Hàng ngày, mẹ luôn cần thay tã và vệ sinh cho trẻ sơ sinh sau khi ị. Tuy nhiên, mẹ đã biết cách làm sạch da và vùng kín cho bé đúng chuẩn chưa? Vệ sinh đúng cách là cách tốt nhất để phòng ngừa, và cải thiện tình trạng hăm tã và mẩn đỏ da đấy ạ. Tham khảo ngay bài viết sau để biết cách vệ sinh cho trẻ sơ sinh sau khi ị an toàn, không gây viêm nhiễm mẹ nhé!
Mục lục
1. Chuẩn bị đầy đủ dụng cụ trước khi vệ sinh
Bé sơ sinh ị 6 – 10 lần trong ngày. Mẹ chuẩn bị sẵn đồ đạc cần thiết để con luôn được vệ sinh và thay tã ngay khi tã ướt.
1 – Tã dán hoặc tã quần
Mẹ chuẩn bị tã mới để thay cho bé, ưu tiên tã dán để thông thoáng nhất. Khi chọn tã dán, mẹ chọn loại tã nhiều hạt SAP thấm hút cao cấp – loại hạt có khả năng hút chất lỏng gấp 30 lần trọng lượng của nó, sau khi hút nước sẽ chuyển thành dạng gel chống thấm ngược, giúp mông con khô thoáng, ngừa hăm.
Mẹ tham khảo: Hướng dẫn lựa chọn tã dán nào tốt dành cho bé yêu
2 – Xịt chăm sóc da
Xịt chăm sóc da là “bảo bối” chăm sóc da bé, nhất là những bé dễ bị ửng đỏ, hăm da. Dạng xịt phun sương giúp tạo ra tia nước siêu nhỏ, thấm vào da và làm dịu da bé nhanh chóng. Hơn nữa, mẹ chỉ cần nhấn nút xịt, không phải dùng tay như các sản phẩm kem thoa thông thường, tránh nhiễm khuẩn chéo từ tay mẹ qua da bé.
Mẹo nhỏ: Mẹ chú ý đọc kỹ thành phần trước khi chọn sản phẩm cho bé sơ sinh, ưu tiên sản phẩm xịt chăm sóc da có thành phần thiên nhiên để lành tính nhất với da con mẹ nhé!
3 – Khăn khô đa năng hoặc khăn ướt cho bé sơ sinh
Vệ sinh cho trẻ sơ sinh sau khi ị mẹ cần chuẩn bị các loại khăn dùng 1 lần cho bé như khăn ướt chuyên dụng, khăn khô đa năng. Một số mẹ có thói quen dùng khăn xô, giặt nhiều lần và dùng lại cho bé. Tuy nhiên, việc giặt lại nhiều lần vừa khiến mẹ vất vả, vừa tiềm ẩn nguy cơ vi khuẩn bám vào khăn, gây hại cho con khi sử dụng đó mẹ.
- Khăn khô đa năng: Mẹ chọn khăn khô đa năng có hàm lượng rayon cao để nhẹ dịu, không vương lông tơ gây kích ứng da bé. Giải thích để mẹ hiểu rõ hơn: Rayon là các sợi nhân tạo tự nhiên, được làm từ tre, nứa hoặc bột cây đã được xử lý thành phẩm. Đặc tính của loại vải này là thấm hút và giữ ẩm tốt, không xơ, không gây ẩm mốc, rất phù hợp để sử dụng cho bé đấy ạ!
- Khăn ướt cho bé sơ sinh: Mẹ chọn khăn ướt chuyên dùng cho bé sơ sinh với thành phần dưỡng ẩm và kháng khuẩn cao cấp, an toàn như: chlorhexidine gluconate, laurylglucosides chloride… để bảo vệ da bé tốt nhất; tránh xa các loại khăn ướt chứa chất tẩy trắng, chất lưu hương hoá học vì có thể gây kích ứng da con.
4 – Nước ấm (37 – 38 độ C): Nếu mẹ dùng khăn khô đa năng, mẹ chuẩn bị nước ấm 37 – 38 độ C để không làm bé bị lạnh, cũng không bị bỏng rát da.
