Không chỉ đọc những bài viết về chăm sóc trẻ sơ sinh, cha mẹ nên hiểu về trẻ sơ sinh để lựa chọn cách chăm sóc bé phù hợp. Với những ai lần đầu làm cha mẹ, có những biểu hiện của bé khiến cha mẹ bỡ ngỡ. Vì vậy, đọc ngay bài viết này để hiểu hơn về bé, cha mẹ nhé!
Mục lục
1.Hiểu về nhu cầu của trẻ sơ sinh
Dưới 1 tháng tuổi, nhu cầu của trẻ khá đơn giản. Tất cả những gì thực sự quan trọng với bé trong thời điểm này là ăn vài giờ một lần, ngủ, đi vệ sinh, được thay tã và nhận được tình yêu thương từ cha mẹ. Nhưng ngược lại, đối với cha mẹ, cuộc sống có thể thay đổi đáng kể, cần nhiều việc phải làm hơn. Vì vậy, mẹ hãy chỉ tập trung vào những điều cần thiết – nhu cầu cơ bản của bé.
Thời gian này cần liên tục giặt đồ cho bé, thay tã, tắm, cho bé bú,… Vì vậy, các mẹ hãy nhờ sự giúp đỡ từ bố và người nhà cho những công việc khác nhé. Chẳng hạn như lo bữa tối cho cả nhà hay dọn dẹp nhà cửa. Bên cạnh đó, mẹ cũng cần chăm sóc đến sức khoẻ bản thân để cơ thể nhanh phục hồi sau sinh, nhất là những mẹ sinh mổ.
2.Hình dáng của bé sau sinh
Thường mất vài tuần hoặc vài tháng để bé có thể trở nên mũm mĩm, đáng yêu như cách mà cha mẹ mong đợi. Ngoại hình của bé sẽ thay đổi nhanh chóng ở những tuần tiếp theo.
3.Phản xạ sơ sinh
Ngay từ ngày đầu tiên, trẻ sơ sinh đã có một bộ phản xạ được thiết kế để bảo vệ bé và đảm bảo bé nhận được sự chăm sóc cần thiết (ngay cả khi bản năng làm cha mẹ chưa được kích hoạt). Một số phản xạ sớm này bao gồm:
- Phản xạ gốc tìm vú mẹ (rooting reflext) – giúp bé xác định vị trí vú hoặc bình sữa
- Phản xạ mút (sucking reflex) – giúp bé ăn
- Phản xạ nắm bắt (Palmar grasp reflext) – phản xạ khiến bé nắm chặt ngón tay khi mẹ đặt nó trong lòng bàn tay của bé
- Phản xạ khi sợ hãi (Moro reflext) – phản ứng giơ hai tay, hai chân lên và mở rộng lòng bàn tay khi bé giật mình
4.Giác quan sơ sinh
Tất cả các giác quan của bé đều hoạt động ngay từ khi bé chào đời, bao gồm:
4.1.Thị giác
Khi mới sinh, mắt bé có thể sưng húp. Tầm nhìn của bé hơi mờ, nhưng vẫn có thể nhìn thấy khuôn mặt cha mẹ và các vật thể cận cảnh khác. Chỉ cần chúng cách khoảng 20 – 30cm trước mặt bé. Đây cũng là tầm nhìn của bé. Mẹ cũng có thể nhận thấy mắt của bé đôi khi cảm giác như hơi bị lác. Phần lớn mắt bé sẽ trở lại bình thường sau đó. Bởi các cơ kiểm soát chuyển động của mắt chưa phát triển đầy đủ.
4.2.Thính giác
Dù thính giác của bé chưa hoàn toàn phát triển, bé đã quen với giọng nói của cha mẹ và những âm thanh khác mà bé thường nghe thấy trong bụng mẹ.
4.3.Vị giác
Vị giác của bé rất phát triển. Bé có thể phân biệt giữa đắng và ngọt.
4.4.Khứu giác
Ngay sau khi bé sinh ra, bé sẽ nhận ra mùi hương của cha mẹ.
4.5.Xúc giác
Xúc giác là giác quan phát triển nhất khi bé sinh ra. Thông qua xúc giác, qua những cái chạm, cái ôm,… của cha mẹ bé cảm nhận được tình yêu thương mà cha mẹ và những người xung quanh dành cho bé.
5.Cơ thể cuộn tròn
Do nằm trong tử cung với tư thế cuộn tròn và sau đó đẩy qua kênh sinh hẹp nên cơ thể bé sẽ “siết chặt” trong một thời gian. Vì vậy, ngay khi sinh ra, tay chân bé có thể vẫn ôm sát vào cơ thể. Mẹ đừng lo lắng nhé. Cơ thể bé sẽ dần thư giãn trong một vài tuần.
6.Cơ quan sinh dục sưng
Một số bé (cả trai và gặp) có thể gặp trường hợp cơ quan sinh dục sưng. Điều này diễn ra tạm thời và hoàn toàn bình thường. Bởi chúng do hormone của mẹ vẫn có trong cơ thể của trẻ sơ sinh. Hormone này sẽ giảm dần. Những hormone tương tự cũng có thể khiến núm ti của bé có dịch tiết sữa và dịch tiết âm đạo. Trường hợp này cũng sẽ hết trong vòng 1 hoặc 2 tuần.
