Mong muốn mang thai đôi là mong muốn của không ít phụ nữ. Làm thế nào để tăng khả năng sinh đôi? Có biện pháp gì để thụ thai đôi? Cùng tìm hiểu với Góc của mẹ qua bài viết dưới đây.
Mục lục
1. Mang thai đôi là như thế nào?
Mang thai đôi là hiện tượng có hai thai trong buồng tử cung. Tùy theo từng trường hợp khác nhau, hai thai đó có thể chung buồng ối, chung bánh rau hoặc khác buồng ối, khác bánh rau. Do đặc điểm về buồng ối và bánh rau mà từng trường hợp sẽ có những đặc điểm khác nhau và tiến triển thai kì khác nhau.
Mang thai đôi có thể xuất phát từ việc 2 trứng cùng được thụ tinh và làm tổ. Hoặc cũng có thể phát sinh do hiện tưởng phân bào của trứng đã thụ tinh tạo nên hiện tượng sinh đôi cùng trứng. Nguyên nhân phát sinh thai đôi cùng trứng chưa được biết rõ.
2. Một số yếu tố làm tăng khả năng sinh đôi
2.1 Độ tuổi
Lứa tuổi sau 30 tuổi được thống kê là dễ thụ thai đôi hơn. Nguyên nhân là do tăng hormone FSH ở lứa tuổi này. FSH kích thích rụng trứng, tăng FSH dẫn đến tăng lượng trứng rụng trong 1 chu kì. Do đó có thể có nhiều hơn 1 trứng được thụ thai. Hai trứng cùng được thụ thai và cùng làm tổ trong buồng tử cung sẽ phát sinh thai đôi khác trứng.
2.2 Tiền sử gia đình
Có thể nói những người mà có thế hệ trước từng sinh đôi thường dễ sinh đôi hơn. Điều này không chắc chắn giúp thụ thai đôi. Nhưng cơ hội mang thai đôi thường cao hơn ở những gia đình sinh đôi ở các thế hệ trước. Nếu trước đó các cặp sinh đôi không giống hệt nhau thì thế hệ này dễ mang thai đôi hơn. Một số thống kê chỉ ra nguyên nhân do rụng nhiều trứng hơn trong 1 chu kì ở những gia đình này.
2.3 Cho con bú
Cho con bú thực chất là một cách tránh thai sau sinh. Tuy nhiên vẫn có khả năng thụ thai trong thời kì cho con bú. Đã có những nghiên cứu chỉ ra thụ thai trong thời kì cho con bú cho tỉ lệ sinh đôi cao hơn. Tỉ lệ sinh đôi ở phụ nữ cho con bú là 11,4% so với tỉ lệ 1,1% ở những phụ nữ không cho con bú.
2.4 Chiều cao
Các thống kê cũng cho thấy phụ nữ có chiều cao hơn mức trung bình dễ mang thai đôi hơn. Điều này chưa được làm rõ về cơ chế. Có giả thuyết cho rằng đo là do dinh dưỡng tốt hơn: Dinh dưỡng tốt hơn dẫn đến việc có chiều cao tốt hơn và có liên quan đến việc mang thai đôi.
3. Làm sao để tăng khả năng sinh đôi
3.1 Thuốc kích trứng
Đây là một loại trị liệu dành cho các cặp vợ chồng hiếm muộn để kích thích rụng trứng. Thường thuốc kích trứng được chỉ định ở những phụ nữ có buồng trứng đa nang hoặc rối loạn phóng noãn. Thuốc kích trứng không khuyến cáo sử dụng ở phụ nữ có sức khỏe sinh sản bình thường.
Trong kĩ thuật hỗ trợ sinh sản như IUI và IVF, thuốc kích trứng cũng được sử dụng. Trị liệu này nhằm kích thích trứng rụng. Lượng trứng rụng tăng lên cũng có nghĩa là khả năng thụ thai cao hơn. Khả năng mang thai đôi cũng cao hơn khi tinh trùng được kết hợp với nhiều trứng hơn trong 1 chu kì.
3.2. Kĩ thuật bơm tinh trùng vào tử cung IUI
IUI là phương pháp thụ tinh nhân tạo bằng cách bơm tinh trùng vào buồng tử cung. Phương pháp này thường có sử dụng thuốc kích trứng để hỗ trợ rụng trứng. Tinh trùng được tiếp cận tốt hơn với buồng tử cung khi làm IUI. Thường có nhiều hơn 1 trứng rụng trong 1 lần thụ thai. Vì vậy số trứng được thụ thai trong 1 lần cũng có thể nhiều hơn một. Từ đó dẫn đến khả năng mang thai khác trứng cao.
Kĩ thuật IUI là một kĩ thuật hỗ trợ sinh sản xâm lấn, mang lại cơ hội mang thai cho nhiều phụ nữ. Cũng nhờ phương pháp này mà tỉ lệ mang thai đôi tăng lên. Thậm chí nếu có 3 trứng cùng rụng thì có thể sinh ba.
3.3 Kĩ thuật thụ tinh trong ống nghiệm IVF
Đây là phương pháp cho tinh trùng gặp và thụ tinh với trứng trong môi trường phòng thí nghiệm. Phương pháp này thường được chỉ định sau khi IUI thất bại hoặc với một số tình trạng bất khả kháng của đường sinh dục nữ hoặc chất lượng tinh trùng kém. Khi làm IVF, thường có nhiều hơn 1 trứng được thụ tinh thành công. Tùy theo nhu cầu của gia đình mà có thể cấy nhiều hơn 1 phôi vào buồn tử cung. Đây là lí do mà người mẹ thường mang thai đôi, thai ba khi làm IVF thành công. Nhưng vì lí do an toàn mà thông thường chỉ cấy 1-2 phôi vào buồng tử cung.
Tìm hiểu thêm:
Những điều mẹ chưa biết về khả năng sinh sản ở phụ nữ
Những yếu tố quan trọng nào ảnh hưởng đến khả năng sinh sản?
5. Muốn mang thai đôi phải làm sao?
Có thể thấy có rất nhiều yếu tố liên quan đến khả năng mang thai đôi. Đó có thể là chiều cao, tuổi tác, tiền sử gia đình,… Hoặc đó có thể là phương pháp hỗ trợ sinh sản mà cặp vợ chồng áp dụng. Không có một công thức chắc chắn nào để mang thai đôi. Con cái là duyên của mỗi cặp đôi và mang thai đôi thực sự là may mắn của các cặp vợ chồng.
Muốn tăng khả năng sinh đôi, trước hết phải tăng khả năng thụ thai. Để tăng khả năng thụ tha cần bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, khám và tầm soát sức khỏe toàn thân và sức khỏe sinh sản cho cả hai người. Chỉ khi cả hai khỏe mạnh thì mới có thể thụ thai và mang thai an toàn.
Trên đây là một số những vấn đề xung quanh việc mang thai đôi. Tăng khả năng sinh đôi là hi vọng, mong muốn của nhiều phụ nữ nhưng chúng ta không được tùy ý dùng thuốc theo ý mình. Góc của mẹ hi vọng qua bài viết này, chị em có thêm kiến thức về mang thai đôi. Chúc các cặp đôi có sức khỏe tốt và sớm mang bầu!
Nguồn tham khảo: https://www.verywellfamily.com/what-are-my-chances-of-having-twins-1960180