2. Hướng dẫn mẹ cách vệ sinh cho trẻ sơ sinh sau khi ị
Mẹ cần thay tã và vệ sinh cho bé ngay sau khi tã ướt, không để da bé tiếp xúc với phân và nước tiểu lâu, dễ sinh sôi vi khuẩn gây hăm, mẩn đỏ da. Các biểu hiện giúp mẹ nhận biết bé đã đi ị như:
- Bé quấy khóc.
- Tã bé có mùi hôi.
- Nước tiểu dính ra quần áo, nệm.
Mẹ thực hiện vệ sinh cho trẻ sơ sinh sau khi ị và thay tã cho bé theo 5 bước sau:
2.1. Bước 1. Mẹ rửa tay sạch sẽ trước khi cởi bỏ tã của bé
Trước khi vệ sinh cho bé, mẹ rửa tay thật sạch với xà phòng, đừng vì vội thay tã mà bỏ qua bước này mẹ nhé! Tay mẹ là nơi bám rất nhiều bụi bẩn, vi khuẩn mà mắt thường không nhìn thấy được. Nếu mẹ rửa tay không sạch, bụi bẩn, vi khuẩn lây sang bộ phận sinh dục của bé, nhất là với bé gái, dễ làm con bị nhiễm khuẩn, viêm tiết niệu…
2.2. Bước 2. Đặt bé lên một tấm nylon mềm hoặc chiếu chống thấm
Mẹ đặt bé nằm trên mặt phẳng có lót tấm nylon mềm hoặc chiếu chống thấm để giữ giường luôn sạch sẽ để nếu chẳng may làm bẩn dây ra ngoài, mẹ không phải tốn thời gian kì cọ, giặt giũ giường nệm.
2.3. Bước 3. Cởi bỏ tã bẩn
Mẹ từ từ cởi bỏ tã bẩn cho bé, thao tác cần gọn gàng, tránh để bẩn dây ra ngoài. Đầu tiên, mẹ mở tã từ hai bên hông bé, giữ nguyên mặt dưới tã và mở mặt trước của tã về phía trước. Một tay mẹ cầm hai chân và nhấc mông bé lên, tay còn lại dùng phần tã còn sạch lau qua bộ phận sinh dục của bé theo chiều từ trước ra sau.
Tiếp đến, tay mẹ vẫn giữ chân bé, tay còn lại vừa cuộn tròn tã vừa kéo mặt dưới tã ra khỏi mông bé.
Mẹ lưu ý: Ở bước vệ sinh cho trẻ sơ sinh sau khi ị này mẹ chỉ dùng mặt trong tã lau nhẹ nhàng, để làm sạch phân hoặc nước tiểu còn bám trên da bé, không chà xát mạnh vì dễ làm con bị tấy đỏ, xước da.
2.4. Bước 4. Vệ sinh cho bé
Đến bước quan trọng rồi đây ạ! Mẹ nhẹ nhàng vệ sinh, làm sạch toàn bộ phân và nước tiểu trước khi mặc tã mới cho con.
2.4.1 Với bé gái
Mẹ dùng khăn ướt hoặc khăn đa năng nhúng nước ấm đã chuẩn bị ở trên để vệ sinh cho bé.
- Bước 1: Quấn khăn quanh một ngón tay: Nếu mẹ chỉ cầm khăn để vệ sinh cho bé, khăn dễ bị trượt ra khỏi tay và làm bẩn tay mẹ. Mẹ quấn khăn ở bất kì ngón tay nào: ngón trỏ, ngón cái… hoặc quấn ở hai ngón nếu mẹ thuận tay.
- Bước 2: Lau vùng dưới rốn: Nếu bé đi ị và đi tè cùng lúc, nước tiểu dễ dây lên phía trước bụng bé. Mẹ đưa ngón tay quấn khăn lau từ trên xuống dưới, từ vùng bụng dưới rốn xuống vùng dưới xương mu. Nếu rốn của con bị ướt, mẹ dùng khăn sạch nhẹ nhàng lau rốn bé, tránh để nước tiểu đọng lại, tạo môi trường cho vi khuẩn phát triển gây viêm nhiễm rốn con.
