Với thời đại kỹ thuật số ngày càng phát triển, khối lượng thông tin về vấn đề giáo dục giới tính ngày một lớn khiến bố mẹ hoang mang không biết phương pháp nào mới thực sự phù hợp dành cho bé yêu của mình Vậy hãy cùng Góc của mẹ tìm hiểu, bố mẹ nhé!
Mục lục
1. Các khái niệm cơ bản trong giáo dục giới tính
Đầu tiên, bố mẹ hãy để Góc của mẹ giải thích thật kỹ những khái niệm liên quan đến giáo dục giới tính trước khi tìm hiểu những sai lầm bố mẹ thường mắc phải khi giáo dục giới tính cho bé nha!
- Giới tính sinh học là gì?
Giải phẫu học, nội tiết tố học và nhiễm sắc thể học là những yếu tố để xác định giới tính sinh học (biological sex) của mỗi người. Từ đó, chúng ta sẽ biết một người là nam khi người đó có dương vật và tinh hoàn. Và là nữ nếu người đó có tử cung, âm đạo và buồng trứng.
Tuy nhiên, trên thực tế, giới tính sinh học không chỉ có hai. Một em bé khi sinh ra, cơ thể có những biến thể về cơ quan sinh dục và nhiễm sắc thể. Bé có thể có cả cơ quan sinh dục của nam và nữ, hoặc trường hợp bé có cơ quan sinh dục của một giới nhưng nhiễm sắc thể của bé lại là giới còn lại. Đây được gọi là liên giới tính. Tuy nhiên, các trường hợp liên giới tính không quá phổ biến trên thế giới.
- Bản dạng giới là gì?
Bản dạng giới (gender identity) là cách một người cảm nhận về giới tính của mình. Họ có thể nhận thức bản thân mình là nam, nữ, cả hai giới hoặc không giới nào. Bản dạng giới có thể giống hoặc khác với giới tính sinh học.
Có thể một người với giới tính khi sinh ra là nữ, nhưng trong sâu thẳm họ cảm nhận mình là một chàng trai. Khi giới tính sinh học và bản dạng giới khớp với nhau, đó là người hợp giới (cisgender). Ngược lại, người đó được gọi là người chuyển giới (transgender).
- Tính dục và xu hướng tính dục là gì?
Tính dục (sexuality) là sự nhận thức của mỗi người về bản năng tình dục của mình, bao gồm: giới tính sinh học (nam, nữ hoặc liên giới tính), bản dạng giới (tính nam hay tính nữ), xu hướng tính dục (dị tính, đồng tính hay song tính), những ham muốn, khát khao cho đến việc mang thai và sinh sản.
Xu hướng tính dục (sexual orientation) là việc chúng ta xuất hiện những cảm giác thu hút về mặt cảm xúc, cơ thể hoặc tình cảm đối với người khác. Chẳng hạn nam thích nữ nhưng cũng có thể là nam thích nam hay thích cả hai giới nam và nữ… Xu hướng tính dục của con người rất đa dạng, đó có thể là dị tính (heterosexual), đồng tính (homosexual), song tính (bisexual), toàn tính (pansexual) hay vô tính (asexual)… Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trẻ em có thể nhận ra xu hướng tính dục của bản thân trong những năm tiểu học, tuy nhiên phần lớn sẽ bắt đầu công khai khi học trung học.
2. 5 sai lầm bố mẹ gặp phải khi giáo dục giới tính cho con?
Giáo dục giới tính ở bé luôn là một vấn đề cần cả gia đình và nhà trường quan tâm. Bên cạnh những bài giảng về giáo dục giới tính ở trường, gia đình cũng nên là môi trường cho bé yêu học hỏi và tìm hiểu về chính cơ thể mình.
Đôi khi các bậc phụ huynh chưa nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục giới tính cho trẻ nên không ít bố mẹ đã mắc phải sai lầm tưởng chừng nhỏ bé nhưng lại có thể ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống sau này của bé. Vậy bố mẹ cần chú ý những gì khi giáo dục giới tính cho bé? Hãy cùng Góc của mẹ tìm hiểu nhé!
2.1. Giáo dục giới tính muộn cho bé yêu
Nhiều bậc phụ huynh lấy lý do rằng “con còn quá bé” để giáo dục giới tính và ngó lơ việc này hoặc phó thác tất cả trách nhiệm cho nhà trường. Tuy nhiên, điều này là không đúng đâu bố mẹ nhé! Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, từ khi còn nhỏ, bé đã có nhiều thắc mắc về cơ thể mình.
