Canxi là một loại khoáng chất thiết yếu cho sự phát triển của bé, giúp cơ thể bé luôn khỏe mạnh và duy trì hệ thống xương chắc khỏe. Tùy theo tình trạng sức khỏe của bé nhà mình để bổ sung lượng canxi phù hợp mẹ nhé. Tham khảo ngay hướng dẫn bổ sung canxi cho trẻ sơ sinh chuẩn khoa học dưới đây giúp con yêu luôn khỏe mạnh, lớn khôn từng ngày.
Mục lục
1. Ý nghĩa của canxi với sự phát triển của trẻ sơ sinh
Canxi hay calcium là loại khoáng chất chiếm 1,5 đến 2% trọng lượng cơ thể, đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển xương và răng của bé. Bổ sung đủ canxi cho bé không chỉ giúp bé có hệ thống xương chắc khỏe, bảo vệ sức khỏe tim mạch mà còn giúp ngăn ngừa nguy cơ còi xương hiệu quả. Hiểu tầm quan trọng của loại khoáng chất này để bổ sung kịp thời cho bé mẹ nhé!
- Bảo vệ sức khỏe xương: Theo Trường Y tế Công Cộng Harvard, 99% canxi của cơ thể được lưu trữ trong xương và chỉ 1% còn lại được tìm thấy trong máu, cơ và các mô khác. Nhờ đó mà việc bổ sung canxi sẽ giúp xương bé luôn chắc khỏe, hạn chế gãy xương, loãng xương hiệu quả.
- Giảm nguy cơ cao huyết áp: Một số nghiên cứu mới đây từ Hiệp hội Dinh dưỡng Hàn Quốc và Hiệp hội Dinh dưỡng Cộng đồng Hàn Quốc, đã cho thấy bổ sung đầy đủ canxi sẽ giảm nguy cơ cao huyết áp, đồng thời giúp huyết áp của bé luôn ở mức ổn định, nâng cao sức đề kháng cho bé.
- Giảm nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng: Theo nghiên cứu từ Quỹ Nghiên cứu Ung thư Thế giới và Viện Nghiên cứu Ung thư Hoa Kỳ, bổ sung 200mg canxi mỗi ngày và ăn các thực phẩm từ sữa có hàm lượng canxi cao giúp bé giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng.
- Ngăn ngừa sỏi thận: Theo nghiên cứu từ khoa tiết niệu của trường Đại học Washington, Seattle, Hoa Kỳ cho thấy việc ăn các loại thực phẩm giàu canxi sẽ giúp giảm hấp thu oxalat, một loại chất hình thành nên sỏi thận, giúp bé phòng tránh sỏi thận.
2. Nhu cầu canxi của trẻ sơ sinh theo từng độ tuổi
Để đảm bảo bé yêu được phát triển toàn diện và có xương chắc khỏe, mẹ cần bổ sung lượng canxi cho bé phù hợp với từng độ tuổi. Nếu bé không được bổ sung đủ canxi, bé sẽ dễ bị còi xương, suy dinh dưỡng, sâu răng, hạn chế phát triển chiều cao, và thậm chí dẫn đến chân vòng kiềng nữa. Tuy nhiên, cũng đừng bổ sung quá mức để tránh bé bị táo bón và ảnh hưởng đến chức năng lọc của thận mẹ nhé.
Dưới đây là lượng canxi cho bé sơ sinh dưới 1 tuổi, lưu lại ngay để bổ sung đủ canxi cho bé yêu nhé!
- Với bé từ 0 – 6 tháng tuổi: Mẹ bổ sung cho bé 300mg/ngày.
- Với bé từ 7 – 11 tháng tuổi: Mẹ bổ sung cho bé 400mg/ngày.
- Với bé từ 1 – 2 tuổi: Mẹ bổ sung cho bé 500mg/ngày.
