Rối loạn tiêu hóa là một trong những chứng bệnh phổ biến ở trẻ nhỏ. Trẻ bị rối loạn tiêu hóa dễ bị suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sự phát triển về sau.
Mục lục
1. HẬU QUẢ KHI TRẺ BỊ RỐI LOẠN TIÊU HÓA
Theo soyte.baria-vungtau.gov.vn, rối loạn tiêu hóa là tình trạng hệ tiêu hóa trở nên bất thường, hoạt động kém hiệu quả. Theo các chuyên gia, đây có thể là hệ quả của một số bệnh trong hệ thống tiêu hóa.
Trẻ bị rối loạn tiêu hóa nếu không được chữa trị đúng cách và kịp thời có thể ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển sau này của trẻ. Khi rối loạn tiêu hóa, trẻ dễ bị thiếu hụt dinh dưỡng, dẫn đến suy dinh dưỡng, chậm phát triển về thể chất và trí não, suy giảm hệ miễn dịch. Rối loạn tiêu hóa làm suy yếu hệ tiêu hóa ở trẻ, về sau, trẻ dễ tái phát chứng bệnh này.
2. NGUYÊN NHÂN TRẺ BỊ RỐI LOẠN TIÊU HÓA
- Trong độ tuổi từ 0-6, hệ miễn dịch và hệ tiêu hóa của trẻ vẫn chưa phát triển hoàn thiện. Ở giai đoạn này, trẻ dễ bị tấn công bởi các tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn, nấm,…
- Kháng sinh cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến bé bị rối loạn tiêu hóa. Vì trên thực tế, kháng sinh khi đi vào cơ thể không chỉ tiêu diệt các vi khuẩn có hại mà còn làm giảm thiểu các vi khuẩn có lợi. Nếu sử dụng kháng sinh liên tục, hệ miễn dịch của trẻ có thể bị suy giảm.
- Chất lượng vệ sinh của môi trường tác động rất lớn đến hệ tiêu hóa của trẻ. Nếu cho trẻ ăn thức ăn chưa được bảo quản tốt, bị ôi thiu, không thực hiện các phương pháp đảm bảo như rửa tay trước khi ăn, vệ sinh dụng cụ ăn cho trẻ,… trẻ rất dễ mắc phải các bệnh tiêu hóa.
- Bên cạnh đó, các biến chứng từ các bệnh khác như: viêm đường hô hấp, viêm phổi, viêm phế quản… có thể là tác nhân khiến trẻ bị rối loạn tiêu hóa. Khi mắc những bệnh này, trẻ thường bị tiết đờm chứa vi khuẩn. Tuy nhiên, thay vì khạc nhổ ra ngoài, trẻ thường nuốt lại, dẫn đến nhiễm khuẩn đường ruột, rối loạn tiêu hóa.
- Trẻ bị rối loạn tiêu hóa khi có chế độ ăn không hợp lí, thiếu khoa học. Nếu trẻ ăn thiếu chất, ăn những thực phẩm khó tiêu, nhiều dầu mỡ,…, trẻ thường khó hấp thụ, dẫn đến các bệnh tiêu hóa.
3. NHỮNG TRIỆU CHỨNG KHI TRẺ BỊ RỐI LOẠN TIÊU HÓA
3.1. Nôn trớ
Nôn là tình trạng rối loạn tiêu hóa buộc những gì trong dạ dày đi ngược lên thực quản và thoát qua đường miệng hoặc đôi khi qua mũi. Trớ là tình trạng các chất trong dạ dày (sữa, thức ăn, dịch dạ dày) trào ngược lên trên và ra ngoài mũi, miệng do sự co bóp của dạ dày. Nôn trớ là hiện tượng sinh lý hay gặp ở trẻ sơ sinh, thương kèm với ợ hơi. Tuy nhiên, đây cũng có thể là dấu hiệu khi trẻ mắc các bệnh tiêu hóa.