Mẹ xem thêm: Chăm sóc rốn bé sơ sinh ĐÚNG CÁCH tránh nguy cơ nhiễm trùng
- Bước 3: Lau sạch mọi ngóc ngách: Một tay mẹ nhấc hai chân bé lên, tay còn lại lần lượt lau nhẹ nhàng dọc các nếp gấp: mông, lưng, đùi, vùng kín. Với vùng kín bé, mẹ cẩn thận lau theo một chiều từ âm đạo ngược về hậu môn, không lau theo chiều ngược lại vì dễ kéo bẩn từ hậu môn lên vùng kín của bé gây viêm nhiễm.
Mẹ lưu ý: Không dùng xà phòng để rửa vùng kín cho bé sơ sinh mẹ nhé, mẹ chỉ cần lau với khăn ướt là đủ. Niêm mạc con yếu ớt và nhạy cảm, sử dụng xà phòng tẩy rửa mạnh dễ làm con bị khô, đau rát đó ạ!
- Bước 4: Lau lại toàn bộ: Mẹ lau mông, vùng kín, bẹn, đùi của bé với tờ khăn ướt mới để tạo lớp kháng khuẩn và dưỡng ẩm tự nhiên bảo vệ da con. Mẹ chú ý: Mỗi lần vệ sinh cho bé mẹ dùng khoảng 3 – 5 tờ khăn. Khi khăn trên tay mẹ đã bẩn, mẹ thay khăn khác, tiếp tục lau và vệ sinh cho bé để tránh đưa chất bẩn từ vùng này sang vùng khác mẹ nhé!
2.4.2 Với bé trai
Khi vệ sinh vùng kín cho bé trai sau đi ị, mẹ cần lau phần dương vật và bìu cẩn thận vì đây là nơi dễ đọng phân và nước tiểu. Nếu không được vệ sinh sạch sẽ, vi khuẩn sẽ sinh sôi, gây viêm da bé đó mẹ! Các bước thực hiện mẹ tham khảo dưới đây ạ!
- Bước 1: Quấn khăn ướt hoặc khăn đa năng quanh ngón tay và vệ sinh vùng rốn, trên bụng, mông, đùi, bẹn tương tự như bé gái.
- Bước 2: Với bộ phận sinh dục, mẹ lau phần ngoài dương vật sau đó lau xuống dưới bìu, chú ý phần dưới dương vật vì phân và nước tiểu hay đọng ở đó.
- Bước 3: Lau lại đầu dương vật:
Với bé đã lột bao quy đầu: Mẹ vuốt nhẹ phần da quy đầu về sau, lau nhẹ phần dương vật bên trong và đưa bao quy đầu về vị trí cũ.
Với bé chưa lột bao quy đầu: Bao quy đầu của bé lúc mới sinh trùm kín dương vật để bảo vệ bé. Mẹ không cần lộn bao quy đầu để vệ sinh vì sẽ khiến con bị đau, thậm chí chảy máu đó ạ!
- Bước 4: Lau lại toàn bộ mông, vùng kín, bẹn, đùi của bé với tờ khăn ướt mới để tạo lớp kháng khuẩn và dưỡng ẩm tự nhiên bảo vệ da con.
Mẹ xem thêm:
Lưu ý nhỏ cho mẹ: Thực tế nhiều mẹ khi vệ sinh cho trẻ sơ sinh sau khi ị xong, lại rửa một lần nữa với nước. Mẹ cho rằng như thế mới là sạch tối đa. Tuy nhiên, cách làm này không đúng và không cần thiết. TS Lê Minh Trác – Giám đốc Trung Tâm Sơ Sinh Bệnh Viện Phụ Sản Trung Ương lưu ý các mẹ. Sau khi dùng khăn ướt không cần thiết rửa lại bằng nước. Như thế sẽ làm trôi các chất có tác dụng dưỡng ẩm, ngừa hăm, ngừa rôm sảy và kháng khuẩn bảo vệ da. Sau khi lau sạch, mẹ dùng thêm một tờ khăn nữa lau lần cuối là được rồi ạ!
