Thai giáo là phương pháp giáo dục sớm được đánh giá cao ở Anh, Mỹ, được nhiều mẹ bỉm sử dụng. Nhưng với một số mẹ, nhất là mẹ tập lần đầu thì vẫn còn khá xa lạ, muốn áp dụng nhưng chưa hiểu rõ thai giáo là gì, thực hiện như thế nào. Vậy hãy để Góc của mẹ giải đáp chi tiết cho mẹ, giúp thai giáo đạt hiệu quả tốt và tránh mắc phải 6 sai lầm thường gặp.
Mục lục
1. Thai giáo là gì mẹ nhỉ?
Thai giáo là hoạt động giáo dục cho bé từ lúc còn trong bụng mẹ, sử dụng thơ ca, ngôn ngữ, âm nhạc, hoặc những cử chỉ vuốt ve để phát triển các giác quan và trí não cho bé, từ đó giúp tăng chỉ số IQ và nâng cao các tố chất cho bé sau khi sinh.
Phương pháp thai giáo rất phổ biến ở các nước Châu Âu như Úc, Mỹ, Anh, Hà Lan và đã được nghiên cứu thực nghiệm bởi nhiều chuyên gia uy tín trong ngành. Mẹ tham khảo thai giáo là gì và hướng dẫn thực hiện thai giáo của Healthdirect Australia (chính phủ Úc) để có thêm thông tin mẹ nhé.
2. Những lầm tưởng của mẹ bỉm về thai giáo
Thai giáo là phương pháp quan trọng để tạo môi trường phát triển tốt nhất cho thai nhi, gắn kết tình cảm của mẹ và bé nhưng mẹ cần hiểu và áp dụng đúng cách. Sau đây là 6 sai lầm 99% mẹ mắc phải khi thai giáo, đọc ngay để có thêm kinh nghiệm mẹ nhé::
2.1. “Thần thánh” quá mức hiệu quả của thai giáo
Theo nghiên cứu của chuyên gia, phương pháp thai giáo mang lại các lợi ích sau:
1 – Tăng phản xạ tự nhiên của bé: Ngay khi còn ở trong bụng mẹ, các giác quan của bé đã dần hình thành và phát triển qua từng ngày (thính giác hình thành và hoàn chỉnh ở tuần thứ 24 – 25 thai kỳ, thị giác thì từ tháng 2 – tháng 4). Hoạt động thai giáo đúng thời điểm giúp kích thích giác quan của bé, giúp bé phản xạ nhanh hơn.
2 – Mẹ và bé gắn kết hơn: Thông qua giọng nói và các tương tác vật lý như vỗ nhẹ vào bụng, vuốt ve, bé sẽ cảm nhận được tình yêu thương của mẹ và giúp mẹ gắn kết tình cảm mẹ con hơn.
3 – Mẹ giảm căng thẳng và stress: Phương pháp thai giáo giúp kết nối mẹ và bé, khiến mẹ yêu đời và vui vẻ hơn, tránh suy nghĩ tiêu cực kéo dài, ảnh hưởng không tốt tới thai nhi.
4 – Tiền đề giúp bé tăng chỉ số IQ và EQ: Nhờ được mẹ cho tiếp xúc với âm nhạc, ánh sáng,.. sớm nên khả năng nhận thức của bé với các sự vật, sự việc bên ngoài tốt hơn. Đây là tiền đề để bé phát triển chỉ số IQ – EQ sau khi sinh ra.
Thai giáo là phương pháp giáo dục sớm với lợi ích tích cực không thể phủ nhận. Tuy nhiên, mẹ đừng “thần thánh” quá mức hiệu quả của thai giáo, xem đây là loại thuốc “thần kỳ” giúp bé phát triển vượt bậc, chỉ cần thai giáo là đủ, không quan tâm đến cảm xúc của bé, bỏ quên việc chăm sóc tinh thần cho chính mẹ.
Thay vào đó, khi bé được sinh ra, mẹ vẫn tiếp tục hoàn thiện chế độ dinh dưỡng đầy đủ cho bé; trò chuyện, lắng nghe suy nghĩ của bé, nuôi dạy bé bằng các phương pháp thích hợp để bé lớn khôn và phát triển toàn diện. Mẹ cũng quan tâm đến sức khỏe tinh thần của mình, tránh để bản thân bị stress và lo lắng quá độ để bé cảm nhận được niềm vui và sự yêu thương của mẹ dành cho bé, mẹ nhé!
2.2. Quá tập trung vào thai giáo trực tiếp
Thai giáo trực tiếp là phương pháp sử dụng những thông tin bên ngoài tác động trực tiếp lên thai nhi, bao gồm các bài tập kích thích 5 giác quan: vị giác, khứu giác, xúc giác, thính giác và thị giác của bé. Phương pháp thai giáo gián tiếp thì ngược lại, sẽ tập trung các biện pháp chăm sóc cơ thể và tinh thần người mẹ, từ đó giúp bé tiếp nhận được suy nghĩ, hành động và cảm xúc tích cực của mẹ.
Mẹ bỉm mới làm quen với thai giáo thường tập trung các bài tập trực tiếp cho bé nhưng lại quên mất bổ sung dinh dưỡng và các hoạt động tinh thần của mình. Mẹ ơi, nếu tâm trạng mẹ không tốt hoặc thiếu chất sẽ ảnh hưởng đến bé, vì lúc này bé đang hấp thụ mọi dinh dưỡng từ cơ thể mẹ đó. Mẹ hãy kết hợp cả hai phương pháp để tạo môi trường tâm sinh lý hoàn thiện cho bé, mẹ nhé.
2.3. Thai giáo không đúng thời điểm
Dựa vào thời điểm hình thành các giác quan của bé trong bụng, từ đó mẹ áp dụng các biện pháp thai giáo đúng cách. Thai giáo sai thời điểmkhông những không đem lại hiệu quả mà còn gây ra ảnh hưởng xấu. Chẳng hạn như mẹ massage bụng quá sớm, khi thai chưa được 2 tháng tuổi sẽ dẫn đến các cơn co thắt tử cung hoặc sẩy thai rất nguy hiểm.
Mẹ tham khảo gợi ý các thời điểm thai giáo đúng này nhé:
1 – Thai giáo bằng thính giác:
Bước sang tuần thứ 16 thai kỳ, bé đã bắt đầu có phản ứng với âm thanh và hoàn thiện hệ thống thính giác vào tuần thứ 24-25. Từ thời điểm này, mẹ trò chuyện, kể truyện ngụ ngôn, cổ tích, cho bé nghe các bản nhạc dịu nhẹ, tiết tấu chậm để kích thích thính giác của bé. Mẹ cũng khuyến khích bố nói chuyện cùng bé để bé cảm nhận được tình yêu của cả gia đình nhé Tần suất cho bé nghe nhạc hợp lý để thai giáo bằng thính giác là khoảng 2 – 3 lần mỗi ngày và kéo dài 20 phút mỗi lần. Mẹ tham khảo các bài nhạc này để cho bé yêu nghe nhé.
2 – Thai giáo bằng thị giác:
Khả năng cảm nhận ánh sáng của thai nhi bắt đầu từ khoảng tuần thứ 18 của thai kỳ, đến tuần thứ 33, con ngươi của bé có thể co giãn được khi nhìn thấy ánh sáng và các hình ảnh. Để thực hiện phương pháp này, mẹ hãy ngồi thật thoải mái rồi dùng đèn pin đưa dọc theo bụng thật chậm, nhẹ nhàng trò chuyện và chờ phản hồi của bé. Mẹ lưu ý dùng loại đèn pin có ánh sáng nhẹ, thực hiện mỗi lần chỉ 5 phút và lặp lại 2-3 lần/tuần để đạt hiệu quả cao nhất nhé.
3 – Thai giáo bằng xúc giác:
Xúc giác của bé phát triển và hoàn thiện dần từ tuần thứ 8 của thai kỳ. Sau khi thai được 2 tháng tuổi, mẹ hãy thực hiện massage, xoa bóp bụng mẹ thường xuyên 3 lần/ngày, mỗi lần 5-10 phút để bé cảm nhận được tình yêu thương, kích thích xúc giác giúp não bộ bé hoạt động tốt và phản xạ nhanh nhẹn hơn.
2.4. Gò ép bản thân
Không ít mẹ khi thực hiện biện pháp thai giáo đã gò ép bản thân nghe các bản nhạc hàn lâm, nhạc thính phòng vì nghĩ rằng như thế mới giúp phát triển trí tuệ cho bé. Tâm lý lo lắng rằng bé bị ngăn cách bởi bụng và túi ối nên mẹ mở nhạc to cho bé nghe rõ hơn. Một số mẹ còn ép mình ăn các loại thực phẩm mình không thích ăn với suy nghĩ cố ăn để cung cấp dưỡng chất cho bé.
