Lần đầu làm mẹ vốn đã nhiều bỡ ngỡ, làm mẹ lần đầu tiên tại một đất nước xa xôi như Nhật Bản lại càng thêm khó khăn và vất vả. Những thiết kế quần áo, đồ dùng đa chức năng và có phần kỳ lạ, không giống đồ dùng cho bé ở Việt Nam khiến mẹ bị xoay như chong chóng. cách chuẩn bị đồ cho bé sơ sinh ở Nhật dưới đây sẽ giúp mẹ trả lời câu hỏi mua những gì, mua ở đâu, chọn mua như thế nào. Mẹ cùng theo dõi nhé!
Mục lục
1. Nguyên tắc chọn đồ cho bé sơ sinh ở Nhật
Khi chuẩn bị đồ cho các thiên thần nhí sắp chào đời, trước quyết định nên mua quần dài, áo cộc như nào, số lượng bao nhiêu, mẹ chọn lựa đồ theo các nguyên tắc sau để đảm bảo con yêu được thoải mái, an toàn:
1 – Chất liệu an toàn:
- Đối với đồ vải: Thời tiết Nhật Bản có 4 mùa với khí hậu thay đổi liên tục. Tháng 6 – tháng 8, nhiệt độ lên đến 35 độ C, tháng lạnh nhất (tháng 2), nhiệt độ chỉ khoảng 0 – 5 độ C. Mẹ lưu ý chọn chất liệu cotton, muslin mỏng nhẹ, thoáng mát cho mùa hè và đồ len, bông để giữ ấm cho bé vào mùa đông.
- Đối với các loại tã: Mẹ nên chọn tã có chất liệu bông tự nhiên, hạt các SAP thấm hút tốt, mỏng nhẹ (khoảng 5mm) và có rãnh thoáng khí để tránh con bị hầm bí, khó chịu.
2 – Màu sắc nhẹ nhàng tươi sáng:
- Với đồ vải: Tông màu quá sặc sỡ thường chứa nhiều thuốc nhuộm hoá học, khiến làn da mỏng manh và nhạy cảm của bé bị kích ứng. Mẹ nên chọn tông màu nhẹ nhàng, dịu mắt, vừa có tính thẩm mỹ, hạn chế phai màu lại an toàn cho con.
- Với dụng cụ ăn uống và sản phẩm ngủ: Mẹ chọn mua những vật dụng có màu sắc tươi sáng, in các hình nhân vật dễ thương, đáng yêu, bé sẽ thích thú hơn đó ạ!.
3 – Kích cỡ phù hợp với độ tuổi của con:
- Với quần áo: Mẹ lưu ý hệ thống ký hiệu kích cỡ quần áo tại Nhật không giống với hệ size số (1, 2, 3, 4…) như Việt Nam đâu ạ. Với bé sơ sinh, mẹ nên chọn mua size 50 (loại dành cho bé từ 0 – 3 tháng, chiều cao từ 44 – 45cm và cân nặng khoảng 3kg).
- Với dụng cụ tắm rửa: Đây là những vật dụng dùng trong sinh hoạt, hàng ngày, có thể dùng lâu mẹ nên ưu tiên chọn kích cỡ lớn để sau này không cần mua lại.
4 – Số lượng vừa đủ:
- Các sản phẩm vải và trang phục: Mẹ nên chọn mua nhiều hơn nhu cầu cần thiết 1 vài bộ để dự phòng vì thời tiết ở Nhật rất lạnh, ít nắng, quần áo sẽ lâu khô hơn.
- Những sản phẩm khác: máy vắt sữa, máy hâm sữa, nước cọ rửa bình, nôi, các loại thuốc bổ… mẹ không cần phải dự trữ vì những sản phẩm này không cần thay phiên sử dụng nhiều lần trong ngày như bình sữa, quần áo.