2.5. Bước 5. Sử dụng xịt xử lý các vấn đề về da và mặc tã cho bé
Với bé có vấn đề về da như hăm da, ửng đỏ, mụn mủ, mụn bọc… trước khi mặc tã cho con, mẹ dùng xịt chăm sóc da giúp da bé nhanh khỏe hơn.
Sau khi vệ sinh xong, mẹ đợi khoảng 1 phút cho bề mặt da và vùng kín của bé khô thoáng rồi sử dụng xịt mẹ nhé! Khi xịt, mẹ để cách xa mông con khoảng 15 – 20cm và nhấn xịt, đợi khoảng 1 – 2 phút cho dưỡng chất thấm hết vào da rồi mặc tã và quần áo cho con.
Mẹ chú ý xịt vào những vùng da sưng đỏ, hăm tã, trầy xước, không xịt thẳng vào bộ phận sinh dục của con vì đây là vùng nhạy cảm, dễ kích ứng, viêm nhiễm. Nếu vùng kín bé bị sưng đỏ, mẹ hỏi ý kiến bác sĩ để dùng loại xịt hoặc kem bôi chuyên dụng cho bé nhé!
Cuối cùng, mẹ mặc tã cho bé. Với bé trai, mẹ để dương vật của con nằm xuôi xuống. Mỗi khi bé đi tiểu, nước tiểu sẽ không bị đẩy lên trên, dễ gây tràn tã, ướt rốn.
3. Một số mẹo khi vệ sinh cho trẻ sơ sinh sau khi ị
Chăm sóc bé sơ sinh chưa bao giờ dễ dàng, nhất là khi con nghịch ngợm, hay có các vấn đề sức khỏe như táo bón, tiêu chảy. Chỉ với một vài mẹo nhỏ sau đây, việc vệ sinh và thay tã cho bé không làm khó được mẹ đâu ạ:
- Với bé trên 6 tháng tuổi: Bé giai đoạn này rất hiếu động. Con không chịu nằm yên, nghịch ngợm, đạp chân liên tục làm mẹ khó thay tã cho bé. Mẹ thu hút sự chú ý của bé bằng một bài hát, một đồ chơi bé ưa thích hoặc cho bé gặm nướu giả, núm ti giả, con sẽ bị xao nhãng, không nghịch và quấy nữa đâu ạ.
- Với bé bị táo bón: Sau khi vệ sinh sạch sẽ vùng da mặc tã, mẹ giúp bé dễ đi ngoài hơn bằng cách ngâm hậu môn bé khoảng 5 – 10 phút trong nước ấm (36 – 38 độ C), 1 – 2 lần/ngày. Nước ấm có khả năng kích thích cơ vòng hậu môn, giúp hậu môn hoạt động trơn tru, nhờ đó bé dễ đi ngoài hơn.
- Với bé bị tiêu chảy: Bé tiêu chảy đi ngoài liên tục khiến vùng kín của bé luôn ẩm ướt, dễ sinh vi khuẩn gây viêm nhiễm, hăm tã. Một số mẹ có suy nghĩ dùng phấn rôm cho bé để mông con khô thoáng, nhưng điều này không tốt cho con đâu mẹ ạ! Bởi phấn rôm dễ làm bít tắc lỗ chân lông, làm bé lên mụn, mẩn đỏ. Hơn nữa, theo Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC), chất talc trong phấn rôm dễ gây ung thư, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của con.
Vệ sinh cho trẻ sơ sinh sau khi ị đúng cách để bảo vệ da con, giúp con thoải mái, tránh vi khuẩn sẽ tấn công, gây hăm và viêm nhiễm cho con mẹ nhé. Nếu da bé đang mẩn đỏ, trầy xước, mẹ đừng quên dùng xịt chăm sóc da để da con mịn màng trở lại nhanh chóng. Chúc bé khoẻ, mẹ an tâm!