Mẹ ơi, trong thời gian mang thai mẹ đừng suy nghĩ và lo lắng quá nhé, tinh thần mẹ là yếu tố rất quan trọng trong giai đoạn này đó ạ. Mẹ hãy thư giãn và lạc quan, tích cực để bé cảm nhận được niềm vui từ mẹ. Đó mới là biện pháp tốt để nuôi dạy bé từ trong bụng. Mẹ chỉ cần chọn các bản nhạc tiết tấu chậm 60-80 nhịp/phút, trữ tình hay dân ca, dùng tai nghe chuyên dụng cho bé. Đặc biệt lưu ý ăn uống đủ bữa và đủ dinh dưỡng là được, đừng quá gò ép bản thân mẹ nhé.
2.5. Chưa lắng nghe con
Nhiều mẹ khi đang mang bầu muốn “giáo dục” con càng nhiều càng tốt nên cho con nghe nhạc quá nhiều lần trong ngày, vuốt ve và massage bụng liên tục hoặc soi đèn pin quá lâu. Việc thai giáo quá mức này làm bé phải hoạt động các giác quan liên tục, dẫn đến mất sức khiến bé mệt mỏi và không thoải mái, còn tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thai nhi nữa.
Mẹ nên lắng nghe chuyển động của bé để xác định bé có đang thoải mái với các bài tập không rồi điều chỉnh cho phù hợp với bé nhà mình. Mẹ tham khảo tần suất cho từng bài tập để áp dụng đúng và đủ nhé:
- Thai giáo thính giác: khoảng 2 – 3 lần/ngày, mỗi lần 20 phút
- Thai giáo thị giác: 2-3 lần/tuần, mỗi lần 5 phút
- Thai giáo xúc giác: định kỳ 3 lần/ngày, mỗi lần 5-10 phút
2.6. Chưa chú trọng vào sức khỏe của mẹ
Khi mẹ căng thẳng và buồn bã, nồng độ cortisol trong máu sẽ tăng lên, trong đó có 10 – 20% truyền qua nhau thai đến não bộ của bé, bé sẽ cảm nhận được tâm trạng không tốt của mẹ. Mẹ có khỏe thì bé mới khỏe, mẹ vui thì bé mới vui. Vì thế, trong suốt quá trình mang thai, mẹ đừng quên những lưu ý sau đây nhé.
2.6.1. Cân bằng dinh dưỡng
Khi mang thai mẹ cần lưu ý cân đối đầy đủ 4 nhóm chất thiết yếu gồm:
1 – Chất bột đường (carbohydrate): Mẹ chọn các loại chất bột đường dạng chuyển hóa chậm như gạo lứt, ngũ cốc và chia nhỏ bữa ăn ra khoảng 6 bữa/ngày để cung cấp đầy đủ dưỡng chất và tăng cường hệ tiêu hóa nhé.
2 – Chất đạm (protein): Protein là dưỡng chất thiết yếu, mẹ cần bổ sung đủ trong suốt thời gian mang thai. Protein có nhiều trong thịt nạc, cá và trứng hoặc mẹ xen kẽ thêm bằng đậu và các loại hạt cho đủ chất mẹ nhé.
3 – Chất béo (lipid): Nhóm chất thứ 3 cũng rất quan trọng cho mẹ trong thai kỳ đó ạ. Quả bơ, dầu oliu, cá hồi, cá mòi,… là những thực phẩm chứa nguồn chất béo có lợi cho cơ thể, phù hợp dùng để bổ sung cho sức khỏe của mẹ và bé.
2.6.2. Bổ sung các loại vitamin, chất xơ và khoáng chất
Đây là nhóm chất cần thiết để tạo điều kiện cho sự phát triển toàn diện của bé nhà mình:
1 – Acid Folic: Là loại vitamin quan trọng cho tiến trình sản sinh hồng cầu của cơ thể. Trước khi mang thai và đến hết 3 tháng đầu tiên của thai kỳ, nếu mẹ bổ sung đủ chất này sẽ giúp ngăn ngừa các dị tật bẩm sinh cho bé. Sử dụng viên uống acid folic hoặc các thực phẩm như bông cải xanh, rau chân vịt, ngũ cốc, sữa là giải pháp hiệu quả để đảm bảo lượng chất cần thiết cho mẹ.