5 – Thương hiệu uy tín: Mẹ ưu tiên chọn những thương hiệu được mẹ bỉm đánh giá tốt, quy trình sản xuất đảm bảo, phù hợp với túi tiền như Hakka, Cofucu, Noko, Haha no Yume, Arch and Line…
Xem thêm: Hướng dẫn cách mặc quần áo cho trẻ sơ sinh theo theo mùa
2. Chọn đồ vải cho bé sơ sinh ở Nhật
2.1. Chọn trang phục ấm áp cho bé
Sự khác biệt về quy cách thiết kế cũng như cách thức ký hiệu trên quần áo Việt Nam và Nhật Bản sẽ khiến mẹ băn khoăn, phải xem đi xem lại hình ảnh minh hoạ trên hướng dẫn mới dám mua. Cùng tham khảo gợi ý chọn đồ cho bé mùa đông dưới đây để tránh mất thời gian mẹ nhé:
1 – Quần áo cho bé:
- 5 bộ đồ lót dài cho bé (肌着 / はだぎ / hadagi)
- 10 chiếc quần dài (ズボン / zubon)
- 2-3 chiếc áo gile (ベスト / besuto), áo len (セーター / se-ta), áo bông dài tay(綿入れ / わたいれ / wataire) mỗi loại
2 – Mũ, bao tay bao chân và yếm
- 5 chiếc mũ (帽子 / ぼう / bousi), trong đó nên có 1-2 chiếc chất liệu nỉ hoặc len lót lông để đội khi trời lạnh, mẹ cần đưa bé ra ngoài. Nếu chỉ ở trong nhà, mẹ đội cho bé mũ vải mềm và quấn khăn là đủ rồi mẹ nhé.
- 5 bộ bao tay (赤ちゃん用ミト / Akachan-yō miton) bao chân (子供のフットカバー:こどものフットカバー: kodomonofuttokaba). Mẹo nhỏ cho mẹ là hãy chọn cùng 1 kiểu và cùng 1 màu sắc cho cả 5 bộ, trong trường hợp bị rơi hoặc mất có thể dùng thay thế rất linh hoạt.
- 5 chiếc yếm(新生児よだれかけ/ 新生児よだれか / shinseiji yodarekake) để giữ ấm cổ bé và tránh làm bẩn quần áo khi bé ăn hoặc nôn trớ.
2.2. Các loại khăn lau
Ngoài loại khăn khổ to để lót người, mẹ nên dùng thêm khăn vải đa năng và khăn ướt thay cho khăn sữa, khăn xô bởi khăn vải đa năng, khăn ướt chất lượng được sản xuất hoàn toàn từ các thành phần tự nhiên, có tính kháng khuẩn cao và đặc biệt rất tiện lợi, không cần giặt giũ vất vả. Một vài đồ vải vệ sinh cá nhân khác mẹ cần chuẩn bị bao gồm:
- 5 khăn lông lớn (大きな綿タオ / おおきなめんタオル / okina mentaoru) dùng để quấn người, lau người khi bé tắm hoặc kê cho bé khi nằm
- 5 khăn lót mông (ベビーバットタオル / bebibattotaoru) cho bé khi nằm
- 1 – 2 hộp khăn khô đa năng(多機能ドライトオル / たきのうドライタオル / ta kinou doraiotaru)
- 1-2 gói khăn ướt(新生児用ウェットテュッシ / しんせいじようウェットティッシュ(shinseiji youuettotishu) chuyên dùng cho bé sơ sinh
2.3. Tã mặc cho bé
Do thời tiết Nhật Bản khá lạnh nên việc giặt đồ, phơi đồ của mẹ trở nên khó khăn hơn ở Việt Nam. Tã dán là lựa chọn hoàn hảo nhất giúp mẹ không mất công giặt giũ, luôn đảm bảo con được sử dụng tã thơm tho sạch sẽ, không bị ẩm mốc khó chịu. Cùng tham khảo 4 tiêu chí chọn tã dán cho bé mới sinh sau đây mẹ nhé:
- Ưu tiên chất liệu bông tự nhiên: Bông tự nhiên mềm mại và thân thiện với làn da bé, có khả năng thấm hút cực tốt, không bị vón cục, giúp mông bé yêu luôn khô thoáng khi đóng tã.
