Làm sao để những ngày ở nhà không trở nên nhàm chán, làm sao để mang đến những hoạt động thú vị cho bé 3 tuổi mà không cần phải ra ngoài? Góc của mẹ đã tổng hợp rất nhiều ý tưởng trò chơi tại nhà cho bé 3 tuổi hấp dẫn cho mẹ ngay dưới đây. Chỉ cần những vật dụng có sẵn trong nhà cùng một chút trí tưởng tượng, mẹ và bé đã có những khoảng thời gian thật vui, thật đáng nhớ cùng nhau rồi!
Mục lục
1. Tác dụng của trò chơi tại nhà đối với sự phát triển của bé 3 tuổi?
Xem thêm: Cùng bé đón ngày với đầy những trò chơi Halloween đáng yêu
Thời điểm lên 3 cũng là lúc bé bắt đầu phát triển trí thông minh. Ở thời điểm này, khả năng nói của bé bắt đầu linh hoạt, bé nói được rõ hơn và giao tiếp được với bố mẹ bằng các từ đơn giản như em bé, mặt trời, màu vàng,… Các trò chơi tại nhà cho bé 3 tuổi không chỉ giúp bé được giải trí mà còn phát triển trí tuệ và tăng cường sức khỏe. Bên cạnh đó, đây cũng là khoảnh khắc hai mẹ con được gần gũi và gắn kết hơn đó!
2. Trò chơi tại nhà cho bé 3 tuổi phát triển toàn diện
2.1. Trò chơi đồ hàng – Trò chơi tại nhà cho bé 3 tuổi
Mẹ chuẩn bị: Những vật dụng có sẵn trong nhà như bát nhựa, thìa nhựa, cốc nhựa, nước sạch, rau xanh, búp bê….
Cùng chơi thôi nào!
Mẹ nói cho bé nghe công dụng của từng dụng cụ trước nhé: nồi dùng để nấu ăn, đũa để gắp thức ăn, thìa để xúc cơm,… Sau đó, mẹ hướng dẫn bé cách dùng các dụng cụ và tạo các tình huống để bé sử dụng chúng. Chẳng hạn, mẹ mở lớp dạy nấu ăn, mẹ phụ họa trước để bé làm theo, từ đó, bé sẽ học được cách sử dụng các dụng cụ.
Trò chơi này giúp bé ghi nhớ các vật dụng và các kỹ năng cần thiết khi lớn lên.
2.2. Trò chơi phân loại
Mẹ chuẩn bị:
- Một vài đôi tất
- Các bộ quần áo của bé
Cùng chơi nào!
Mẹ giới thiệu cho bé các chiếc tất cùng một đôi , sau đó trộn lẫn các chiếc tất lại với nhau. Mẹ yêu cầu bé chọn ra những chiếc tất cùng một đôi, những chiếc áo, quần cùng một bộ và để riêng ra.
Trò chơi này giúp bé rèn luyện khả năng quan sát và phân loại.
2.3. Trò chơi nhận biết âm thanh – Trò chơi tại nhà cho bé 3 tuổi
Mẹ chuẩn bị: 1 đoạn nhạc thiếu nhi hoặc một đoạn phim với những âm thanh quen thuộc hoặc các video về tiếng Anh. Hãy chọn các bài nhạc hay đoạn phim tốt cho sự phát triển não bộ của bé 3 tuổi mẹ nhé! Một vài kênh video giúp bé thông minh cho mẹ tham khảo nè:
Video hay về tiếng kêu động vật cho bé tập nghe
Cùng chơi nào!
Mẹ mở đoạn nhạc hay đoạn phim cho bé nghe rồi yêu cầu bé nhắc lại các tên âm thanh đó là tiếng kêu của loài động vật nào. Hoặc nói bé nhắc lại các chữ cái tiếng việt và tiếng anh mà bé vừa nghe được. Như vậy, bé vừa được học cách làm quen với ngôn ngữ mới, vừa luyện khả năng ghi nhớ. Thật hữu ích cho bé phải không mẹ?