2 – Canxi: Là thành phần cấu tạo cơ bản của răng và xương,mẹ bổ sung đủ lượng canxi trong suốt thai kỳ sẽ giúp xương con chắc khỏe, chống loãng xương và ngăn ngừa cao huyết áp. Bé ra đời có hệ xương toàn diện và khỏe mạnh tự nhiên.
Lượng canxi mẹ cần bổ sung sẽ tăng dần theo thời gian mang thai, chia làm 3 giai đoạn: trong 3 tháng đầu là 800mg, 3 tháng giữa thai kỳ là 1000mg và 3 tháng cuối là 1500mg canxi. Mẹ dùng viên uống và kết hợp ăn các thực phẩm giàu chất canxi như sữa, nước ép trái cây, cải xoăn,… để cung cấp đầy đủ chất cho cả mẹ và bé nhé.
3 – Vitamin D: Vitamin D đóng vai trò quan trọng cho quá trình hấp thụ canxi, phospho của cơ thể. Khi cơ thể thiếu vitamin D, tiến trình hấp thụ các dưỡng chất sẽ suy giảm, gây rủi ro còi xương cho bé. Vì thế, mẹ lưu ý bổ sung đủ 800UI vitamin D một ngày bằng cách tắm nắng, kết hợp ăn các thực phẩm giàu vitamin D như trứng, sữa, bơ, nước cam, các loại cá để giúp bé lớn lên chắc xương và khỏe mạnh.
2.6.2. Đảm bảo an toàn vệ sinh
Khi mang thai mẹ thường khá nhạy cảm với các loại thực phẩm nên cả rau củ quả mẹ ăn và dụng cụ mẹ dùng đều cần đảm bảo vệ sinh an toàn cho mẹ và bé. Hiện nay các mẹ bỉm đang truyền tai nhau sản phẩm nước rửa rau quả và bình sữa “thần thánh”, vừa dùng để rửa sạch rau củ, đồ dùng của mẹ khi mang bầu, sau này khi bé sinh mẹ sử dụng để rửa bình sữa cho bé cực tiện lợi và tiết kiệm, đỡ phải sắm thêm.
2.6.4. Mẹ có chế độ nghỉ ngơi hợp lý
Bác sĩ của bệnh viện Từ Dũ khuyên mẹ nên ngủ đủ 8 tiếng/ngày và đừng quên nghỉ trưa khoảng 30 phút để giảm căng thẳng, bớt lo nghĩ hơn. Vào buổi sáng và buổi chiều, mẹ cũng nên dành 5 -10 phút nghỉ giữa các buổi để hồi sức và thư giãn. Đặc biệt, trong 3 tháng cuối thai kỳ, mẹ cân đối giảm khối lượng công việc xuống, cho cơ thể nghỉ ngơi nhiều hơn. Khi mang thai mẹ đừng thức quá khuya, dậy quá sớm sẽ mệt, ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ và bé.
2.6.5. Mẹ tránh hoạt động mạnh
Khi có bé rồi, mẹ tránh hoạt động mạnh gây sốc và khiến bé không thoải mái nhé mẹ. Các trò chơi cảm giác mạnh (tàu lượn, vòng xoay,..); các bài tập thể dục cường độ cao (aerobic, sumo squat, lặn, nâng tạ, gập người); va chạm mạnh,… là các hoạt động mẹ không nên thực hiện khi mang thai.
Thay vào đó, mẹ chọn thực hiện các bài tập thể thao đơn giản, nhẹ nhàng sẽ giúp giảm stress, lưu thông máu đều, cơ thể khỏe khoắn hơn. Đi bộ, đạp xe tại chỗ, yoga, pilates, bơi lội là các gợi ý để mẹ tập luyện khi mang thai. Tham khảo ý kiến bác sĩ để chọn bài tập phù hợp nhất, luôn làm nóng người trước khi tập mẹ nhé. Đặc biệt mẹ lưu ý tập luyện đều đặn 30 phút mỗi ngày và không tập quá sức để đạt hiệu quả cao nhất.
Vậy là mẹ đã biết thai giáo là gì và tránh được sai lầm thường gặp khi thai giáo rồi mẹ nhỉ? Mẹ nhớ áp dụng đúng phương pháp và giữ tinh thần thoải mái, lạc quan mẹ nhé. Nếu còn điều gì thắc mắc, mẹ để lại bình luận ở dưới để Góc của mẹ giải đáp cho mẹ kịp thời và nhanh chóng nhất. Chúc mẹ và bé có một thai kỳ khỏe mạnh, mẹ tròn con vuông.