Trẻ 4 tuổi bị táo bón do nhiều nguyên nhân khác nhau. Tùy thuộc vào mỗi nguyên nhân sẽ có cách khắc phục phù hợp.
Mục lục
1. Biểu hiện của táo bón ở trẻ em
Bệnh táo bón ở trẻ em thường xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó khi lên 4 tuổi, trẻ sẽ có một số thay đổi từ chế độ ăn, thói quen cũng như tâm sinh lý nên dễ bị táo bón.
Mẹ có thể dễ dàng nhận biết chứng táo bón ở trẻ thông qua một số triệu chứng đặc trưng sau:
- Đi ngoài ít hơn 3 lần/tuần
- Lượng phân không nhiều, phân cứng, khô như phân dê
- Bé sợ đi đại tiện, cảm giác đau rát, không muốn đi vệ sinh
- Bụng chướng hơi, khó chịu
- Biếng ăn, mệt mỏi
2. Tại sao trẻ 4 tuổi bị táo bón?
2.1. Bé chưa thích nghi với môi trường mới
Các bé 4 tuổi được học tập tại một môi trường mới. Một số bé cảm thấy e ngại, không dám xin cô giáo đi vệ sinh. Lâu ngày, thói quen này làm phân bị ứ đọng đại tràng, khó đi ngoài được.
2.2. Do chế độ ăn uống
Chế độ ăn uống hàng ngày của trẻ thiếu hụt lượng chất xơ cần thiết do bé không ăn rau, củ, quả hoặc tiêu thụ quá nhiều tinh bột, chất béo khiến phân rắn và khó đi đại tiện.
2.3. Tác dụng phụ của một số thuốc:
- Thuốc kháng sinh tiêu diệt cả những vi khuẩn có lợi trong đường ruột, làm mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, gây các rối loạn tiêu hoá như táo bón
- Một số loại thuốc ho, thuốc chống co thắt cũng có thể gây táo bón do làm giảm nhu động ruột
2.4. Bé ít vận động
Khi ngồi một chỗ học bài, chơi điện tử quá lâu ít vận động có thể khiến cơ hoành và cơ sàn chậu vùng hậu môn yếu dễ táo bón. Vì vậy, ba mẹ cần sớm khắc phục tình trạng táo bón của trẻ để tránh để lại hậu quả đáng tiếc.
3. Cách chữa táo bón cho trẻ 4 tuổi
3.1. Điều chỉnh chế độ ăn uống cho trẻ 4 tuổi bị táo bón
Cha mẹ nên bổ sung rau xanh vào bữa ăn hàng ngày cho trẻ. Cha mẹ cũng có thể ép nước trái cây cho trẻ uống hàng ngày để trẻ nhận được nguồn vitamin dồi dào, giúp nhu động ruột làm việc tốt hơn.
Ngoài ra, cha mẹ cũng nên cho trẻ ăn cơm mềm, tránh cho trẻ ăn thức ăn khô cứng.
Bên cạnh ăn đầy đủ chất, cha mẹ cũng cần cho trẻ uống nước đầy đủ mỗi ngày. Nước giúp đường ruột làm việc tốt hơn, giúp phân trong ruột già mềm hơn, dễ dàng thoát ra ngoài khi đi đại tiện.
3.2. Thay đổi thói quen sinh hoạt
Khi trẻ bị táo bón. cha mẹ có thể giúp trẻ cải thiện bằng cách thay đổi những nếp sinh hoạt cũ của trẻ. Một số điều bậc phụ huynh nên làm là:
- Tập cho trẻ đi vệ sinh thường xuyên;
- Khuyến khích trẻ đi vệ sinh, không nên nhịn;
- Khuyến khích trẻ vận động nhiều hơn bằng các hoạt động như đi bộ, vui chơi, tập thể dục, tập aerobic,…;
- Cho trẻ nghỉ ngơi, ngủ đầy đủ giấc hàng ngày.
3.3. Massage bụng cho trẻ 4 tuổi bị táo bón
Khi trẻ 4 tuổi bị táo bón, mẹ hãy thử thực hiện phương pháp massage bụng đơn giản sau:
Đặt bé nằm ngửa trên giường hoặc thảm phẳng, sao cho chân hướng về phía mẹ
Mẹ đặt tay lên bụng bé, nhẹ nhàng xoa theo vòng tròn từ trái sang phải, dọc theo khung đại tràng
Thực hiện khoảng 100 – 200 vòng để kích thích nhu động ruột hoạt động tốt hơn, kích thích nhu cầu đi đại tiện cho bé
3.4. Ngâm mông bé trong nước ấm
Khi bé gặp khó khăn trong việc đi đại tiện, bố mẹ có thể cho con ngâm mông trong chậu nước ấm. Cách làm này sẽ giúp phân trở nên mềm hơn, bớt khô cứng và giảm đau rát hậu môn cho trẻ.
Tuy nhiên, biện pháp này chỉ mang đến hiệu quả khi trẻ mới “chớm” táo bón. Mẹ có thể chuẩn bị một chậu nước ấm, trong khi tắm, có thể thực hiện ngâm mông cho bé khoảng 5 đến 10 phút mỗi ngày sẽ thấy tình trạng táo bón của con cải thiện rõ rệt.
3.5. Tăng cường vận động
Vận động thường xuyên chính là “chìa khóa” giúp cải thiện nhu động ruột, hỗ trợ quá trình tiêu hóa, tạo phân và thải phân dễ dàng. Mẹ có thể khuyến khích trẻ tham gia một số môn thể thao nhẹ nhàng như: đá bóng, đánh cầu lông, bơi lội hoặc đạp xe… Đồng thời, hạn chế cho trẻ ngồi một chỗ xem điện thoại, tivi.
3.6. Đưa bé đến gặp bác sĩ
Nếu những biện pháp trên không có hiệu quả, mẹ hãy đưa bé đến gặp bác sĩ để được tư vấn và giải quyết kịp thời nhé.
4. Hậu quả trẻ 4 tuổi bị táo bón lâu ngày
Nếu táo bón ở trẻ em kéo dài mà không được thăm khám và điều trị tốt có thể khiến trẻ bị giãn đại tràng, giảm cảm nhận trực tràng gây mất phản xạ buồn đại tiện làm táo bón càng tăng nặng dẫn đến rối loạn đại tiện và són phân. Khi đó các thuốc điều trị táo bón thông thường, việc điều chỉnh chế độ ăn, uống, sinh hoạt không giúp cải thiện tình trạng táo bón. Trẻ cần khám đánh giá chuyên sâu (đo áp lực trực tràng, đánh giá phản xạ đại tiện…) và phối hợp điều trị bằng thuốc kết hợp với phục hồi chức năng (kích thích điện hậu môn, giao thoa, tập phản hồi sinh học…) mới có thể giúp trẻ cải thiện tình trạng táo bón của trẻ.
Táo bón ở trẻ 4 tuổi sẽ không còn là nỗi lo lắng của các ông bố bà mẹ khi biết cách phòng tránh và điều trị chứng táo bón cho con yêu của mình. Hy vọng những chia sẻ trên đây sẽ là những thông tin hữu ích nhất để giúp phụ huynh yên tâm hơn khi con gặp phải tình trạng này.
Xem thêm: