Viêm tai giữa là tình trạng thường gặp ở trẻ nhỏ và thường sẽ tự khỏi trong 3 hoặc 4 ngày nếu mẹ biết cách chăm sóc và tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ. Vì thế, việc vệ sinh tai cho bé khi bị viêm tai giữa đúng nguyên tắc rất quan trọng, giúp tai con nhanh khỏi hơn. Cùng theo dõi xem mẹ bỉm thường gặp những sai lầm gì khi vệ sinh tai cho bé và hướng dẫn chăm sóc bé đúng cách mẹ nhé!
Mục lục
1. 5 sai lầm khi vệ sinh tai cho bé khi bị viêm tai giữa
1.1. Tự ý sử dụng các loại thuốc nhỏ
Một trong những sai lầm khi vệ sinh tai cho bé khiến con bị viêm tai giữa là mẹ tự ý dùng những loại thuốc nhỏ tai hoặc dung dịch sát khuẩn mạnh như Ciprodex, Hydrocortison, oxy già để vệ sinh tai con… mà không có chỉ định của bác sĩ. Những thành phần diệt khuẩn có trong những loại thuốc này nếu không sử dụng đúng cách, đúng liều lượng sẽ làm bong lớp biểu bì bảo vệ ống tai con, làm chậm quá trình lành vết thương, gây chít hẹp ống tai, khiến cho viêm tai giữa của con càng trở nên nặng hơn.
Có mẹ khi thấy tai con bị chảy nước còn nghiền thuốc kháng sinh rắc vào để diệt khuẩn và làm khô tai, cực nguy hiểm đó mẹ ạ. Chất bột trong thuốc sẽ gây bít tắc ống nhĩ, khiến cho dịch viêm không chảy ra ngoài, không những làm tình trạng viêm nặng thêm mà còn dẫn tới viêm tai xương chũm, thậm chí viêm não màng não.
1.2. Cố gắng lấy sạch ráy tai bằng dị vật
Mẹ nhầm lẫn rằng nguyên nhân bé bị viêm tai giữa là do ráy tai nhưng không phải thế đâu. Thực tế ráy tai là hỗn hợp hòa tan trong nước của da chết, lông và chất tiết từ các tuyến nhầy ở ống tai, giúp điều hòa pH, diệt khuẩn, diệt nấm và bảo vệ lớp lót nhạy cảm của ống tai cho con. Đồng thời, ráy tai ngăn không cho bụi và vi khuẩn từ môi trường đi sâu vào bên trong tai, gây tổn thương hoặc nhiễm trùng màng nhĩ.
Do đó, nếu mẹ sử dụng các dụng cụ như bông ngoáy tai, que vệ sinh để ngoáy sâu vào tai của bé rất dễ làm tổn thương màng nhĩ, thủng màng nhĩ hoặc đẩy các tác nhân vi khuẩn vào sâu hơn.
1.3. Sử dụng dầu khoáng nóng
Nhiều mẹ bỉm thường sử dụng dầu khoáng nóng để vệ sinh tai cho con, nhưng đây không phải phương pháp an toàn đâu ạ. Dầu quá nóng sẽ gây bỏng da tai, dẫn đến tổn thương không thể phục hồi cho các bộ phận bên trong tai của con. Mẹ lưu ý tránh sử dụng dầu khoáng nóng để vệ sinh tai cho bé khi bị viêm tai giữa mẹ nhé.
1.4. Sử dụng các loại tinh dầu
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng dầu cây chè và dầu húng quế có khả năng diệt khuẩn và kháng khuẩn hiệu quả. Tuy nhiên, mẹ không nên tự ý sử dụng nếu không được bác sĩ hướng dẫn, bởi tinh dầu chưa pha loãng sẽ gây kích ứng vùng da bên trong tai của bé, thậm chí gây bí tắc và làm cho tình trạng viêm tai giữa của con càng trở nên nặng hơn.
