Mẹ đang cho bé ăn bánh ăn dặm, rau củ và ngũ cốc, mẹ muốn bổ sung thêm cho bé thịt nhưng lại không biết trẻ 6 tháng ăn được thịt gì? Mẹ đừng lo! Bài viết sau sẽ gợi ý cho mẹ 5 loại thịt và cách chế biến phù hợp với hệ tiêu hóa non nớt của bé yêu nhà mình, mẹ theo dõi nhé!
Mục lục
1. Lợi ích của thịt với bé 6 tháng tuổi
Thịt là một lựa chọn tuyệt vời không thể bỏ qua trong giai đoạn 6 tháng tuổi, khi sữa mẹ không còn bổ sung đủ dinh dưỡng cho hoạt động vui chơi và phát triển của con. Không chỉ giúp bé 6 tháng tập hoạt động cơ hàm, thịt nạc cung cấp lượng protein dồi dào lên tới 31%, thúc đẩy quá trình tạo ra các tế bào hồng cầu, giúp bé phát triển thần kinh. Ngoài ra trong thịt còn có chứa hàm lượng kẽm cao, hình thành hệ thống miễn dịch khỏe mạnh và tăng trưởng thể chất ngay từ giai đoạn sơ sinh.
Hiện nay tỉ lệ bé sơ sinh thiếu sắt hoặc thiếu máu do thiếu sắt ngày càng có xu hướng gia tăng, Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (APP) khuyến cáo mẹ nên cho bé ăn các thực phẩm bổ sung sắt khi bé được khoảng 6 tháng tuổi, trong đó bao gồm các loại thịt, đặc biệt là thịt đỏ.
2. 3 loại thịt trắng cho bé 6 tháng tuổi
Theo các chuyên gia, thịt trắng cung cấp ít acid béo no và nhiều acid béo không no đơn hơn thịt đỏ. Để giải thích cho mẹ dễ hiểu thì acid béo không no đơn khi vào cơ thể dễ bị phân hủy, thân thiện với hệ tiêu hóa non nớt của bé hơn. Acid oleic là một loại acid béo không no đơn điển hình có nhiều trong thịt trắng, kiểm soát lượng đường trong máu rất tốt và hỗ trợ sức khỏe tim mạch của bé.
2.1. Thịt gà
1 – Hàm lượng dinh dưỡng: tỉ lệ các chất dinh dưỡng chính của thịt gà từ các bộ phận khác nhau cũng có sự khác biệt đáng kể để mẹ tham khảo:
- 100g thịt ức gà nấu chín, loại bỏ xương và da chứa 165 calo, 31g protein, 3.6g chất béo.
- 100g thịt đùi gà nấu chín, loại bỏ xương và da chứa 210 calo, 26g protein, 10g chất béo.
- 100g thịt má đùi gà nấu chín, loại bỏ xương và da chứa 173 calo, 28.2g protein, 5.7g chất béo.
- 100g thịt cánh gà nấu chín, loại bỏ xương và da chứa 203 calo, 30.5g protein, 8g chất béo.
Ngoài cung cấp năng lượng từ protein và chất béo, trong 100g thịt gà chứa 15mg canxi, 147mg photpho, là thành phần quan trọng cấu tạo nên khung xương vững chắc. Không chỉ vậy, trong thịt gà bao gồm cả magie và các loại vitamin như A, C, D, vitamin nhóm B,… tất cả đều rất cần thiết cho sự phát triển của bé.
2 – Lưu ý khi cho bé ăn dặm thịt gà
- Loại bỏ da, gân, xương và hầm nhừ: Bé chưa mọc đủ răng nên đối với thịt gia cầm nói chung, mẹ nên loại bỏ gân, da, xương và chế biến các món mềm như hầm nhừ, xay. Thịt quá cứng và dai sẽ khiến lợi của bé bị tổn thương, chán ăn, “sợ” ăn thịt hoặc trở thành gánh nặng cho hệ tiêu hóa nếu thịt đi vào dạ dày trong trạng thái chưa được nhai nhuyễn.
- Duy trì nhiệt độ nấu khoảng 74 độ C: Nấu ở nhiệt độ thấp hơn 70 độ C khiến vi khuẩn không được tiêu diệt hoàn toàn, con dễ bị đau bụng, đi ngoài, ngộ độc thực phẩm. Nhiệt độ nấu quá cao (trên 130 độ C) cũng khiến nhiều protein và vitamin bị phân huỷ, mất tác dụng. Thậm chí khi nấu với nhiệt độ trên 200 – 300 độ C, thịt sẽ tạo ra các chất gây hại cho sức khỏe của bé.