Ở Anh, Nhà nước quy định trẻ em bắt buộc phải được dạy về giáo dục giới tính từ mầm non. Hay tại Mỹ, bé cũng bắt đầu học về giáo dục giới tính từ những năm tháng tiểu học. Vậy mẹ có biết độ tuổi nào là phù hợp nhất để bắt đầu giáo dục giới tính cho bé? Đó là từ khoảng 0 – 2 tuổi mẹ nhé! Theo các nhà giáo dục, đây là độ tuổi thời điểm phù hợp để mẹ có thể dạy bé gọi tên và phân biệt những cơ quan trên cơ thể mình đấy ạ.
Như vậy, mẹ nên giáo dục giới tính cho con theo từng độ tuổi, với từng khả năng nhận thức và mức độ tò mò của bé, từ đó lựa chọn phương pháp giảng dạy phù hợp. Đối với những gia đình vừa có con, bố mẹ cũng nên quan tâm đến việc giáo dục giới tính cho bé từ khi còn nhỏ nhé!
2.2. Né tránh các câu hỏi của con về vấn đề giới tính và tính dục
Khi bé đã biết đi và nói chuyện, trí tò mò của bé cũng ngày càng gia tăng, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến giới tính. bố mẹ sẽ trở thành những người bé tin cậy nhất để tìm đến giải đáp những thắc mắc của mình. Lúc này, bố mẹ không nên né tránh các câu hỏi của bé về vấn đề giới tính và tính dục vì như vậy sẽ đẩy cao trí tò mò của bé.
Khi không được thỏa mãn những băn khoăn của mình, bé có thể tìm đến những nguồn thông tin không đảm bảo trên mạng xã hội hoặc internet. Như việc bé có thể truy cập vào những trang phim “người lớn” hay tham gia các nhóm truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy trên Facebook. Thông tin không chính thống trên những trang mạng này sẽ khiến bé có những cái nhìn lệch lạc về tình dục hay đạo đức giới tính.
Vậy cách làm đúng là gì? Chính là, bố mẹ hãy trò chuyện với bé như một người bạn, dùng ngôn từ đơn giản và đáng tin cậy để giải thích giúp bé hiểu được. Nhưng cũng nên tế nhị và cởi mở ở mức độ vừa phải bố mẹ nha!
2.3. Gây áp lực khi con thuộc giới tính thứ ba
Nhiều bố mẹ cảm thấy rất bối rối, hoảng sợ, tức giận, hoang mang… khi biết con mình thuộc giới tính thứ ba và xem đó là một điều không thể chấp nhận được. Chính điều này sẽ trở thành áp lực đè nặng lên không chỉ con cái mà còn lên chính bố mẹ đó ạ. Điều này xuất hiện là do bố mẹ đôi khi không hiểu rõ các khái niệm về giới tính đồng thời vẫn còn giữ những định kiến cứng nhắc, cổ hủ như “nam phải ra nam, nữ phải ra nữ”.
Bố mẹ cần biết rằng, xu hướng tính dục không phải là điều mà con có thể quyết định. Bên cạnh đó, bố mẹ nên quan tâm đến hạnh phúc của con hơn là những định kiến xã hội. Việc bố mẹ không chấp nhận và ruồng bỏ xu hướng tính dục của con sẽ khiến tình cảm gia đình rạn nứt, con cái có khoảng cách với bố mẹ hay tệ hơn là con sẽ sinh ra những suy nghĩ tiêu cực, và nguy hiểm bố mẹ nhé.
Vậy bố mẹ cần làm gì? Khi biết con thuộc giới tính thứ ba, bố mẹ cần bình tĩnh, tìm hiểu thông tin liên quan đến xu hướng tính dục thật kỹ lưỡng và cùng con san sẻ những lo âu, băn khoăn thay vì áp đặt con phải thay đổi theo mong muốn của bố mẹ.
2.4. Xâm chiếm quyền riêng tư của con
Vì lo lắng con ở độ tuổi vị thành niên có thể bị cám dỗ bởi những điều xấu, nhiều cha mẹ đã kiểm soát bé một cách tiêu cực với suy nghĩ bố mẹ càng nghiêm, con càng ngoan. Ví dụ điển hình là bố mẹ cấm đoán con chơi với các bạn, kiểm soát mạng xã hội của con,hay đọc trộm nhật kí của con,…
Tuy nhiên, mẹ không nên làm như vậy đâu nhé! Do điều này có thể phản tác dụng và gây ra những hậu quả rất nghiêm trong đấy ạ. Khi bố mẹ càng cấm, con sẽ càng lo sợ, uất ức và giấu diếm những sai lầm, khuyết điểm của mình. Từ đó, bố mẹ có thể không kịp thời giúp bé sửa sai, có thể ảnh hưởng đến cuộc sống sau này của bé.