7.Giảm cân sinh lý
Mặc dù bé khi sinh ra có thể nặng 3kg, nhưng mẹ cũng đừng ngạc nhiên nếu bé giảm cân sau đó nhé. Bé có thể giảm 5% trọng lượng nếu bé uống sữa công thức, 7 – 10% nếu bé bú sữa mẹ. Phần cân nặng giảm có thể là do lượng chất lỏng dư thừa bị loại bỏ sau khi trẻ sinh ra.
Cân nặng của bé sẽ ngừng giảm khi bé được 5 ngày tuổi. Khoảng 10 đến 14 ngày sau đó, bé sẽ lấy lại trọng lượng và tăng cân lại.
8.Giấc ngủ của trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh ngủ rất nhiều. Bé ngủ khoảng 14 đến 17 giờ mỗi ngày hoặc hơn. Bé cũng thường xuyên thức dậy để bú. Trẻ bú sữa mẹ thường cần ăn 2 đến 3 giờ một lần. Trẻ bú sữa công thức (hoặc bú sữa mẹ và sữa công thức) thường ăn sau 3-4 giờ.
9.Bé cần bao nhiêu sữa?
Trẻ ăn rất nhiều trong vài tuần đầu tiên. Ít nhất 8 đến 12 lần (hoặc hơn) trong 24 giờ. Nhiều mẹ có thể khó có thể nhận biết xem khi nào bé ăn đủ. Nhưng mẹ cũng có thể để ý đến trạng thái của bé. Bé ăn đủ, tăng cân phù hợp với độ tuổi và đi vệ sinh đủ nhiều (8-12 lần).
Việc cho bé bú không phải lúc nào cũng diễn ra thuận lợi. Có nhiều vấn đề liên quan đến việc cho bé bú.
10.Theo dõi phân của bé
Những lần đầu, phân su của bé có thể là màu đen và dính. Sau một vài ngày, phân sẽ chuyển sang màu vàng lục. Trong tháng đầu tiên, mỗi ngày bé có thể đi ị 5 lần mỗi ngày (đôi khi nhiều hơn). Phân bé sẽ có màu vàng, xanh lá cây hoặc nâu, nhão. Vào khoảng tuần thứ 6, số lần đi ị của bé có thể chững lại.
11.Sức khoẻ của bé
11.1.Khóc
Khóc là một cách giao tiếp của trẻ sơ sinh. Trong thực tế, khóc cũng có thể là một dấu hiệu em bé khoẻ mạnh. Nếu bé không khóc nhiều, đặc biệt là khi mẹ biết bé có thể cần gì đó, hãy đến gặp bác sĩ ngay mẹ nhé. Nhưng nếu dường như bé lúc nào cũng khóc thì sao? Các nghiên cứu cho thấy 80 – 90% trẻ sơ sinh có các phiên khóc hàng ngày từ 15 phút đến 1 giờ mà khó có thể giải thích.
Mẹ hãy chắc chắn bé không đói, không cần thay tã và không có điều gì khó chịu xảy ra. Mẹ có thể hát cho bé nghe, âu yếm bé. Có thể mất vài lần để giúp bé bình tĩnh.
Hội chứng colic – khóc dai dẳng
Một số cha mẹ tự hỏi nếu bé bị hội chứng colic – khóc dai dẳng thì phân biệt như nào với khóc bình thường. Bé gặp hội chứng colic thường có các triệu chứng ngoài việc khóc: nhắm chặt hoặc mở to mắt, đầu gối kéo lên ngực, chân tay khua xung quanh, thở ngắn. Các bác sĩ thường chẩn đoán hội chứng này bằng cách sử dụng quy tắc số 3: khóc 3 tiếng, 3 ngày một tuần, kéo dài ít nhất 3 tuần liên tiếp.
Nguyên nhân bé bị colic vẫn chưa được tìm hiểu rõ ràng nhưng có thể do một số nguyên nhân sau
- Bé chưa thích nghi với ánh sáng, tiếng ồn hay môi trường bên ngoài
- Bé đang bú sữa mẹ có thể nhạy cảm với thức ăn mẹ đang dùng
- Bé khó kiểm soát bản thân
Mộc số cách để bé bớt khóc mẹ có thể tham khảo: quấn tã cho bé, thay đổi chế độ ăn uống của mẹ nếu bé nhạy cảm với thức ăn, bế bé, hát ru cho bé,… Điều tốt nhất mẹ có thể làm là cố gắng giữ bình tĩnh và thay phiên với bố/ người nhà để bé chú ý đến nhiều người hơn.
Hội chứng colic thường bắt đầu vào khoảng tuần thứ 2 hoặc 3 khi bé chào đời. Nó thường đạt đến mức độ nghiêm trọng vào khoảng tuần thứ 6. Đến tháng thứ 3 hoặc thứ 4, hội chứng sẽ ngưng đột ngột hoặc từ từ, cho đến khi tất cả các dấu hiệu này biến mất. Nếu sau đó, bé vẫn quấy khóc, mẹ nên đưa bé đến khám bác sĩ nhé.