3.2. Táo bón
Táo bón cũng là một hiện tượng phổ biến ở trẻ nhỏ khi ăn những thực phẩm khó tiêu hóa. Khi trẻ bị táo bón, phân có thể khô và cứng hơn bình thường. Khi trẻ bị táo bón thường có cảm giác biếng ăn, dẫn đến hấp thu thiếu chất, khiến trẻ thấp còi, nhẹ cân, tiêu hóa kém, lờ mờ, mệt mỏi.
3.3. Đi ngoài phân sống
Đi ngoài phân sống là đi cầu ra những thức ăn ta ăn không thể tiêu hóa. Cụ thể là phân sẽ nát, không thành khuôn. Ngoài ra, trong phân có thể nhìn thấy những mẩu vụn của các loại thực phẩm ta ăn vào. Đây là hệ quả của chế độ ăn chưa khoa học, thiếu cân bằng chất dinh dưỡng; dùng thuốc kháng sinh liên tục, vệ sinh chưa đảm bảo.
3.4. Tiêu chảy
Một trong những triệu chứng dễ thấy khi trẻ bị rối loạn tiêu hóa là tiêu chảy. Khi bị tiêu chảy, trẻ thường đi ngoài từ 3 lần trở lên trong ngày và phân nhiều nước. Tình trạng này có thể dẫn đến trẻ bị mất nước trầm trọng. Nếu thấy trẻ có dấu hiệu mệt mỏi, đau đầu, buồn ngủ, tiểu ít, khô miệng và khô da, mẹ nên đưa trẻ đi khám tại bệnh viện hoặc các cơ sở uy tín.
4. TRẺ EM BỊ RỐI LOẠN TIÊU HÓA NÊN ĂN GÌ?
Chế độ dinh dưỡng rất quan trọng với trẻ nhỏ. Chế độ dinh dưỡng tốt không chỉ cải thiện hệ tiêu hóa của trẻ mà còn nâng cao sức đề kháng, giúp trẻ phát triển khỏe mạnh. Bởi vậy, mẹ hãy đảm bảo cho bé ăn đủ chất, đặc biệt bổ sung các loại thực phẩm giày chất xơ, ví dụ như rau củ quả, ngũ cốc, các sản phẩm ngũ cốc nguyên hạt.
Ngoài ra, mẹ cũng nên hạn chế cho trẻ ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ, cay nóng, thực phẩm đóng gói, chế biến sẵn, bánh kẹo, đồ ngọt, và nước uống có gas.
Vệ sinh và an toàn thực phẩm là một trong những điều mà mẹ cần lưu ý hàng đầu. Mẹ nhớ lựa chọn thực phẩm đảm bảo, ăn chín uống sôi, vệ sinh dụng cụ ăn uống cho trẻ. Mẹ nên dạy trẻ rửa kỹ tay bằng xà phòng trước khi ăn. Cùng với đó, mẹ cũng cần tạo cho trẻ thói quen ăn uống điều độ, nhai kỹ thức ăn.
Bên cạnh đó, mẹ cũng nên khuyến khích bé uống nhiều nước. Mất nước là hệ quả phổ biến khi trẻ bị rối loạn tiêu hóa. Việc uống đủ nước có thể giúp trẻ bù lại lượng nước đã mất, dễ hấp thu hơn.
Mẹ có thể tìm hiểu thêm tại: 10 thực phẩm giúp tăng cường khả năng miễn dịch cho bé
5. TRẺ EM BỊ RỐI LOẠN TIÊU HÓA UỐNG THUỐC GÌ?
Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại thuốc, thực phẩm chức năng có khả năng điều trị rối loạn tiêu hóa ở trẻ. Tuy nhiên, để đảm bảo, trước khi sử dụng, mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế để thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ, tránh để lại biến chứng cho trẻ.
Các mẹ có thể tham khảo một số bài thuốc dân gian tại soyte.hatinh.gov.vn
Sức khỏe của bé vẫn luôn là mối quan tâm hàng đầu của mẹ. Mẹ theo dõi những bài viết khác trên Góc của mẹ để cùng Góc của mẹ bảo vệ sức khỏe bé nhé! Chúc mẹ và bé luôn khỏe mạnh!