- Tần suất ăn vừa đủ: Mẹ nên cho bé ăn thịt gà từ 3 – 4 bữa trong tuần, tránh ăn quá nhiều gây táo bón, thừa cân, béo phì.
Xem thêm:
- Mẫu thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng.
- Thực đơn ăn dặm cho trẻ 6 tháng nhẹ cân
- Cách làm bánh ăn dặm cho bé 7 tháng tuổi – 10 món con thích mê
3 – Gợi ý các món bổ dưỡng cho bé: Nếu mẹ bỉm đang “bí”, không biết chế biến món gì từ thịt gà cho con, tham khảo ngay các món sau nhé: cháo thịt gà ngô ngọt hành tây, cháo thịt gà cà rốt su su, súp thịt gà nấm cà rốt, thịt gà hầm đậu xanh, thịt gà viên hầm rau củ.
2.2. Thịt vịt
1 – Hàm lượng dinh dưỡng: Thịt vịt là món ăn quen thuộc trong mâm cơm nhà mình, đây cũng là thực phẩm cung cấp dinh dưỡng dồi dào cho bé ăn dặm. Cụ thể thành phần dinh dưỡng có trong 100g thịt vịt nạc (không xương, không da) bao gồm:
- 130 calo
- 18g protein
- 5g chất béo
- 80mg cholesterol
- Khoáng chất: sắt, canxi, natri, kali…
- Vitamin: A, B1, D…
2 – Lưu ý khi cho bé ăn dặm thịt vịt:
- Cân nhắc sử dụng khi bé nhiễm lạnh: Thịt vịt mang tính hàn lạnh, có tác dụng giải nhiệt nhưng nếu bé đang gặp các vấn đề sức khỏe do nhiễm hàn lạnh như cảm lạnh, cảm cúm thì mẹ không nên cho bé ăn, tránh tăng nặng thêm và kéo dài các triệu chứng bệnh.
- Duy trì nhiệt độ nấu 74 độ C: tương tự như thịt gà, thịt vịt cần được nấu ở nhiệt độ thích hợp để đảm bảo dinh dưỡng, loại bỏ tối đa vi khuẩn.
- Tần suất ăn vừa đủ: Mẹ nên cho bé ăn thịt vịt từ 1 – 2 bữa một tuần, xem lẫn với các loại rau củ khác, tránh ăn thịt quá nhiều khiến con yêu bị táo bón, khó tiêu.
3 – Gợi ý các món bổ dưỡng cho bé: Thịt vịt chế biến được rất nhiều món cháo và súp giàu dinh dưỡng như: cháo thịt vịt đậu xanh, súp thịt vịt yến mạch, súp thịt vịt khoai tây, súp thịt vịt nấm hạt sen, thịt vịt hầm bí đỏ, cháo thịt vịt cà rốt.
2.3. Thịt chim bồ câu
1 – Hàm lượng dinh dưỡng: Nếu mẹ muốn đổi bữa ăn dặm cho bé thì thịt chim bồ câu là một gợi ý tuyệt vời bởi thịt không chỉ có hương vị thơm ngon mà còn vô cùng bổ dưỡng. Cụ thể thành phần dinh dưỡng có trong 100g thịt chim bồ câu nạc, không da, không xương bao gồm:
- 142 calo
- 24g protein
- 8g chất béo
- 90mg cholesterol
- Khoáng chất, Vitamin
2 – Lưu ý khi cho bé ăn dặm thịt chim bồ câu:
- Duy trì nhiệt độ nấu 74 độ C: Nhiệt độ thích hợp để nấu thịt chim bồ câu vừa đủ tiêu diệt vi khuẩn, vừa giữ hương vị thơm ngon cho bé nhà mình là 74 độ C mẹ nhé.
- Tần suất ăn vừa đủ: Mẹ nên cho bé ăn thịt chim bồ câu từ 1 – 2 bữa một tuần. Nếu kết hợp ăn các loại thịt khác, mẹ nên giảm tần suất xuống để đảm bảo tần suất ăn các món thịt là 2 – 3 lần/tuần.