Trong quá trình hình thành tâm sinh lý, việc bố mẹ đồng hành để uốn nắn bé theo một hướng đi đúng đắn là vô cùng quan trọng. Bố mẹ có thể quan tâm, theo sát các bé nhưng hãy cho các bé một khoảng không gian riêng tư vừa đủ để thể hiện sự tôn trọng. Như vậy, bé sẽ mở lòng, chia sẻ suy nghĩ, tâm tư của mình và coi bố mẹ như những người bạn. Có như vậy, bố mẹ mới có thể dễ dàng định hướng và giúp con phát triển.
2.5. Chỉ giáo dục giới tính cho con gái
Có ý kiến cho rằng chỉ có con gái mới bị tấn công tình dục còn con trai thì không. Nên nhiều gia đình chỉ giáo dục giới tính cho bé gái mà bỏ qua bé trai. Điều này là hoàn toàn sai lầm bố mẹ nhé! Dù ở giới tình nào thì vẫn tồn tại nguy cơ bị tấn công tình dục. Cũng có quan điểm rằng chỉ cần dạy bé gái bảo vệ bản thân nhưng không giáo dục bé trai phải trân trọng và không được làm tổn hại đến người khác giới.
Cần phải khẳng định rằng cả 2 giới đều phải được giáo dục giới tính một cách cẩn thận và học cách bảo vệ bản thân cũng như tôn trọng người khác phái. Vậy bố mẹ nên làm thế nào? Bố mẹ hãy giáo dục giới tính cho con từ khi còn bé một cách đơn giản và dễ hiểu, chẳng hạn dạy bé hiểu về vùng riêng tư những lúc tắm cùng bé dưới một góc nhìn khoa học và tự nhiên bố mẹ nhé! Bố mẹ có thể giải thích ngắn gọn về bộ phận riêng tư cho bé, của bé trai sẽ gồm ngực và bộ phận sinh dục; còn bé gái sẽ là ngực, bộ phận sinh dục và mông.
Bố mẹ nên dạy bé rằng vùng riêng tư của bé tuyệt đối không được cho người lạ chạm vào kể cả người thân cận nhất. Đó là khu vực cấm, cho nên bé hãy biết tự bảo vệ bản thân cũng như không động chạm vào nơi riêng tư của người khác khi không có sự cho phép.
3. Phương pháp giáo dục giới tính thích hợp cho bé yêu
Việc giáo dục giới tính cho con sẽ thay đổi phù hợp với từng độ tuổi. Bố mẹ có thể tham khảo một số phương pháp mà Góc của của mẹ gợi ý nhé!
3.1. Bé trong giai đoạn từ 13 đến 24 tháng tuổi
Ở độ tuổi này, bé đã có những tò mò nhất định về cơ thể mình. Bố mẹ có thể giáo dục giới tính cho bé bằng cách dạy bé gọi tên những bộ phận trên cơ thể, đặc biệt là những bộ phận riêng tư. Điều này sẽ giúp bé hiểu rằng những bộ phận này cũng bình thường như bất kỳ bộ phận nào khác trên cơ thể.
Bên cạnh đó, bé cũng cần biết sự khác nhau cơ bản giữa nam và nữ. Bố mẹ nên giảng giải cho bé một cách dễ hiểu và thân thiện nhất và có thể đưa thêm hình ảnh minh họa để bé có thể thấy thích thú hơn nhé!
3.2. Bé trong giai đoạn lớp mầm từ 2 đến 5 tuổi
Đối với độ tuổi này, bố mẹ giáo dục giới tính cho trẻ mầm non nên dạy con những khái niệm cơ bản nhất về sinh sản là việc tinh trùng gặp trứng và em bé dần hình thành. Tuy nhiên, sẽ có nhiều bé không chủ động đặt câu hỏi. Bố mẹ có thể hỏi bé: “Đố con biết, con sinh ra từ đâu?” nhằm khơi gợi sự tò mò của bé.
Bên cạnh đó, bố mẹ hãy dạy bé cách vệ sinh vùng kín sạch sẽ, tạo thói quen mặc đồ lót từ bé để bảo vệ sức khỏe, tránh các bệnh viêm nhiễm về sau nha! Bé cũng cần ý thức được rằng cơ thể của mình là riêng biệt và không ai có thể chạm vào mà không có sự đồng ý của bé, đặc biệt là bộ phận sinh dục. Từ đó, nếu bị lạm dụng tình dục, bé có thể kể với bố mẹ thay vì nghĩ rằng chuyện đó là bình thường nếu không được giáo dục giới tính.
3.3. Bé trong giai đoạn tiểu học từ 6 đến 8 tuổi
Đây là độ tuổi phù hợp mà bố mẹ có thể dạy bé hiểu và phân biệt vấn đề giới tính như dị tính, đồng tính hay lưỡng tính. Bé cũng cần được giáo dục về quyền riêng tư, sự tôn trọng người khác trong các mối quan hệ.