3. Bé bị thiếu canxi và 3 điều mẹ cần biết
Theo kết quả nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, 37% trẻ em Việt Nam thiếu canxi và Vitamin D. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy cho sức khỏe của bé, khiến bé hạn chế phát triển chiều cao, chậm mọc răng và thường xuyên quấy khóc. Mẹ “nằm lòng” ngay 3 điều dưới đây để nhận biết khi nào bé bị thiếu canxi và cách bổ sung canxi cho bé mẹ nhé!
3.1. Dấu hiệu cho thấy bé bị thiếu canxi
Nếu thấy bé nhà mình có những dấu hiệu dưới đây, đã đến lúc mẹ cần bổ sung canxi ngay để đảm bảo sức khỏe cho con đó:
- Bé thường trằn trọc, quấy khóc, khó ngủ và ra mồ hôi trộm nhiều vào ban đêm, kể cả khi trời lạnh.
- Bé bị chậm mọc răng hoặc răng bé mọc xiêu vẹo, không cân đối.
- Phần tóc ở vùng gáy bé bị rụng nhiều, dân gian thường gọi là “chiếu liếm” hay tóc rụng vành khăn.
- Bé có cột sống cong vẹo, chân vòng kiềng.
- Bé chậm lớn, chậm biết trở, lật người, chậm biết bò, biết đi.
- Bé chậm phát triển thể lực, da bé xanh xao.
3.2. Nguyên nhân thiếu canxi ở trẻ sơ sinh
Hầu hết bé sinh thiếu tháng thường có nguy cơ thiếu canxi cao hơn bé được sinh đủ tháng do chưa được bổ sung đầy đủ canxi từ mẹ. Ngoài ra, bé cũng có thể thiếu canxi do:
- Mẹ không cho bé tắm nắng thường xuyên, bé thiếu hụt vitamin D khiến cơ thể không thể hình thành canxi và phốt pho trong mô xương
- Nồng độ canxi trong sữa mẹ thấp do mẹ ăn chay hoặc có chế độ dinh dưỡng thiếu canxi.
- Bé có các triệu chứng dị tật ở tuyến giáp.
- Trong quá trình sinh, bé bị ngạt hoặc thiếu oxy.
- Mẹ bị đái tháo đường thai kỳ, ngộc độc thai nghén trong quá trình mang thai,.. gây di chứng cho bé.
3.3. Bé bị thiếu canxi, mẹ nên làm gì?
Nếu bé có dấu hiệu thiếu canxi, mẹ đừng quá lo lắng bởi đây là tình trạng phổ biến, không phải bệnh lý và hoàn toàn có thể khắc phục được nhờ cách chăm sóc khoa học. Chỉ cần thực hiện theo các bước sau là bé yêu được bổ sung canxi đầy đủ rồi!
3.3.1. Cho bé ti đủ sữa
Sữa mẹ và cả sữa công thức luôn là một nguồn canxi dồi dào và giàu dưỡng chất cho bé yêu. Theo các nghiên cứu gần đây, trung bình trong 1 lít sữa mẹ có chứa tới 252mg canxi. Khi cho bé ti đủ lượng sữa phù hợp, bé cũng sẽ được hấp thu đủ lượng canxi cần thiết cho cơ thể. Dưới đây là lượng sữa mà bé cần hấp thu theo từng độ tuổi. Mẹ tham khảo và áp dụng ngay nhé!
3.3.2. Bổ sung thực phẩm giàu canxi vào thực đơn của mẹ và bé
Bên cạnh việc cho bé ti đủ sữa, mẹ đừng quên bổ sung thêm các thực phẩm giàu canxi vào thực đơn của mẹ và bé mẹ nữa nhé. Với các bé dưới 6 tháng tuổi, vẫn còn ti mẹ, mẹ cần bổ sung đủ 1300mg canxi/ ngày, ăn nhiều ngũ cốc, hạt và các loại rau xanh như: cải thìa, cải xoăn,… để sữa mẹ không bị thiếu canxi và các khoáng chất.