Trò chơi này sẽ giúp bé tăng khả năng tập trung và ghi nhớ.
2.4. Trò chơi nhận biết màu sắc – Trò chơi tại nhà cho bé 3 tuổi
Mẹ chuẩn bị:
- Các đồ chơi với các màu sắc khác nhau
- Một giỏ đồ chơi đủ các loại màu sắc
Cùng chơi nào!
Đầu tiên, hãy giới thiệu màu sắc cho bé bằng cách chọn đại diện mỗi màu một đồ chơi mẹ nhé! Sau đó, từ giỏ đồ chơi, mẹ lấy một đồ vật tương ứng với một màu sắc ra cho bé. Mẹ hãy yêu cầu bé chọn trong giỏ một chiếc đồ chơi có màu sắc tương tự. Nếu con chọn đúng, đừng tiếc dành cho con những lời khen ngợi, con sẽ có thêm động lực rất nhiều đó!
Trò chơi này giúp bé tăng khả năng phân biệt màu sắc và ghi nhớ chúng.
2.5. Trò chơi đo đạc độ lớn nhỏ
Mẹ chuẩn bị: Cốc nhựa màu sắc rực rỡ và kích thước khác nhau
Cùng chơi nào!
Ban đầu, mẹ giới thiệu cho bé kích thước và màu sắc của các chiếc cốc! Sau đó, mẹ yêu cầu bé sắp xếp các chiếc cốc lớn đè lên cốc nhỏ hoặc xếp cốc nhỏ vào trong cốc lớn.
Trò chơi này giúp bé 3 tuổi nhận biết được kích thước, màu sắc.
2.6. Trò chơi với nắp và nồi
Mẹ chuẩn bị: Các bộ nồi có nắp với các kích thước khác nhau.
Cùng chơi nào!
Ban đầu, mẹ giải thích cho bé đâu là nồi, đâu là nắp và hướng dẫn bé cách đậy nắp sao cho vừa chiếc nồi. Sau đó, mẹ để riêng nắp với nồi rồi yêu cầu bé đậy chiếc nắp và nồi sao cho khớp.
Với trò chơi này, bé sẽ tăng khả năng phân biệt lớn nhỏ và kỹ năng quan sát.
2.7. Trò chơi xây nhà – Trò chơi tại nhà cho bé 3 tuổi
Mẹ chuẩn bị: bộ đồ chơi hình khối
Cùng chơi nào!
Ban đầu, mẹ giới thiệu cho bé các hình khối: vuông, tròn, tam giác. Sau đó, mẹ hướng dẫn bé cách xếp các hình khối lại với nhau. mẹ cùng bé sắp xếp các hình khối để tạo thành ngôi nhà, cái cây, máy bay,…
Trò chơi này giúp bé 3 tuổi rèn luyện tư duy hình học không gian.
2.8. Trò chơi luyện tay khéo
Mẹ chuẩn bị: đất nặn an toàn
Cùng chơi nào!
Mẹ hướng dẫn bé cách dùng đất nặn bằng hành động của mình trước mẹ nhé! Sau đó, mẹ cùng bé nặn các đồ vật, hình khối quen thuộc như: hình tròn, cái cây,…
Với trò chơi này, bé 3 tuổi sẽ được rèn tính cẩn thận, tỉ mỉ và óc sáng tạo.
2.9. Trò chơi tìm điểm giống và khác
Mẹ chuẩn bị: hai bức tranh đơn giản có một số điểm khác nhau
Cùng chơi nào!
Trước tiên, mẹ giới thiệu cho bé về hai bức tranh. Sau đó, mẹ thực hành tìm một điểm khác nhau trong bức tranh cho bé biết cách chơi (Mẹ dùng bút đánh dấu và giải thích hai điểm khác nhau giữa 2 bức tranh). Khi bé đã hiểu cách chơi, mẹ đồng hành cùng con hoặc thi xem ai nhanh mắt tìm được nhiều điểm khác nhau hơn nhé.
