Nổi mề đay là một dạng bệnh phổ biến và gây khó chịu. Thậm chí, có thể gây choáng váng ngất xỉu. Điều đáng lo ngại là từ 80 – 90% các ca bệnh mề đay mãn tính đều không xác nhận được nguyên nhân chính xác. Nên rất khó khăn cho việc điều trị.
Trẻ em là đối tượng dễ bị nổi mề đay song bệnh lại thường dai dẳng và khiến trẻ ngứa ngáy, bỏ ăn, quấy khóc cả ngày… Vậy mẹ cần làm gì khi trẻ bị nổi mề đay để con lại vui tươi chơi đùa? Để hiểu hơn về căn bệnh này mời mẹ theo dõi bài viết Trẻ Bị Nổi Mề Đay Thường Xuyên Có Nguy Hiểm Không dưới đây nhé.
Mục lục
1. Nổi mề đay là gì?
Theo thống kê cho thấy, cứ 100 trẻ thì có từ 15-20 trẻ bị nổi mề đay. Và bệnh có khả năng tái phát nhiều lần trong đời.
Mề đay là một dạng dị ứng da do các nguyên nhân: hóa chất, vi sinh vật và nhiệt độ môi trường… thay đổi gây ra. Các nốt phát ban có thể sưng tấy đỏ tạo thành mảng hoặc riêng lẻ gây ngứa, trông như những nốt mụn nhỏ li ti, đốm màu và xuất hiện ở một phần hoặc toàn bộ cơ thể. Có thể kéo dài hàng giờ, hàng tuần hoặc hàng tháng. Tuy bệnh không nguy hiểm nhưng khiến trẻ rất ngứa ngáy, khó chịu, nhất là vào lúc ngủ.
Mẹ tham khảo thêm: Đau lưng sau sinh và những điều mẹ cần lưu ý
2. Biểu hiệu của trẻ khi bị nổi mề đay
Sẩn phù: Kích thước to nhỏ khác nhau. Sẩn phù hơi nổi cao trên mặt da, màu sắc hơi đỏ hoặc nhợt nhạt hơn vùng da xung quanh. Các sẩn, mảng sẩn thay đổi nhanh chóng, xuất hiện nhanh, mất đi nhanh.
Ngứa: Đa số các trường hợp bị mề đay rất ngứa, càng gãi càng ngứa và làm nổi thêm các sẩn khác.
Một số vùng như mi mắt, môi, sinh dục ngoài… các ban đỏ, sẩn phù xuất hiện đột ngột làm sưng to cả một vùng còn gọi là phù mạch hay phù Quincke.
Nếu phù Quincke ở thanh quản hay ống tiêu hóa sẽ gây nên bệnh lí nặng như khó thở nặng, đi ngoài phân lỏng, đau quặn bụng, tụt huyết áp, rối loạn tim mạch hay sốc phản vệ thực sự.
3. Nguyên nhân khiến trẻ bị nổi mề đay
Trẻ bị nổi mề đay thường là do những chất kích ứng dưới đây gây ra.
3.1. Nhiệt độ thay đổi thất thường
Thời tiết hay nhiệt độ môi trường sống tăng giảm đột ngột là nguyên nhân gây nổi mề đay ở trẻ em, nhất là khi thời tiết đột ngột chuyển lạnh hoặc chuyển nóng.
3.2. Đồ ăn gây dị ứng khiến trẻ bị nổi mề đay
Trẻ có thể bị nổi mề đay khi ăn phải những thực phẩm dễ gây dị ứng như tôm, cua, hải sản, cá, sữa, trứng, đậu phộng, lúa mì…
3.3. Côn trùng cắn
Dị ứng do côn trùng đốt có thể khiến trẻ bị sưng tấy, ngứa ngáy, đau rát. Nếu nặng hơn, trẻ có thể bị nôn mửa, khó thở, thở khò khè, mạch nhanh…
3.4. Trẻ bị nổi mề đay do uống thuốc
Một số loại thuốc giảm đau hoặc thuốc kháng sinh có thể gây kích ứng khiến trẻ bị nổi mề đay.
3.5. Tiếp xúc với hóa chất
Trẻ có thể bị nổi mề đay do tiếp xúc với hóa chất độc hại hoặc chất gây kích ứng mạnh trong các sản phẩm tắm gội, nước hoa, chất tạo màu thực phẩm. Tình trạng này cũng có thể xảy ra khi trẻ mặc quần áo hay nằm trên chăn, gối, mùng, mền, nệm được giặt sạch bằng bột giặt, nước xả vải có hóa chất tẩy rửa. Ngoài ra, các sản phẩm tẩy rửa gia dụng có hóa chất mạnh cũng là nguyên nhân chính yếu khiến trẻ bị nổi mề đay.
3.6. Cọ sát với quần áo
Chất liệu quần áo từ vải len hoặc vải sợi nóng bức có thể chà sát vào da trẻ và gây nổi mề đay.
3.7. Những nguyên nhân khác khiến trẻ bị nổi mề đay
Trẻ có thể bị nổi mề đay do nhiễm trùng, căng thẳng, gãi ngứa, ngồi quá lâu, mang ba lô thời gian dài, tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hoặc phải chịu lạnh quá lâu. Mề đay do vận động xúc cảm như mệt nhọc, gắng sức, stress, mề đay do chèn ép, do rung động, mề đay do quá lạnh, quá nóng, do ánh sáng mặt trời…
4. Các mẹ phải làm gì khi trẻ bị nổi mề đay
Thông thường, mề đay ở trẻ em có thể tự biến mất và không cần chữa trị. Tuy nhiên, để tình trạng này nhanh khỏi hơn và tránh tái phát, mẹ cần nên kiêng cữ những chất gây kích ứng và đều đặn dưỡng da cho con.