3 – Gợi ý các món bổ dưỡng cho bé: Chỉ với một hoặc nửa con chim bồ câu, mẹ dễ dàng chế biến rất nhiều món cháo và súp cho bé yêu nhà mình như: cháo thịt chim bồ câu hạt sen yến mạch, thịt chim bồ câu hầm đỗ đen, súp thịt chim bồ câu nấm cà rốt, cháo thịt chim bồ câu rau ngót, cháo thịt chim bồ câu ngô ngọt.
3. 2 loại thịt đỏ cho trẻ 6 tháng tuổi
Thịt đỏ so với thịt trắng cũng không hề kém cạnh chút nào đâu ạ. Trong thịt đỏ, hàm lượng sắt trung bình khoảng 3.1mg/100g gấp đôi so với thịt trắng. Cụ thể trong 100g thịt bò chứa tới 4.8mg kẽm, đáp ứng đủ nhu cầu kẽm một ngày của bé. Ngoài ra trong thịt đỏ còn chứa đầy đủ các loại vitamin nhóm B, giúp nuôi dưỡng các tế bào hồng cầu. Thịt đỏ lành bụng bé từ 6 tháng tuổi bao gồm thịt bò và thịt lợn mẹ nhé.
3.1. Thịt bò
1 – Hàm lượng dinh dưỡng: Thịt bò là thực phẩm dễ chế biến thành nhiều món ăn có mùi vị hấp dẫn. Không chỉ vậy, thịt bò còn được biết đến là thực phẩm cung cấp năng lượng “khổng lồ” cho bé. Cụ thể trong 100g thăn nõn bò (phần thịt phù hợp với bé ăn dặm) chứa:
- 324 calo
- 24g protein
- 25g chất béo
- 85mg cholesterol
- Khoáng chất: 3.1mg sắt, 9mg canxi, 22mg magie, 331mg kali, 57mg natri,…
- Vitamin B6, B12,…
2 – Lưu ý khi cho bé ăn dặm thịt bò:
- Bỏ gân, chế biến dễ ăn: Thịt bò có phần hơi dai, đặc biệt là phần gân và đùi. Mẹ nên chọn phần thịt thăn nõn bò và làm những món mềm như hầm nhừ, cắt miếng nhỏ hoặc nấu cháo để bé dễ nhai hơn.
- Duy trì nhiệt độ nấu 77 độ C: Đây là nhiệt độ thích hợp nhất để thịt bò giữ được hương vị ngọt tự nhiên và chất dinh dưỡng. Mẹ không nên nấu nhiệt độ quá thấp hoặc quá cao, tránh thịt bị cháy, hay còn tái, ảnh hưởng không tốt đến trải nghiệm ăn uống và hệ tiêu hóa của bé.
- Tần suất ăn phù hợp: Mẹ nên cho bé ăn thịt bò từ 2 – 3 bữa một tuần.
3 – Gợi ý các món bổ dưỡng cho bé: Tương tự như các loại thịt khác, mẹ chế biến thịt bò thành các món: thịt bò hầm rau củ, cháo thịt bò bí đỏ, súp thịt bò củ cải trắng, cháo thịt bò rau cải xanh để bổ sung dinh dưỡng cho bé.
3.2. Thịt lợn
1 – Hàm lượng dinh dưỡng: Thịt lợn là một thực phẩm quá quen thuộc với mọi gia đình rồi mẹ nhỉ. Đây chắc hẳn là thực phẩm đầu tiên mẹ nghĩ đến khi bắt đầu cho bé ăn dặm thịt bởi sự lành tính, hương vị dễ ăn, giá rẻ. Thịt lợn còn cung cấp rất nhiều dinh dưỡng cho bé. Cụ thể trong 100g thịt lợn nạc chứa:
- 145 calo
- 20g protein
- 7g chất béo
- 80mg cholesterol
- Khoáng chất: 7mg canxi, 190mg photpho, 1.5mg sắt, 3mg kẽm,…
- 7μg vitamin A,…
2 – Lưu ý khi cho bé ăn dặm thịt lợn:
- Cho bé ăn thịt nạc, chế biến mềm: Do hệ tiêu hoá của bé chưa phát triển như người lớn, mẹ nên loại bỏ mỡ và bì, chỉ cho bé ăn thịt nạc để dễ tiêu. Bé nhà mình mới 6 tháng tuổi nên răng chưa mọc đủ và chỉ mới tập nhai thôi. Mẹ làm các món mềm để con ăn nhanh hơn và ngon miệng hơn nhé.