- Chọn các thiết kế có hạt SAP thấm hút và các rãnh thấm hút: Nhanh chóng hút hết chất lỏng, ngăn thấm ngược hiệu quả và hạn chế sự tiếp xúc của da bé với chất bẩn. Da bé luôn khô ráo, thông thoáng trong thời tiết oi bức của mùa hè và không bị lạnh trong tiết trời mùa đông.
- Kích cỡ: Tùy từng thương hiệu tã dán, tã cho bé mới sinh thường được đánh dấu 2 cỡ nhỏ nhất là Newborn (dùng cho bé từ 0,5kg, giai đoạn 0 – 1 tháng tuổi) và S (dành cho bé dưới 5kg). Mẹ nên chọn một trong 2 cỡ này tùy vào cân nặng của con.
- Số lượng: Mẹ chuẩn bị tối thiểu 10 miếng tã 1 ngày bởi trung bình mỗi ngày bé đi vệ sinh từ 8-10 lần. Trong 1 tháng đầu, ước tính mẹ cần từ 240-300 miếng tã.
3. Chọn sản phẩm giúp bé ti sữa ngon miệng
Vật dụng phục vụ ăn uống hàng ngày của con rất cần được chú trọng bởi mỗi ngày, con ti sữa đến 4 – 5 lần, thậm chí hơn. Mẹ ưu tiên sản phẩm được sản xuất bởi các thương hiệu uy tín, quy trình hiện đại, nguyên liệu chất lượng cao, không chứa các chất gây hại cho con như BPA – chất gây rối loạn hệ thần kinh, ảnh hưởng đến não bộ, khả năng sinh sản và một số bệnh lý khác… Danh sách đồ dùng và dụng cụ ăn uống cho mẹ đây ạ:
1 – Chuẩn bị 2 bình sữa thuỷ tinh cổ rộng 120ml: Bình sữa cổ rộng với đường kính miệng bình lớn là cứu tinh giúp mẹ đỡ vất vả hơn khi pha sữa, hạn chế bột sữa rớt ra ngoài và dễ dàng cọ rửa từng ngóc ngách sau khi con ti xong. Mẹ lưu ý chọn bình 120ml bởi bé dưới 3 tháng tuổi ăn khoảng 60ml – 120ml/cữ, trung bình 5 – 8 cữ mỗi ngày. Bình sữa dung tích 120ml là sự lựa chọn phù hợp, đảm bảo bé ăn đủ lượng sữa trong 1 cữ.
2 – Chuẩn bị 1 – 2 cái núm ti cao su: Cao su có độ mềm dẻo vừa đủ, mang lại cảm giác thân thuộc như khi ti mẹ. Tùy thương hiệu núm ti, mẹ chọn kích thước núm nhỏ nhất, tương đương size S hoặc size số 1 với tốc độ chảy từ 2 đến 3 giọt trong 1 giây là vừa.
3 – Mua 1 hộp sữa bột hoặc sữa non cho bé từ 0 tháng tuổi: Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tuyệt vời cho bé, tuy nhiên nếu mẹ chưa xuống sữa kịp, sữa bột sẽ rất hữu dụng và bổ sung dinh dưỡng đầy đủ cho bé.
Mẹ tham khảo bài viết: Sữa Nhật cho bé 0 đến 6 tháng tuổi để chọn được loại sữa phù hợp cho bé yêu nhé!
4 – Sắm 2 – 3 ly và muỗng cho bé uống nước. Mẹ chọn mua loại làm từ chất liệu mềm như silicon hoặc TPR (thermoplastic rubber) và chỉ dùng riêng cho bé thôi nhé, không dùng chung với các thành viên khác trong gia đình để đảm bảo vệ sinh.