1.5. Dùng nến xông tai
Dùng nến xông tai là một trong những phương pháp rất nguy hiểm nhưng vẫn có mẹ dùng do được truyền miệng từ các bà, các mẹ từ ngày xưa. Nếu có ý định sử dụng, mẹ dừng ngay lại nhé vì phương pháp này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
Sử dụng khói từ ngọn nến đang cháy để làm mềm ráy tai do nghĩ rằng việc đốt nến sẽ tạo ra lực hút, qua đó rút sạch ráy tai và chất bẩn trong tai hoàn toàn không có căn cứ khoa học. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã thông báo về những trường hợp bỏng nặng và thủng màng nhĩ do tàn nến rơi xuống trong quá trình soi tai. Đặc biệt theo các bác sĩ, vết thương do nến không thể tự lành mà cần phải nhờ đến phẫu thuật, thậm chí sau phẫu thuật vẫn để lại di chứng như giảm thích lực, nhiễm trùng ống tai.
2. Hướng dẫn vệ sinh tai cho bé khi bị viêm tai giữa đúng cách
2.1. Vệ sinh ngoài tai
Khi bé bị viêm tai giữa, việc vệ sinh ngoài tai giúp loại bỏ môi trường thuận lợi cho sự phát triển, sinh sôi của vi khuẩn, giúp bé giảm cảm giác khó chịu, ngứa ngáy rất hiệu quả. Vệ sinh ngoài tai trước, sau đó mới đến trong tai sẽ hạn chế tối đa tình trạng bụi bẩn bên ngoài rơi vào bên trong ống tai của bé.
1 – Chuẩn bị
- 1 chậu nước ấm: khoảng 36 – 38 độ.
- 2 – 3 khăn vải đa năng: khăn vải đa năng cao cấp chất liệu mềm mại, cực thích hợp với niêm mạc tai mỏng manh và đang bị tổn thương của bé. Mẹ yên tâm sử dụng vệ sinh tai con sạch sẽ mà không bị xây xước, đau rát.
2 – Thực hiện
- Bước 1: Mẹ nhúng khăn vải đa năng vào nước ấm và vắt kiệt nước.
- Bước 2: Lau nhẹ nhàng vùng tai ngoài để làm sạch bụi bẩn và dịch mủ chảy ra ngoài vành tai. Mẹ lưu ý, không sử dụng lực mạnh vì sẽ gây đau rát và trầy xước vùng da tai của bé.
- Bước 3: Thực hiện tương tự với tai còn lại.
- Bước 4: Mẹ kiểm tra xem phần ngoài tai bé đã sạch hoàn toàn chưa. Nếu chưa mẹ thực hiện các bước rửa tai trên một lần nữa nhé!
3 – Lưu ý
Mẹ vệ sinh tai cho bé khi bị viêm tai giữa chỉ nên lau nhẹ nhàng phần vành tai của bé, không được đưa đầu khăn vào quá sâu trong lỗ tai. Tai bị ngoáy quá sâu sẽ khiến bé bị đau, thậm chí gây chảy máu, tổn thương tai và làm tình trạng viêm tai của bé nặng hơn đó ạ.
2.2. Rửa sạch tai bé bằng nước muối sinh lý
Nước muối sinh lý có tác dụng kháng viêm, sát khuẩn và khả năng phá vỡ kết cấu của dịch mủ, giúp giảm tắc nghẽn đường ống màng nhĩ, làm sạch sâu trong ống tai của bé.
1 – Chuẩn bị:
- 1 chai nước muối sinh lý: để làm mềm niêm mạc và dịch tiết bên trong ống tai của bé, giúp việc vệ sinh tai dễ dàng hơn.
- 2 – 3 khăn vải mềm: để thấm khô dung dịch trong tai, giúp bé không bị đau, rát.