Trò chơi này sẽ giúp bé tăng khả năng tập trung, sự nhanh mắt và óc quan sát.
2.10. Trò chơi với con rối
Mẹ chuẩn bị: 2 đến 3 con rối
Cùng chơi nào!
Mẹ giới thiệu cho bé các nhân vật con rối . Sau đó, mẹ cùng bé đóng vai các con rối trò chuyện với nhau. Bé sẽ đặt ra các câu hỏi với các con rối của mẹ, mẹ trong vai con rối còn lại sẽ trả lời bé. Hoặc mẹ có thể đặt câu hỏi ngược lại cho bé, kích thích sự tò mò, khả năng học hỏi của bé.
Đây là trò chơi mang lại cho bé sự thích thú, tìm tòi và khả năng ngôn ngữ.
2.11. Trò chơi rèn luyện trí nhớ
Mẹ chuẩn bị:
- 3 món đồ: quả bóng, cái bút, đồ chơi
- 1 cái khay
- 1 chiếc khăn
Cùng chơi nào!
Mẹ để 3 món đồ vào khay, cho bé quan sát một lúc rồi dùng khăn phủ kín lại. Mẹ yêu cầu bé ghi nhớ và nhắc lại tên các món đồ trong khay.
Lưu ý nho nhỏ cho mẹ: Mẹ chọn những đồ vật mềm, không có cạnh sắc tránh làm đau tay con mẹ nhé!
Trò chơi này sẽ giúp bé rèn luyện khả năng ghi nhớ hiệu quả.
2.12. Trò chơi ném bóng – Trò chơi tại nhà cho bé 3 tuổi
Mẹ chuẩn bị: 1 quả bóng bằng vải
Cùng chơi nào!
Mẹ và bé mỗi người một quả bóng. Mẹ đứng hoặc ngồi đối diện cách bé 1m, sau đó ném nhẹ bóng về phía bé để bé bắt bóng và chuyền qua lại. Mẹ nhớ hướng dẫn bé cách nghiêng người hoặc di chuyển nhẹ nhàng lên bắt bóng mẹ nhé!
Đây là trò chơi vận động toàn thân giúp bé 3 tuổi tăng cường sức khỏe và kích thích não bộ.
3. Lưu ý khi làm trò chơi tại nhà cho bé 3 tuổi
Thỉnh thoảng mẹ sẽ để bé tự chơi một mình và vô tình không chú ý đến bé khiến một vài sự cố có thể không may xảy ra. Bé có thể cho các đồ vật nhỏ vào miệng dẫn đến nhiễm khuẩn hoặc thậm chí có thể bị hóc. Vậy nên, mẹ lưu ý không nên chọn các đồ chơi quá nhỏ như viên bi, cung tên …. và chú ý kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi mua mẹ nhé! Hoặc trong lúc chạy nhảy bé có thể va vào cạnh bàn hay bị ngã, mẹ chuẩn bị sẵn những miếng dán bảo vệ để bé không bị đau và dọn dẹp không gian chơi cho bé sao cho rộng rãi, thoải mái nhất. Hãy theo sát và đồng hành cùng bé trong các trò chơi tại nhà để hiểu bé hơn và tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra nhé!
Phần kết
Xem thêm: Top 4 trò chơi sáng tạo cho trẻ để con rèn luyện tư duy, phát triển trí tuệ
Góc của mẹ vừa đưa ra một vài gợi ý các trò chơi tại nhà cho bé 3 tuổi đơn giản nhất để mẹ yên tâm đồng hành cùng bé. Dù bận rộn nhưng mẹ hãy cố gắng dành chút thời gian để gần gũi với bé hơn, hiểu được mong muốn của bé để bé phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần. Cùng trẻ quan sát ngắm nhìn thế giới theo nhiều cách khác nhau mẹ nhé! Như vậy, bé vừa có thể cảm nhận được tình yêu và sự quan tâm của mẹ dành vừa có thể lớn lên khỏe mạnh, thông minh.