụng tiêu viêm rất tốt. Mẹ bị tắc sữa khi dùng bài thuốc này sẽ thấy giảm đau, bầu ngực bớt căng cứng và nặng nề. Bài thuốc này được dân gian khuyên dùng khi mẹ thấy hiện tượng bầu vú chảy mủ.
Nguyên liệu cần chuẩn bị:
- 100g lá tía tô
- 100g rau má
- 30g vỏ cam hoặc quýt tươi
- 500ml nước sôi
Cách làm:
- Bước 1: Lấy các nguyên liệu trên đem giã nguyên và lọc qua rây để lấy nước cốt
- Bước 2: Pha nước cốt này với 500ml nước sôi và uống ngay khi còn ấm. Nếu mẹ thấy khó uống có thể thêm một chút đường để vị đậm đà hơn.
3. Lưu ý khi chữa tắc tia sữa bằng thuốc nam
Khi dùng thuốc, mẹ cần trang bị kiến thức sử dụng cơ bản, cần thiết để thuốc phát huy tác dụng tốt nhất. Đối với thuốc Nam cũng vậy, mặc dù được cho là lành tính nhưng mẹ cũng cần phải lưu ý những điều sau khi quyết định dùng thuốc nam chữa tắc sữa:
- Thuốc Nam có nguyên tắc “hư thì bổ, thực thì tả”. Câu này có nghĩa là khi cơ thể suy nhược (hư chứng) thì nên tẩm bổ, còn khi dư thừa, ứ đọng (thực chứng) thì làm tiêu tan phần dư thừa đó đi. Trường hợp mẹ bị tắc sữa là do lượng sữa không được lưu thông, tồn dư lại trong bầu ngực (thực chứng), mẹ điều trị bằng cách “tả” – làm tan, làm dịu và lưu thông sữa trong ngực bằng cách dùng các vị thuốc có tính mát, có khả năng tiêu viêm để làm dịu cơ thể từ đó đả thông các tuyến sữa bị tắc.
- Thuốc Nam có hiệu quả rất nhanh đối với những trường hợp mới tắc sữa. Không giống như quan niệm về thuốc Nam thường thấy – thời gian dùng thuốc và điều trị rất lâu, khi mẹ mới bị tắc sữa mà dùng thuốc Nam để lưu thông khí huyết từ bên trong sẽ có hiệu quả tức thì (chỉ sau 3-5 ngày) mẹ nhé!
- Mẹ cần có sự tư vấn trước khi dùng thuốc, không tự ý làm thuốc, bốc thuốc. Mỗi vị thuốc dù lành tính nhất đều có thể gây độc nếu dùng quá liều. Ngoài ra, cũng có những vị thuốc kỵ nhau (tức dùng riêng mỗi vị sẽ rất tốt nhưng khi kết hợp lại mang độc tố). Do đó mẹ cần tìm thầy thuốc Nam tư vấn và bốc thuốc để đạt được hiệu quả, tránh gây hậu quả không đáng có từ việc tự ý dùng thuốc.
- Cần hiểu rõ phương pháp chữa bệnh. Trong điều trị bằng thuốc Nam, việc cân bằng âm dương trong cơ thể rất quan trọng. Nếu như dùng thuốc quá nhiều, hoặc liều lượng sắc thuốc nhiều hơn định lượng dễ dẫn tới mất cân bằng âm dương, ngộ độc thuốc. Vì vậy, mẹ nên sử dụng đúng định lượng, liều lượng được bác sĩ chỉ định.
- Khi ngực mẹ căng tức đến chảy mủ, pha chút máu, mẹ ngừng cho bé bú và nhanh chóng đến cơ sở y tế để được thăm khám. Chảy máu, chảy mủ kéo dài có thể là những biểu hiện của các bệnh lý nguy hiểm như viêm vú, hoại tử thuốc Nam chưa thể chữa được.
Y học không cấm mẹ dùng thuốc Nam để chữa tắc tia sữa, tuy nhiên để tránh những biến chứng không đáng có xảy ra, mẹ cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc nhé!
Bên cạnh những bài thuốc Nam, có rất nhiều phương pháp chữa tắc tia sữa mẹ có thể áp dụng tại nhà, vừa đơn giản lại hiệu quả cao đó ạ!
4. Phương pháp chữa tắc tia sữa khoa học được nhiều mẹ áp dụng
4.1. Chườm ấm quanh bầu ngực
Tác dụng: Đây là phương pháp giúp làm tan các cục sữa đông trong các nang sữa bằng cách tác dụng nhiệt (khoảng 40-45 độ C) lên bầu ngực. Áp dụng phương pháp này kết hợp massage đều đặn mẹ sẽ thấy hiệu quả tức thì!
Cách thực hiện:
- Trước khi cho bé bú, mẹ để ngực trần (không mặc áo ngực). Sau đó đắp khăn đã nhúng nước ấm (khoảng 40 – 45 độ C) trực tiếp lên ngực. Đồng thời mẹ lấy tay massage ngực theo hướng từ trong ra ngoài (hướng ra phía đầu ti) trong suốt quá trình chườm ấm ngực.
- Khi tắm mẹ dùng một miếng đệm nóng (nhiệt độ không quá 45 độ C) hoặc vải ấm đắp lên ngực 20 phút/lần. Mẹ cũng có thể đứng trước vòi sen, điều chỉnh nhiệt độ nước trong vòi khoảng 45 độ, để nước ấm từ vòi sen chảy vào ngực giúp giảm căng cứng và làm mềm ngực.
4.2. Massage vùng ngực
Tác dụng: Massage giúp giảm tắc sữa vì các động tác massage sẽ tác động vào các mô ngực làm mềm ngực. Các cục sữa đông ứ đọng bên trong cùng bị tác động lực làm cho tan ra, từ đó khai thông dòng chảy của sữa. Thêm vào đó, massage ngực thường xuyên còn giúp đả thông khí huyết, điều hoà mạch máu lưu thông trong ngực tốt hơn, từ đó giảm nguy cơ mắc các bệnh về vú như viêm vú, áp xe, u xơ…
Cách thực hiện:
- Bước 1: Rửa tay sạch sẽ với xà phòng diệt khuẩn. Vệ sinh bầu ngực bằng khăn khô đa năng
- Bước 2: Nhẹ nhàng xoa lên vùng ngực bị nổi cục cứng
- Bước 3: Dùng lực tay vừa day vừa ép bầu ngực theo chiều từ trong ra ngoài (hướng về phía đầu ti). Mẹ chú ý day và ấn mạnh hơn một chút nơi có những cục sữa đông nổi cộm lại để ép chúng tan ra.
Lặp lại các bước trên bất cứ khi nào mẹ có thời gian để hiệu quả đánh tan sữa đông trong ngực mẹ được nhanh hơn. Từ đó khai thông dòng sữa và khả năng đón sữa mới của mẹ cũng tốt hơn đó ạ.
4.3. Sử dụng một số sản phẩm hỗ trợ
Nhằm giảm bớt áp lực cho mẹ trong việc điều trị tắc sữa, hiện nay trên thị trường đã có nhiều loại thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị tình trạng này. Các dòng thực phẩm này chứa nhiều vitamin và khoáng chất như canxi, vitamin D3, D6…Magie, Kẽm… có tác dụng giảm khả năng sữa tích tụ và vón cục gây tắc sữa.
Một số sản phẩm uy tín mẹ có thể tham khảo như:
- Thuốc lợi sữa Mabio
- Thuốc lợi sữa Ích mẫu lợi nhi
- Thuốc lợi sữa Pigeon
Tuy nhiên, lạm dụng thực phẩm chức năng không có nghĩa là mẹ sẽ cải thiện hoàn toàn tình trạng hoặc hết hẳn tắc sữa. Để đảm bảo an toàn và tránh việc sử dụng sai hay gặp phải tác dụng phụ, mẹ cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc mẹ nhé!
5. Cách phòng tránh tắc tia sữa cho mẹ sau sinh
Theo thống kê có khoảng 15% các mẹ bỉm phải “vật lộn” với tình trạng tắc sữa sau sinh. Để không nằm trong 15% đó, mẹ hãy phòng tránh tắc tia sữa bằng những mẹo nhỏ sau:
- Vệ sinh sạch sẽ đầu vú, các khe kẽ trên bầu vú trước và sau khi cho bé bú bằng khăn sạch nhúng nước ấm hoặc khăn khô đa năng.
- Cho bé bú đúng cách: Mẹ cho bé bú ở cả 2 bên ngực. Sau khi bé bú sạch 1 bầu ngực rồi mới chuyển sang bên kia để sữa không bị ứ đọng lại.
- Nếu bé bú không hết sữa trong một cữ bú, mẹ dùng máy hút sữa để hút hết phần sữa còn thừa trong bầu.
- Mẹ chọn loại áo ngực thoáng mát, rộng rãi bằng chất liệu thấm hút mồ hôi, khô thoáng như cotton để ngực không bị căng tức, khó chịu.
- Các bài thuốc Nam trên đây áp dụng cho tình trạng tắc sữa nhẹ. Nếu trải qua 5 ngày áp dụng mà vẫn chưa thấy cải thiện, mẹ nên đến các cơ sở y tế để được bác sĩ khám và điều trị. Tránh việc kéo dài thời gian sử dụng thuốc, tình trạng chuyến biến nặng có thể dẫn tới viêm tuyến vú hoặc áp xe vú rất nguy hiểm.
Như vậy, nếu mức độ tắc sữa của mẹ còn nhẹ và cơ địa mẹ hợp, thuốc Nam có thể giúp mẹ chữa tắc sữa hiệu quả. Tuy nhiên, chữa tắc tia sữa bằng thuốc nam cũng có khả năng gây ngộ độc nếu dùng sai cách. Mẹ cần dùng thuốc theo đơn của bác sĩ thuốc Nam. Để an toàn nhất, mẹ nên áp dụng những phương pháp trị liệu như massage ngực, chườm ấm hoặc xin tư vấn từ bác sĩ nếu bị tắc sữa nặng mẹ nhé!