2 – Thực hiện
- Bước 1: Mẹ cho bé nằm nghiêng nhẹ đầu sang một bên
- Bước 2: Nhỏ 2 – 3 giọt dung dịch nước muối sinh lý vào tai bé
- Bước 3: Ray nhẹ phần vành tai để dung dịch thẩm thấu vào bên trong
- Bước 4: Mẹ đợi khoảng 10 giây rồi cho bé nằm nghiêng người ở chiều ngược lại để dung dịch nhỏ chảy ra ngoài
- Bước 5: Dùng khăn mềm hoặc tăm bông để lau khô dung dịch và một số vảy bong chảy ra ngoài tai bé
- Bước 6: Mẹ tiếp tục thực hiện tương tự các bước trên với tai còn lại của bé nhé!
3 – Lưu ý
Khi vệ sinh tai cho bé bị viêm tai giữa bằng nước muối sinh lý, mẹ nên thực hiện 2 lần/tuần, không nên lạm dụng vì dễ gây tổn thương đến tai bé.
Ngoài ra, mẹ cần lưu ý không sử dụng các loại thuốc nhỏ tai kháng viêm hoặc kháng sinh khi không có sự hướng dẫn của bác sĩ. Nếu thấy tai bé chảy máu hoặc mủ, mẹ cần cho bé tới bệnh viện để được kiểm tra và xử lý kịp thời.
2.3. Kết hợp vệ sinh mũi họng sạch sẽ
Tai, mũi, họng là ba bộ phận thông với nhau nên vi khuẩn gây bệnh rất dễ lây lan từ tai tới mũi và họng, gây viêm họng, viêm mũi. Để tránh tình trạng này, hãy vệ sinh kết hợp mũi họng cho bé mẹ nhé!
1 – Chuẩn bị: Nước muối sinh lý và thuốc nhỏ mũi theo chỉ định của bác sĩ
2 – Nguyên tắc vệ sinh
- Súc miệng bằng nước muối loãng 2 lần/ngày: vào sáng khi mới ngủ dậy và tối trước khi đi ngủ để tránh tình trạng nhiễm trùng lây lan sang cổ họng, hạn chế viêm, tích tụ đờm nhầy. Với bé sơ sinh dưới 1 tuổi chưa biết súc miệng, mẹ dùng khăn mềm tẩm nước ấm hoặc gạc tưa lưỡi để vệ sinh vùng cuống lưỡi cho bé.
- Sử dụng thuốc nhỏ mũi theo chỉ định của bác sĩ: giúp tiêu diệt vi khuẩn trong khoang mũi, làm thông thoáng đường thở, giảm tắc nghẽn do dịch nhầy và bảo vệ niêm mạc mũi.
- Xì mũi đúng cách: Trường hợp bé viêm tai giữa bị nghẹt mũi hoặc sổ mũi, xì mũi đúng cách sẽ tránh gây đau và các tổn thương nghiêm trọng. Nếu bé đã biết xì mũi, mẹ bịt một bên lỗ mũi và yêu cầu bé xì mũi mạnh để loại bỏ dịch tiết hoàn toàn và làm tương tự với lỗ mũi còn lại.
3 – Lưu ý
- Cho bé uống đủ nước và sữa để làm lỏng dịch ứ, giữ cho họng của con luôn ẩm, không bị khô và khó chịu. Lượng nước cần thiết cho bé sơ sinh được tính dựa trên độ tuổi và cân nặng, cụ thể bé cần 100ml/1kg cân nặng. Ví dụ, nếu bé con 7kg, lượng nước cần thiết sẽ là 700ml/ngày.
- Với bé sơ sinh chưa biết xì mũi, mẹ sử dụng máy hoặc dụng cụ hút mũi như ống bóp cao su, ống hút mũi hoặc máy hút. Mẹ lựa chọn dụng cụ phù hợp để hút mũi cho con và mẹ đừng quên nắm vững cách dùng trước khi sử dụng. Để được hướng dẫn cụ thể về cách hút mũi cho bé, mẹ tham khảo thêm tại đây nhé!