11.2.Mốc phát triển của bé
Dưới đây là một số mốc phát triển của bé mà cha mẹ có thể mong đợi con mình đạt được trong tháng đầu tiên khi sinh:
Hầu hết các bé có thể:
- Nâng đầu trong thời gian ngắn
- Tập trung vào một khuôn mặt
- Đưa tay lên mặt
- Mút tốt
- Một nửa em bé có thể: đáp lại âm thanh theo một cách nào đó
- Một số em bé có thể:
- Nâng đầu khoảng 45 độ khi nằm sấp
- Phát ra âm thanh (ngoài khóc)
- Cười và đáp lại nụ cười
12.Những điều cha mẹ cần làm khi bé dưới 1 tháng tuổi
12.1.Chăm sóc cơ thể sau sinh
Chuyển dạ và sinh nở khiến mẹ rất mệt mỏi về mặt thể chất. Vì vậy, mẹ cần 6 đến 8 tuần sau sinh để phục hồi lại sức khoẻ. Mẹ cần tất cả sự giúp đỡ trong tháng đầu để cơ thể có thể điều chỉnh, phục hồi. Mẹ nên ăn uống đủ chất, đúng cách, nghỉ ngơi và nhận sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè.
Với những mẹ sinh mổ, dành thời gian phục hồi cơ thể là điều cực kỳ quan trọng. Gây tê và mất máu có thể khiến mẹ cảm thấy yếu ớt trong vài ngày đầu. Vết mổ cũng khiến mẹ cảm thấy đau và nhạy cảm ít nhất 4 đến 6 tuần. Mẹ hãy che vết mổ, mặc quần áo rộng và uống thuốc theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Mẹ cũng cần điều chỉnh lại hoạt động của mình , tránh gây áp lực cho vết mổ. Ngoài ra, mẹ hãy cố gắng đi bộ quanh nhà để khí lưu thông, giảm bớt tình trạng táo bón, đầy hơi.
Bên cạnh đó, 2 đến 5 ngày sau sinh, sữa về có thể khiến mẹ cảm thấy căng tức ngực. Mẹ hãy chuẩn bị khăn ấm để ngực bớt đau, mặc áo ngực rộng rãi. Mẹ ra sản dịch sau sinh, cần dùng băng vệ sinh cho đến khi hết hẳn, thường sau 2 đến 4 tuần. Các cơn co thắt để giúp tử cung co lại về kích thước bình thường. Ngoài ra, mẹ cũng mất vài tháng (hoặc lâu hơn) để giảm cân sau sinh. Nếu muốn tập luyện bộ mộn thể dục nào, mẹ hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước nhé.
12.2.Sống khoẻ mạnh
Khi bé sinh ra, hầu như các mẹ sẽ tập trung hoàn toàn vào việc chăm sóc bé mà ít để ý đến sức khoẻ của bản thân hơn. Vì vậy, hãy luôn chủ động chăm sóc sức khoẻ bản thân mẹ nhé. Mẹ có thể tranh thủ ngủ khi bé ngủ. Luôn bổ sung những thực phẩm tốt cho cơ thể để đủ chất dinh dưỡng. Ngoài ra, thực hành các tư thế cho bé bú thường hoặc bé bú bình để giảm thiểu đau mỏi lưng.
12.3.Cảm xúc của mẹ
Nhiều mẹ sau sinh dễ bị trầm cảm, có thể do thiếu ngủ, nhiều cảm xúc xuất hiện cùng một lúc mà không được giải toả. Những cảm giác này thường biến mất trong một vài tuần sau sinh. Nhưng đôi khi nó thể trở nên trầm trọng hơn. Vì vậy, nhận ra các dấu hiệu trầm cảm sau sinh là điều quan trọng. Ngoài ra, luôn để ý để cảm xúc của bản thân mẹ nhé. Tìm cách giải toả, tâm sự với gia đình bạn bè để cảm thấy tốt hơn. Mẹ khoẻ thì mới có thể chăm sóc bé tốt được, phải không nào?
12.4.Mối quan hệ vợ chồng
Khi sinh bé, mối quan hệ vợ chồng sẽ thay đổi ít nhiều. Cả hai đều trải qua khoảng thời gian đầy cảm xúc khác nhau. Vì vậy, hai vợ chồng hãy chia sẻ càng nhiều kinh nghiệm , cảm xúc và công việc với nhau càng tốt. Có thể trong khoảng thời gian này, việc hai vợ chồng gần gũi nhau không được như trước, nhưng cuối cùng cùng sẽ trở lại bình thường. Hai vợ chồng có thể đi dạo cùng nhau, massage cho nhau, cùng nhau dùng bữa tối. Thể hiện tình yêu và sự đánh giá cao người kia qua việc âu yếm, ôm, hôn, những lời nói tử tế,…
Góc của mẹ có bài viết về cách chăm sóc trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi, cha mẹ có thể tham khảo bài viết này nhé.