4.1. Dùng kem dưỡng ẩm khi trẻ bị nổi mề đay
Mẹ nên dưỡng da cho con đều đặn 1 ngày 2 lần bằng kem dưỡng ẩm để con nhanh khỏi bệnh hơn. Ngoài ra, mẹ cũng có thể sử dụng kem chống ngứa sau khi bôi kem dưỡng ẩm cho con để hạn chế tình trạng ngứa da ở trẻ. Kem dưỡng ẩm và kem chống ngứa cần có những thành phần dịu nhẹ để an toàn cho da của con.
4.2. Sử dụng sản phẩm gốc thực vật
Mẹ nên loại bỏ những sản phẩm gia dụng vẫn còn chứa các hóa chất được chứng minh là có hại như VOCs, chất bảo quản, hóa chất tạo mùi hương, amoniac, triclosan, Phthalates, chroline… Những chất này thường chủ yếu có mặt trong các sản phẩm tắm gội, sản phẩm làm thơm hay sản phẩm tẩy rửa chăm sóc nhà cửa.
Vì thế, để bảo vệ làn da của con yêu, mẹ nên sử dụng những sản phẩm có thành phần từ tự nhiên đúng chuẩn gốc thực vật được cơ quan uy tín chứng nhận về độ an toàn. Những sản phẩm này thường lành tính, không gây hại cho da và cho sức khỏe nên giúp trẻ yêu tránh khỏi tình trạng bị kích ứng gây nổi mẩn ngứa.
4.3. Cho con uống nhiều nước khi trẻ bị nổi mề đay
Mẹ có thể cho trẻ uống nước, nước ép trái cây để tăng cường miễn dịch, tăng khả năng thải độc của cơ thể nhằm giúp giảm triệu chứng ngứa ngáy trên da.
4.4. Mặc quần áo thoáng mát
Mẹ hãy chọn cho trẻ loại vải cotton 100% thoáng mát, vải bông hoặc vải sợi tre để hạn chế tình trạng trẻ đổ mồ hôi cũng như chà xát da trẻ gây kích ứng.
4.5. Làm mát da cho trẻ
Mẹ có thể làm mát da cho trẻ yêu bằng những cách dưới đây để con giảm viêm và giảm các triệu chứng sưng nóng, khó chịu:
1 – Tắm nước ấm:
Mẹ tắm nước ấm cho trẻ mỗi ngày để nhiệt độ cơ thể của con mát mẻ hơn. Ngoài ra, mẹ cũng có thể thêm bột yến mạch vào nước tắm để giảm ngứa cho con.
2 – Chườm mát:
Mẹ bọc đá bằng túi vải hay khăn để chườm mát cho con giúp nhanh giảm triệu chứng nổi mẩn, ngứa ngáy, giảm viêm.
3 – Lau người cho trẻ thường xuyên:
Mẹ lau người cho trẻ sạch sẽ hàng ngày sau khi ăn uống, vệ sinh, vui chơi, học tập để loại bỏ những bụi bẩn cũng như những tác nhân khiến trẻ bị nổi mề đay.
5. Trẻ bị nổi mề đay tắm lá gì?
Mẹ có thể áp dụng một trong những cách trị mề đay từ dân gian dưới đây để chữa bệnh cho con tại nhà:
5.1. Ngâm da trẻ bằng lá khế tươi:
Mẹ lấy lá khế tươi đem rửa sạch rồi cho vào nước và đem đun sôi. Kế đến, mẹ để nguội rồi dùng nước đó để ngâm hoặc rửa vùng da nổi mề đay. Mẹ áp dụng cách này cho con 2 ngày/lần.
5.2. Thoa nha đam lên da:
Mẹ lấy phần gel bên trong của nha đam rồi bôi lên vùng da bị mề đay trong vòng 20 phút thì vệ sinh lại bằng nước thật sạch.
5.3. Tắm lá trà xanh:
Mẹ lấy lá trà xanh đã rửa sạch đem nấu sôi với nước. Sau đó, mẹ dùng nước này pha với nước sạch để tắm cho trẻ hàng ngày.
5.4. Đắp lá cây chó đẻ:
Mẹ lấy lá của cây chó đẻ đã rửa sạch đem giã và xay nhuyễn rồi lấy lá đắp lên vùng da trẻ. Mẹ thực hiện cách này 1 lần/ngày.
5.5. Đắp lá bạc hà:
Mẹ lấy lá bạc hà tươi đã rửa sạch đem giã và xay nát rồi đắp lên da trẻ đã được vệ sinh sạch sẽ. Mẹ áp dụng cách này cho trẻ mỗi 2 lần/ngày cho đến khi lành.
Mẹ cần đưa con đến bệnh viện ngay nếu kèm theo các trường hợp dưới đây:
- Trẻ phát ban sau khi bị ong đốt
- Trẻ bị khó thở, chóng mặt, ngất xỉu
- Mẹ cho con dùng một loại thuốc mới
- Mẹ điều trị mề đay cho con tại nhà không hiệu quả
- Tình trạng bệnh của con ngày càng nghiêm trọng hơn
Nếu mẹ biết cách kiểm soát những yếu tố gây kích ứng thì tình trạng nổi mề đay sẽ không tiếp tục tái diễn. Mẹ hãy bảo vệ con yêu thật tốt từ những ngày đầu làm mẹ. Để trẻ khôn lớn khỏe mạnh và không một tác nhân nào có thể làm hại đến làn da mỏng manh của con yêu nhé!
Xem thêm: Gây tê màng cứng có nguy hiểm cho mẹ bầu
Nguồn tham khảo: https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/huong-dan-cham-soc-tre-bi-may-day-cap/