- Với bé lớn hơn một chút, thường từ 7 đến 8 tháng tuổi, có khả năng học và bắt chước rất tốt, mẹ hướng dẫn bé cách xì mũi bằng cách xì mũi mẹ và khuyến khích bé làm theo. Tuy nhiên không nên dạy bé xì mũi quá mạnh, vô tình tạo ra áp suất lớn làm dịch bẩn trào ngược lên tai, gây tắc ống dẫn, viêm màng nhĩ.
3. 6 lưu ý khi chăm sóc bé bị viêm tai giữa
1 – Tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ: Mẹ cho bé sử dụng thuốc nhỏ tai đầy đủ theo chỉ dẫn của bác sĩ, không tự ý sử dụng các loại thuốc không kê trong đơn.
2 – Hạ sốt bằng khăn hoặc thuốc hạ sốt: Nếu bé bị sốt, mẹ chườm khăn ấm để con mau hạ sốt, cho bé mặc quần áo mỏng, rộng rãi, nằm nghỉ ở nơi thoáng mát. Nếu bé sốt trên 38,5 độ C hoặc tỏ ra khó chịu, đau nhiều, mẹ nên kiểm tra nhiệt độ thường xuyên, sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ em theo chỉ định của bác sĩ.
3 – Cho bé khám tại bệnh viện nếu có biểu hiện nặng: Mẹ theo dõi tình trạng bệnh của con thường xuyên, nếu bé liên tục chảy mủ tai, sốt cao không đáp ứng thuốc hạ sốt, quấy khóc, bỏ bữa trong thời gian dài, nôn hoặc bị tiêu chảy thì nhanh chóng đưa bé tới bác sĩ để được xử lý kịp thời.
4 – Điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý:
- Với bé chưa ăn dặm, mẹ cần cần tăng lượng sữa hàng ngày, cho trẻ bú nhiều hơn để nâng cao sức đề kháng. Ngoài ra khi bú bình, mẹ nên cho con ti đúng tư thế để sữa không chảy vào tai gây viêm. Mẹ tham khảo Top 4 tư thế cho bé bú khoa học nhất dành cho mẹ tại bài viết này nhé!
- Với bé đã tự ăn, mẹ hạn chế cho bé ăn các loại thực phẩm cứng, dai, chứa nhiều dầu mỡ hoặc quá ngọt khiến cho đờm vướng ở họng. Ngoài ra, mẹ cần tránh thực phẩm làm kích thích tạo mủ hoặc làm tăng tình trạng đau nhức như đồ nếp, đồ hải sản, tôm cua, thịt đỏ…
- Mẹ nên chọn những thực phẩm giàu vitamin A, C, E và kẽm như trái cây, thịt trắng… kết hợp bổ sung các loại cá biển, rong biển, thuốc tảo spirulina vào trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày để cung cấp iốt cho cơ thể, làm tăng tiến trình hồi phục tai cho con.
5 – Tránh để tác nhân bên ngoài ảnh hưởng đến tai con: tránh các tác nhân như lạnh, bụi khói, nước, vì dễ khiến tai bị nhiễm trùng, ẩm ướt, khiến vi khuẩn sinh sôi, làm tình trạng viêm tai giữa của bé trở nên nặng hơn.
6 – Kiểm tra và vệ sinh dịch tai thường xuyên: Mẹ nên để dịch tai thoát ra ngoài tự nhiên, không dùng tăm bông, vật nhọn để ngoáy. Khi dịch chảy ra, mẹ nên dùng các loại khăn vải mềm, thấm hút tốt, không làm bé bị kích ứng, đau, rát.
Thực chất, việc vệ sinh tai cho bé khi bị viêm tai giữa không quá phức tạp như mẹ nghĩ. Mẹ chỉ cần áp dụng các nguyên tắc trên là bé yêu nhanh chóng khỏi trong 3 – 4 ngày, đừng quá lo lắng mẹ nhé. Nếu mẹ còn thắc mắc gì thêm, hãy để lại bình luận để được giải đáp nhanh nhất!