Ngoài ra, mẹ cân nhắc mua thêm máy tiệt trùng sữa bằng hơi nước cho bình sữa và núm vú để bình sữa luôn sạch khuẩn, không có mùi hôi, mẹ cũng đỡ vất vả hơn, không phải dành quá nhiều thời gian để ngâm bình qua nước sôi rồi đun tiệt trùng. Nếu điều kiện kinh tế chưa cho phép hoặc mẹ cảm thấy chưa cần thiết, mẹ tham khảo hướng dẫn tiệt trùng bình sữa đúng cách để đảm bảo vệ sinh cho bé nhé!
4. Chăm sóc da con với các sản phẩm nguồn gốc thiên nhiên
Nhật Bản đặc trưng bởi mùa đông lạnh, mùa hè khô và nóng, hệ thống sưởi ấm và điều hòa trong nhà dễ khiến da bé dễ bị khô rát khó chịu. Mẹ nên chọn các sản phẩm chăm sóc da với thành phần thiên nhiên, vừa dưỡng ẩm dịu nhẹ, vừa ngăn mẩn đỏ và hăm tã cho bé. Các sản phẩm chăm sóc da mẹ nên chuẩn bị bao gồm:
1 – Chọn 1 – 2 chai xịt chăm sóc da: Dạng xịt tránh nhiễm khuẩn ngược (vi khuẩn lây lan từ tay bôi đến vùng da bị tổn thương) hoặc tránh đau rát khi tay mẹ chạm vào da bé, giúp da con luôn mềm mại, mịn màng.
2 – Chọn 1 lọ dầu tràm hoặc dầu khuynh diệp: dùng để bôi lòng bàn chân, hoặc lên cơ thể bé giúp bé tránh cảm gió, xua muỗi, côn trùng rất hiệu quả.
3 – Chọn 1 chai bọt tắm gội chuyên dụng cho trẻ sơ sinh: Mẹ ưu tiên các sản phẩm có chứa hoạt chất kháng khuẩn, dưỡng ẩm và ngừa mẩn ngứa giúp làm sạch nhẹ nhàng, ngăn ngừa nhiễm trùng, không gây kích ứng và tự tạo lớp màng bảo vệ da bé.
5. Chọn sản phẩm cho phòng ngủ của con
Những tháng đầu đời, bé sơ sinh dành tới 18 tiếng 1 ngày cho giấc ngủ. Các sản phẩm phòng ngủ rất cần được đầu tư để đảm bảo chất lượng giấc ngủ của con, giúp hạn chế khóc dạ đề, ọ ọe giữa đêm. Mẹ chuẩn bị vật dụng theo danh sách sau nhé:
- 1 chiếc màn chụp
- 2 chiếc gối chống lõm đầu
- 2 bộ gối chặn
- 1 bộ chăn mỏng và 2 chăn dày
- 2 – 3 chiếc ga hoặc miếng lót chống thấm.
6. Các sản phẩm vệ sinh hàng ngày không thể thiếu
6.1. Các sản phẩm vệ sinh rốn và vùng kín cho bé
Rốn và vùng kín là các bộ phận nhạy cảm, dễ bị tổn thương trong giai đoạn đầu đời. Vệ sinh rốn đúng cách giúp rốn rụng nhanh hơn, không gây nhiễm trùng, biến chứng. Vệ sinh vùng kín đảm bảo vùng kín con luôn sạch sẽ, không bị hăm, đỏ rát hoặc kích ứng, nổi mụn… Danh sách dưới đây là những đồ dùng mẹ cần chuẩn bị cho bé:
- 3 gói bông y tế
- 2 gói tăm bông cho trẻ sơ sinh
- 4 túi băng rốn
- 1 lọ nước muối sinh lý để lau rốn sau khi tắm hoặc vệ sinh rốn lúc rốn bé chưa rụng
- 1 lọ cồn y tế 60 độ để tiệt trùng rốn cho bé.