Nếu bé yêu nhà mình dưới 6 tháng và đang ti sữa công thức, mẹ ưu tiên cho bé uống các dòng sữa chứa nhiều canxi và vitamin D như Friso Gold, Celia Expert 3,… Với các bé trên 6 tháng và đã bước sang giai đoạn ăn dặm, mẹ nhớ thêm vào thực đơn của bé các thực phẩm giàu canxi như cá chép, cá thu, cua biển mẹ nhé. Mẹ tham khảo cách chế biến món cháo cua biển vừa hấp dẫn lại cực đơn giản cho bé ăn dặm tại đây để bổ sung canxi cho bé ngay thôi!
3.3.3.Cho bé tắm nắng
Tắm nắng là phương pháp trực tiếp nhất giúp bé tổng hợp vitamin D, hay còn gọi là “Vitamin mặt trời”. Loại vitamin này giúp bé hấp thụ canxi và photpho tốt hơn, xương và và răng chắc khỏe. Mẹ cho bé tắm nắng từ 10 – 20 phút vào khoảng 6 – 9 giờ sáng để hạn chế tác hại của tia UV, đồng thời, không cho ánh nắng chiếu thẳng vào đầu hay mắt bé và không tắm nắng cho bé qua cửa kính để cơ thể bé hấp thụ vitamin D tốt nhất mà không bị bỏng rát da nhé.
Đọc ngay bài viết sau để nắm rõ Cách tắm nắng cho bé sơ sinh chuẩn khoa học!
3.3.4. Bổ sung vitamin D
Theo một nghiên cứu được công bố tại Thư viện Y khoa Quốc gia – Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ, nếu không có đủ vitamin D, cơ thể sẽ hấp thụ không quá 10 – 15% lượng canxi trong các thực phẩm mà bé tiêu thụ. Ngược lại, nếu đủ vitamin D, bé có thể hấp thu từ 30 – 40% canxi. Vì vậy, đừng quên bổ sung vitamin D cho con song song với việc bổ sung canxi mẹ nhé.
Với bé từ 0 đến 11 tháng tuổi, mẹ nên cho bé hấp thu 10mcg vitamin D/ngày và tăng lên 15mcg/ngày với bé từ 1-2 tuổi. Mẹ bổ sung vào thực đơn ăn dặm của bé các thực phẩm giàu vitamin D như trứng, cá hồi, cá thu, cá chép, cua biển,… và các loại sữa, ngũ cốc để đổi bữa cho bé yêu.
3.3.5. Bổ sung canxi dạng uống
Mẹ nên bổ sung canxi bằng dạng uống cho bé, nhất là với bé từ 6 – 12 tháng tuổi, giai đoạn bé cần hấp thu đủ canxi để phát triển toàn diện. Mẹ cho bé uống canxi vào buổi buổi sáng để cơ thể hấp thụ dinh dưỡng một cách tốt nhất, và tuyệt đối không để bé uống lúc đói, dễ khiến con bị co bóp, đau dạ dày. Một số sản phẩm canxi dạng uống để mẹ tham khảo như: Hero Kid Gold, Nubest Tall, Canxi Hartus,…
4. Bé thừa canxi và 3 điều mẹ cần biết
Bổ sung canxi cho sự phát triển của bé rất quan trọng. Tuy nhiên, mẹ cần lưu ý không nên cho bé hấp thụ lượng canxi quá mức cần thiết. Việc lạm dụng canxi có thể ảnh hưởng đến khả năng phát triển chiều cao của bé sau này, đồng thời khiến bé dễ bị táo bón, rối loạn tiêu hóa, nhức mỏi các cơ. Đọc ngay lưu ý dưới đây để điều chỉnh ngay nếu bé nhà mình gặp phải trường hợp này nhé!