Quan trọng hơn, trong việc giáo dục giới tính cho học sinh tiểu học, việc sử dụng điện thoại, máy tính để tìm hiểu vấn đề này một cách an toàn là điều bố mẹ phải quan tâm sát sao do bé chưa thể nhận thức được thông tin nào là đúng, là sai. Đặc biệt khoảng 7 – 8 tuổi, bé cần được dạy những kiến thức cơ bản về dậy thì ở cả nam và nữ bởi có rất nhiều trẻ có quá trình dậy thì sớm để có thể chuẩn bị tinh thần cho những thay đổi trên cơ thể và cách chăm sóc bản thân trong giai đoạn dậy thì.
3.4. Bé trong giai trước tuổi thiếu niên từ 9 đến 12 tuổi
Ngoài việc hệ thống lại các kiến thức giáo dục giới tính đã được dạy trước đó, đối với giáo dục giới tính cho học sinh THCS ở độ tuổi từ 9 – 12, bố mẹ hãy giải thích cho bé cách quan hệ tình dục và tránh thai an toàn cũng như phòng tránh các bệnh lây qua đường tình dục.
Ở độ tuổi này, bé cũng đã đánh giá được những nội dung trên mạng về tình cảm, giới tính, tình dục là đúng hay sai, có lành mạnh hay không. Bé cũng nên cảnh giác đối với việc nhắn tin với người lạ trên mạng xã hội và rủi ro khi gửi ảnh hoặc video cơ thể mình cho người khác.
3.5. Bé trong giai đoạn thanh thiếu niên từ 13 đến 18 tuổi
Ở độ tuổi này, bé đã dẫn bước vào lứa tuổi thiếu niên – độ tuổi mà mức độ tò mò về tình dục trở nên cao nhất. Tuy nhiên, bé cũng sẽ trở nên kín đáo và giấu kín những tâm tư, tình cảm của mình. Lúc này, bố mẹ nên để tâm đến các mối quan hệ của bé bên ngoài bởi các mối quan hệ của bé sẽ rộng hơn nhất là chuyện tình yêu, tình cảm khác giới.
Vì vậy, bố mẹ nên có những buổi nói chuyện thẳng thắn với bé như những người bạn để thấu hiểu tâm tư tình cảm của bé. Đồng thời dạy bé cách phân biệt một mối quan hệ lành mạnh và không lành mạnh cũng như hướng dẫn bé cách giải quyết khi gặp các vấn đề liên quan đến tình yêu hoặc an toàn tình dục.
Ví dụ như cách sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn chẳng hạn như bao cao su hay màng phim tránh thai nhưng cần dưới một góc độ khoa học để phòng trường hợp “vẽ đường cho hươu chạy” bố mẹ nhé! Hơn nữa, bố mẹ nên giảng giải cho bé về đạo đức giới tính, dạy bé cách tôn trọng người khác phái thì mối quan hệ mới không trở nên độc hại và không xảy ra các tình huống vượt quá sự cho phép.
4. Một số lưu ý nho nhỏ khi bố mẹ giáo dục giới tính cho bé tại nhà
- Khi bắt gặp bé đang tự kích thích: Bố mẹ nên bình tĩnh và giảng giải cho con để bé hiểu việc tự thỏa mãn là không xấu nhưng cần thực hiện ở nơi riêng tư và không được lạm dụng vì như vậy sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe giới tính của bé sau này.
- Nắm bắt và theo sát những gì bé xem và học trên internet: Bố mẹ hãy hướng dẫn bé dùng internet để tìm hiểu giáo dục giới tính một cách đúng đắn. Tuyệt đối không kiểm soát tiêu cực khiến bé cảm thấy mình bị xâm phạm quyền riêng tư bố mẹ nhé!
- Với các bé trong độ tuổi từ 9 tuổi đến vị thành niên: Bố mẹ hãy dạy bé hiểu quan hệ tình dục an toàn là gì, tác hại khi quan hệ tình dục không an toàn cũng như cách bảo vệ bản thân trước các tình huống nguy hiểm. Ví dụ: Tuyệt đối không cho người lạ chạm vào các bộ phận riêng tư của bé khi chưa được cho phép.
- Bố mẹ nên là người làm gương cho bé, từ trang phục đến hành vi. Điều này sẽ rèn luyện đạo đức giới tính cho bé và giúp bé nhận thức hành vi nào là đúng, sai, hành vi nào nên làm và không nên làm.
Hy vọng bài viết trên đã phần nào giúp bố mẹ hiểu được những thông tin cơ bản về giáo dục giới tính cho bé cũng như nhận ra được các sai lầm trong quá trình nuôi dạy con và lựa chọn được những phương pháp giáo dục phù hợp nhất dành cho bé yêu của mình nhé! Các bài viết mới nhất sẽ luôn được cập nhật thường xuyên trên Góc của mẹ, bố mẹ hãy đón đọc nha!