6.2. Chậu cho bé
Để đảm bảo vệ sinh, mẹ chuẩn bị 1 chiếc chậu tắm riêng và 1 chậu rửa mặt dành riêng cho bé yêu, không dùng chung 2 loại này với nhau hoặc dùng chung với người lớn.
6.3. Sản phẩm và dụng cụ vệ sinh bình sữa
Mẹ nên chọn mua các sản phẩm và dụng cụ vệ sinh bình sữa có thành phần thiên nhiên lành tính, có khả năng kháng khuẩn và làm sạch hiệu quả, giảm thiểu nguy cơ nhiễm khuẩn, không làm biến chất các yếu tố dinh dưỡng có trong sữa. Danh sách đồ cho mẹ đây ạ:
- 1 bộ dụng cụ rửa bình sữa
- 1 chai nước rửa bình sữa chuyên dụng cho trẻ sơ sinh
- 1-2 cái dụng cụ gắp bình sữa
- 1 khay úp bình sữa.
7. Sản phẩm chăm sóc sức khỏe cho con
Thời tiết khắc nghiệt của Nhật Bản khiến bé rất dễ bị cảm lạnh, viêm phổi vì hệ miễn dịch của bé chưa hoàn thiện. Mẹ lưu ý sử dụng các sản phẩm chăm sóc sức khỏe thiết yếu để tăng cường hệ miễn dịch, giúp bé phát triển toàn diện:
- 1 chiếc nhiệt kế để theo dõi thân nhiệt bé trong lúc ốm hoặc đo nhiệt độ khi pha sữa
- 1 hộp men vi sinh giúp bé tiêu hoá dễ hơn
- Vitamin D3 giúp bé chắc khỏe xương.
Một số sản phẩm mẹ cân nhắc mua thêm nếu cần:
- 1 chiếc máy hút mũi dùng thông đường thở của bé khi bé bị ngạt mũi
- 1 chiếc máy giữ ẩm có tác dụng làm ẩm không khí, giúp giảm ho, viêm họng, hạn chế khô da
- Một số vật dụng khác như: giỏ đựng đồ sạch, giỏ đựng đồ bẩn, tủ đựng quần áo và đồ sơ sinh, bô ngồi, bấm móng tay…
8. Địa chỉ mua đồ sơ sinh cho bé tại Nhật
Dưới đây là một vài địa chỉ mua sắm đồ sơ sinh cho bé uy tín tại xứ sở mặt trời mọc, mẹ cân nhắc để chọn địa chỉ mua gần nhà mình nhất và phù hợp với mua cầu mua sắm của mình nhất nhé:
1 – Trung tâm mua sắm: Takashimaya Shinjuku (新宿高島屋), Family Mart, Aeon Mall, Akachan honpo (アカチャンホンポ), Shimamura & Avail (しまむらショッピングセンター), Toys R Us (Aqua City – Odaiba).
2 – Các shop bán đồ sơ sinh: Kodomo Beams, Stomp Stamp, Ma Mere, Sayegusa (サヱグサ), Caramel Baby.
3 – Mua sắm online: Mẹ bỉm cũng có thể “mua sắm tại gia” với sự trợ giúp của các thiết bị thông minh thông qua các sàn thương mại điện tử như Amazon, Aliexpress, Mercari. Rất tiện lợi, dễ dàng chọn lựa lại không mất quá nhiều thời gian.
Hy vọng những chia sẻ vừa rồi phần nào giúp mẹ chuẩn bị sinh đồ cho bé sơ sinh ở Nhật dễ dàng và chính xác hơn, hạn chế mua thừa, mua đồ dùng không phù hợp với con. Nếu mẹ còn điều gì thắc mắc, hãy để lại bình luận để được giải đáp nhanh nhất.