4.1. Dấu hiệu cho thấy bé bị thừa canxi
Để nhận biết bé bị thừa canxi, mẹ cần thường xuyên quan sát các biểu hiện và tình trạng sức khỏe của bé. Dưới đây là 6 dấu hiệu thường gặp ở bé sơ sinh bị thừa canxi:
1 – Bé bị táo bón: Cơ thể bé khó có thể hấp thu canxi hoàn toàn mà chỉ có thể hấp thu tối đa 60% canxi. Lượng canxi không được hấp thụ sẽ rút hết nước ở phần ruột già của bé, khiến phân khô và cứng lại, gây ra tình trạng táo bón.
2 – Bé có dấu hiệu đau bụng, nôn, trớ: Thừa canxi dễ khiến cơ quan cận giáp phải làm việc liên tục để sản sinh hoocmon. Từ đó bé dễ mắc các triệu chứng cường giáp, nôn trớ.
3 – Bé biếng ăn: Thừa canxi ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của bé, khiến bé luôn cảm thấy mệt mỏi, ăn không ngon miệng và thường xuyên quấy khóc.
4 – Bé có dấu hiệu mệt mỏi, ủ rũ, mất tập trung: Lượng canxi trong máu vượt quá mức ổn định sẽ khiến não của bé hoạt động kém hơn bình thường, bé ủ rũ, mệt mỏi và mất tập trung..
5 – Bé đi tè nhiều, đi tè ra máu: Hấp thu quá mức canxi khiến thận bé phải hoạt động liên tục để đào thải lượng canxi dư thừa. Vì thế, bé sẽ thường xuyên khát nước và muốn đi tè nhiều lần, thậm chí là đi tè ra máu nữa đấy ạ.
6 – Bé có nhịp tim rối loạn: Lượng canxi trong máu cao cũng gây áp lực lên tim của bé, khiến tim đập nhanh hơn, nhịp tim rối loạn và thậm chí còn gây ra những cơn đau tim cho bé.
4.2. Nguyên nhân thừa canxi ở trẻ sơ sinh
Bé bị thừa canxi có thể đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau, không chỉ đến từ việc mẹ cho bé uống canxi nhiều hơn mức cần thiết đâu ạ.
1 – Chế độ dinh dưỡng giàu canxi không khoa học: Nếu mẹ cho bé ăn liên tục các món ăn giàu canxi như súp lơ xanh, cua biển, cải chíp, hàu,… mà không có sự cân bằng với các thực phẩm khác, bé sẽ rất dễ bị thừa canxi.
2 – Mẹ tự bổ sung canxi cho bé mà không tham khảo ý kiến bác sĩ: Mẹ bổ sung canxi mà không tuân thủ liều lượng khiến bé nạp thừa lượng canxi cần thiết cho cơ thể.
3 – Do yếu tố di truyền: Nếu các thành viên trong gia đình đã từng bị tăng canxi máu, khả năng bé bị thừa canxi có thể xảy ra rất cao.
4.3. Bé bị thừa canxi, mẹ nên làm gì?
Khi bé có các dấu hiệu thừa canxi, mẹ nên đi tư vấn bác sĩ để tìm ra giải pháp thích hợp với tình trạng sức khỏe của bé. Mẹ nhớ điều chỉnh lại thực đơn ăn dặm của bé, ngừng ngay tất cả các thực phẩm bổ sung canxi và không cho bé tắm nắng. Khi lượng canxi trong máu của bé đã ổn định trở lại, mẹ cho bé hấp thu canxi qua sữa, thực phẩm và kết hợp bổ sung lượng vitamin D vừa đủ như Góc của mẹ đã hướng dẫn để bé yêu phát triển bình thường mẹ nha.
Canxi quả là một khoáng chất quan trọng với cơ thể bé. Sau bài viết này, chắc hẳn mẹ đã hiểu cách bổ sung canxi cho trẻ sơ sinh chuẩn khoa học rồi. Bên cạnh đó, đừng quên quan sát bé thường xuyên để kịp thời phát hiện bé có các dấu hiệu thừa, thiếu canxi và đưa ra giải pháp phù hợp mẹ nhé. Nếu còn điều gì thắc mắc, mẹ để lại bình luận để được hỗ trợ nhanh nhất.