Bệnh tay chân miệng ở trẻ là một bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ nhỏ. Đặc biệt là với các bé dưới 5 tuổi. Vậy mẹ đã biết biểu hiện của bệnh tay chân miệng ở trẻ em chưa?
Mục lục
1. Nguyên nhân của bệnh tay chân miệng ở trẻ em
Bệnh tay chân miệng ở trẻ chủ yếu do nhóm virus đường ruột Enterovirus gây nên. Thường gặp nhất là Coxsackie A16 và Enterovirus typ 71. Trong đó, virus Coxsackie A16 ít gây ra các biến chứng về thần kinh và có thể tự khỏi trong vài ngày. Ngược lại, virus Enterovirus typ 71 (EV71) gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm phổi, viêm cơ tim. Và có thể dẫn đến tử vong.
Ngoài Coxsackie A16 và Enterovirus typ 71, một số chủng virus nhóm A khác cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh. Ví dụ như Coxsackie A4-A7, A9, A10. Hoặc virus Coxsackie nhóm B như B1-B3, và B5.
2. Nhận biết dấu hiệu bệnh tay chân miệng ở trẻ
Dấu hiệu nhận biết của bệnh chân tay miệng ở trẻ em là khác nhau thì theo mức độ nặng nhẹ.
Độ 1: Bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ trong giai đoạn này là loét miệng và/hoặc tổn thương da. Đây được coi là thể nhẹ nhất của bệnh tay chân miệng.
Độ 2: Bắt đầu xuất hiện một số biến chứng trên thần kinh và biến chứng tim mạch nhẹ. Độ 2 được phân chia thành 2 phân độ nhỏ:
Độ 2a – Trẻ có 1 trong các dấu hiệu sau:
- Giật mình dưới 2 lần/30 phút và không ghi nhận lúc khám bệnh.
- Sốt trên 2 ngày hoặc sốt trên 39 độ C kèm theo nôn, lừ đừ, khó ngủ, quấy khóc vô cớ.
Độ 2b:
- Nhóm 1: trẻ giật mình ghi nhận lúc khám hoặc bệnh sử có giật mình ≥ 2 lần/30 phút hoặc bệnh sử có giật mình (ít < 2 lần/30 phút) kèm theo 1 dấu hiệu sau:
- Ngủ gà
- Nhịp tim nhanh > 150 lần/phút (tính khi trẻ nằm yên, không sốt)
- Trẻ sốt cao ≥ 39 độ C không đáp ứng với thuốc hạ sốt
- Nhóm 2: trẻ có một trong các biểu hiện sau:
- Triệu chứng thất điều: run chi, run người, ngồi không vững, đi loạng choạng.
- Có rung giật nhãn cầu, lác mắt.
- Yếu chi (tay, chân) hoặc liệt chi.
- Liệt thần kinh sọ: biểu hiện nuốt sặc, thay đổi giọng nói…
Độ 3: Đây là khi bệnh chân tay miệng ở trẻ có biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp nặng.
- Mạch nhanh: > 170 lần/phút (khi khi trẻ nằm yên, không sốt).
- Vã mồ hôi, lạnh toàn thân hoặc khu trú.
- Huyết áp tăng.
- Nhịp thở nhanh, thở bất thường.
- Rối loạn tri giác.
- Tăng trương lực cơ.
Độ 4: Dấu hiệu tay chân miệng ở trẻ xuất hiện triệu chứng sốc
- Trẻ có biểu hiện sốc (mạch = 0, huyết áp = 0…)
- Phù phổi cấp, tím tái, SpO2 < 92%.
- Ngưng thở, thở nấc
3. Cách điều trị bệnh chân tay miệng ở trẻ em
Khi phát hiện dấu hiệu tay chân miệng ở trẻ, bố mẹ nên đưa trẻ đi khám nhanh nhất để nhận được chuẩn đoán chính xác từ bác sĩ. Với một số trẻ ở thể nhẹ có thể điều trị ngoại trú, mẹ có thể áp dụng một số biện pháp điều trị sau:
- Dùng các thuốc giảm đau, sát trùng niêm mạc miệng như nước muối 0,9%, Kamistad…
- Về chế độ ăn hằng ngày cần đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng, bù nước kịp thời. Qua đó đề phòng trẻ bị mất nước, hạ đường huyết. Đối với trẻ bú, mẹ cần tăng cường cho bé bú thành nhiều lần trong ngày. Còn với trẻ lớn hơn. Mẹ cần kiêng các loại thức ăn có thể khiến trẻ đau rát, tổn thương miệng như thức ăn nóng, đặc. Thay vào đó, bố mẹ nên cho trẻ ăn các thức ăn loãng, nguội, dễ tiêu hóa như cháo loãng, sữa, sữa hạt, chè đỗ…Nếu bé từ chối ăn mẹ không nên cưỡng ép. Mà hãy cho bé uống sữa hoặc ăn sữa chua để thay thế. Hoa quả trái cây giàu vitamin, khoáng chất cũng là thực phẩm cần thiết cho trẻ trong khi điều trị bệnh tay chân miệng.
- Bên cạnh đó, bố mẹ cần vệ sinh da tránh bội nhiễm vi khuẩn: tắm cho trẻ bằng các loại nước có tính sát trùng nhẹ như nước lá chè, lá chân vịt…
- Và dùng dung dịch Betadin bôi các tổn thương ngoài da sau khi tắm.
Mẹ có thể tìm hiểu thêm:
Trẻ chậm nói: Dấu hiệu nhận biết và cách khắc phục hiệu quả nhất.
4. Biện pháp phòng tránh bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ
Phòng bệnh thì luôn tốt hơn là chữa bệnh. Do đó bố mẹ nên nắm rõ những biện pháp phòng tránh để giảm thiểu khả năng trẻ mắc bệnh chân tay miệng:
- Thường xuyên rửa tay bằng xà bông dưới vòi nước chảy nhất là trước khi cho ăn uống, cho trẻ ăn, chế biến thức ăn, trước khi bế trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi làm vệ sinh và thay tã cho trẻ.
- Ăn uống hợp vệ sinh, ăn chín, uống sôi.
- Đảm bảo các vật dụng ăn uống phải được rửa sạch sẽ, tốt nhất nên ngâm bằng nước sôi trước khi sử dụng.
- Đảm bảo nguồn nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày.
- Không nhai, mớm thức ăn cho trẻ.
- Không để trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm đồ chơi.
- Không để trẻ dùng chung khăn tay, khăn giấy, các vật dụng ăn uống như cốc, chén, thìa, đĩa, bát, đồ chơi…
- Thường xuyên vệ sinh bề mặt các vật dụng tiếp xúc hàng ngày như dụng cụ học tập, đồ chơi, tay vịn cầu thang, tay nắm cửa, sàn nhà, mặt bàn/ghế…bằng các chất tẩy rửa thông thường.
- Cách ly trẻ với những người đang mắc bệnh hoặc nghi ngờ bị tay chân miệng.
- Trong 10 – 14 ngày đầu khi nhiễm miệng, cha mẹ cần cách ly trẻ tại nhà, không để trẻ đến trường học hay những nơi đông người
Tay chân miệng ở trẻ có thể khỏi hoàn toàn mà không để lại di chứng. Tuy nhiên bố mẹ cần theo dõi. Chăm sóc trẻ bị tay chân miệng cẩn thận để phòng ngừa biến chứng.