- Duy trì nhiệt độ nấu 71 độ C: Là nhiệt độ phù hợp nhất để chế biến thịt lợn cho bé. Nhiệt độ thấp quá không đủ để diệt khuẩn, loại bỏ sán, nhiệt độ quá cao gây biến đổi chất dinh dưỡng, không tốt cho sức khỏe của bé.
- Tần suất ăn vừa đủ: Mẹ nên cho bé ăn thịt lợn từ 2 – 3 bữa một tuần.
3 – Gợi ý các món bổ dưỡng cho bé: Một số món cháo và súp từ thịt lợn rất dễ nấu như: cháo thịt lợn đậu xanh, súp thịt lợn băm bí đỏ, cháo thịt lợn cà rốt.
4. 5 lưu ý khi cho bé 6 tháng tuổi ăn thịt
Bé yêu mới chuyển từ việc ti sữa sang ăn dặm nên chắc chắn mẹ và bé vẫn còn nhiều bỡ ngỡ, không tránh khỏi những sai lầm. Sau đây là 5 lưu ý góc của mẹ muốn chia sẻ để mẹ tham khảo và cho bé ăn dặm thịt an toàn tại nhà:
1 – Giữ vệ sinh trước và sau khi ăn
- Trước khi ăn: Mẹ rửa sạch tay bé để đảm bảo an toàn vệ sinh khi con dùng tay để cầm nắm thức ăn cho vào miệng.
- Sau khi ăn: Mẹ lau tay và miệng con với khăn ướt cho bé sơ sinh có chứa các dưỡng chất dưỡng ẩm, kháng khuẩn từ thiên nhiên như tinh chất đường nho, vừa giúp lau sạch tay bé vừa dưỡng ẩm cho da con. Sản phẩm khăn ướt nổi tiếng không hề có chất lưu hương hóa học gây kích ứng, cực an toàn cho bé yêu.
2 – Hạn chế dầu ăn và muối: Thận của bé chưa phát triển hoàn thiện như người lớn, nếu mẹ nêm muối nhiều như trong bữa ăn gia đình, thận bé sẽ phải làm việc quá sức, dẫn đến suy thận, sỏi thận. Dầu ăn chứa chất béo rất cần thiết cho bé nhưng nếu ăn không đúng cách sẽ khiến bé đầy bụng, gây rối loạn tiêu hoá. Mẹ chỉ nên cho bé ăn 1 – 2 giọt dầu dinh dưỡng mỗi bữa, loại dành cho bé 6 tháng như Kiddy, Nutri Omega, Macro thôi nhé.
3 – Không nên cho bé ăn các loại thịt nguội, thịt xông khói: Các loại thịt chế biến sẵn như thịt nguội, thịt xông khói chứa nhiều chất bảo quản, không đảm bảo giới hạn đường, muối, dầu ăn phù hợp với bé. Nếu mẹ quá bận, không thể nấu cho bé, mẹ nên chọn các món từ thịt được sản xuất trong ngày từ các quán ăn chuyên nấu đồ cho bé sơ sinh.
4 – Không nên hâm nóng thịt nhiều lần: Mẹ chỉ nên hấp nóng thịt 1 lần sau khi chế biến để thịt không bị biến đổi chất, ôi thiu, tránh gây hại cho sức khỏe của bé.
5 – Bổ sung đồng thời rau củ và ngũ cốc: Ngoài cho bé ăn thịt, mẹ cũng nên bổ sung đồng thời thêm cả rau củ và ngũ cốc để đa dạng các loại chất dinh dưỡng. Chất xơ có trong rau củ và ngũ cốc giúp tăng cường hệ sức khỏe đường ruột của bé, giúp bé hấp thu tốt các dưỡng chất khác. Ngoài ra, ngũ cốc còn bổ sung thêm các chất chống oxy hóa, giảm cholesterol xấu, hạn chế nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch.
Mẹ ơi, đọc đến đây hẳn là mẹ đã trả lời được câu hỏi “Trẻ 6 tháng ăn được thịt gì?” rồi đúng không ạ. Mẹ nên thường xuyên đổi bữa đa dạng các món ăn từ 5 loại thịt, bao gồm thịt gà, thịt vịt, thịt chim bồ câu, thịt bò và thịt lợn để bé hào hứng và ăn được nhiều hơn. Nếu mẹ có bất kỳ thắc mắc gì, mẹ hãy để lại bình luận ở phía dưới để góc của mẹ giải đáp mẹ nhé!